Thượng Hải sẽ tự do thương mại đến cỡ nào?
Trung Quốc hy vọng khu thương mại tự do tại Thượng Hải sẽ trở thành “Hồng Kông thứ hai” và là kiểu mẫu cho cải cách kinh tế.
Khu thương mại tự do Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động ngày 29.9 – Ảnh: Reuters
Ngày 29.9, Khu thương mại tự do (FTZ) Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động sau thời gian dài chuẩn bị. Trong lễ khai trương, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành nhấn mạnh xây dựng FTZ là quyết định quan trọng trong thời đại mới của cải cách và mở cửa ở Trung Quốc. “Điều này phù hợp khuynh hướng của diễn biến kinh tế toàn cầu và phản ánh chiến lược mở cửa năng động hơn”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Cao tuyên bố. Cùng ngày, 36 công ty đã được cấp phép hoạt động tại khu thương mại có diện tích 28,78 km2 này. Ngoài ra, giới chức đã cho phép 11 đơn vị tài chính thành lập chi nhánh ở đây.
Là khu thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc nằm trong đại lục, hoạt động của FTZ Thượng Hải khá cởi mở so với các địa phương khác. Theo Tân Hoa xã, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết về một số cải cách như nới lỏng những hạn chế cho giao dịch đồng nhân dân tệ, đầu tư và thương mại. Cụ thể, Trung Quốc sẽ cho phép thả nổi lãi suất theo thị trường, ngân hàng nội địa ở FTZ sẽ được cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, các công ty tài chính có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập ngân hàng. Ngoài ra, người nước ngoài có thể đóng góp 70% vốn thành lập liên doanh tuyển dụng, có thể bỏ 100% vốn để thành lập các khu vui chơi giải trí ở FTZ, hợp tác với các đối tác Trung Quốc mở dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề, cung cấp bảo hiểm chăm sóc sức khỏe…
Chưa hết, các công ty nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ internet và công nghệ phần mềm có liên quan tại FTZ. Tờ South China Moring Post (SCMP) dẫn một số nguồn tin cho hay những công ty viễn thông nước ngoài có thể cạnh tranh công bằng với 3 đại gia Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom, vốn lâu nay thống trị tuyệt đối thị trường nội địa. Cũng theo nguồn tin trên, người nước ngoài sống và làm việc ở FTZ sẽ có thể truy cập dễ dàng hơn các website mà Bắc Kinh cho là “nhạy cảm” như Facebook, Twitter và trang mạng của báo The New York Times. Một quan chức Trung Quốc tiết lộ rằng quyết định này nhằm “tạo cảm giác thoải mái cho người nước ngoài và cho thấy khác biệt giữa FTZ và phần còn lại của Trung Quốc”. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc chưa có phản ứng về thông tin “cởi trói internet”, còn Tân Hoa xã dẫn lời giới chức quản lý FTZ cho hay việc điều hành internet ở đây “vẫn tuân thủ đúng pháp luật”.
Một đột phá khác là chính phủ Trung Quốc quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm máy chơi game cá nhân chơi qua ti vi (game console) đã tồn tại 13 năm nay. Theo tờ The Wall Street Journal, lệnh cấm buôn bán các thiết bị console được đưa ra vào năm 2000 nhằm ngăn chặn gây tác hại đến sự phát triển của trẻ em. Giờ đây, các công ty nước ngoài hoạt động tại FTZ Thượng Hải có thể sản xuất và bán máy nếu qua được cửa kiểm duyệt của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, những liên doanh du lịch tại FTZ sẽ được phép mở hoạt động kinh doanh ở ngoài nước, ngoại trừ Đài Loan.
Hình mẫu cải cách ?
Không giống các đặc khu kinh tế khác ở Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế, FTZ ở Thượng Hải tập trung vào ngành dịch vụ hơn là sản xuất định hướng xuất khẩu và hoạt động theo hướng cởi mở hơn, tự do hơn. Theo SCMP, khu thương mại tự do này là ý tưởng chính sách lớn nhất hiện nay của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Một số nguồn tin tiết lộ ông Lý hy vọng FTZ Thượng Hải sẽ là hình mẫu cho những cải cách trong tương lai của Trung Quốc và thậm chí vượt qua cả Hồng Kông để trở thành một trung tâm thương mại – tài chính lớn của khu vực và thế giới. Cũng theo SCMP, kế hoạch xây dựng FTZ Thượng Hải từng vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc và có lần Thủ tướng Lý đã nổi giận, đấm tay xuống bàn trong một cuộc họp.
Giới quan sát có những nhận định tích cực nhưng thận trọng với FTZ Thượng Hải. Chuyên gia Thẩm Minh Cao tại Citibank nhận định với Tân Hoa xã: “FTZ Thượng Hải là nơi các công ty Trung Quốc và nước ngoài có thể cạnh tranh công bằng”. Còn theo Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu Stefan Sack, đây là bằng chứng cho ý định cải cách của chính phủ Trung Quốc, nhưng chỉ một FTZ ở Thượng Hải thì chưa đủ để thay đổi cung cách làm ăn và điều hành kinh tế tại nước này.
Văn Khoa
Theo TNO