Thuế điện tử chưa mở cho trung gian thanh toán
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 29 tổ chức trung gian thanh toán đã được cấp phép về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phổ biến nhất là hình thức ví điện tử…
Ví điện tử sẽ là một hình thức tham gia thu nộp thuế điện tử thuận lợi
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đầu năm nay, Chính phủ có Nghị quyết số 02 chỉ đạo các địa phương trong năm 2019 phải thực hiện 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Thế nhưng theo các doanh nghiệp (DN) trung gian thanh toán, hoạt động triển khai vẫn chưa bắt đầu do vướng mắc trong cơ chế. Cụ thể như từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã cho phép các DN trung gian thanh toán thí điểm tham gia thu lệ phí đăng ký trước bạ ô tô – xe máy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan đăng ký (Cục Cảnh sát giao thông) vẫn chưa chấp nhận chứng từ điện tử do các đơn vị này phát hành.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính tại các thông tư 110/2015 và 84/2016, việc triển khai thu thuế điện tử mới chỉ dừng ở hai hình thức qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và qua dịch vụ của một số ngân hàng thương mại có ký hợp đồng ủy nhiệm thu hoặc phối hợp thu với cơ quan thuế. Hệ thống kho bạc nhận các khoản thu nộp ngân sách nhà nước cũng chỉ tiếp nhận các khoản nộp ngân sách thông qua hai kênh này. Như vậy, cơ chế thực thi tại các văn bản dưới luật vẫn đang “đóng cửa” với các DN trung gian thanh toán.
Video đang HOT
Tại dự thảo Nghị định về Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ, cơ quan soạn thảo cũng chỉ cho phép hai phương thức nộp ngân sách điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và ngân hàng. Đồng thời, dự thảo cũng yêu cầu các chứng từ nộp thuế phải có chữ ký số của ngân hàng cung cấp dịch vụ. Quy định này sẽ tiếp tục cản trở doanh nghiệp trung gian thanh toán tham gia thủ tục nộp thuế điện tử trong tương lai.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 29 tổ chức trung gian thanh toán đã được cấp phép về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phổ biến nhất là hình thức ví điện tử với hơn 10 triệu người dùng trên toàn quốc. Vì vậy, các DN này đều mong muốn các bộ ngành nhanh chóng bổ sung quy định để mở cửa cho các đơn vị tham gia thủ tục nộp thuế điện tử, phối hợp thu nộp ngân sách… để góp phần hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế và tăng cường hiệu quả nguồn thu cho ngân sách.
Theo thanhnien.vn
Đừng lỡ nhịp tiến trình đổi mới
Chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình NH số là yêu cầu quan trọng đối với nền kinh tế. Song đến nay mới có 35% NH đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Tuy nhiên, thời điểm này quá trình phát triển NH số cũng chưa đi xa hơn, vì còn thiếu hành lang pháp lý và cơ sở dữ liệu để NH kết nối, nên thời gian vẫn còn nhưng gấp rút cho NH chuyển đổi trên nền tảng số.
Hướng đến tiêu chí 3-1-0
Theo Quyết định 2545 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu đạt 100% đơn vị bán lẻ hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người dân TTKDTM; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua phương tiện TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng.
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi nhiều khía cạnh rất cơ bản của hoạt động tài chính NH, với vô vàn ứng dụng mới, các công nghệ mới, hứa hẹn làm thay đổi căn bản mô hình hoạt động, phương thức quản trị và dịch vụ NH. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua của các NH ở khu vực và toàn cầu. Nếu không nhạy bén, chuyển mình sẽ bị lỡ nhịp trong tiến trình đổi mới, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị chậm bước trên hành trình phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đồng thời, tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện...
Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Như vậy có thể nói, hiện nay việc số hóa hoạt động của các NH không chỉ để cạnh tranh thị phần trên thị trường thanh toán với các công ty fintech, mà số hóa NH còn có một vai trò quan trọng đối với sự đổi mới, phát triển của nền kinh tế.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), NH số là số hóa toàn bộ một NH, từ việc số hóa các sản phẩm, dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng tới việc tự động hóa các quy trình xử lý nội bộ. Một NH số hoàn chỉnh cần phải đáp ứng được tiêu chí 3-1-0.
Trong đó, 3 là cung cấp dịch vụ online với trải nghiệm tốt để khách hàng tiếp cận được món vay và đăng ký trong 3 phút; 1 là trong 1 giây hệ thống tự động trả lời đồng ý hay không đồng ý giải ngân món vay đó; và 0 là không có con người can thiệp vào quá trình xử lý này.
Hiện nay, 94% NH bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số (trong đó có 35% NH đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số), khoảng 6% NH chưa xây dựng chiến lược chuyển đổi số tổng thể. Phần lớn NH triển khai NH số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, một số khác tiên phong triển khai chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí 3-1-0, tính tới thời điểm này hệ thống NH Việt Nam vẫn chưa có NH số hoàn chỉnh.
Cần hành lang pháp lý đầy đủ
Theo các chuyên gia, hành trình chuyển đổi số của các NHTM sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Sau 10 năm hoạt động, ví Momo mới đây đã lọt vào Top 100 công ty fintech đột phá toàn cầu do Quỹ đầu tư tài chính H2 Ventures (Australia) và Công ty Kiểm toán KPMG (Hà Lan) bình chọn. MoMo cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách với các ông lớn trên thế giới như Ant Financial, JD Finance, Baidu (Trung Quốc), Robinhood (Hoa Kỳ), Adyen (Hà Lan)...
Trong khi các đơn vị trung gian thanh toán có những bước tiến dài trong việc cung cấp công nghệ tài chính, thì các nhà băng vẫn còn trong quá trình đầu tư, định hướng số hóa từng sản phẩm. Điều này không khó hiểu khi fintech phát triển nhanh, bởi đa số công ty này chỉ hoạt động trong mảng thanh toán, hành lang pháp lý với lĩnh vực rất thoáng.
Trong khi đó, NH muốn chuyển đổi mô hình truyền thống sang NH số hoàn chỉnh, không chỉ dừng lại ở mảng thanh toán mà ở tất cả lĩnh vực. Và khi muốn chuyển đổi, hàng loạt thách thức xuất hiện, như chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa, rủi ro an ninh mạng, các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng; tốn nhiều chi phí đầu tư và thời gian chuyển đổi mô hình...
Để đẩy mạnh NH số, nhiều ý kiến đề xuất NHNN sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, quản lý phù hợp với xu hướng phát triển NH số. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về an ninh, bảo mật trong lĩnh vực NH, xây dựng cơ chế về căn cước công dân điện tử, khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực NH; hoàn thiện các hệ thống hạ tầng quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính NH, fintech và giám sát và quản lý an ninh mạng.
Chính phủ cần hỗ trợ thông qua việc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như NH, viễn thông, bảo hiểm...
Nhìn từ kinh nghiệm của Ấn Độ, năm 2009 quốc gia này phát hành căn cước điện tử với mã định danh 12 số, kết hợp với lưu trữ sinh trắc học vân tay và mống mắt trong việc xác minh giao dịch. Tại Việt Nam, nếu hoàn thiện hệ thống căn cước công dân điện tử, các NH cũng có thể kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước của công dân.
Và chính từ việc xác thực chữ ký điện tử hoặc so sánh các thông tin sinh trắc học của khách hàng, đồng thời liên kết với trung tâm thông tin tín dụng để nhận biết và phân tích lịch sử tín dụng của khách hàng trực tuyến, NH số mới có điều kiện phát triển.
Thiên Minh
Theo saigondautu.com.vn
Niềm tin của người Việt vào tiền mặt quá lớn Theo các chuyên gia, tâm lý này là lý do chính cản trở việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt dù các TCTD cũng như fintech đã áp dụng rất nhiều công nghệ hiện đại hỗ trợ. Sáng nay (14/11), chương trình i3 (viết tắt của Innovate, Implement và Impact) hỗ trợ các tổ chức dịch vụ tài chính chuyển đổi...