Thuốc huyết áp thông dụng có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim
Nghiên cứu sơ bộ kết luận rằng một thuốc thường được các bác sĩ kê đơn để điều trị đau thắt ngực và huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột.
Nghiên cứu gần đây đã xem xét các yếu tố nguy cơ đứng sau ngừng tim.
Ngừng tim xảy ra khi tim ngừng bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu không được điều trị, ngừng tim có thể gây tử vong trong vòng vài phút.
Theo Hội Tim Mỹ (AHA), tại nước này mỗi năm có khoảng 475.000 người chết do ngừng tim.
Tình trạng này cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, viêm phổi, cúm, tai nạn giao thông, súng, HIV và cháy nhà cộng lại.
AHA mô tả ngừng tim “là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nguy hiểm nhất ở Mỹ.” Vì ngừng tim vừa nghiêm trọng vừa phổ biến, nên việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ liên quan là hết sức cần thiết.
Để làm điều này, Hội đồng Hồi sức Châu Âu đã tiến hành một dự án thu thập dữ liệu về ngừng tim, được gọi là mạng lưới Ngừng tim đột ngột Châu Âu (ESCAPE-NET).
Một yếu tố nguy cơ mới?
Nghiên cứu gần đây sử dụng dữ liệu ESCAPE-NET đã tìm hiểu xem liệu một nhóm thuốc được sử dụng phổ biến có đóng vai trò trong ngừng tim hay không.
Các bác sĩ thường sử dụng nhóm thuốc dihydropyridine để điều trị huyết áp cao và đau thắt ngực – đau ngực do giảm lưu lượng máu đến tim. Dự án tập trung vào hai dihydropyridine là nifedipine và amlodipine.
Video đang HOT
Các nhà khoa học đã truy cập dữ liệu từ Nghiên cứu Hồi sức Amsterdam của Hà Lan và Đăng ký Ngừng tim Đan Mạch, cả hai đều là một phần của ESCAPE-NET.
Kết quả nghiên cứu được trình bày tại EHRA 2019, hội nghị thường niên của Hội Nhịp tim châu Âu, được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Tổng cộng, họ đã truy cập dữ liệu từ hơn 10.000 người đang dùng dihydropyridines và 50.000 người đối chứng.
Phân tích cho thấy những người đang dùng nifedipine liều cao dễ bị ngừng tim ngoài viện hơn đáng kể so với những người không dùng dihydropyridine hoặc đang dùng amlodipine.
Tại sao điều này xảy ra?
Các tác giả đã tìm hiểu lý do tại sao hoạt động của hai thuốc này lại khác nhau. Cả hai thuốc đều sử dụng cùng một cơ chế, vậy tại sao một thuốc làm tăng nguy cơ ngừng tim trong khi thuốc kia dường như không có sự khác biệt?
Các dihydropyridine hoạt động thông qua việc chặn các kênh canxi týp L. Khi các kênh này bị chặn, điện thế hoạt động của các tế bào tim trở nên ngắn hơn.
Cụm từ “điện thế hoạt động” mô tả sự thay đổi về điện tích của màng liên quan đến việc truyền xung điện. Hiện tượng này xảy ra ở các dây thần kinh và tế bào cơ.
Sự thay đổi này có thể gây ra loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim.
Đáng chú ý là những thí nghiệm in vitro này phù hợp với kết quả của nghiên cứu trên quần thể. Liều cao của nifedipine rút ngắn điện thế hoạt động nhiều hơn đáng kể so với amlodipine liều cao.
“Nifedipine và amlodipine thường được các bác sĩ tim mạch và bác sĩ khác sử dụng, và sự lựa chọn thường phụ thuộc vào sở thích và kinh nghiệm cá nhân của người kê đơn.” Ts. Hanno Tan, Trưởng dự án ESCAPE-NET nói. “Cả hai thuốc đều được coi là hiệu quả và an toàn như nhau và không liên quan đến ngừng tim đột ngột.”
“Nghiên cứu cho thấy nifedipine liều cao có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột do rối loạn nhịp tim chết người trong khi amlodipine thì không.”
Điều quan trọng cần lưu ý là vì đây là một dòng nghiên cứu mới, sẽ rất cần khẳng định những phát hiện này trên những nhóm đối tượng nghiên cứu với nhân khẩu học khác nhau”.
Như TS. Tan kết luận, “Nếu những phát hiện này được xác nhận trong các nghiên cứu khác, chúng ta có thể phải cân nhắc khi sử dụng một trong hai thuốc này.”
Cẩm Tú
Theo MNT
Thuốc huyết áp lại bị thu hồi do nhiễm chất gây ung thư
Một loạt thuốc huyết áp khác lại bị thu hồi do lo ngại bị nhiễm chất gây ung thư.
Thuốc valsartan ban đầu được phát triển bởi Novartis, được bán trên thị trường với tên Diovan, nhưng hiện tại thuốc đã hết thời hạn bản quyền và bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc gốc từ các công ty khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái, một số sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc đã bị nhiễm một chất gây ung thư có tên là NDEA, làm dấy lên một đợt thu hồi trên toàn thế giới.
Và mới đây, cơ quan chức năng tại Mỹ cho biết một nhà sản xuất thuốc gốc Ấn Độ là Aurobindo Pharma Ltd sẽ phải thu hồi 80 lô thuốc huyết áp vì lý do tương tự.
Năm 2018, thuốc valsartan được sản xuất tại Trung Quốc đã bị nhiễm một chất gây ung thư có tên là NDEA, khiến phải thu hồi toàn cầu. Bây giờ, điều tương tự đã xảy ra với một nhà sản xuất Ấn Độ
Ngoài điều trị huyết áp cao, thuốc cũng được kê đơn để điều trị suy tim.
FDA cho biết tạp chất (N-Nitrosodiethylamine) đã được phát hiện với lượng vượt quá giới hạn chấp nhận được trong một số viên thuốc có chứa valsartan.
Thông báo này được đưa ra một tháng sau khi Mylan NV cho biết sẽ thu hồi tất cả các lô thuốc huyết áp có chứa valsartan sau khi các cơ quan y tế toàn thế giới quyết tâm ngăn chặn loại thuốc này.
FDA cho biết sẽ tiếp tục điều tra và thử nghiệm tất cả các thuốc huyết áp về NDEA và những chất có thể gây ung thư khác.
Vào tháng 10 năm ngoái, FDA đã ngừng nhập khẩu các thành phần thuốc hoặc thuốc có chứa các thành phần được sản xuất tại tại Zhejiang Huahai Pharmaceuticals, một nhà máy Trung Quốc sản xuất sỉ valsartan.
Các chuyên gia trong ngành ước tính hơn hai phần ba tất cả các thành phần hoạt chất thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy mức độ phụ thuộc nhiều của người tiêu dùng trên khắp thế giới vào thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi các cơ quan quản lý đang tăng cường kiểm tra, họ cảnh báo còn nhiều việc phải làm.
"Chúng tôi cần tư duy ở quy mô toàn cầu và có chiến lược hợp tác với các đối tác từ khắp nơi trên thế giới để tận dụng tốt nhất khả năng kiểm tra của mình, để bệnh nhân có thể tin tưởng vào chất lượng, an toàn và hiệu quả của tất cả các loại thuốc, bất kể chúng được sản xuất ở đâu", Guido Rasi, giám đốc điều hành của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, đã viết trong báo cáo thường niên của tổ chức này.
Cẩm Tú
Theo DM
Đắk Lắk: Hai mẹ con sản phụ tử vong, người nhà tố bác sĩ tắc trách Người nhà của sản phụ Hà bức xúc cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai mẹ con sản phụ là do bác sĩ tắc trách vì trước khi vào phòng sinh sản phụ vẫn khỏe mạnh, bình thường. Ngày 19/3, ông Nguyễn Hữu Huyên - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết,...