Thượng đỉnh ASEAN sẽ bàn về tranh chấp biển Đông
Nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN thứ 24 Myanmar cho biết biển Đông sẽ là vấn đề an ninh khu vực mà các lãnh đạo sẽ thảo luận trong chương trình ngày 10 và 11.5 tại thủ đô Naypyitaw.
Cờ Việt Nam và các quốc gia ASEAN tung bay ở Naypyitaw trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh ASEAN – Ảnh: Thục Minh
Đó là khẳng định của Vụ trưởng vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Myanmar Aung Lin với báo New Light of Myanmar ngày 9.5.
Bên cạnh vấn đề tranh chấp ở biển Đông, hội nghị cũng sẽ thảo luận về Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Vụ trưởng Aung Lin cho biết thêm.
TAC ra đời năm 1976 – hiện có 27 thành viên gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU… bên cạnh 10 quốc gia ASEAN – yêu cầu các quốc nước tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trung Quốc tham gia TAC năm 2003, sau khi ký với ASEAN Tuyên bố các bên về Ứng xử biển Đông DOC một năm trước đó.
Video đang HOT
Việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ là hành động “trái ngược với tinh thần và lời văn DOC”, “hung hăng” và có tính “khiêu khích”, theo nhận định của nhiều chính khách và nhà quan sát quốc tế.
Philippines, Việt Nam sẽ lên tiếng
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng rằng ông sẽ đưa việc Trung Quốc gần đây có nhiều hoạt động gây hấn trên biển Đông với Manila, đồng thời gia tăng đánh bắt thủy sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, ra trước Thượng đỉnh ASEAN.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao cũng nói với Thanh Niên Online rằng Việt Nam sẽ đưa hành động của Trung Quốc ra trước hội nghị.
Hãng tin Kyodo ngày 9.5 cũng trích lời một quan chức ngoại giao khác phát biểu: “Chúng ta không thể chấp nhận những hành động gây hấn làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông này”.
Vai trò nước chủ nhà
Về phía nước chủ nhà, trả lời Thanh Niên Online rạng sáng nay, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Myanmar sẽ thể hiện sự đồng thuận trong ASEAN” về vấn đề biển Đông.
Chuyên gia về tình hình chính trị – an ninh khu vực này giải thích: “Myanmar đã được tưởng thưởng cho sự cởi mở chính trị của mình bằng việc được trao ghế Chủ tịch ASEAN 2014.
Vì vậy, “nước này có động lực để thể hiện một vai trò chuyên nghiệp trong tư thế nước chủ tịch để còn nhận thêm những tưởng thưởng khác từ phương Tây”, ông Thayer nói.
Tuy vậy, giáo sư Thayer “không kỳ vọng Naypyitaw sẽ quá sốt sắng” trong vấn đề này, do “áp lực từ Bắc Kinh muốn các vấn đề về biển Đông bị chìm đi”.
Chương trình hội nghị Chương trình hội nghị chính thức bắt đầu với các cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao bàn các vấn đề chính trị – an ninh vào sáng mai 10.5, và theo sau là cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đến Naypyitaw tối nay, một cán bộ ngoại giao Việt Nam nói với Thanh Niên Online. Trong khi đó, các nguyên thủ ASEAN sẽ lần lượt đến Naypyitaw trong ngày 10.5 để dự tiệc tối trước khi các cuộc họp thượng đỉnh chính thức diễn ra trong ngày 11.5. Chương trình ngày 11.5 sẽ bắt đầu bằng lễ khai mạc với diễn văn của Tổng thống Myanmar Thein Sein. Theo sau là các phiên họp toàn thể và họp hẹp giữa các lãnh đạo; các cuộc họp với các đại diện Tổ chức Dân sự và các đại diện thanh niên ASEAN. Được biết, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Naypyitaw chiều 10.5. Trước đó, trong hai ngày 8 và 9.5, quan chức ngoại giao cấp cao của các quốc gia thành viên đã tiến hành một loạt cuộc họp trù bị, chuẩn bị nội dung và văn kiện cho các cuộc họp cấp bộ trưởng và nguyên thủ ngày 10, 11.5. Nước chủ nhà đặt các cuộc họp trù bị này ngoài tầm quan sát của báo chí. Một quan chức ngoại giao không muốn nêu tên tiết lộ rằng các cuộc họp này cũng “rất gay go”.
Theo TNO
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines
Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký ngày 28.4 cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng "không nhằm khống chế Trung Quốc".
Tổng thống Obama (trái) bắt tay người đồng cấp Philippines Aquino sau cuộc họp báo chung - Ảnh: AFP
Hiệp định khung EDCA có hiệu lực 10 năm, ngắn hơn Mỹ mong muốn, đã được điều chỉnh để có thể ký kết chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama đến Manila. Hiệp định được giới quan sát đánh giá là một món quà mà Philippines muốn dành cho chuyến thăm của ông Obama. Các điều khoản chi tiết của EDCA chưa được công bố, trong khi những nguồn thạo tin cho biết phải mất một thời gian để hai bên đi đến những cam kết và hành động cụ thể.
Trên phương diện chung, EDCA cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines, gồm cả quân cảng Subic mà quân đội Mỹ phải rút khỏi hồi năm 1992 do phản đối của người dân địa phương và một quân cảng tiếp vận quan trọng ở tỉnh Palawan giáp biển Đông. EDCA còn cho phép binh sĩ, chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ hiện diện luân phiên dài hạn hơn ở Philippines, bên cạnh đơn vị cố vấn chống khủng bố 700 người đóng tại miền nam nước này lâu nay. Ngoài ra, Mỹ cũng được phép triển khai tại các căn cứ hiện có của Philippines các phương tiện và thiết bị cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khắc phục thiên tai.
Đổi lại, hiệp định cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự cũng như xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này một cách dễ dàng hơn. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Batino nói rằng thỏa thuận sẽ "giúp Manila có được phương tiện quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu". Còn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định EDCA là "nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Giữa lúc quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang gặp nhiều căng thẳng trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Manila dành cho Tổng thống Mỹ sự đón tiếp nồng hậu. Báo chí Philippines đưa tin từng phút về hoạt động của ông Obama ngay khi máy bay của ông hạ cánh xuống Manila chiều qua.
Tuy vậy, công chúng và báo chí Philippines, mang trong mình kỳ vọng về một cam kết mạnh mẽ nào đó của ông chủ Nhà Trắng trong việc bảo vệ đồng minh nếu có xung đột quân sự, có lẽ hơi thất vọng. Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình ABS-CBN về vấn đề này tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino III, ông Obama chỉ lặp lại lập trường "không đứng về bên nào" trong tranh chấp biển Đông. "Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ xây dựng với nước này. Mục tiêu của chúng tôi không phải là đối kháng, không phải là khống chế Trung Quốc". Khác với những gì ông cam kết với Tokyo trong tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung Quốc trước đây vài ngày, ông Obama chỉ lặp lại tại Manila lập trường quen thuộc của các quan chức Washington là tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ công pháp quốc tế, không cưỡng bức và khủng bố tinh thần. Ông Obama cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines trong việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Bên cạnh vấn đề hợp tác quốc phòng, hai nhà lãnh đạo cũng cho biết họ đã thảo luận về khả năng Philippines tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ lĩnh xướng. Hôm nay, ông Obama sẽ đi thăm nghĩa trang binh sĩ Mỹ ở Philippines trước khi trở về Washington, kết thúc chuyến thăm 4 quốc gia châu Á gồm cả Nhật, Hàn Quốc và Malaysia.
Theo TNO
Malaysia, Mỹ trở thành đối tác toàn diện Quan hệ giữa Malaysia và Mỹ được đánh giá là "tốt đẹp hơn bao giờ hết" nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib Razak dự họp báo chung ngày 27.4 - Ảnh: AFP Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp xuống căn cứ không quân hoàng gia Malaysia vào lúc 5 giờ chiều 26.4 (giờ địa...