Thượng đỉnh G20: Nhật Bản thắt chặt an ninh tại Osaka
Nhật Bản đang triển khai các biện pháp an ninh gắt gao nhất tại Osaka nhằm đảm bảo an toàn cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới.
Cảnh sát Nhật Bản trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: minh họa EPA/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hơn 32.000 cảnh sát đã được huy động từ 46 tỉnh, thành trên khắp đất nước Nhật Bản để bảo đảm an toàn và an ninh trên các tuyến phố tại Osaka, nhiều hơn so với con số 23.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016.
Mặc dù phần lớn hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh G20 đều diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Intex Osaka nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến sẽ ở các khách sạn sang trọng gần các ga tàu điện ở khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố Osaka.
Vì vậy, trong thời gian diễn ra hội nghị, giao thông ở nhiều khu vực công cộng và khu vực xung quanh các khách sạn này sẽ bị hạn chế. Mọi thùng rác ở các ga tàu điện đều bị niêm phong. Lịch trình của nhiều tuyến tàu cao tốc sẽ bị ảnh hưởng, nhất là tàu cao tốc Hanshin.
Chính quyền thành phố Osaka đã yêu cầu người dân hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và hạn chế đi ra ngoài đường nếu không cần thiết trong thời gian diễn ra hội nghị, đồng thời khuyến cáo du khách và người dân địa phương về khả năng giao thông bị đình trệ trong thời gian này.
Gần 700 trường học ở Osaka sẽ đóng cửa vào các ngày 27 và 28/6. Nhiều hoạt động ở trường học vào ngày thứ Bảy 29/6 đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh. Rất nhiều cửa hàng ở 9 khu vực hạn chế tiếp cận có thể sẽ đóng cửa một cách tự nguyện trong thời gian diễn ra hội nghị.
Video đang HOT
Một số khu vực trong Công viên Lâu đài Osaka, nơi có Nhà khách Quốc gia Osaka, sẽ tạm ngừng hoạt động trong thời gian từ 25 đến 30/6.
Các cơ quan như văn phòng quận vẫn sẽ mở cửa. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Osaka đã đề nghị người dân hạn chế sử dụng dịch vụ công trong tuần này.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra ở Osaka trong các ngày từ 28 đến 29/6, với sự tham dự của các nguyên thủ/lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, 8 quốc gia khách mời (trong đó có Việt Nam) và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng trên thế giới như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)…/.
Theo Tintuc
BRICS chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng hội nghị G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đang bị phủ bóng đen với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc ngày 30/11 tại Buenos Aires, Argentina với sự tham dự của lãnh đạo các nước, cùng đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.
Lãnh đạo các nước tham dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina.
Diễn ra trong 2 ngày (30/11-1/12), Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là một phép thử quan trọng đối với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới kể từ sau cuộc gặp lần đầu tiên năm 2008 nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập niên qua.
Với chủ đề chính "Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững", Tổng thống Argentina Mauricio Macri hy vọng hội nghị năm nay sẽ là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế đang phát triển đã lên án chủ nghĩa bảo hộ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu.
Chủ tịch Tập cùng các nhà lãnh đạo khác từ nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã ra tuyên bố chung kêu gọi mở cửa thương mại quốc tế và đẩy mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh sự nổi lên của xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở nhiều quốc gia, G20, với 2/3 dân số toàn cầu phải đối mặt với những câu hỏi lớn về khả năng đối mặt với căng thẳng thương mại đang gây gián đoạn thị trường toàn cầu, cũng như giảm bớt các tranh chấp về địa chính trị.
Ngoài chương trình nghị sự chung thì sự kiện trọng tâm thu hút các bên nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1/12. Hai nhà lãnh đạo được trông đợi sẽ mang lại tín hiệu tích cực giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo giới phân tích, kết quả từ cuộc gặp quan trọng của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20 được cho là sẽ định hình quỹ đạo kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Hiện Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và bị đáp trả 110 tỷ USD theo chiều ngược lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị G20.
Trước cuộc gặp, Tổng thống Trump vẫn tỏ ra mập mờ về quyết định mà chính quyền Mỹ sẽ đưa ra sắp tới. Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal hồi đầu tuần, ông nói sẽ tăng thuế từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ đầu năm 2019 và nếu đối thoại không thành công thì sẽ "chơi tất tay" đối với lượng hàng còn lại chưa bị đánh thuế, ước tính là 267 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Trump hy vọng sẽ đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Bắc Kinh hy vọng sẽ thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ kế hoạch tăng thuế quan từ 10% hiện nay lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 1/2019.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Buenos Aires cho biết hiện có những dấu hiệu của sự đồng thuận giữa hai bên trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, mặc dù sự khác biệt vẫn còn.
Một số nhà phân tích nhận định, đây có thể sẽ là một trong những hội nghị căng thẳng nhất trong lịch sử các cuộc gặp của G20 khi bị phủ bóng bởi một loạt căng thẳng từ cảnh báo của chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng gây ra một tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh vẫn còn những tranh cãi liên quan vụ hạ sát nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2/10.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững... Các nhà lãnh đạo G20 hy vọng sẽ đạt đồng thuận trong các vấn đề cơ bản từ những thỏa thuận đã đạt được trong hơn 80 cuộc họp trong suốt quá trình chuẩn bị từ đầu năm đến nay.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế.
Theo Dantri
Trung Quốc tin các cuộc đàm phán với Mỹ có thể cho kết quả tích cực Ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ có thể cho kết quả tích cực sau khi các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này nhất trí nối lại đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào...