Thương chiến Mỹ-Trung : Cuộc chiến không bao giờ có hồi kết
Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa.
Kết quả vòng đàm phán thương mại thứ 13 vừa rồi giữa Mỹ và Trung Quốc ở Washington không gây bất ngờ đối với thế giới bên ngoài nhưng lại không khỏi khiến thế giới bên ngoài có phần thất vọng. Ai cũng biết và ngay đến cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều không dấu diếm nhu cầu bức bách của họ phải đạt được kết quả nào đấy ở vòng đàm phán này. Ai cũng biết hai nước kia không có ảo tưởng, một vòng đàm phán dài hai ngày có thể giải quyết được ổn thoả cuộc xung khắc thương mại dai dẳng gần 18 tháng nay giữa Mỹ và Trung Quốc mà lại còn là một bộ phận cốt lõi của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Cho nên hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này có nhu cầu cấp thiết phải đạt được thoả thuận với nhau ở vòng đàm phán thương mại vừa rồi mà điều quan trọng và quyết định đối với họ lại không phải nội dung cụ thể của thoả thuận mà là hình ảnh và cảm nhận là hai bên đã đạt được thoả thuận, tức là vẫn có thể thoả hiệp được với nhau dẫu xung khắc có quyết liệt và dai dẳng đến mức nào. Thế giới bên ngoài thất vọng vì thoả thuận mới đạt đươc này giữa Trung Quốc và Mỹ quá sơ sài và ít ỏi, hoàn toàn chưa thể được coi là cơ bản. Nhưng cái Trung Quốc và Mỹ cần, muốn có và đã đạt được ở thoả thuận này là danh nghĩa chứ không phải thực chất.
Về định tính thì xem ra Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ nhiều hơn là Mỹ đã nhượng bộ Trung Quốc ở thoả thuận này. Với cam kết nhập khẩu thêm 40 đến 50 tỷ USD giá trị nông sản của Mỹ, phía Trung Quốc đã chủ định giúp tổng thống Mỹ Donald Trump bớt khó khăn và khó xử ở trong nước. Cả những cam kết khác của Trung Quốc như mở cửa thị trường Trung Quốc cho giới kinh tế Mỹ, bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp và bí quyết công nghệ, chấm dứt bù trợ xuất khẩu và không thao túng tiền tệ cũng nghe qua thì rât to tát và có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Trump nhưng thật ra lại hoàn toàn chẳng hề mới mẻ gì đối với Trung Quốc bởi chẳng qua chỉ là sự nhắc lại những gì Trung Quốc cho tới nay vốn đã không ít lần cam kết và quả quyết với Mỹ.
Hay như trong thoả thuận này, phía Mỹ cam kết không tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 25% (đã áp dụng) lên 30% từ ngày 15.10 tới đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần tự chứng tỏ là có thể đảo ngược quyết định một cách lãng xẹt, bất ngờ và với lập luận mà chỉ có mỗi mình người này cho là có lý. Chủ ý của Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với thêm 160 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoàn toàn không được đề cập gì đến ở thoả thuận này.
Video đang HOT
Cho nên chỉ như thế thôi thì hai bên mới tạm đình chiến và không tiếp tục leo thang căng thẳng hay ăn miếng trả miếng nhau nữa. Cái tích cực ở thoả thuận này chính là đấy. Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa. Hai bên luôn có thể rất bất ngờ gia tăng mức độ xung khắc cũng như nhanh chóng đi vào thoả hiệp, vì thế mọi thoả hiệp đạt được đều chỉ là nhất thời và mang tính tình thế, không có giá trị hiệu lực lâu bền và càng không thể vĩnh viễn.
Thoả thuận lớn với Trung Quốc mà ông Trump đã nhiều lần đề cập đến không thể không giải quyết những vấn đề vướng mắc cơ bản nhất và cũng nan giải nhất giữa hai bên. Cho tới nay, mọi biện pháp chính sách của ông Trump đều chưa giúp người này giảm nhiều chứ chưa nói là đáng kể mức độ thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phía Mỹ vẫn chưa có được cơ chế, quy trình hay biện pháp thực sự đắc dụng kiểm soát và kiểm chứng việc Trung Quốc thực hiện những cam kết với Mỹ liên quan đến chính sách tiền tệ, bù trợ xuất khẩu, cải cách kinh tế xã hội, mở của thị trường hay đảm bảo bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp, phát minh sáng chế và bí quyết công nghệ. Mỹ có thể gây thêm nhiều khó khăn nhưng không còn cản trở được Trung Quốc trên thực tế thực hiện kế hoạch “Made in China 2025″.
Cho nên giai đoạn 2 của vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ là việc hoàn toàn khác so với giai đoạn đầu. Trung Quốc và Mỹ rồi đây có thể và sẽ phải đạt được với nhau một số thoả thuận nhỏ và lẻ mẻ nào đấy chứ còn việc đạt được thoả thuận lớn và bao trùm tổng thể thì hiện tại và cả trong tương lai gần nữa vẫn bất khả thi nhiều hơn hẳn khả thi đối với hai bên.
Theo danviet
Chiến tranh thương mại: Đòn hiểm của Mỹ và Trung Quốc
Đối với cả Mỹ-Trung Quốc, đòn tiền tệ này hiểm hóc và có tác động chính trị cũng như tâm lý rất lớn, nhưng lại bị hạn chế về thời gian và mức độ sử dụng.
Cho tới nay, cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dai dẳng hơn một năm. Định hướng hành động và đối phó lẫn nhau của cả hai bên không còn lạ lẫm gì nữa đối với bên ngoài. Việc bên này hay bên kia dùng thuế quan bảo hộ thương mại để ép nhau và đáp trả nhau không còn gây bất ngờ gì nữa. Cho nên điều hiện được quan tâm để ý đến nhiều hơn là việc Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng USD và việc Mỹ coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.
Dư luận đặc biệt quan tâm đến vì 3 lý do sau đây.
Thứ nhất, lần đầu tiên kể từ 11 năm nay, tức là từ năm 2008, Trung Quốc mới lại để cho đồng bản tệ mất giá so với đồng tiền của Mỹ và lần đầu tiên kể từ 25 năm nay, tức là từ năm 1994, Mỹ mới lại coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ. Cho nên chưa cần biết tác động trên thực tế của những quyết sách này của Trung Quốc và Mỹ ra sao thì cũng đã có thể nhận thấy tác động chính trị và tâm lý của chúng rất mạnh mẽ và sâu sắc đối với cả hai bên và đối với thế giới bên ngoài trong thời gian tới.
Thứ hai, chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại trong thực chất là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện mà xung khắc thương mại chỉ là một phần nhưng bây giờ nó lây lan trực tiếp sang lĩnh vực tiền tệ, kéo theo lo ngại về bùng phát cuộc chạy đua phá giá đồng tiền và thậm chí còn cả chiến tranh tiền tệ giữa hai bên và đẩy cả thế giới bên ngoài vào tình trạng bị vạ lây.
Thứ ba, một khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu để chuyện nọ xọ chuyện kia như thế thì đâu có khác gì cùng kích hoạt một phản ứng dây chuyền về mở rộng xung khắc sang cả nhiều lĩnh vực khác nữa. Xung khắc thương mại thuần tuý thôi giữa hai đối tác này vốn đã khó được xử lý ổn thoả nên xung khắc càng quyết liệt và lây lan sang càng thêm nhiều lĩnh vực thì đàm phán để giải quyết càng thêm khó khăn, càng kéo dài và càng ít có triển vọng được kết thúc thành công.
Biến tiền tệ thành vũ khí sử dụng trong xử lý quan hệ song phương là đòn hiểm và việc cả Trung Quốc lẫn Mỹ hiện sử dụng nó, hay nói cho chính xác hơn là bắt đầu sử dụng nó, cho thấy hai phía đã bước vào giai đoạn cuối cùng của chủ trương dùng áp lực đối phó áp lực, dùng răn đe đối phó răn đe. Họ bắt đầu tung ra những con chủ bài cuối cùng mà lâu nay vẫn còn chần chừ, không phải vì chúng công hiệu và đắc dụng nhất mà vì chúng rất công hiệu và đắc dụng nhưng đồng thời cũng hàm chứa nhiều rủi ro nhất về lợi bất cập hại và phản tác dụng.
Coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ có nghĩa là Mỹ đặt Trung Quốc vào danh sách những đối tác bị theo dõi và trừng phạt đặc biệt, chính phủ Mỹ phải vận hành nhiều quy trình và cơ chế ở quốc hội cũng như trong Quỹ Tiền tệ quốc tế để buộc Trung Quốc phải thay đổi trong thời gian 1 năm, sau đó mới áp dụng những biện pháp trừng phạt và khi ấy sẽ không còn là chuyện xung khắc thương mại đơn giản nữa mà là trừng phạt và cấm vận về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như cả trừng phạt về chính trị. Khi ấy, Trung Quốc sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì với Trung Quốc thì làm và Trung Quốc cũng sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt không kém cái giá Trung Quốc phải trả cho Mỹ.
Phá giá đồng Nhân dân tệ giúp Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu và giảm bớt được mức độ thiệt hại do các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra cho Trung Quốc nhưng đồng bản tệ yếu sẽ khiến cho người dân ở trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực trong tiêu dùng, khiến cho dòng vốn chảy ra nước ngoài và tăng lạm phát. Biện pháp chính sách này đắc dụng cho Trung Quốc trong đối phó Mỹ nhưng đối với Trung Quốc không thể lâu dài và không thể không có hạn chế về mức độ.
Đối với cả hai bên, đòn tiền tệ này hiểm hóc và có tác động chính trị cũng như tâm lý rất lớn, nhưng lại bị hạn chế về thời gian và mức độ sử dụng. Vì thế, nhiều khả năng nó được Mỹ và Trung Quốc vừa mới đây tung ra để tạo thế cho vòng đàm phán mới nhiều hơn là chủ ý dùng nó chơi nhau lâu dài, hai bên sẽ kiềm chế chứ không xô đẩy nhau đi xa hơn nữa trên phương diện này.
Ở vòng đàm phán thương mại tới, họ sẽ thoả thuận với nhau cách giải thích cho bên ngoài để rồi cùng cài số lùi sao cho bên nào cũng có thể quả quyết bên mình đúng và phía kia sao, bên nào cũng là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm. Mỹ và Trung Quốc không chơi sát ván với nhau đâu trong mọi mối bất hoà mà luôn có bên này hay bên kia lùi đúng lúc, dịu đúng chỗ và thoả hiệp lợi ích đúng mức độ. Chỉ có điều là thoả hiệp này không được lâu bền và cơ bản thôi.
Theo Danviet
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại một phần Washington và Bắc Kinh thống nhất về giai đoạn một của thỏa thuận thương mại, khiến Trump hoãn kế hoạch tăng thuế vào tuần tới. Thỏa thuận chứa các nội dung về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, tiền tệ và nông nghiệp, Tổng thống Mỹ Trump thông báo tại Nhà Trắng ngày 11/10 nhưng chưa cho biết chi tiết cụ...