Thương hoài “kem chuối lắc”
Giữa bộn bề phố thị tôi bỗng thấy lòng xao xuyến khi nghe tiếng rao “ kem chuối đây…”. Từ trong nhà, bọn con nít túa ra vây quanh thùng kem chuối.
“Con miếng kem chuối”, “con nữa”, “2 miếng luôn”… Tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của những đứa trẻ làm tôi nhớ giọng rao ngày xưa của mẹ, cũng giọng rao ấy nuôi lớn chúng tôi từng ngày, nhớ miếng “ kem chuối lắc” béo ngậy, ngọt ngào thấm vị mồ hôi của mẹ.
Ngày xưa, nhà tôi một năm chỉ làm một vụ lúa, thu hoạch lúa xong, những ngày nắng, dưới ruộng trơ gốc rạ, trên bờ là hàng chuối xanh rì. Năm nào lúa thất mùa, mẹ làm kem chuối bán kiếm thêm tiền cho chúng tôi đi học.
Kem chuối là món ăn được ưa thích của trẻ con.
Cứ vài ngày mẹ bơi xuồng ra ruộng, nhìn lên hàng chuối, thấy buồng chuối nào vừa độ già mẹ khéo léo dùng dao chặt ngang nửa thân cho cây đổ xuống, cắt buồng chuối rồi nhẹ nhàng đặt xuống xuồng. Rồi mẹ tách từng nải chuối bỏ vào thúng tre bên dưới có lớp lá chuối khô và ủ thêm lớp lá chuối khô trên mặt cho chuối mau chín, khi chuối chín vàng đều mẹ đem ra làm kem chuối.
Video đang HOT
Dừa khô lột vỏ, gọt sạch gáo, dùng sóng dao đập mạnh cho gáo dừa bể thành hai phần bằng nhau, việc đập gáo dừa cũng là một nghệ thuật, thường mẹ tôi đảm trách việc này, mẹ nói nếu đập không khéo gáo dừa bị bể hay không đều sẽ khó nạo. Bàn nạo dừa được cha làm bằng gỗ, chọn những nhánh cây hoặc rễ cây có dáng nằm rồi gọt, đẽo thêm cho bóng, bàn nạo dừa như con ngựa gỗ 2 chân có cái lưỡi răng cưa bằng sắt. Lúc nạo dừa phải xoay miếng dừa thật đều tay, không cho phạm vào gáo dừa và cơm dừa không bị văng ra ngoài, từ từ lấy hết phần cơm dừa. Để vắt nước cốt dừa mẹ dùng nước ấm, vì nước ấm thì mới vắt hết tinh chất béo của dừa.
Trên bếp củi cháy bùng, mẹ bắc nồi nước cốt dừa pha thêm ít bột củ năng, đường. Khi nước cốt dừa sôi, mẹ dùng muỗng khuấy đều tay đến khi nước cốt dừa hoà vào bột sánh lại thì nhắc xuống, để nguội. Đậu phộng rang vàng, giòn. Chị em tôi có nhiệm vụ bóc vỏ đậu phộng. Bốn cái đầu chụm lại cong môi lên thổi, vỏ đậu phộng bay ra ngoài, hột đậu còn lại trong chảo, đến khi nhìn nhau thì tay, mặt, tóc đứa nào cũng dính đầy vỏ đậu phộng, không ai nhịn được cười…
Chuối lột vỏ, trái to thì cắt đôi, trái nhỏ để nguyên, mẹ cho vào bọc ni lông. Đặt chuối giữa 2 tấm thớt, ấn mạnh tay để ép chuối dẹp và mỏng. Múc hỗn hợp nước cốt dừa đã nguội phết đều lên bề mặt chuối, rắc thêm ít đậu phộng đâm sơ, lật mặt chuối bên kia và làm tương tự, dùng tay ép nhẹ cho nước cốt phủ đều, bao quanh miếng chuối, gấp chặt bọc ni lông lại. Mẹ tiếp tục đều tay với những trái chuối khác đến khi hết chuối, công đoạn cuối cùng là mẹ cho lớp nước đá, lớp muối và những miếng kem chuối vào thùng xốp, đóng nắp thùng lại.
Phần cực nhất là lắc thùng kem chuối, phải lắc mạnh và đều tay kem chuối mới nhanh đông lại cho mẹ kịp bán buổi trưa. Chị em tôi cũng phụ mẹ, đứa này mỏi tay thì tới đứa kia, nhưng cuối cùng vẫn là mẹ, mồ hôi ướt đầm lưng áo mẹ.
Mở nắp thùng kem, hơi lạnh phà vào mặt mát lạnh. Bóc miếng kem chuối, gỡ lớp bọc ni lông, cắn miếng kem mát lạnh, vị ngọt của chuối, vị béo của nước cốt dừa, giòn giòn của đậu phộng rang hoà lẫn vào nhau… làm tôi cứ mãi xuýt xoa. Chế Hai cốc đầu tôi đau điếng, bảo để mẹ bán, chiều dư mới được ăn.
Mẹ máng thùng kem chuối vào cánh tay gầy đi giữa nắng. Mẹ nói trời nắng mới bán được kem. Có những hôm trời mưa, tiếng rao của mẹ buồn hiu, lọt thỏm giữa màn mưa xa vắng…
Giờ công nghệ hiện đại, kem chuối làm xong bỏ vào tủ lạnh vài tiếng là có miếng kem chuối đặc dẻo, mát lạnh hay chỉ cần click chuột hoặc nhấc điện thoại a lô là có nhân viên giao tận nhà, chẳng phải bỏ công ngồi “lắc” đến tay mỏi nhừ, mồ hôi ướt đầm áo mới có được miếng kem chuối dẻo thơm.
“Mẹ ăn kem chuối hôn”, tiếng của con làm tôi quay về thực tại. Cắn miếng kem chuối cũng mát lạnh, ngọt, béo, giòn nhưng tôi vẫn thấy không ngon bằng “kem chuối lắc” của mẹ./.
Béo - ngọt món kem chuối
Thời tiết nóng nực, không gì thích bằng được thưởng thức món kem mát lạnh. Sẵn nhà còn nải chuối má mua cúng xong, để ở góc bếp mấy ngày không ai dòm ngó nay đã chín rục, chị Hai mang ra làm kem chuối.
Kêu ăn chuối thì đứa lắc đầu, đứa ngó lơ giả đò như không nghe thấy gì, vậy mà nghe rủ làm kem chuối, mấy đứa nhỏ khoái ra mặt. Thấy tụi nhỏ hí ha hí hửng nhào vô bếp xin được làm phụ bởi kem là món khoái khẩu của chúng, chị Hai cũng vui lây. Vậy là cắt việc cho từng đứa một: đứa lột vỏ chuối, đứa rọc bọc kiếng, đứa bóc vỏ đậu phộng...
Chị Hai hướng dẫn nhỏ Thư lột vỏ, tước cả sợi chỉ trên trái chuối, sau đó thả vào thau nước muối pha loãng ngâm một lúc cho sạch mủ, dùng khăn giấy thấm khô. Xong, chị lại quay qua nhắc thằng Khánh cẩn thận với cây kéo đang cầm trên tay, chỉ cần rọc một bên mép bọc để hở. Với thằng Long thì chị làm mặt nghiêm khi thấy nó vừa bóc vỏ đậu phộng vừa... nhai: "Hồi nãy rang đậu, cô Hai đếm hết thảy là 888 hạt. Bóc vỏ xong, đếm lại mà thiếu một hạt là ăn một roi nghe con!". Thằng Long tưởng thật, lí nhí: "Dạ, có mấy hạt bị bể, con lỡ ăn rồi... Mà nhiêu đây, sao tới 888 hạt, cô Hai?". Mấy đứa lớn "châm dầu vào lửa": "Lỡ ăn mấy hạt thì một hồi nhịn, khỏi ăn kem... Muốn ăn roi hay ăn kem chuối thì tự chọn đi".
Trong lúc mấy đứa nhỏ sơ chế chuối, chị Hai bắt xoong nấu nước cốt dừa với một ít muối, đường. Pha chút bột năng hòa với nước cho vào nước cốt dừa để tạo một hỗn hợp sền sệt. Vặn lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều tay đến khi bột sôi và sánh lại thì tắt bếp để nguội.
Chuối cắt đôi, bỏ vào túi nylon, đặt giữa hai tấm thớt, ấn mạnh tay để ép mỏng chuối.
Múc một muỗng hỗn hợp nước cốt dừa đã nguội phết đều lên bề mặt chuối. Lật mặt chuối bên kia và làm tương tự, dùng tay ép nhẹ cho nước cốt dàn đều. Tiếp đến, rắc ít dừa nạo sợi và đậu phộng giã hơi dập lên miếng chuối, gập phần bao nylon thừa lại. Cho kem chuối vô hộp, để vào ngăn đá tủ lạnh.
Trưa hè nóng nực, mấy đứa nhỏ lại loi nhoi đòi ăn kem. Gỡ lớp bọc kiếng, cắn miếng kem mát lạnh, mùi thơm, vị ngọt của chuối, vị béo của nước cốt dừa, giòn giòn của đậu phộng rang hòa lẫn vào nhau..., mấy nhóc cứ xuýt xoa. Nhìn tụi nhỏ, chị Hai như thấy lại hình ảnh của mình thời vô nghĩ vô lo. Đến lượt tụi nhỏ rủ rê: Bữa nào bà nội mua chuối, mình làm kem ăn nữa nghen cô Hai!
Bún nước lèo - món ăn dân dã làm nên thương hiệu ẩm thực đất Mũi Bún nước lèo là món ăn dân dã được rất nhiều thực khách ưa thích bởi nước dùng thoang thoảng mùi mắm cá linh, cá sặc quyện cùng vị ngọt của tép bạc khiến món ăn trở nên khó quên. Du khách đến miền Tây có thể thưởng thức món bún nước lèo ở nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu.. nhưng...