Thưởng con làm việc bằng tiền: Thói quen của nhiều gia đình nhưng cha mẹ lại không ngờ đến hậu quả về sau
Lau bàn 2.000, rửa bát 10.000, phơi quần áo 5.000… nhiều gia đình đã lấy tiền ra để thưởng cho con khi sai con làm việc nhà. Nhưng thực sự đó có phải là cách làm đúng và hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ?
Thưởng cho trẻ em bằng tiền không tốt như bạn nghĩ
Lấy tiền làm phần thưởng sau mỗi việc làm của con trẻ sẽ khiến bé có suy nghĩ chỉ làm việc gì đó khi có tiền và dần thiếu động lực để làm công việc mà đương nhiên bé phải làm.
Ví như khi con tới tuổi phải làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, rửa bát, phơi quần áo, cọ nhà vệ sinh, dọn bàn ăn…, bạn nên phân công cho con từng việc theo từng độ tuổi phù hợp.
Thưởng tiền cho con không phải là cách khuyến khích tốt.
Nếu bố mẹ muốn nhanh chóng được việc, họ sẽ dùng biện pháp thưởng tiền cho mỗi đầu công việc. Kết quả là mỗi lần sai vặt con sẽ làm rất nhanh nhưng sau đó con sẽ không coi đó là nhiệm vụ mà chỉ làm khi có tiền thưởng và làm khi có hứng.
Tương tự như việc học, để khuyến khích con học tốt, cha mẹ cũng lấy tiền ra làm thước đo cho mỗi điểm 9, 10 và về lâu dài, bé học không phải bằng niềm vui mà bằng tiền thưởng.
Trẻ nên được dạy làm việc nhà ngay từ nhỏ và bố mẹ phải cho con hiểu đó là việc đương nhiên phải làm của con.
Bản chất của việc học là các bé thấy phấn khích khi khám phá và biết thêm được những bài học mới, chinh phục bằng kết quả học tập của mình. Nhưng nếu bạn thưởng con tiền theo kết quả học tập thì con bạn sẽ không còn sự tò mò, khám phá và tiếp thu kiến thức nữa mà chỉ cố gắng đạt điểm cao vì tiền.
Rửa bát, gấp quần áo, lau nhà… đó là việc trẻ có trách nhiệm phải làm tùy theo từng độ tuổi chứ không phải là việc làm để nhận thưởng.
Thưởng tiền sẽ khiến con có tâm lý đặt nặng vấn đề tiền bạc
Trường hợp đó xảy ra với gia đình chị H., ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ban đầu, chị H cũng lấy tiền để dụ con. Mỗi lần con rửa bát chị sẽ trả cho con 10.000 đồng. Nhưng việc này chỉ có tác dụng trong một thời gian vì có hôm cậu con trai lười không muốn rửa và chê số tiền mẹ thưởng quá ít, không bõ công.
Rồi có những bé đã mặc cả mẹ thẳng thừng chuyện “tăng lương” khi làm việc nhà vì dần dần chúng sẽ thấy không thỏa mãn với số tiền mà bố mẹ cho ban đầu.
Dùng tiền để động viên con, nếu không cẩn thận, bạn sẽ hướng con sai đường!
Không nên đặt nặng tâm lý tiền bạc với trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Vậy thưởng cho con như thế nào mới đúng?
Hãy thưởng con bằng điểm thay vì tiền
Thay vì tiền, chúng ta có thể khuyến khích con bằng cách tính điểm: Dọn phòng bao nhiêu điểm, dọn bàn bao nhiêu điểm… Sau đó số điểm tích lũy sẽ được cộng dồn thành một món quà nào đó phù hợp cho con và túi tiền của bố mẹ.
Với cách này, bố mẹ có thể dùng điểm thưởng nếu con làm tốt và điểm phạt nếu con không làm hoặc làm chưa tốt.
Lời đánh giá chân thành của bố mẹ là phần thưởng lớn nhất cho con
Chúng ta có thể biến phần thưởng của mình dành cho con chỉ đơn giản là một lời khen chân thành hoặc một cái ôm âu yếm. Điều này không chỉ mang lại giá trị tinh thần lớn cho con mà còn giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực.
Bố mẹ hãy coi làm việc nhà, học tốt là việc đương nhiên phải hoàn thành của trẻ.
Có những việc làm là đương nhiên và bố mẹ không cần treo thưởng
Ví dụ, nếu con ăn ngoan, học tốt, thì việc duy nhất bố mẹ cần làm là khuyến khích và khen ngợi con, chứ không phải là dùng tiền hoặc vật chất để thưởng.
Các bé phải hiểu rằng, trong cuộc sống có những điều là nghĩa vụ phải hoàn thành của các con. Học tốt là nghĩa vụ của con còn kiếm tiền nuôi con khi còn nhỏ là trách nhiệm của bố mẹ.
Nếu làm bất cứ việc gì cũng có thưởng, con sẽ dần trở thành một đứa bé không biết chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải giúp con tìm được niềm vui trong học tập, trong lao động chứ không phải lấy thưởng làm động lực cho con.
Theo Trí Thức Trẻ
Bé trai hơn 2 tuổi đã là tay phụ bếp cừ khôi, tự ngủ lúc 7h tối và "ngốn" cả trăm cuốn sách nhờ phương pháp dạy khéo léo của mẹ trẻ ở Huế
Mẹ trẻ ở Huế đã có phương pháp hay dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Mặc dù mới 2 tuổi nhưng cậu bé có thể vo gạo nấu cơm, rửa rau , dùng dao khéo léo...
Đối với nhiều bố mẹ, con 2 tuổi vẫn còn non nớt, không biết gì và chưa cần dạy làm gì. Ở tuổi này chỉ cần ăn ngon, ngủ ngoan là niềm vui của các gia đình. Tuy nhiên, với chị Thanh Phương (sinh năm 1986), sống tại Huế lại có quan điểm khác. Chị đã dạy cho con trai Moka mới 2 tuổi nhưng đã làm được nhiều việc nhà đáng ngưỡng mộ.
Vào bếp từ năm 2 tuổi
Mới 2 tuổi nhưng Moka đã đam mê vào bếp nấu nướng cùng bố mẹ.
Chị Phương chia sẻ: " Khi bé 2 tuổi mình bắt đầu cho con vào bếp và hướng dẫn cháu nấu ăn, đi chợ thì từ nhỏ đã được đi theo mẹ. Hiện tại cháu mới được 2 tuổi 7 tháng nhưng đã là một tay phụ bếp cừ khôi:
- Vo gạo nấu cơm không đổ hạt gạo nào
- Rửa rau 3 lần sạch sẽ tươm tất
- Đặc biệt dùng các loại dao rất khéo".
Moka vo gạo rất khéo.
Chia sẻ về lý do dạy con làm việc nhà dù con trai đang còn nhỏ, chị Thanh Phương cho biết: " Từ khi yêu nhau đến cưới nhau được gần 6 năm, chồng mình vào bếp nhiều hơn mình. Nhất là lúc mình mang thai và nuôi con nhỏ. Mình thấy rất may mắn và hạnh phúc, chồng như thế nên nuôi con cũng không làm phiền tới ông bà nội ngoại.
Không có giới hạn số tuổi để bắt đầu việc gì đó, phù hợp với tính cách và hoàn cảnh gia đình là được, và không ai hiểu con bằng người gần con nhất cả, đó là mình. Và 2 tuổi là rất thích hợp, tuổi này muốn bắt chước, ham lạ, ham vui nên rất dễ bày vẽ, mặc dù nhanh chán nhưng lại muốn làm. Còn lớn hơn thì sẽ khôn hơn, sự lựa chọn sẽ nhiều hơn, nên khó bắt đầu hơn".
Thực tế rất nhiều người thích dạy con vào bếp nấu nướng nhưng lại sợ chuyện đổ vỡ, dao kéo đứt tay con nên lại tặc lưỡi chờ con lớn. Với chị Phương thì không như vậy. Người mẹ Huế này bày tỏ: " Nói đến nỗi sợ thì nó sẽ theo suy nghĩ của các bà mẹ khi con vừa sinh ra cơ, sợ ốm, sợ đau, sợ không ăn, sợ đủ thứ...và lớn lên sợ con khổ.
Dạy bảo trên tinh thần tôn trọng ý muốn của con trẻ, khi con thực sự yêu thích thì bạn bảo gì con cũng vâng lời cả.
Ví dụ con bảo là "Con muốn tự nấu?". Mình trả lời "Ok! Nhưng mẹ sẽ nêm nếm, con trộn lại". Nếu con đồng ý mình sẽ cùng làm, còn không con vào phòng tự chơi. Đó là cách gia đình mình giao tiếp và dạy bảo con trẻ".
Và quả thật, đến hiện tại chị Phương luôn hài lòng vì phương pháp dạy con sớm của mình: " Sau khi tập cậu trai nhỏ làm bếp, đến giờ nấu cơm trưa và tối cả nhà 3 người cùng nhau vào bếp. Bữa cơm lúc nào cũng vui vẻ, ngon miệng. Mỗi lần chồng và con đứng bếp, làm việc nhà, mình thấy có một sức hút kì lạ, nhìn rất ngầu không thua gì các anh Hàn Quốc trên phim".
Ăn như người lớn, ngủ lúc 7h tối và đam mê sách
Ngoài việc dạy con trai làm việc nhà từ sớm, chị Phương tự hào vì con dễ ăn, tự lập: " Mình dạy cháu ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW từ khi 6 tháng. Phương pháp này mình đã dạy con rất thành công và giúp con hiểu rất nhiều quy tắc trong gia đình từ việc ăn uống. Thế nên việc dạy con nấu ăn thực sự rất dễ bảo và tiến bộ.
Hiện tại con mình mê ăn, ăn như một người lớn, ngồi ghế, nghiêm túc từ nhà hay đi ra ngoài".
Moka ngồi ăn ngoan như người lớn chứ không hề nhõng nhẽo như nhiều đứa trẻ khác.
Chị Phương nhớ lại kỷ niệm có lần con trai không chịu ăn rau và chị đã dùng biện pháp mạnh ít ai dám làm:
"Quy tắc của nhà mình là ăn rau trước mới được ăn thức ăn khác và cơm. Thế là con nhịn đói luôn 2 ngày. Con đói tới mức không đi nỗi và xin mẹ được ăn.
Thế nhưng tình trạng này kéo dài đến 6 ngày, tức là 2 ngày con nhịn xong lại ăn 1 bữa no nê rồi 2 ngày nhịn ăn... Vợ chồng mình vẫn kiên quyết nếu con không ăn rau mời con xuống ghế, và vì đói quá cũng phải ăn. Giờ con là một cây ngốn rau của cả nhà. Mình hạnh phúc nhất là chuyện ăn của con vì gia đình đi đâu cũng không lo chuyện ăn uống".
Ngoài chuyện ăn và làm việc nhà, bé Moka còn khiến nhiều người ngưỡng mộ vì có thể tự ngủ (ngủ đêm từ 7h tối đến 6h30 sáng từ khi sinh ra tới giờ). Quan điểm của chị Phương "Khi trẻ con ngủ đủ, giờ ăn hạnh phúc thì mọi chuyện khác thực sự dễ dàng".
Moka đam mê sách và chưa biết đến công nghệ.
Thêm điều đặc biệt với cậu bé Moka là đến bây giờ vẫn chưa hề biết đến công nghệ. Thay vì xem tivi, điện thoại, cậu bé lại đam mê với sách. Chị Phương hạnh phúc nói đùa " Con ngốn mấy trăm cuốn sách của mẹ rồi".
Theo Trí Thức Trẻ
Cảm thấy thương con hơn qua mùa dịch Covid-19 Suốt cả tuần nay, hai cậu con trai của tôi (học lớp 7 và lớp 10) đã thay đổi rất nhiều. Lúc nào các con cũng vui vẻ và hào hứng. Chưa bao giờ tôi thấy chúng "dễ thương" như bây giờ. Nhìn các con như vậy, tự nhiên nước mắt tôi trào ra vì thương con. Trước đây, chúng tôi từng rất...