Thuê mang thai hộ, bỏ rơi khi đứa trẻ bị khuyết tật
Cặp vợ chồng hiếm muộn Australia sang Thái Lan thuê mang thai hộ. Nhưng không may, 1 trong 2 đứa trẻ sinh ra lại bị DownBé Gammy, 7 tháng tuổi đang là tâm điểm chú ý của những người quan tâm đến dịch vụ đẻ mướn “chui” ở Thái Lan.
Gammy sinh tháng 12/2013, do Pattaramon Chanbua, một phụ nữ Thái Lan 21 tuổi, làm nghề bán đồ ăn vặt trong một cửa hàng thực phẩm, mang thai. Gammy là một trong 2 bé song sinh cô được thuê mang thai hộ một cặp vợ chồng người Australia.
Người mang thai hộ 21 tuổi, đã có 2 con ruột (3 tuổi và 6 tuổi). Ảnh: CNN
Tuy nhiên, đến lúc đón con, cặp vợ chồng nọ chỉ chọn bé gái khỏe mạnh, còn để lại cậu bé bị Down cho người mang thai hộ, dù cô này không có khả năng để chăm sóc một trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt. (Bản thân Pattaramon Chanbua nghèo, lại đang phải nuôi 2 con ruột lên 3 và 6 tuổi).
Theo Fairfax Media, Pattaramon Chanbua cho biết, cặp vợ chồng nói với cô họ đã “quá già”, không thể chăm sóc cả 2 bé song sinh.
Pattaramon Chanbua nói sẽ chăm sóc cho bé Gammy.
Tuy nhiên, ngày 4/8, Đài phát thanh truyền hình Australia (ABC) dẫn lời người cha cặp song sinh phát biểu rằng các bác sĩ chỉ nói với vợ chồng ông ta về bé gái.
Video đang HOT
Người mang thai hộ Pattaramon nói với CNN: “Khi bé gái xuất viện, bà mẹ hỏi tôi rằng liệu tôi có thể nuôi bé trai không?. Làm sao họ lại bảo họ không biết gì về đứa con trai? Tôi không hiểu, có vẻ như họ đang nói dối”. Cô phàn nàn rằng cặp vợ chồng kia hoàn toàn không quan tâm đến bé trai hay việc đón bé về nhà. “Họ chưa bao giờ nhìn nó. Ngay cả sữa, họ cũng không bao giờ mua cho nó. Hai đứa nằm cạnh nhau, bé trai hết tã giấy mà họ cũng không mua cho nó”.
“Họ khuyên tôi bỏ em bé”
Phóng viên CNN liên hệ với Pattaramon khi cô đang chăm sóc bé trai Gammy bị viêm phổi ở trong bệnh viện.
“Khi mang thai 7 tháng, tôi được bác sĩ cho biết em bé có dấu hiệu bị Down. Người ta khuyên tôi nên bỏ đứa trẻ và sẽ có cách để giữ đứa còn lại. Tôi từ chối vì điều đó là tội lỗi. “
Pattaramon kể cô chỉ gặp cặp cha mẹ thuê mang thai hộ 3 lần, và phàn nàn rằng bên môi giới đã không trả đủ cho cô 300.000 baht (9.300 đô la).
Cộng đồng mạng đã kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ cho việc chăm sóc bé Gammy, chỉ sau 12 ngày đã thu được 215.000 đô la.
Gammy không chỉ bị hội chứng Down (một rối loạn di truyền làm suy yếu tăng trưởng và khả năng trí tuệ), mà còn bị bệnh tim bẩm sinh và rất có thể phải phẫu thuật.
“Tôi cảm thấy rất mừng, vì tôi nghèo và tự mình đâu có thể đủ khả năng chi trả các dịch vụ y tế khi chăm sóc Gammy”- Pattaramon nói.
Tổ chức đứng ra gây quỹ là Hands Across the Water- một hội từ thiện của Australia chuyên hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ em nghèo ở Thái Lan.
Peter Baines- người sáng lập của tổ chức từ thiện Hands Across the Water cho biết: “Số tiền trợ giúp ban đầu là cho các chi phí dự kiến liên quan đến việc phẫu thuật tim. Sau đó, bé sẽ tiếp tục được trợ giúp lâu dài, ví dụ như khi lớn lên, đi học”.
Những rủi ro khi ra nước ngoài thuê mang thai hộ
Vợ chồng Sam Everingham cũng hiếm muộn. Ông rất hiểu những rủi ro gặp phải khi ra nước ngoài để tìm kiếm một đứa con.
Ông và vợ đã dành nhiều năm tìm kiếm con qua các đường dây mang thai hộ ở Ấn Độ nhưng không thành công. Lần đầu là hai bé sinh non bị chết, sau đó là một thai nhi gái nhưng bị buộc phải đình chỉ thai vì lý do y tế năm 2011.
Theo ông, nếu nói rằng cặp vợ chồng kia không biết gì về bé trai thì thật khó tin.
“Hầu hết hoặc tất cả các bậc cha mẹ khi thuê mang thai hộ đều quan tâm dõi theo sự phát triển của đứa bé qua kết quả siêu âm thai. Nơi làm dịch vụ môi giới gửi kết quả này cho họ thường xuyên. Chẳng có lý gì mà người ta không làm như thế”.
Everingham-giám đốc của Families Through Surrogacy, một tổ chức trợ giúp, tư vấn cho các bậc cha mẹ có ý định có con bằng cách này, cho biết: “Phần lớn các trường hợp mang lại hạnh phúc và niềm vui cho cả hai bên. Nhưng những sự cố như thế này cho thấy sự cần thiết phải có những quy định chặt chẽ và chúng tôi hoan nghênh việc chính phủ Thái Lan cho biết kiểm soát chặt chẽ hơn dịch vụ mang thai hộ”.
Các bậc cha mẹ lo lắng
Trường hợp bé Gammy đã gây ra một làn sóng cảm thông cho cậu bé và người mẹ mang thai, cũng như thái độ chỉ trích cặp cha mẹ mà lẽ ra phải nhận bé. Câu chuyện này cũng khiến nhiều cặp vợ chồng khác đang chờ đợi đứa con của mình cảm thấy lo ngại.
Ngày 22/7, chính quyền Thái Lan thông báo sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn dịch vụ mang thai hộ. Trong những ngày qua, một số trẻ em sinh ra thông qua dịch vụ đẻ thuê đã bị giữ lại, không cho xuất cảnh.
Everingham nói: “Rất nhiều người quan tâm đến việc này. Chỉ riêng Australia, hiện chúng tôi có khoảng 80 đến 90 gia đình sử dụng dịch vụ mang thai hộ ở Thái Lan, và họ rất muốn đón được con mình về. Chúng tôi đang chờ mong những động thái rõ ràng từ chính phủ Thái Lan để chuyển các cháu bé về nước an toàn càng sớm càng tốt”.
Thực trạng những trường hợp cha mẹ bỏ rơi đứa trẻ khuyết tật ra đời bằng cách mang thai hộ đã dẫn đến việc chính quyền Thái Lan phải xem xét lại việc quản lý dịch vụ này.
Không phải là lần đầu tiên
“Tôi nghe được từ cộng đồng đẻ mướn rằng chuyện tương tự đã từng xảy ra “, Michaela Stockey Bridge, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tổng hợp Macquarie, người đã thu thập những câu chuyện của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sử dụng dịch vụ thuê mang thai hộ ở nước ngoài, cho biết.
“Chúng ta cần quy định quốc tế về dịch vụ mang thai hộ “, bà nói. “Bên thuê dịch vụ và bên mang thai hộ cần được tư vấn kỹ hơn, trao đổi với nhau, để tránh những kết cục đáng buồn như trên”./.
Theo_VOV