Thuế quan của Mỹ và những hệ lụy về kinh tế
Các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump thông báo vào ngày 1/2 áp lên hàng nhập khẩu từ ba đối tác thương mại hàng đầu là động thái chưa từng có tiề.n lệ, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với những hậu quả nặng nề cho tất cả các bên liên quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Dưới đây là một số điểm chính về cách thức ảnh hưởng của những biện pháp thuế quan và tác động của chúng.
Quy mô thương mại chịu ảnh hưởng
Mỹ là một đối tác thương mại thiết yếu đối với ba quốc gia bị nhắm mục tiêu: Canada, Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động đối với các nước láng giềng trực tiếp của Mỹ sẽ lớn hơn so với Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng nhập khẩu của Mỹ từ Canada, Mexico và Trung Quốc đạt hơn 1.200 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2024, tương đương hơn 40% tổng giá trị nhập khẩu của nước này.
Đối với Mexico và Canada, Mỹ là khách hàng lớn nhất. Số liệu của cơ quan thống kê mỗi nước cho thấy Mỹ chiếm tới 77% hàng hóa xuất khẩu của Mexico và 84% của Canada.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ tương đối nhỏ hơn nhiều. Thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu năm 2024 của nước này.
Về phần mình, Mỹ đã ghi nhận thâm hụt thương mại đáng kể với cả ba quốc gia trong 11 tháng của năm 2024: hơn 270 tỷ USD với Trung Quốc, 157 tỷ USD với Mexico và 55 tỷ USD với Canada.
Các quốc gia bị nhắm mục tiêu sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Với mức độ tiếp xúc lớn với thương mại Mỹ, Mexico dự kiến sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo công ty nghiên cứu thị trường Oxford Economics, thuế quan mới có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát ở Mexico tăng từ 4,2% hồi tháng 12/2024 lên 6%, trong khi đồng peso có thể suy yếu 7% và kéo theo rủi ro suy thoái.
Đối với Canada, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của công ty dịch vụ kiểm toán EY ước tính các mức thuế quan mới có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sụt giảm 2,7% trong năm nay và 4,3% trong năm tới so với mức dự kiến khi không có thuế quan. Chúng cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Với nền kinh tế Mỹ, tác động rõ ràng nhất sẽ liên quan đến giá cả. Phạm vi các sản phẩm bị ảnh hưởng là rất lớn – từ ô tô và quả bơ nhập khẩu từ Mexico, đến gia cầm và dầu mỏ từ Canada và điện thoại iPhone từ Trung Quốc.
Khi phải đối mặt với các khoản thuế bổ sung từ 10 – 25% đối với các sản phẩm này, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ chuyển ít nhất một phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng.
Tax Foundation, một tổ chức tư vấn thường ủng hộ việc giảm thuế đã ước tính rằng thuế quan mới có thể làm giảm GDP của Mỹ khoảng 0,4% trong dài hạn. Chúng cũng khiến khoản chi tiêu trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ tăng thêm 830 USD trong năm nay.
Nhìn chung, các nhà phân tích cảnh báo rằng động thái của ông Trump có thể là phát sún.g đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu mang tính hủy diệt. Nhà phân tích Paul Ashworth của công ty tư vấn Capital Economics dự đoán lạm phát ở Mỹ sẽ tăng vọt “nhanh hơn và lớn hơn” so với dự kiến ban đầu.
EY dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ tăng 0,7% trong quý đầu tiên trước khi các tác động bắt đầu giảm bớt. Một mô hình của EY cũng ước tính rằng kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ làm giảm tăng trưởng của Mỹ 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Ngân hàng Barclays cũng ước tính các biện pháp thuế quan và các biện pháp trả đũa có thể tạo ra sự sụt giảm 2,8% đối với thu nhập của các công ty trong chỉ số S&P 500.
Các quốc gia bị ảnh hưởng đang phản ứng như thế nào?
Ba quốc gia nêu trên đã nhanh chóng phản ứng trước thông báo về thuế quan của ông Trump.
Canada phản ứng đầu tiên, công bố mức thuế quan 25% đối với các sản phẩm của Mỹ trị giá lên tới 155 tỷ CAD (106,6 tỷ USD). Thuế quan đối với lô sản phẩm đầu tiên trị giá 30 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào ngày 4/2 (theo giờ địa phương).
Một số tỉnh của Canada đang thực hiện các biện pháp bổ sung. Thủ hiến của British Columbia đã yêu cầu các cửa hàng nhập khẩu đồ uống có cồn ngừng mua hàng từ các bang do đảng Cộng hòa quản lý. Trong trường hợp của Ontario, yêu cầu này áp lên bất kỳ đồ uống nào nhập khẩu từ Mỹ.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại cho biết nước này sẽ có “các biện pháp đối phó tương ứng để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hoặc chiến tranh thuế quan”.
Cả Bắc Kinh và Washington đều cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại tranh chấp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong một tuyên bố gay gắt gần đây, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ. Song bà chưa đưa ra chi tiết cụ thể.
Thuế quan mới của ông Trump: Cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế châu Á
Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây đã tuyên bố kế hoạch áp đặt thuế quan mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Người tiêu dùng tại một siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chính sách này, dự kiến được thực hiện ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, có thể gây ra những tác động đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực châu Á, nơi có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Những tác động của chính sách thuế quan dự kiến thời Tổng thống Trump 2.0 không chỉ dừng lại ở việc tăng chi phí thương mại mà còn gây áp lực lên các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản, với kim ngạch lần lượt đạt 116 tỷ USD và 145 tỷ USD. Tương tự, nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia cũng coi Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất.
Tuy nhiên, chính sách này cũng mở ra những cơ hội cho một số quốc gia trong khu vực. Với việc các công ty tìm cách tránh thuế quan từ Trung Quốc, Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến mới cho các chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Vừa qua, công ty giày Steve Madden thông báo sẽ giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Nam Á, Mexico và Brazil.
Mặt khác, chính sách thuế quan cũng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Mỹ. Với mức thuế cao, giá cả trong nước dự kiến sẽ tăng khi các công ty chuyển phần chi phí nhập khẩu tăng thêm sang cho người tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua tại thị trường Mỹ, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Á.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia châu Á vẫn là vấn đề lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Mexico và Việt Nam. Việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia này, đồng thời lại làm gia tăng thâm hụt với các nước khác như Việt Nam và Thái Lan.
Các nhà kinh tế cảnh cho rằng thuế quan mới của ông Trump có thể là "con dao hai lưỡi". Dù giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước, chính sách này cũng có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và gây tổn hại đến các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhìn chung, chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế châu Á. Trong khi một số quốc gia có thể hưởng lợi từ việc tái định hình chuỗi cung ứng, những nước khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và áp lực từ chi phí thương mại tăng cao. Sự thay đổi này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải linh hoạt và nhanh chóng thích nghi để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội.
Cuộc chiến thương mại mới của Tổng thống Trump: Đồng minh thành mục tiêu Kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn đán.h trực diện vào Canada và Mexico - những đồng minh truyền thống của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN Theo Wall Street Journal ngày 3/2, quyết định áp thuế quan của Tổng thống Donald...