Thuốc cao huyết áp bất ngờ đẩy lùi 1 bệnh nan y không thuốc chữa
Các nhà khoa học phát hiện ra công dụng mới của một loại thuốc trị cao huyết áp: ngăn chặn sự chết đi của tế bào não trong Parkinson, căn bệnh không thuốc chữa.
Nghiên cứu mới kết hợp giữa Đại học Bang Iowa (Mỹ) và Đại học Y Capital (Trung Quốc) đã tìm ra một phương án để làm chậm và ngăn ngừa khuyết tật trong bệnh Parkinson, một căn bệnh cho đến nay vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tay run rẩy là dấu hiệu dễ nhận thấy ở người bệnh Parkinson – ảnh: MEDICAL NEWS TODAY
Rất bất ngờ, một viên thuốc không được nghiên cứu sản xuất cho căn bệnh này là terazosin lại vô tình kích hoạt enzyme PGK1 trong cơ thể, vốn rất quan trọng cho việc sản xuất năng lượng trong tế bào. Trong khi đó, một dấu hiệu đặc trưng của Parkinson là mức sản xuất năng lượng trong các tế bào thấp hơn. Đây là một nguyên nhân lớn khiến các tế bào não nhanh chóng bị chết đi, người bệnh ngày càng mất khả năng điều khiển cơ thể và dẫn tới các khuyết tật, sau đó là tình trạng tử vong sớm.
Trong thử nghiệm lâu dài trên 13 bệnh nhân Parkinson, cơ chế nói trên của terazosin đã giúp diễn tiến của bệnh chậm đi rất nhiều, đồng nghĩa với việc hạn chế các khuyết tật và kéo dài tuổi thọ.
Tiến sĩ Michael Welsh từ Đại học Iowa, tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết: “Các thuốc hiện tại có thể làm giảm bớt một phần triệu chứng của bệnh Parkinson, nhưng không có phương pháp điều trị nào làm thay đổi quá trình tiến triển của bệnh thoái hóa thần kinh này. Đó là một tình trạng khủng khiếp bởi khi dân số của chúng ta già đi, bệnh Parkinson sẽ ngày càng phổ biến”.
Vì vậy, phát hiện mới này có ý nghĩa rất lớn.
Đáng mừng hơn, terazosin không phải là một thuốc mới. Từ lâu, nó đã được sử dụng rộng rãi như một thuốc điều trị bệnh cao huyết áp và bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Việc một loại thuốc có thể “tái sử dụng” cho bệnh khác sẽ tiết kiệm được vô số chi phí, thời gian bào chế và thử nghiệm, bởi nó đã được chứng minh là an toàn cho người dùng.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Journal of Clinical Investigation.
Thống kê cho thấy tại Anh có khoảng 127.000 bệnh nhân Parkinson, trong khi con số này ở Mỹ là khoảng 1 triệu người. Bệnh gây ra cứng cơ, chậm các cử động, run, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi mãn tính, suy giảm chất lượng sống và có thể dẫn đến tàn tật nghiêm trọng.
Video đang HOT
A. Thư
Theo Daily Mail, BBC/nguoilaodong
Nằm ngửa hay nằm nghiêng khi ngủ, cách nào tốt hơn cho sức khỏe?
Mỗi người dành khoảng 1/3 thời gian để ngủ. Vì thế, nằm ngủ như thế nào để đảm bảo được sức khỏe là điều bạn không nên bỏ qua. Mỗi tư thế ngủ có ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy thể trạng của từng người.
Ảnh minh họa
Để biết nằm nghiêng khi ngủ là tốt hay xấu, bạn cần phải xác định xem tư thế ngủ đó có phù hợp với mình hay không. Hãy so sánh hai tư thế ngủ cơ bản là nằm nghiêng và nằm ngửa để có câu trả lời phù hợp.
Nằm nghiêng
Ưu điểm:
- Ngăn ngừa tình trạng mỏi lưng hay cổ: Tư thế này dựa theo độ cong tự nhiên của cột sống vì thế sẽ giúp cho cơ thể của bạn luôn ở trong tư thế thoải mái nhất đồng thời cải thiện được quá trình lưu thông máu.
- Hạn chế hiện tượng ngủ ngáy: Nếu để ý bạn sẽ thấy người ngủ ngáy thường nằm thẳng, điều này được lý giải là do khi nằm ngửa lưỡi và vòm miệng bị mềm và ép xuống phía sau cổ họng cản trở đường thở và gây ra ngáy. Vì thế mà tư thế nằm nghiêng khá tốt cho việc hạn chế hiện tượng ngủ ngáy.
- Giảm triệu chứng đau đầu và nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh (trí nhớ) như Alzheimer hay Parkinson và các chứng thoái hóa thần kinh khác.
- Phù hợp với những người gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là chứng ợ nóng do sức ép lên cổ họng và dạ dày khi nằm nghiêng được giảm xuống khá nhiều.
Nếu bạn bị cao huyết áp, tốt nhất nên nằm nghiêng về bên phải và tránh nằm nghiêng bên trái, vốn là tư thế khiến áp lực lên tim gia tăng.
"Các triệu chứng của chứng ợ nóng thường nặng hơn vào ban đêm. Khi bạn nằm nghiêng bên trái, các cơ quan nội tạng được sắp xếp đúng cách để làm giảm đáng kể lượng axit rò rỉ ra khỏi dạ dày vào thực quản, nguyên nhân gây ra các cơn đau liên quan đến ợ nóng", tiến sĩ Matthew Noble của Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết.
Nằm ngủ nghiêng được đánh giá có nhiều lợi thế.
Nhược điểm:
- Nếu duy trì tư thế nằm nghiêng về một bên trong thời gian dài lúc ngủ sẽ khiến bạn xuất hiện tình trạng đau mỏi hông do sức ép chỉ dồn về một bên.
- Mặt bị xuất hiện nếp nhăn và dễ bị sưng phù một bên vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Làm ngực bị chảy xệ, kém săn chắc. Do dây chằng không hỗ trợ được việc nâng ngực hiệu quả khi bạn nằm nghiêng về một bên.
- Tăng nguy cơ gặp ác mộng nếu nằm nghiêng về bên trái: Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học của Thổ Nhĩ Kỳ được đăng tải trên tạp chí Sleep and Hypnosis, 40,9% người có thói quen ngủ nghiêng về bên trái thường xuyên gặp ác mộng, trong khi đó chỉ có 14,6% cảm thấy như vậy trong số những người nằm nghiêng về bên phải.
Nằm ngửa
Ưu điểm:
- Tốt cho người mắc bệnh về đốt sống và khớp: "Cho đến nay, đây là lựa chọn tốt nhất đối với hầu hết mọi người, tư thế nằm ngửa giúp đầu, cổ và xương sống của bạn cùng nằm trên một trục thẳng và không phải chịu áp lực nào, nhờ vậy mà bạn gần như không cảm thấy đau nhức sau khi thức dậy", theo Tổ chức chăm sóc sức khỏe quốc gia Mỹ.
- Hạn chế xuất hiện nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa da mặt: do lúc này da mặt ở vị trí cân bằng nhất.
Nhược điểm:
- Không tốt cho người mắc các vấn đề về huyết áp hay sổ mũi.
Nếu bạn vẫn muốn nằm ngửa khi bị sổ mũi thì bạn nên nâng đầu mình lên cao hơn độ cao của gối bạn thường nằm.
- Tần suất ngáy tăng lên gấp đôi và nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Để giảm hiện tượng ngáy khi nằm ngửa bạn nên đặt thêm một chiếc gối nhỏ ngay trên chiếc gối đầu mà bạn thường nằm với mục đích đưa đường thở về đúng vị trí. Từ đó, giúp ngăn ngừa hiện tượng ngáy hiệu quả.
Ngoài tư thế nằm ngửa hay nằm nghiêng, dân số thế giới còn có nhiều tư thế ngủ khác như tư thế bào thai, nằm sấp...
NN (Tổng hợp)
Theo baonghean
Cảnh giác với bệnh Parkinson nếu mắt có những triệu chứng này Bệnh Parkinson đặc trưng chủ yếu bởi những cử động không tự chủ của cơ thể và mất kiểm soát các chức năng vận động. Là một rối loạn thoái hóa thần kinh, bệnh Parkinson là do mất các tế bào não sản xuất dopamin. Và do đó, theo lẽ tự nhiên người bệnh sẽ biểu hiện sự suy thoái dần dần các...