Thuốc giảm đau, viêm xương khớp: Cần đề phòng các bất lợi khi dùng
Đau, viêm xương khớp mùa lạnh là căn bệnh phổ biến thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Đây là lý do khiến người bệnh tìm đến với các thuốc giảm đau, chống viêm…
Điều quan trọng người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và biết cách phòng ngừa các bất lợi do thuốc gây ra.
Các thuốc giảm đau, chống viêm thường dùng như: paracetamol; các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen hay parecoxib, celecoxib, rofecoxib… hay các corticoid như: Prednisolon, cortisone, solumedrol, và hydrocortisone… Tùy thuốc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc dùng phù hợp.
Thuốc giảm đau paracetamol
Paracetamol là một thuốc giảm đau khá thông dụng, tương đối lành tính ở liều điều trị. Tuy nhiên, đôi khi người dùng có thể gặp những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay… Thuốc có thể gây độc cho gan (nhất là khi dùng liều cao, kéo dài).
Đối với paracetamol, uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Vì vậy, không uống paracetamol cùng với rượu. Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra, dùng đồng thời isoniazid (thuốc chống lao) với paracetamol cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan, nhưng chưa xác định được cơ chế chính xác của tương tác này. Vì vậy, những người bệnh đang dùng các thuốc trên không nên tự ý dùng paracetamol để giảm đau.
Khi dùng các thuốc trị đau viêm xương khớp cần đề phòng tương tác bất lợi.
Các thuốc chống viêm, giảm đau nhóm NSAID
Video đang HOT
Các tác dụng phụ của NSAID có thể từ nhẹ như kích ứng dạ dày đến nghiêm trọng bao gồm gây viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày và ruột (nên người trên 65 tuổi, cũng như những người có tiền sử loét hoặc xuất huyết tiêu hóa, nên sử dụng NSAID một cách thận trọng). Trong khi sử dụng thuốc nếu thấy có các biểu hiện sau đây thì phải ngừng thuốc ngay và báo cho thày thuốc biết.
Đó là, dị ứng, ngứa mẩn, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng dữ dội (thủng dạ dày), chảy máu cam, chân răng, dưới da, lên cơn hen, choáng váng, chóng mặt… Khi dùng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài, phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện các tác dụng phụ, tai biến để kịp thời ngừng thuốc và xử trí.
Nhóm thuốc NSAID là thuốc trị triệu chứng nên ít khi được dùng một mình mà thường phối hợp với các thuốc khác (điều trị nguyên nhân) hoặc dùng cùng với các thuốc điều trị các bệnh khác. Một số tương tác bất lợi cần chú ý: Các NSAID có thể làm giảm tác dụng của thuốc trị huyết áp như captopril, thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc lợi tiểu furosemide; làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng các thuốc chống đông máu; tăng nguy cơ loét, thủng dạ dày khi dùng cùng với các thuốc corticoid…
Các thuốc chống viêm nhóm corticoid
Một số tác dụng phụ của corticoid có thể xảy ra như tăng sự thèm ăn, tăng cân… thường dừng lại khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài thuốc có thể gây rạn da, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng và đục thủy tinh thể…
Cho đến nay, các corticoid vẫn là một nhóm thuốc quan trọng có phạm vi áp dụng điều trị rộng rãi. Để sử dụng an toàn và hiệu quả nhóm thuốc này, việc quan trọng là không tự dùng thuốc, hạn chế đến mức tối đa việc chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
Khi bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Không được sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid khi bị nhiễm nấm hoặc virus. Phải theo dõi điều trị và theo dõi bệnh nhân cẩn thận trong và cả sau khi điều trị dài ngày, áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.
Thuốc corticoid có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Một số thuốc có thể gây tương tác bất lợi với corticoid như: Các NSAID (diclofenac, celecoxib, ibuprofen, indomethacin …), kháng sinh (clarithromycin), thuốc chống nấm (itraconazole, ketoconazole)…
Để tránh tình trạng tương tác thuốc bất lợi, tốt nhất người bệnh liệt kê những thuốc mình đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) cho bác sĩ biết. Bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi phối hợp nhằm phòng ngừa hoặc hạn chế bất lợi do tương tác thuốc gây ra.
Người bệnh hen thận trọng khi dùng thuốc giảm đau, chống viêm
Khi đau và viêm xảy ra quá mạnh thường dẫn đến phải dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID).
Nhưng đối với người bệnh hen phải rất cẩn trọng vì thuốc có thể làm khởi phát cơn hen, đồng thời khiến cơn hen trở nên nặng hơn.
Có khoảng từ 8 - 20% bệnh nhân hen bị co thắt phế quản sau khi uống aspirin và các thuốc giảm đau NSAID, được gọi là hen suyễn do aspirin hay hội chứng AIA (Aspirin Induced Asthma).
Đây là phản ứng khó lường và có khả năng gây tử vong vì vậy người có tiền sử bị dị ứng và bệnh nhân hen cần hết sức lưu tâm.
Tại sao các thuốc NSAID làm khởi phát cơn hen?
Hiện nay, NSAID là nhóm thuốc giảm đau chống viêm được dùng rất phổ biến và rộng rãi. NSAID có rất nhiều hoạt chất khác nhau trong đó phổ biến nhất là aspirin, diclofenac, ibuprofen, naproxen... với nhiều dạng khác nhau từ viên uống, sirô, thuốc mỡ để bôi ngoài cho đến viên đặt hậu môn hoặc thuốc nhỏ mắt. Các thuốc giảm đau NSAID có thể là thuốc không cần kê đơn như ibuprofen dùng để hạ sốt và giảm đau thông thường như đau đầu, đau răng... nhưng cũng có thể là các thuốc được dùng theo đơn của bác sĩ.
Cảnh giác với hội chúng hen suyễn do aspirin.
Tuy nhiên aspirin có cơ chế ức chế enzym cyclooxygenase gồm 2 loại là COX-1 và COX-2, trong khi COX-1 xúc tác sản xuất prostaglandin tham gia đến chức năng sinh lý của cơ thể thì COX-2 lại đặc hiệu cho phản ứng viêm, gây giãn mạch.
Aspirin là NSAIDs ức chế COX-1 mạnh dẫn đến tăng sản xuất các chất trung gian tiền viêm, bạch cầu ái toan và tế bào mast. Sau đó, các chất tiền viêm này có thể gây sản xuất quá mức cysteinyl leukotriene (CysLTs), làm gia tăng thụ thể CysLTs trong cơ phế quản.
Đây chính là nguyên nhân gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen, thậm chí gây ra các cơn hen cấp tính nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là ở những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polype cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ rõ rệt hơn.
Đồng thời, các thuốc giảm đau cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có tiền sử bệnh hen trước đó nhưng xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc. Nhiều trường hợp người bệnh hen đã được điều trị ổn định nhưng do không biết nên đã dùng thuốc giảm đau chữa đau đầu, bất ngờ lên cơn hen rất nặng phải đưa đi cấp cứu. Nguy cơ phản ứng của các thuốc này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và mức độ nhạy cảm của từng cá nhân.
Thận trọng với hội chứng hen suyễn do aspirin (AIA)
Hội chứng bị lên cơn hen suyễn do dùng aspirin hay thuốc NSAID nói chung được gọi là hội chứng AIA (Aspirin Induced Asthma). AIA, còn được gọi là hen suyễn nhạy cảm với aspirin hoặc không dung nạp aspirin, là một bệnh viêm niêm mạc kết hợp với sự xuất hiện của các cơn hen suyễn và viêm mũi sau khi uống aspirin và hầu hết các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). AIA ảnh hưởng đến khoảng 10% người lớn mắc bệnh hen suyễn, thường là phụ nữ hơn nam giới.
Bệnh nhân biểu hiện ban đầu với một đợt cấp tính với tình trạng khó chịu mơ hồ, hắt hơi, tắc mũi, sổ mũi và thường ho có đờm. Sau đó có thể phát triển viêm mũi dai dẳng và polype mũi. Hen suyễn và nhạy cảm với aspirin có thể xuất hiện trong những tháng tiếp theo.
Trong vòng 20 phút đến 3 giờ sau khi dùng NSAID, bệnh nhân hen nhạy cảm với aspirin có thể xuất hiện các triệu chứng hô hấp (ví dụ như co thắt phế quản, vi khuẩn rhinorrhoea, ngừng hô hấp), mày đay / phù mạch hoặc hiếm khi có sự kết hợp của cả hai. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm. Một liều duy nhất của các thuốc này cũng có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Các phản ứng này ít xảy ra ở người trẻ tuổi mà thường xuất hiện sau tuổi 30 - 40, rồi tồn tại đến hết đời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Do hội chứng AIA khó lường trước được, nên người có tiền sử bị dị ứng, người bệnh hen nên cố gắng tránh dùng aspirin cũng như những sản phẩm có có liên quan đến aspirin và các thuốc giảm đau NSAID nào khác ngoại trừ được bác sĩ chỉ định vì sự cần thiết để tránh lên cơn hen.
Nếu phải sử dụng các thuốc giảm đau thì nên chọn sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Nếu không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải dùng aspirin thì nên dùng thử và theo dõi phản ứng dưới sự giám sát của thầy thuốc và nên thực hiện ở bệnh viện khi bệnh hen đã thuyên giảm.
Sai lầm trong cách sử dụng thuốc của người Việt khiến gan bị tổn thương Ngay cả các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường hay thậm chí là thảo dược cũng có thể ảnh hưởng xấu đến lá gan nếu sử dụng sai cách. Theo Hội gan mật Việt Nam, trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm gặp, những người mắc bệnh gan nhẹ có thể dùng thuốc theo đơn và thuốc không kê đơn...