Thuốc ung thư thử nghiệm ngăn chặn virus corona nhân lên trong cơ thể
Các nhà nghiên cứu cho biết một loại thuốc thử nghiệm điều trị ung thư có thể ngăn không để mọi người bị nhiễm virus corona mới.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Louisville cho biết họ có một phương pháp điều trị có thể ngăn chặn virus corona mới lan ra khắp cơ thể.
Thuốc là một mảnh ADN tổng hợp được gọi là “aptamer” gắn với một protein gọi là nucleolin có trên bề mặt tế bào.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng aptamer ngăn ngừa ung thư “chiếm quyền điều khiển” nucleolin, làm bệnh nhân lên và nhiễm vào các tế bào khác.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Louisville ở Kentucky cho biết công nghệ này có thể được sử dụng để ngăn chặn virus tự nhân lên và lan ra khắp cơ thể.
Aptamer được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu đứng đầu là TS Paula Bates, giảng viên y khoa tại Đại học Louisville.
Ts Bates cho biết nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thuốc trên các tế bào nhưng hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở người.
“Thông thường, việc phát triển một loại thuốc từ đầu phải mất rất rất nhiều năm và bạn sẽ phải thực hiện nhiều thí nghiệm trên động vật để thử và chứng minh thuốc đó an toàn”.
“Sau đó, bạn phải kiểm tra độ an toàn ở người, và tiếp theo phải kiểm tra xem thuốc đó có hoạt động ở người không. Và toàn bộ quá trình này mất rất nhiều năm.
“Vì thuốc này đã được thử nghiệm ở người, trên những bệnh nhân ung thư và chúng tôi đã lên kế hoạch sử dụng nó theo cách và theo liều rất giống với bệnh nhân mắc Covid-19, chúng tôi hy vọng có thể tiết kiệm được nhiều thời gian”, bà nói.
Vì vắc-xin có thể mất từ 12 đến 18 tháng trước khi đưa ra thị trường, nên các thuốc điều trị có thể giúp làm chậm sự lây lan.”Thuốc có thể có sớm để ngăn chặn virus lan ra trong cơ thể và điều đó hy vọng sẽ giúp ích cho những người bị nhiễm cũng như cho những người đã bị bệnh nặng”, TS Bates nói.”Có bằng chứng để tin rằng nếu có thể giảm tải lượng virus trong cơ thể, giảm sự lan rộng của virus hơn nữa, thì điều đó sẽ có lợi”.
Video đang HOT
Công việc tìm thuốc trị và vaccine ngừa COVID-19 đang tới đâu?
Cơ hội có được thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 đang rất cao với hàng chục ứng viên thuốc kháng virus và vaccine đã vào giai đoạn thử nghiệm.
Hiện thuốc điều trị lẫn vaccine ngừa đều chưa có dù dịch COVID-19 đã hoành hành hơn ba tháng.
Dù âm thầm hơn và không được đề cập nhiều như diễn tiến nóng của dịch mỗi ngày nhưng công tác sáng chế thuốc điều trị và vaccine ngừa vẫn đang diễn ra rất khẩn trương, để có thể mau chóng kiểm soát được dịch bệnh quái ác đã làm hơn 1.213.000 người trên toàn cầu nhiễm bệnh, trong đó khoảng 65.500 người thiệt mạng.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), dù chưa có loại thuốc điều trị hay vaccine ngừa nào được chính thức công bố nhưng chưa bao giờ khoa học lại đạt được nhiều thành tựu trong một thời gian ngắn thế này để đối phó với đại dịch đang diễn ra.
Chuyên gia tại một phòng thí nghiệm ở Brazil nghiên cứu sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: EPA-EFE
Hiện nhiều nhóm nghiên cứu đang khẩn trương làm việc tiến tới sáng chế thuốc và vaccine. Các nhóm nghiên cứu này vốn có rất nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu với các loại virus Corona tương tự trước kia - đặc biệt các loại virus gây dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp cấp tính Trung Đông).
Những kinh nghiệm từ các công tác nghiên cứu trước đây giúp các nhà khoa học tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Chẳng hạn các nhà khoa học đã biết hệ gen của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 giống đến 79% virus gây dịch SARS.
Vậy công tác sáng chế thuốc điều trị và vaccine ngừa lúc này đã đi tới đâu?
Rất nhiều ứng viên thuốc điều trị đang được thử nghiệm
Thuốc kháng virus là loại thuốc can thiệp vào quá trình sao chép của các virus có hại và không gây tổn thương đến các tế bào chủ. Thuốc kháng virus sẽ phong tỏa đường xâm nhập của các virus có hại vào tế bào chủ hoặc ngăn chặn việc sao chép, sinh sôi các virus có hại.
Chloroquine, hydrochloroquine và một số loại thuốc phong tỏa virus khác
Chloroquine lâu nay được sử dụng trong điều trị bệnh sốt rét. Loại thuốc rẻ tiền và dễ kiếm này cũng là một loại thuốc kháng virus mạnh, có nghĩa nó có khả năng phong tỏa không cho virus đi vào tế bào cơ thể người. Một số nhóm nghiên cứu - trong đó có nhóm của Trường ĐH Minnesota (Mỹ) - đang nghiên cứu liệu loại thuốc này có hiệu quả trong ngăn cản đà lan tràn của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân không.
Hydroxychloroquine - một dẫn xuất ít độc hơn Chloroquine cũng đã được phát hiện có khả năng ngăn sự sao chép của virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm loại thuốc Barcitinib - một loại thuốc chống viêm dùng trong điều trị thấp khớp, viêm khớp và cũng có khả năng ngăn quá trình hội nhập bào của virus.
Một nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 tại một phòng nghiên cứu ở Copenhagen (Đan Mạch). Ảnh: AFP
Một loại thuốc nữa cũng đang được thử nghiệm là Camostat Mesylate - một loại thuốc được Nhật cho phép dùng trong điều trị chứng viêm tụy. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc này có thể phong tỏa virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào phổi.
Remdesivir và một số loại thuốc kháng virus tương tự
Một trong những loại thuốc hứa hẹn trong điều trị kháng virus SARS-CoV-2 là Remdesivir, vốn đã được sử dụng thành công trong điều trị SARS, MERS và sốt xuất huyết Ebola. Remdesivir thuộc nhóm nucleotide analogue - một nhóm thuốc chống ung thư và kháng virus, ngăn chặn virus sinh sôi trong tế bào. Hiện có ít nhất 13 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở Trung Quốc và ở Mỹ để xác định xem Remdesivir có ngăn chặn được SARS-CoV-2 hay không.
Một loại thuốc kháng virus phổ rộng đang được thử nghiệm lâm sàng nữa là Favipiravir - một loại thuốc được dùng trong điều trị cúm. Một số thử nghiệm đầu tiên với 340 bệnh nhân COVID-19 Trung Quốc cho kết quả khá khả quan, đã giúp hạn chế ngày bệnh nhân phải điều trị.
Các loại thuốc điều trị ung thư và kháng virus
Nhiều nhà khoa học từng cho rằng một sự kết hợp giữa hai loại thuốc Ritonavir và Lopinavir (kết hợp dùng trong điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch - HIV) có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, một thử nghiệm được thực hiện trên 199 bệnh nhân cho thấy cách điều trị kết hợp giữa Ritonavir và Lopinavir không hiệu quả trong ngăn chặn virus Corona.
Ngoài các thử nghiệm đã liệt kê ở trên hiện còn có ít nhất 27 thử nghiệm lâm sàng khác với nhiều phương pháp điều trị kháng virus khác nhau. Trong số này có thể kể đến alfa-2b (một loại protein do tế bào cơ thể sinh ra khi bị virus tấn công, nhằm ngăn virus phát triển), thuốc kháng virus Ribavirin, thuốc giảm viêm Methylprednisolone, thuốc điều trị HIV Azvudine.
Các ứng viên vaccine ngừa
Vaccine ngừa là một chiến lược ngăn chặn. Nếu lúc này có vaccine ngừa, cộng đồng thế giới sẽ có được miễn dịch cho các đợt dịch tới trong tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới đề cập ít nhất 41 ứng viên vaccine thử nghiệm.
Một nhà nghiên cứu tìm hiểu sự sao chép của virus nhằm phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP
Một trong số đó là thử nghiệm đang diễn ra ở Trung Quốc với một loại vaccine được nghiên cứu phát triển dựa vào hệ gen của virus SARS-CoV-2. Khi thử nghiệm trên khỉ, ứng viên vaccine này có tạo ra kháng thể, giúp chiến đấu lại virus. Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm được bắt đầu ở Vũ Hán với 108 người tình nguyện khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 60. Mỗi người sẽ lần lượt được thử với ba liều khác nhau.
Mục tiêu của giai đoạn 1 là nhằm kiểm tra độ an toàn của vaccine ở những liều khác nhau và để đánh giá các tác dụng phụ. Nếu vaccine được chứng minh an toàn thì quá trình thử nghiệm có thể chuyển sang giai đoạn 2 với mục tiêu đánh giá hiệu quả của vaccine.
Một số ứng viên vaccine khác do Liên minh Đổi mới sự chuẩn bị đối phó dịch bệnh (CEPI) đề xuất. Liên minh CEPI nhận tiền quyên góp từ các tổ chức công, tư, dân sự, từ thiện để tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Hiện CEPI đang tài trợ tám dự án nghiên cứu sáng chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Tất cả đều đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.
Hiện vẫn chưa có loại thuốc điều trị hay vaccine ngừa nào cụ thể được cấp phép. Tất cả ứng viên đều đang ở giai đoạn thử nghiệm. Một số sẽ không cho thấy hiệu quả nhưng cơ hội để tìm ra một loại thuốc điều trị hay vaccine ngừa vẫn cao, theo SCMP.
THIÊN ÂN
'Làng ung thư' mọc lên từ đất hiếm ở Trung Quốc Những người dân làng chân đi dép tông, đầu đội mũ rơm, mang theo những tấm biểu ngữ ghi dòng chữ "Trả lại đất cho tôi". Đó là vào một ngày tháng 7. Họ là những nông dân đến từ làng Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc, nơi một doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị đổ axit vào các hố...