Thuế cổ phiếu thưởng vướng như gà mắc tóc
Cho đến cuối tuần qua, các công ty chứng khoán vẫn chưa nhận được hướng dẫn hay trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về một số vấn đề kỹ thuật để thu thuế hộ nhà đầu tư.
Cách gọi “ cổ tức bằng cổ phiếu” dễ bị hiểu sai là thu nhập, thay vì bản chất chỉ là chia tách. Ảnh: Dũng Minh.
Cổ phiếu thưởng hay cổ tức bằng cổ phiếu thực chất là nghiệp vụ chia tách
Từ ngày 5/12/2020, các công ty chứng khoán phải tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay nhà đầu tư về thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, nhưng đang băn khoăn không biết làm thế nào để xác định đâu là loại cổ phiếu này trong danh mục của nhà đầu tư.
Trong khi đó, các thành viên thị trường cho rằng, đánh thuế 5% với cổ phiếu thưởng, cổ tức trả bằng cổ phiếu là bất hợp lý.
Pháp luật các nước không đánh thuế khi doanh nghiệp chia tách cổ phiếu, vì nghiệp vụ này không giúp nhà đầu tư có thêm thu nhập ở thời điểm chia tách.
Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết, trên thế giới, chỉ có cổ tức bằng tiền mặt, tức là nhà đầu tư có thu nhập thực, mới phải nộp thuế thu nhập. Còn khi doanh nghiệp chia tách cổ phiếu, không bao giờ họ gọi là cổ phiếu thưởng hay cổ tức bằng cổ phiếu.
Thực tế, khi giá một loại cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết tăng cao sẽ dẫn đến thanh khoản cổ phiếu giảm do lượng tiền để mua một cổ phiếu tăng lên, không phù hợp với đa số nhà đầu tư. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện chia tách cổ phiếu, tức làm giá cổ phiếu thấp xuống bằng cách tăng số lượng cổ phiếu lưu hành.
Việc chia tách cổ phiếu làm lượng cổ phiếu mỗi cổ đông nắm giữ tăng lên nhưng không phát sinh thêm thu nhập vì số lượng cổ phiếu tăng thêm bao nhiêu lần thì giá trị mỗi cổ phiếu giảm đi bấy nhiêu lần và vốn hóa công ty không thay đổi.
Do vậy, pháp luật các nước không đánh thuế khi doanh nghiệp chia tách cổ phiếu, vì nghiệp vụ này không giúp nhà đầu tư có thêm thu nhập ở thời điểm chia tách.
Video đang HOT
Nhưng tại Việt Nam, việc chia tách được gọi là cổ phiếu thưởng, cổ tức trả bằng cổ phiếu và coi cổ phiếu này là thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân, phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 5%.
Bất hợp lý còn ở chỗ, nguyên tắc của Luật Thuế thu nhập cá nhân là đánh thuế ở thời điểm có thu nhập. Nếu cơ quan thuế cho rằng, nhà đầu tư có thu nhập khi doanh nghiệp chia tách cổ phiếu thì tại sao không khấu trừ thuế ngay khi phát sinh thu nhập (thời điểm chia tách), mà phải chờ đến khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu?
Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính một doanh nghiệp niêm yết đặt vấn đề, nếu làm đúng nguyên tắc của Luật Thuế thu nhập cá nhân là đánh thuế ở thời điểm có thu nhập thì cơ quan thuế sẽ khấu trừ cách nào, vì rõ ràng thời điểm đó nhà đầu tư không có thu nhập.
Ông này còn chỉ ra điểm đáng e ngại hơn là, nếu như trước đây, doanh nghiệp có xu hướng giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh hằng năm bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì nay họ sẽ phải cân nhắc kỹ vấn đề này. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam vốn đã khó lớn sẽ càng khó lớn hơn.
Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải phân tích, chia tách cổ phiếu hoàn toàn không làm tăng giá trị vốn hóa của doanh nghiệp niêm yết và tương ứng là không làm tăng giá trị đầu tư cổ phiếu của cổ đông.
Do vậy, cách gọi “cổ tức bằng cổ phiếu” dễ bị hiểu sai bản chất. Cổ tức tiền mặt là lượng tiền mặt chuyển ra khỏi doanh nghiệp vào túi cổ đông.
Cổ tức bằng cổ phiếu về nguyên tắc không cần hạch toán nội bảng, bản chất chỉ là bút toán kế toán trong phần vốn cổ đông chuyển từ lợi nhuận để lại thành vốn điều lệ và hạch toán ngoại bảng tăng số lượng cổ phiếu lưu hành theo quy định mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chứ hoàn toàn không có chia chác gì.
Việc thu thuế 5% với cổ tức trả bằng cổ phiếu cũng như cổ phiếu thưởng là bất hợp lý, chưa nói tới mức thuế cao hay thấp.
Thuế chồng thuế và lỗ cũng phải nộp thuế
Pháp luật về thuế quy định 2 hình thức nộp thuế thu nhập cá nhân khi kinh doanh, mua bán cổ phiếu: theo lợi nhuận thực tế hoặc 0,1% giá trị giao dịch.
Theo lợi nhuận thực tế, nhà đầu tư phải nộp 20% của giá bán trừ giá mua cộng chi phí hợp lý và chỉ phải nộp khi có lãi. Đối với các doanh nghiệp có mở sổ sách theo dõi kế toán thì điều này khả thi.
Nhưng với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ do không có hệ thống sổ sách theo dõi nên Nhà nước đưa ra phương án đổ đồng là thu 0,1% trên doanh số bán, không cần biết lãi lỗ ra sao.
Theo hướng dẫn từ Bộ Tài chính thì cổ phiếu thưởng và cổ phiếu dùng để trả cổ tức sẽ phải nộp thuế 2 lần: 0,1% và 5%. Như vậy là thuế chồng thuế.
Sự phi lý còn ở chỗ, người bán cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu không phải nộp thuế 5%, nhưng nếu nắm giữ và bán sau ngày đó sẽ phải nộp thuế 5%.
Tại sao thu nhập như nhau nhưng nộp thuế khác nhau chỉ trong 2 thời điểm gần nhau và giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu nắm giữ không hề thay đổi?
Cơ quan thuế “thòng” thêm quy định, cứ bán cổ phiếu sau ngày chốt quyền thì sẽ tính lượng bán trước là cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức, hết số lượng này mới tính là cổ phiếu gốc.
Tức là, nếu sau chia tách, nhà đầu tư có 10.000 cổ phiếu trong tài khoản, trong đó có 2.000 cổ phiếu trả cổ tức, thì dù để ở ngăn nào chăng nữa, cứ khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu, nghiễm nhiên 2.000 cổ phiếu đầu tiên sẽ bị khấu trừ thuế.
“Thu thuế thu nhập cá nhân từ cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu là không đúng bản chất của thu nhập và bất hợp lý. Mong các bên liên quan sớm xem xét huỷ bỏ”, ông Hải nói và đề xuất, chính sách thuế nên bỏ mức thuế 0,1% giá bán và áp dụng tất cả thu 20% chênh lệch giá bán và giá bình quân gia quyền của cổ phiếu mua vào, bao gồm cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức.
Thuế chồng thuế trên thị trường chứng khoán, khó thực thi
Luật sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật T&P cho rằng, nếu không có cơ chế phù hợp sẽ khó có thể triển khai quy định về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức.
Ông có quan điểm như thế nào về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức?
Việc phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức không phải là quy định mới tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Quy định này đã có hiệu lực áp dụng từ năm 2013 theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của một số chủ thể trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho nhà đầu tư là cá nhân.
Cụ thể, Điểm d, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, tuỳ từng trường hợp, các chủ thể có nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho nhà đầu tư cá nhân, có thể bao gồm: công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư, tổ chức phát hành chứng khoán, tổ chức nơi cá nhân có vốn góp.
Luật sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật T&P
Về việc giá trị tài sản của nhà đầu tư không tăng từ việc chi trả cổ tức, chúng tôi hiểu rằng, vấn đề này phát sinh từ sự điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu do Sở giao dịch chứng khoán thực hiện sau mỗi đợt chi trả cổ tức của tổ chức niêm yết.
Việc điều chỉnh giá tham chiếu có công thức cụ thể, được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giá trị vốn hoá của tổ chức niêm yết trước và sau khi chi trả cổ tức không thay đổi. Do đó, sau mỗi đợt chi trả cổ tức, giá tham chiếu thường được điều chỉnh giảm tương ứng với giá trị cổ tức được chi trả.
Tôi cho rằng, chưa kể việc thuế chồng thuế (một giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết bị chịu hai lần thuế: 0,1% và 5% giá trị chuyển nhượng), đánh thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp này là không hợp lý. Về nguyên tắc, phải có thu nhập phát sinh (tăng giá trị tài sản từ thu nhập đó) thì mới phải nộp thêm thuế.
Theo tôi, khi tính toán đánh thuế thu nhập cá nhân trên khoản thu nhập nào đó, Nhà nước cần phải làm rõ được trường hợp đó có phát sinh thêm thu nhập thật hay không. Không nên quy định bắt buộc mọi trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu chia từ cổ tức là phải nộp thuế khi bán cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau với giá khác nhau. Theo ông, làm thế nào để xác định được nhà đầu tư lấy chứng khoán từ phần gốc, phần chia thưởng hay phần nhận trả cổ tức và bán bao nhiêu trong số đó để tính thuế?
Điểm d, Khoản 2, Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC đã có hướng dẫn và ví dụ để áp dụng trong trường hợp thực hiện hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu có được chia cổ tức thành nhiều lần, tại nhiều thời điểm khác nhau.
Theo đó, sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức.
Tuy nhiên, điều bất cập ở đây là công ty chứng khoán khó có thể xác định cổ phiếu được bán là cổ phiếu nào, cổ phiếu có sẵn trước đó hay cổ phiếu thưởng, cổ phiếu được chia cổ tức. Tất cả cổ phiếu đều giống nhau, đều nằm trong cùng một tài khoản giao dịch, đều đứng tên một cổ đông.
Trong trường hợp không thể nhận ra được các loại cổ phiếu thì rõ ràng không có cơ sở chính xác để nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức kê khai và nộp thuế cho giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu từ đợt chi trả cổ tức.
Khối lượng giao dịch trên UPCoM tháng 5 tăng tới 13% Theo thống kê mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị vốn hóa thị trường UPCoM tại phiên giao dịch cuối tháng 5 đạt hơn 816 nghìn tỷ đồng, tăng 4,69% so với tháng trước. Tính chung cả tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 212,5 tỷ đồng trên thị trường UPCoM. Ảnh Internet....