Thuốc nổ bán tràn lan
“Ở đâu có làm vàng, ở đó có buôn bán thuốc nổ”. Đó là lời khẳng định như đinh đóng cột của một người làm vàng trên địa bàn H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. PV Thanh Niên đã thâm nhập để kiểm chứng lời khẳng định này…
Kíp và dây cháy chậm – Ảnh: Nam Anh
Tuy chỉ cách thủ đô Hà Nội chừng 150 km, nhưng đã nhiều năm nay, một số xã vùng sâu như Sa Lý, Phong Vân, Phong Minh… của H.Lục Ngạn luôn được coi là “điểm nóng” về khai thác vàng trái phép. Tới cuối năm 2011, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang nhiều lần tổ chức triệt phá máy móc, phương tiện, đánh sập nhiều hầm và trục xuất hàng trăm dân khai thác vàng trái phép khỏi địa bàn, rồi thành lập các tổ công tác chốt tại bìa rừng. Thế nhưng, nạn khai thác vàng trái phép vẫn không ngừng diễn ra. Theo những người làm vàng tại đây, để có thể khai thác lò, hầm, người ta buộc phải dùng tới thuốc nổ. Chính vì vậy, việc mua bán thuốc nổ tại các khu vực làm vàng diễn ra ngầm nhưng hết sức dễ dàng, miễn sao có… tiền.
Vàng và thuốc nổ
Sau nhiều tháng làm quen, khi đã lấy được lòng tin từ một dân anh chị, tôi được T. “béo” dẫn đi mua thuốc nổ. Tuy chỉ cách trung tâm thị trấn Chũ trên dưới 50 cây số, nhưng vì đèo dốc khiến người ta cảm thấy đường dài hơn rất nhiều. “Đây là độc đạo dẫn về Chũ, nên mua được thuốc nổ xong mà phát hiện ra chú chơi nó, chúng sẽ gọi điện cho quân chặn đầu xử chú, sau đó vứt xác xuống vực… đơn giản như không”, T. “béo” úp mở. Chẳng biết T. “béo”, từng có hơn 15 năm làm chủ bưởng dọc khắp các bãi vàng Phong Minh và Sa Lý, nói thật hay chỉ để nắn gân, nhưng nghe rồi nhìn lại quãng đường cả chục cây số toàn núi với rừng, tôi cũng thấy người mình gai gai.
Khi chiếc xe máy vừa vào địa phận xã Phong Minh, chỉ tay về phía con suối có dòng nước đỏ quạch, chảy lờ đờ, T. “béo” nói như giảng giải: “Chỉ có khai thác vàng sa khoáng thì mới không cần đụng tới thuốc nổ. Dân làm cứ đưa máy xúc xuống mà đào hết lòng sông, lòng suối rồi đổ vào giàn tuyển là ra vàng. Còn riêng làm vàng “nẹp” trên các ngọn núi hay quả đồi ở Lục Ngạn này, nếu không có thuốc nổ thì đành bó tay. Nghĩa là nơi nào có dân làm vàng thì kiểu gì cũng xuất hiện thuốc nổ. Theo đó, thuốc nổ được nặn thành từng bánh trước khi nhét sâu vào những vách đá, nơi nghi có vàng. Sau tiếng nổ, sức công phá khiến hàng trăm mét khối đất đá vỡ vụn. Chủ bưởng xuất hiện, giám sát người làm thuê hốt số đất đá trên để lọc vàng. Có khi là vàng cục, vàng miếng, nhưng cũng có khi phải đem xay phần đất đá vừa được đánh thuốc nổ để lọc, tìm mới ra vàng”.
Video đang HOT
T. “béo” còn cho hay, việc đi bộ băng rừng 5 – 6 tiếng đồng hồ để lên được đỉnh núi Vạn Cung, núi Nũn, núi Hương (thuộc hai xã Phong Minh và Sa Lý) là một cực hình, nên dân trong xã khi đi khai thác vàng chỉ đem theo một chiếc xẻng nhỏ, một bao tải trong có gói bọc thuốc nổ để phá núi. Cũng do việc khai thác vàng trái phép diễn ra trên một khu vực rộng lớn, nên thuốc nổ thường được vận chuyển bằng xe máy hoặc ô tô với một số lượng lên tới hàng tạ. Nhưng theo T. “béo”, làm kiểu này dễ bị phát hiện, như trường hợp Leo Văn Bế (49 tuổi) và Tạ Văn Bình (27 tuổi đều ở xã Nam Dương, H.Lục Ngạn) bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang khi đang nhận vận chuyển thuê 2 tạ thuốc nổ TNT để giao cho những người làm vàng tại khu vực xã Phong Minh…
Mua bao nhiêu cũng có !
Vừa tới giữa đỉnh đèo, khu vực giáp ranh giữa hai xã Phong Minh và Sa Lý, T. “béo” xuống xe rồi móc điện thoại ra gọi. Chừng 15 phút, một nam thanh niên người gầy nhẳng, chạy chiếc xe Wave với tốc độ của gió xuất hiện. Nhác thấy tôi, nam thanh niên này đã nhíu mày, đưa ánh mắt dò xét. Như hiểu vấn đề, T. “béo” vỗ vai tôi, rồi nói lớn trấn an: “Đây là thằng em, nó nhờ anh đưa lên chú mua tạm ít thuốc nổ để dưới Hòa Bình làm vàng”. “Sao dưới đó làm vàng không có thuốc nổ mà lại lên đây”, nam thanh niên chưa hết nghi ngờ. “Dưới đó công an làm dữ quá nên chẳng thằng nào dám bán nữa”, tôi đưa ra lý do. “Thế định lấy bao nhiêu “cốp” (mỗi “cốp” là 2,4 kg thuốc nổ -PV)? Giá cho dân đi vàng ở đây là 1,8 triệu đồng một “cốp”, nhưng anh là chỗ quen biết nên tôi lấy đúng 1,5 triệu đồng”, nam thanh niên đánh luôn bài ngửa. Sau 5 giây quan sát nét mặt người bán, tôi đánh bạo nói mua 10 “cốp”. “Em tưởng anh mua 1, 2 “cốp” thì em lấy tạm được của mấy anh em vẫn đi vàng cùng xã, còn lấy chục “cốp” anh phải đợi em lên núi, tới xế chiều về mới có”, thanh niên này nói.
Người nhận bán thuốc nổ vừa phóng xe đi khỏi, T. “béo” cũng lôi tuột tôi lên xe phi như bay tới một quán nước. “Chục “cốp” là nhiều lắm. Thằng đó phải lên núi lấy, cả đi cả về cũng mất nửa ngày. Như thế về muộn mất, nguy hiểm ra”, vừa nhấp ngụm trà, T. “béo” vừa giải thích. Theo T., nam thanh niên bán thuốc nổ tên H., nhà ở xã Phong Minh. H. bỏ học và theo người lớn đi làm vàng từ nhỏ. Do vậy, việc tiếp xúc và sử dụng thuốc nổ đối với H. như cơm bữa.
5 giờ 15 phút chiều cùng ngày, sau gần 7 tiếng chờ đợi, H. gặp lại tôi để giao thuốc nổ. Theo lời H., bất cứ một dân đi làm vàng nào ở Sa Lý hay Phong Minh đều đã hoặc đang tàng trữ thuốc nổ loại này. Trước đây, thuốc nổ thường được cất giấu ngay trong nhà hoặc chôn dưới sân vườn, khi nào người dân lên núi làm vàng sẽ đem theo. Từ dạo cuối năm 2011, khi chính quyền tỉnh Bắc Giang mạnh tay xử lý khai thác vàng trái phép thì tình trạng sử dụng, tàng trữ thuốc nổ có giảm. “Còn những chủ bưởng, hay các tay nuôi quân làm vàng, thì họ tìm một khu vực bí mật trên núi, đào thành hầm rồi bỏ thuốc nổ xuống đó. Những hầm thuốc nổ này lên tới hàng tạ, thậm chí là cả tấn”, H. bật mí và kể nhiều trường hợp dân đi làm vàng lẻ trong xã vô tình đào trúng cả hầm thuốc nổ trong lòng núi. Đây là số thuốc nổ mà các chủ bưởng người Thái Nguyên trước khi bị trục xuất khỏi các lò, hầm vàng đã chôn giấu.
Toàn bộ 10 “cốp” tương đương 24 kg thuốc nổ mà H. mang từ trên núi xuống đều là thuốc nổ TNT. Theo đó mỗi “cốp” gồm 6 thanh thuốc nổ được đóng trong túi nilon dày, riêng biệt. Mỗi thanh có dạng hình trụ to xấp xỉ cổ tay người lớn, dài chừng 30 cm, được bọc bằng giấy bìa mềm. Thuốc nổ đóng trong mỗi thanh này trông tựa muối bột canh. Điều đáng chú ý là trên mỗi thanh thuốc nổ đều được in mực đen với dòng chữ đại loại như: ADI322009… Theo lời H., toàn bộ số thuốc nổ mà anh ta có cũng như của nhiều người khác trong xã đều được mua lại từ các đám làm vàng, làm quặng bên đất Thái Nguyên. “Mới hai hôm trước khi anh lên, em cũng bán 3 cốp cho bọn thanh niên trong làng để đi đánh cá. Thuốc nổ cũng lấy trên núi về nên hơi ẩm, chúng nó chê thuốc xịt. Điên quá em đưa chúng nó ra hồ, ném thử mấy quả. Tiếng nổ đinh tai, cá chết nổi trắng hồ”, vừa nói H. vừa hướng dẫn tôi cách chế mìn. Theo đó, thuốc được nhồi càng chắc, sức công phá càng mạnh. H. còn dặn dò tôi: “Khi vận chuyển đi xa, anh cứ để riêng phần thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm thì sẽ an toàn. Cấm tuyệt để chung, nếu không bị va đập sinh tới đánh lửa sẽ gây phát nổ ngay”.
Viện cớ không đủ tiền, tôi ứng trước cho H. một phần rồi nhờ H. giấu kỹ, sáng sớm hôm sau sẽ đi ô tô lên lấy đem về Hòa Bình cho an toàn. Sau đó, tôi cùng T. “béo” về thị trấn Chũ. Về phía H., anh ta quả quyết sẽ đáp ứng đủ lượng hàng mà tôi cần, miễn sao mỗi lần đến “a lô trước 1 ngày” để có thời gian chuẩn bị. “Sau này, nếu lấy nhiều em sẽ hạ giá còn 1,4 triệu đồng/cốp”, H. nói.
Số thuốc nổ của H. rao bán có hình thoi và được in ký hiệu
Cảnh tan hoang do khai thác vàng trên địa bàn xã Sa Lý Ảnh: Hà An
Theo TNO
Bỏ làng vì sạt lở
Vào mùa bão lũ, người dân trên nhiều địa bàn trong tỉnh Quảng Trị lại phải sống trong bao nỗi lo, bởi nạn sạt lở các dòng sông lớn.
Xã Triệu Độ (H.Triệu Phong, Quảng Trị) nằm bên bờ sông Thạch Hãn, 15 năm nay người dân khốn đốn bởi nạn sạt lở bờ sông diễn ra khốc liệt. Đặc biệt tại thôn Trung Yên, diện tích đất sản xuất đã bị "teo" lại từ 15 ha xuống còn 8 ha làm người nông dân không khỏi ứa nước mắt.
Sạt lở bờ sông đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thôn Trung Yên (xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở tại các dòng sông lớn. Trong đó các nguyên nhân khách quan chính là do địa hình Quảng Trị hẹp chiều Đông Tây, sông suối ngắn dốc, hệ số uốn cong của các sông lớn và trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, xuất hiện những trận mưa lớn, nước lên nhanh và đổ về xuôi với tốc độ mạnh, cuốn phăng những mảng đất ven sông. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do phía thượng lưu các dòng sông tình trạng khai thác vàng, sa khoáng diễn ra khá ồ ạt trong khi phía hạ lưu thì lại có "sa tặc" quần đảo ngày đêm để khai thác cát sỏi làm biến đổi dòng chảy...
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Thôn phó thôn Trung Yên thì ngay tại khoảnh đất của ông cách đây mấy năm còn xa bờ sông cả trăm mét thì nay chỉ cách... 3 m. "Tốc độ sạt lở rất kinh hoàng. Đất đai, cây cối đều trôi hết, đã có 15 hộ đã phải di dời và hiện còn hơn chục hộ nữa chỉ còn cách các hàm ếch chừng dăm mét cần được di chuyển khẩn cấp nhưng hiện xã chưa bố trí được" - ông Huân nói. Ông Đinh Cao Cả, cán bộ địa chính UBND xã Triệu Độ cho hay tại các thôn An Lợi, An Dạ, Gia Độ của xã cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở nhưng diễn ra chậm hơn ở Trung Yên. "Hiện nay, quỹ đất của xã không còn nhiều, chúng tôi chỉ có thể tiếp tục rà soát lại để xem xét bố trí cho những hộ thật sự nguy cấp do sạt lở đe dọa trực tiếp" - ông Cả nói.
Tại xã Hải Chánh (H.Hải Lăng), nơi có hệ thống sông Ô Lâu chảy qua, tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở là hơn 5 km, tập trung ở thôn Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Xuân Lộc, Tân Lương... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 500 hộ dân. Đặc biệt tại làng cổ Hội Kỳ, sạt lở còn gây nên nguy cơ làm sập luôn hàng chục ngôi nhà rường cổ quý giá của tỉnh Quảng Trị.
Ông Hoàng Hữu Sử, Phó chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, trước mắt xã chỉ có thể yêu cầu người dân tập kết của cải, vật nuôi cũng như di dời nhà đi chỗ khác còn việc khắc phục tận gốc thì xã không có đủ kinh phí và nhờ cấp trên xem xét... Tại xã Hải Lệ (TX.Quảng Trị), nạn sạt lở sông Thạch Hãn gần như "xóa sổ" ngôi làng Tân Mỹ 300 năm tuổi khi "ăn" vào bờ hơn 300 m, làm 96 hộ phải bỏ làng mà đi... Chưa hết, chừng 250 hộ dân của các thôn Hải Chữ, Xuân Mỵ, Bách Lộc (xã Trung Hải, H.Gio Linh) cũng vô cùng lo lắng vì nạn sạt lở bờ sông Bến Hải. Có một điều trùng khớp là những địa phương bị sạt lở nặng cũng là nơi "sa tặc" lộng hành, khiến dòng chảy của các con sông bị biến đổi. Nhiều người dân cho rằng nạn sạt lở sẽ tiếp tục nếu như vẫn còn những tàu thuyền gầm rú suốt đêm ngày trên sông.
Độ an toàn của các công trình thủy lợi
Một nỗi lo khác của người dân Quảng Trị khi mùa lũ sắp về chính là độ an toàn của các công trình thủy lợi. Toàn tỉnh có 13 công trình thủy lợi lớn, trong đó có một số xây dựng từ 15-20 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt tại hệ thống cống đập Việt Yên (H.Triệu Phong), công trình ngăn dòng Vĩnh Định với nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt cho hơn 4.000 ha lúa, rau màu, hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản ở bắc H.Triệu Phong và đông H.Hải Lăng, hiện đã bị hư hỏng trầm trọng. Từ tháng 5.2010, Thanh Niên đã phản ánh về công trình này, vào thời điểm đó lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết đã có phương án khắc phục nhưng bây giờ vẫn tiếp tục chờ.
Theo TNO
Khai thác vàng lộng hành Chưa hoàn tất thủ tục theo quy định, nhưng Công ty CP Vạn Phát vẫn xây dựng nhà máy, khai thác và tinh tuyển vàng rầm rộ từ nhiều năm nay tại mỏ vàng Nhâm, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Rừng tự nhiên bị san bạt và nước thải từ tinh tuyển vàng thải trực tiếp ra môi trường - Ảnh: B.N.L Ngày 18.9,...