Thương chiến Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại 600 tỉ USD GDP toàn cầu
Theo nghiên cứu mới của Bloomberg, GDP toàn cầu sẽ mất 600 tỉ USD trong vòng hai năm nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang đem đến nguy cơ khôn lường – Ảnh: Bloomberg
Nghiên cứu do bốn nhà kinh tế Dan Hanson, Tom Orlik, Maeva Cousin cùng David Powell thực hiện. Họ xác định thuế quan áp đặt đến lúc này khiến GDP Trung Quốc mất 0,5% và GDP Mỹ mất 0,2% vào năm 2021 so với lịch bản không chiến tranh thương mại. GDP toàn cầu vì vậy mà mất 0,2%.
Hiện tại 250 tỉ USD hàng Trung Quốc chịu thuế suất 25%, còn 60 tỉ USD hàng Mỹ chịu thuế suất từ 5 – 25%.
Thiệt hại với thuế quan áp đặt hiện tại - Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump từng dọa đánh thuế 25% gần như toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu không sớm đạt thỏa thuận. Quốc gia châu Á hoàn toàn có thể đáp trả tương xứng.
Với kịch bản này thì GDP Trung Quốc, Mỹ và toàn cầu vào giữa năm 2021 lần lượt mất 0,8%, 0,5%, 0,5%.
Video đang HOT
Thiệt hại khi gần như toàn bộ hàng hóa hai bên đều chịu thuế 25% - Ảnh: Bloomberg
Kịch bản tồi tệ hơn là leo thang thuế quan cộng thêm cú sốc chứng khoán.
Cổ phiếu tại hai nước trong năm nay đều tăng, cho thấy giới đầu tư vẫn rất tin tưởng khả năng đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại. Nhưng nếu không có thỏa thuận dẫn đến hàng hóa Mỹ – Trung đều bị đánh thuế 25%, thị trường chứng khoán sẽ chịu mức giảm 10%.
Chứng khoán giảm kéo tụt mức tiêu dùng lẫn đầu tư. Như vậy dự kiến GDP Trung Quốc giữa năm 2021 mất 0,9%, GDP Mỹ mất 0,7%, GDP toàn cầu mất 0,6%.
Kịch bản leo thang thuế quan cộng thêm cú sốc chứng khoán – Ảnh: Bloomberg
Hậu quả trong bất cứ kịch bản nào cũng đều không giới hạn tại Mỹ và Trung Quốc. Phân tích cho thấy nếu xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm thì ba nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Malayais thiệt hại nặng nề nhất.
1,6% GDP Đài Loan phụ thuộc vào hàng xuất đi Mỹ của Trung Quốc (chủ yếu là máy tính, đồ điện tử). Con số này với Hàn Quốc là 0,88 và với Malaysia là 0,7%.
Còn nếu xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm thì Canada cùng Mexico chịu thiệt hại lớn nhất. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến GDP nhỏ hơn nhiều.
Tác động còn lan sang thị trường ngoại hối thông qua nhiều kênh: dòng chảy thương mại, dự báo tăng trưởng hoặc chính sách tiền tệ. Đồng Nhân dân tệ dự kiến có biến động lớn nhất, theo sau là baht Thái và tiền Canada (CAD).
Không chỉ có Bloomberg, công ty tư vấn Trade Partnership cũng dự đoán kịch bản hàng hóa Mỹ – Trung đều bị đánh thuế 25% khiến GDP hằng năm của Mỹ giảm đi 1%, kéo dài trong năm. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs lạc quan hơn: GDP Mỹ giảm 0,5%, GDP Trung Quốc giảm 0,8%.
Cẩm Bình
theo Bloomberg
Blog chứng khoán: Đừng manh động
Thị trường toàn cầu đang chiết khấu cho nguy cơ đổ vỡ đàm phán thương mại hoặc việc đàm phán sẽ kéo dài trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới được áp dụng.
Thị trường ngày 6/5/2019:
Thị trường diễn biến xấu hôm nay khi điểm tựa bấu víu duy nhất trong ngắn hạn đột ngột bị xói mòn. Tuy tình hình vẫn chưa thật sự xấu một cách rõ ràng, nhưng thị trường đã chiết khấu trước.
Mức giảm mạnh ở nhóm blue-chips đã ép các chỉ số rất mạnh. VNI nguy hiểm khi thủng đáy ngắn hạn trụ được trong hơn 2 tháng qua. Tuy nhiên VN30 chưa xác nhận, vẫn được chặn lại tại đáy cũ tháng 4.
Việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ tăng nhiệt cuối tuần qua là điều không ai có thể đoán trước được. Thị trường phái sinh cuối cùng lại đúng khi chiết khấu một mức giảm cực mạnh. Mặc dù có thể chỉ là sự trùng hợp, nhưng thực trạng này cũng phản ánh tính bất ổn ở giai đoạn hiện tại.
Rủi ro lớn nhất lúc này tập trung vào khả năng đổ vỡ đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Thị trường tương lai của chứng khóa Mỹ sụt giảm cực mạnh phản ánh nỗi lo ngại chung. Trong phiên giao dịch hôm nay thị trường phải tiêu hóa rủi ro Trung Quốc sẽ bỏ cuộc. Nhưng các thông tin cuối ngày cho thấy đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn sẽ tới Mỹ trong vài ngày tới. Tuy nhiên lại không có thông tin xác nhận lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc có đi theo đoàn hay không.
Theo kế hoạch, hai bên sẽ đàm phán và đi đến kết luận vào cuối tuần này. Vì vậy đe dọa đánh thuế của Mỹ có thể là biện pháp gây sức ép, hàm ý một kết cục xấu nếu đàm phán đổ vỡ. Đó là hành động có điều kiện. Thị trường có lẽ đang lo sợ kịch bản xấu, chứ không hẳn kịch bản xấu sẽ xảy ra.
Nếu kịch bản xấu không xảy ra, phiên giảm mạnh như hôm nay là cơ hội để mua. Vấn đề ở đây là chữ "NẾU". Việc dự đoán các kịch bản lúc này mang tính chủ quan nhiều. Ví như Goldman Sachs cho rằng chỉ có 40% khả năng xảy ra việc đánh thuế vào thứ Sáu tuần này. Không thể hiểu được tại sao lại là 40% vì đây là lựa chọn Có hoặc Không dựa trên kết quả đàm phán Thành công hay Thất bại.
Việc đàm phán đã kéo dài tới 2 tháng và cuối cùng cũng sẽ phải chốt lại ở thời điểm nào đó. Thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh gần đây một phần dựa trên hi vọng và giả định cả hai bên đều muốn kết thúc cuộc chiến này. Cho tới trước ngày chủ Nhật tuần trước thì mọi thứ vẫn ổn. Đến hôm nay thì các thông tin lại cho thấy việc đầu cơ trước sự kiện là khoản đặt cược có độ rủi ro cao.
Thị trường Việt Nam lình xình nhiều phiên trước và không phản ứng mạnh với các thông tin tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung, cũng không phản ứng với kết quả kinh doanh quý 1, nhưng lại phản ứng mạnh với tin xấu. Đó mới là điều khiến tâm lý mệt mỏi. Hiện tượng buông xuôi có thể còn tiếp tục vì chỉ còn vài ngày nữa là trắng đen rõ ràng, sau sự kiện hôm nay, sẽ có nhiều người chọn giải pháp đứng ngoài chờ đợi hơn là đặt cược.
Chốt lại, không nên manh động vào lúc này. Có nhiều thời điểm thị trường khiến nhà đầu tư mất phương hướng vì có quá nhiều biến số không thể tính hết được. Đầu tư không phải là thắng thua trong một phi vụ ở một thời điểm mà là cả quá trình. Chỉ cần chọn đoạn rủi ro thấp, ngon ăn, dễ đoán xu hướng và thuận theo nó, còn lại thì nhường những người vốn lớn, chịu rủi ro tốt và các tay cờ bạc.
Giao dịch:
Hôm nay khó giao dịch. Tâm lý quá yếu nên khả năng đảo chiều hồi cũng sẽ không lớn nên không Long được. Đứng ngoài.
Theo vneconomy.vn
Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô năm 2019 Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng mức dự báo giá dầu thô trong năm nay, giữa lúc các nước sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục nỗ lực cắt giảm nguồn cung nhằm thúc đẩy giá dầu. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela đã và đang...