Thuốc và phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao hoặc có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn.
Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa các tổn thương, biến chứng…
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ cho bệnh nhân trong các đơn vị hồi sức cấp cứu bằng các biện pháp: Hạ sốt, chống co giật, chống phù não, trợ tim mạch, hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật, chăm sóc tích cực, dinh dưỡng tốt…
Tất cả các bệnh nhân viêm não Nhật Bản đều phải được điều trị tại bệnh viện. Việc nhập viện muộn hay sớm đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong và tỷ lệ di chứng khi mắc viêm não Nhật Bản. Chính vì thế, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm não Nhật Bản (nhất là đối với người sống trong vùng dịch tễ và vào mùa dịch), bệnh nhân phải được nhập viện càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán bệnh qua các biện pháp: Xét nghiệm máu và dịch não – tủy, huyết thanh học, điện não đồ… đều phải được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Do đó, gia đình phải đưa người bệnh đến viện ngay lập tức nếu sốt cao quá 12 giờ liên tục hoặc có các dấu hiệu như nôn, cứng gáy, rối loạn ý thức…
Cần đưa trẻ đến viện ngay lập tức nếu sốt cao quá 12 giờ…
1. Các biện pháp điều trị viêm não Nhật Bản
Việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm…
- Điều trị chống phù não: Điều trị chống phù não được thực hiện bằng cách truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Trong trường hợp phù não nặng, co giật, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng viêm corticoid để bình thường hóa sự thẩm thấu của mạch máu, chống tích lũy nước và muối ở tổ chức não.
Video đang HOT
- An thần và cắt cơn giật: Để an thần và cắt cơn co giật, bác sĩ có thể sử dụng thuốc seduxen qua ống sone hoặc tiêm bắp thịt, tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt với thuốc aminazin thiantan spartein. Trong trường hợp người bệnh lên cơn co giật nhiều thì có thể dùng gardenal.
- Hạ sốt: Hạ sốt tích cực bằng dùng thuốc hạ sốt và phương pháp vật lý. Bác sĩ có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, truyền tĩnh mạch hoặc qua đặt hậu môn, kết hợp với cởi quần áo và chườm mát vào bẹn, nách, cổ… để giúp hạ sốt tốt hơn cho người bệnh.
- Hồi sức hô hấp và tim mạch: Để giúp người bệnh hồi sức hô hấp và tim mạch, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy, lau hút đờm dãi. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ nhằm sẵn sàng hô hấp viện trợ khi gặp tình trạng rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở.
Ngoài ra, bác sĩ còn bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit (dung tích hồng cầu) và điện giải đồ. Dùng thuốc trợ tim mạch và thuốc vận mạch khi cần thiết.
- Ngăn ngừa bội nhiễm, chống loét: Do bệnh nhân viêm não Nhật Bản thường phải nằm im trong một thời gian nên sẽ có nguy cơ bị bội nhiễm cao. Do đó cần phải dự phòng các vấn đề bội nhiễm cũng như chống loét cho bệnh nhân.
Tùy vào trọng lượng cơ thể người bệnh, bác sĩ sử dụng lượng kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như: Ampicillin hoặc cephalosporine thế hệ 3… Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cần được lau rửa thường xuyên; vệ sinh răng miệng hằng ngày; thay đổi tư thế nằm của người bệnh và có thể dùng thêm đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ đè của cơ thể để hạn chế tình trạng viêm loét da.
Để đảm bảo sức khỏe của người bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ đạm và vitamin.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ để phòng viêm não Nhật Bản
2. Phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản không có thuốc điều trị đặc hiệu, mà hậu quả để lại rất nặng nề. Do đó biện pháp phòng bệnh luôn được đặt lên hàng đầu trong cộng đồng.
- Phòng bệnh không đặc hiệu: Trên phương diện toàn xã hội, phòng bệnh viêm não Nhật Bản phải là công tác tổng lực bao gồm việc phòng chống tại các ổ dịch và vùng ven bằng cách phun thuốc diệt bọ gậy, diệt muỗi, giải quyết nước ứ đọng, phân, rác… là nơi muỗi sinh sôi, phát triển.
Về phương diện cá nhân, mỗi người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, sử dụng hương diệt muỗi hoặc thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới cho tất cả các cửa nhà, cửa sổ.
Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất. Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà, vệ sinh chuồng trại gia súc, lợn sạch sẽ để hạn chế muỗi, nên để chuồng trại xa nhà. Không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt.
- Phòng bệnh đặc hiệu: Đến nay, cách phòng bệnh duy nhất là tiêm phòng vaccine. Việt Nam đã đưa vaccine ngừa viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine đủ 3 liều.
Mũi 1 lúc 1 tuổi.
Mũi 2 cách mũi 1 từ 7-14 ngày.
Mũi 3 cách mũi 2 một năm.
Nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Do đó cứ 3-4 năm nên tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Không chủ quan với viêm não Nhật Bản
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.
Trường hợp đầu tiên là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ, xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ. Sau 1 ngày xuất hiện triệu chứng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022).
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus này xuất hiện ở các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim). Muỗi đốt các loài động vật mang virus, sau đó đốt sang người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường... ở một nửa số người sống sót.
"Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện như co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn" - BS Lâm cho hay.
Nguy hiểm hơn, viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, 3 của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần. "Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong" - BS Lâm cho hay.
Đáng nói, dù đã được khuyến cáo từ nhiều năm qua về cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh và loại vaccine này hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản được ghi nhận đều có nguyên nhân là do phụ huynh chưa cho con tiêm vaccine.
BS Lâm nêu thực trạng: "Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Thực tế, vaccine phòng viêm não Nhật Bản cần tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm/lần đến năm 15 tuổi".
BS Nguyễn Tuấn Hải - Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay: Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vaccine viêm não Nhật Bản như vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ mới do các quốc gia khác nhau sản xuất. Nếu đang băn khoăn không biết nên tiêm loại vaccine viêm não Nhật Bản nào phù hợp thì hãy luôn nhớ rằng vaccine được tiêm sớm nhất là vaccine tốt nhất.
Bên cạnh việc tiêm vaccine để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tự uống thuốc nam chữa bệnh động kinh, bé 3 tuổi nhập viện nguy kịch do ngộ độc chì Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi, bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch, do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Bệnh nhi có địa chỉ tại Thanh Hóa, có tiền sử mắc bệnh động kinh từ 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện...