Thuốc kháng virus molnupiravir ra đời như thế nào
Molnupiravir ban đầu được nghiên cứu để trị bệnh cúm, song hãng dược Merck hợp tác với Ridgeback BioTherapeutics thử nghiệm thuốc với Covid-19 kể từ năm 2020.
Khi Covid-19 còn hoành hành tại Ấn Độ, Merck thông báo ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện, không độc quyền với 5 nhà sản xuất để tăng tốc và mở rộng khả năng tiếp cận molnupiravir. Đây còn gọi là hợp đồng License, cho phép các công ty sử dụng sáng chế của Merck (có thể mất phí hoặc không), trong khi hãng vẫn tiếp tục giữ quyền sở hữu thuốc. Từ đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba có tên MOVe-OUT diễn ra trên bệnh nhân ngoại trú của nước này.
“Đây không chỉ là vấn đề của Ấn Độ. Nó là vấn đề của toàn thế giới. Chúng ta đang sống trong một xã hội liên kết với nhau, nơi mọi người chung một hoàn cảnh”, tiến sĩ George Painter, giám đốc Sáng kiến Thương mại hóa Thuốc phi lợi nhuận DRIVE của Đại học Emory, nhận định.
Khi thế giới chuyển dần sang chiến lược sống chung với Covid-19 thay vì giãn cách xã hội, molnupiravir dần trở thành cánh cửa hy vọng mở ra thời kỳ bình thường mới, bên cạnh vaccine. Thuốc hiệu quả và an toàn, giúp giảm gần 50% nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19. Kết quả khả quan đến mức hai hãng, với sự tham vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đã quyết định ngừng tiếp nhận tình nguyện viên và bắt đầu quá trình đệ đơn đăng ký phê duyệt.
Song ít ai biết, nghiên cứu ban đầu về molnupiravir khởi động rất lâu trước đại dịch, từ năm 2003, khi các nhà khoa học tại Đại học Emory đang làm việc với hợp chất liên quan, gọi là EIDD-1931/NHC. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên tế bào người và chuột cho thấy hợp chất hiệu quả chống lại một loạt virus RNA như viêm gan C, cúm mùa, virus corona gây ra SARS và MERS.
Song EIDD-1931/NHC không thể hấp thụ tốt qua đường uống. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy nó gây đột biến trong tế bào vật chủ. Vì vậy, công trình này từng bị gạt sang một bên.
Năm 2013, Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng yêu cầu giới chuyên gia trình đề xuất điều trị virus viêm não ngựa Venezuela – một virus RNA đặc hữu ở châu Mỹ gây chết người. Các nhà nghiên cứu của DRIVE đã lục lại thư viện hợp chất sẵn có và tìm được EIDD-1931/NHC.
Bằng cách thay đổi cấu trúc hóa học, họ biến nó thành một loại tiền chất (pro-drug). Đây là hợp chất, sau khi dùng, được chuyển hóa (chuyển đổi trong cơ thể) thành một loại thuốc có hoạt tính dược lý. Tiền chất mới gọi là EIDD-2801, sau này được đổi tên thành molnupiravir, có khả năng hấp thụ tốt qua đường uống.
“Khi bắt đầu xem xét các ứng viên thuốc, chúng tôi nhận thấy nó có hoạt tính phổ rộng, chống lại nhiều virus đường hô hấp, từ cúm gia cầm gây tử vong đến virus corona gây bệnh SARS, MERS và cuối cùng là Covid-19″, tiến sĩ Painter cho biết.
Thuốc viên molnupiravir của hãng dược Merck. Ảnh: Merck
Video đang HOT
Molnupiravir cũng có những đặc tính hữu ích trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Nó nhắm mục tiêu vào thành phần cụ thể của virus RNA. Thuốc dùng qua đường uống, có thể sử dụng ở nhà, rất hữu ích với các bệnh nhân cấp tính, khi virus mới bắt đầu lan rộng trong cơ thể. Molnupiravir vượt qua hàng rào máu não – phần quan trọng để điều trị virus có thể lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương. Nó tác dụng mạnh mẽ và nhanh chóng, hiệu quả cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Với hoạt tính nhanh chóng, thuốc hữu ích với các mầm bệnh có thời gian điều trị hẹp.
Ngoài ra, nghiên cứu ở chồn hương và tế bào đường hô hấp của người nhiễm cúm cho thấy molnupiravir có thể ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc – một vấn đề ngày càng nan giải trong những năm gần đây.
Từ những nghiên cứu trước đó, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ tài trợ 15,89 triệu USD để phát triển loại thuốc này, ban đầu là để điều trị cho người bệnh cúm.
Đến cuối năm 2019, các chuyên gia tại DRIVE chuẩn bị nộp đơn đăng ký cho molnupiravir (khi ấy vẫn có tên là EIDD-2801) để điều trị cúm. Song đại dịch kéo đến, các thử nghiệm trên người bị tạm dừng và tất cả nguồn chuyển sang Covid-19.
DRIVE hợp tác và chuyển giao đơn đăng ký cho hãng sinh phẩm Ridgeback BioTherapeutics vào tháng 1/2020. Ridgeback nhanh chóng khởi động nghiên cứu giai đoạn một, xem xét dược động học, tính an toàn và khả năng dung nạp molnupiravir ở người nhiễm nCoV.
Trong vòng 9 tuần, kết quả nghiên cứu giai đoạn một cho thấy thuốc “khả dụng đường uống, dung nạp tốt và có tính an toàn cao”, theo tiến sĩ Painter. Thử nghiệm diễn ra theo phương pháp mù đôi trên 130 người. Họ được chia thành hai nhóm ngẫu nhiên dùng thuốc hoặc giả dược. Cả người phát và nhận thuốc không biết mình dùng loại nào.
Kết quả ban đầu giúp thiết lập liều lượng phù hợp và cho thấy thuốc được hấp thụ nhanh chóng trong chưa đầy hai giờ. Dưới một nửa số người tham gia báo cáo tác dụng phụ. 93,3% tác dụng phụ khá nhẹ.
Hợp tác với Merck, Ridgeback tiếp tục thử nghiệm giai đoạn hai, kết quả trình bày tại Hội nghị Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội (CROI) vào tháng 3/2021. Thử nghiệm có 175 bệnh nhân Covid-19 tham gia.
Sau 5 ngày theo dõi, chuyên gia không phát hiện virus từ mẫu dịch mũi của người uống molnupiravir. Trong khi đó, 24% người dùng giả dược vẫn có virus vào ngày thứ 5.
“Hy vọng thuốc sẽ tác động lên sự lây nhiễm trong giai đoạn đầu bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho một hệ thống y tế đã gặp nhiều áp lực”, ông Painter nói.
Hôm 1/10 , đại diện Merck cho biết molnupiravir có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19, sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với 775 bệnh nhân. Ngoài ra, molnupiravir hiệu quả với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của nCoV, kể cả Delta có khả năng lây truyền cao.
Giá thuốc trị Covid-19 có thể gấp 40 lần chi phí
Thuốc molnupiravir trị Covid-19 của hãng dược Merck có chi phí sản xuất khoảng 17,74 USD/liệu trình, nhưng được bán cho chính phủ Mỹ với giá gấp 40 lần.
Theo báo cáo được công bố tuần trước của các chuyên gia định giá thuốc tại Trường Y tế Công cộng Harvard và Bệnh viện Kings College ở London, molnupiravir, loại thuốc uống được ca ngợi là "tiến bộ vượt bậc" trong điều trị Covid-19, có giá thành khoảng 17,74 USD, nhưng tập đoàn dược phẩm Merck đang ký hợp đồng bán cho chính phủ Mỹ với giá 712 USD cho một liệu trình 5 ngày.
Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics hôm 1/10 công bố báo cáo thử nghiệm giai đoạn cuối, cho thấy molnupiravir giảm một nửa nguy cơ nhập viện, tử vong ở những ca Covid-19 vừa hoặc nhẹ. Molnupiravir là thuốc dạng viên, không phải tiêm vào tĩnh mạch như các kháng thể đơn dòng, nên dự kiến được sử dụng rộng rãi, dễ dàng hơn, giúp kéo giảm tỷ lệ tử vong và thay đổi cuộc chơi trước Covid-19.
Trong 29 ngày thử nghiệm của Merck, không bệnh nhân nào trong số 385 sử dụng thuốc molnupiravir tử vong, trong khi 8 người thuộc nhóm dùng giả dược đã chết vì Covid-19, theo tuyên bố của hãng dược Mỹ. Merck đã nộp đơn xin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc này.
Thuốc viên trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược phẩm Merck. Ảnh: Merck .
Molnupiravir ban đầu được Đại học Emory, bang Georgia, nghiên cứu để điều trị bệnh viêm não ngựa ở Venezuela. Từ năm 2013, Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, thuộc Viện Y tế Quốc gia đã tài trợ cho Đại học Emory hơn 29 triệu USD để nghiên cứu loại thuốc này.
Đến tháng 3/2020, Đại học Emory bán bản quyền thuốc molnupiravir cho Ridgeback Biotherapeutics, một công ty nhỏ tại Miami vốn không có phòng thí nghiệm, không cơ sở xuất. Hai tháng sau, Ridgeback Biotherapeutics bán bản quyền toàn cầu cho Merck với một khoản tiền không được tiết lộ.
Ngoài những tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng, molnupiravir có thể mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho cả Merck và Ridgeback Biotherapeutics, được dự đoán lên tới 7 tỷ USD vào cuối năm nay. Sau khi công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng hôm 1/10, giá cổ phiếu của Merck tăng vọt, trong khi giá cổ phiếu của một số nhà sản xuất vaccine bị tụt.
Bất chấp khoản đầu tư ban đầu cho Đại học Emory, chính phủ Mỹ dường như đang chịu nhiều thiệt thòi trong hợp đồng mua thuốc molnupiravir. Chính phủ Mỹ hồi tháng 6 ký hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với Merck để mua 1,7 triệu liệu trình, tương đương 712 USD/liệu trình. Giao dịch sẽ diễn ra ngay sau khi molnupiravir được FDA cấp phép.
Một số người cho rằng vì chính phủ liên bang Mỹ đã chi ít nhất 29 triệu USD phát triển thuốc molnupiravir, họ có quyền được mua loại thuốc này với giá phải chăng.
"Ngân sách đã tài trợ cho loại thuốc này, do đó chính phủ có một số quyền, gồm quyền được mua theo các điều khoản hợp lý", Luis Gil Abinader, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi chính phủ Knowledge Ecology International, cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC, Wendy Holman, người đồng sáng lập Ridgeback, lưu ý rằng công ty đã yêu cầu nhưng "chưa bao giờ được chính phủ tài trợ" để sản xuất molnupiravir. Rick Bright, cựu giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh (BARDA), tháng 5/2020 tiết lộ rằng Ridgeback đã nỗ lực xin tài trợ 100 triệu USD từ BARDA để phát triển loại thuốc này như một biện pháp điều trị Covid-19 nhưng không thành công.
Thông cáo báo chí của công ty về kết quả nghiên cứu cũng lưu ý "từ khi Ridgeback mua bản quyền, tất cả tiền được sử dụng để phát triển molnupiravir đều do Merck và Ridgeback cung cấp".
Abinader đã chỉ trích Ridgeback vì không thừa nhận khoản đầu tư ban đầu của chính phủ cho dự án. "Những gì họ muốn làm rõ ràng là định hình câu chuyện ai đã chi tiền phát triển thuốc để tránh yêu cầu bán thuốc với giá hợp lý", ông nói.
Trong phản hồi qua email, Ridgeback Biotherapeutics khẳng định chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ Mỹ cho molnupiravir và công ty tự bỏ tiền phát triển thuốc điều trị. Merck hiện chưa bình luận.
Merck cam kết sẽ phân phối molnupiravir với giá hợp lý trên khắp thế giới và đã ký các thỏa thuận cấp phép với 5 công ty Ấn Độ để sản xuất thuốc. Các công ty Ấn Độ đang có kế hoạch định giá loại thuốc này dưới 12 USD cho liệu trình 5 ngày.
Ở Mỹ cũng như nhiều nước có thu nhập trên trung bình trở lên, giá thuốc sẽ do thị trường quyết định.
Các chuyên gia định giá thuốc tại Trường Y tế Công cộng Harvard và Bệnh viện Kings College ở London thừa nhận chi phí 17,74 USD để sản xuất một liệu trình 5 ngày thuốc molnupiravir chỉ là ước tính, nhưng cho biết thuật toán họ sử dụng đã được áp dụng để tính chi phí sản xuất hàng trăm loại thuốc.
Theo các chuyên gia, nếu bán molnupiravir với giá19,99 USD/liệu trình, công ty có thể thu về lợi nhuận 10%.
Sự khác biệt về giá là cơ sở để chính phủ Mỹ yêu cầu mức giá tốt hơn theo Đạo luật Bayh-Dole, chuyên gia Abinader cho hay. Đạo luật Bayh-Dole, được thông qua năm 1980, quy định việc chuyển các phát minh do liên bang tài trợ thành tài sản thương mại và cho phép chính phủ "can thiệp", đình chỉ sử dụng các bằng sáng chế được phát triển bằng nguồn tài trợ chính phủ nếu xác định sản phẩm có giá quá cao.
"Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đàm phán thỏa thuận khác với Merck, có lẽ họ nên tận dụng những quyền đó để có được mức giá tốt hơn", Abinader nhận định.
Thái Lan đàm phán mua 200.000 toa thuốc điều trị COVID-19 Hãng tin Reuters của Anh đưa tin ngày 4/10, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ y khoa Thái Lan, Somsak Akksilp, cho biết chính phủ nước này đang đàm phán với nhà sản xuất dược phẩm Merck & Co của Mỹ để đặt mua trước 200.000 toa thuốc kháng virus molnupiravir đang được thử nghiệm, phục vụ cho việc điều trị các bệnh nhân...