Thực trạng tại các tủ quần áo từ thiện ở Hà Nội: Bừa bộn, mất trật tự, nhiều kẻ tranh cướp, trục lợi cá nhân
Những tưởng các tủ quần áo từ thiện là nghĩa cử cao đẹp giữa lòng Thủ đô khiến mọi người ủng hộ; ấy vậy nhưng hiện tại có khá nhiều người bức xúc phản ánh những vấn đề bất cập tại các điểm đặt tủ từ thiện này.
Sự bừa bộn ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu vực cùng với hành vi trục lợi cá nhân của 1 số người đang khiến hình ảnh về những tủ quần áo từ thiện kém đi trong mắt người dân.
Cảnh tượng đáng thất vọng tại những tủ quần áo từ thiện “Ai thừa đến ủng hộ – Ai thiếu đến nhận”.
Nghĩa cử cao đẹp trong những ngày giá lạnh
Những tủ quần áo từ thiện đi kèm với tấm biển kêu gọi “Ai thừa đến ủng hộ – Ai thiếu đến nhận” không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Với ý nghĩa cao đẹp của nó, đây đã từng là niềm tự hào về tinh thần lá lành đùm lá rách của người Hà Nội.
Từ 1 chiếc tủ, dần dần trong thành phố đã xuất hiện rất nhiều tủ quần áo từ thiện trên đường Chùa Láng, Thái Hà, Tây Sơn, Bà Triệu…
Những tủ quần áo từ thiện thế này không còn xa lạ với người dân thành phố.
Những tủ quần áo này là nơi để nhiều người có quần áo cũ hoặc không dùng tới nữa có thể mang đến để quyên góp, còn những người lao động, người nghèo, vô gia cư thì lại có thể tìm được vài tấm áo ấm trong những ngày giá rét mà không phải mất tiền.
Không thể phủ nhận, những tủ quần áo này đã góp phần mang lại niềm vui cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Tủ quần áo từ thiện này đã giúp đỡ không ít người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Vũ Thị Cảnh (trú tại Nông Cống – Thanh Hoá) đã chia sẻ, vì phải đưa người thân ra Hà Nội để chữa bệnh nên điều kiện kinh tế eo hẹp, bà cũng không thể về quê để lấy quần áo ấm.
“Ở đây có đầy đủ quần áo người ta mang từ thiện đến, mùa đông rồi tôi không về nhà được nên đã đã lấy quần áo cho các cháu. Hôm nay tôi cũng lấy 1 chiếc áo ấm này đây!”
Bừa bộn và gây mất an ninh trật tự
Thế nhưng, mặt trái của những tủ quần áo từ thiện đã manh nha ngay từ những ngày đầu hình thành và gần đây trở thành nỗi bức xúc của nhiều người dân thành phố.
Tại 1 số điểm, tủ quần áo chất đầy và tràn ra ngoài, không hề có người quản lý. Nhiều người đến lấy quần áo tranh giành, không có ý thức đã gây ra những hình ảnh vô cùng phản cảm.
Ghi nhận tại 1 tủ quần tại số 420 phố Tây Sơn, quần áo lộn xộn trải từ trong tủ vương vãi ra vỉa hè. Giày dép cũng không còn đôi cặp mà nằm lung tung trên mặt đất.
Hình ảnh ghi nhận tại 1 tủ quần áo từ thiện.
Thậm chí, không ít người đến lấy quần áo cố tình bới chọn đồ ưng ý rồi vứt đống tại đó, không hề sắp xếp lại theo phân loại mà mỗi tủ quần áo đều đã ghi rõ ràng.
Cảnh tượng nhếch nhác này đã khiến những người dân sinh sống trong khu vực vô cùng bức xúc khi họ là người bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Phượng (trú tại Ngã Tư Sở – Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ về sự mất an ninh trật tự trong khu vực đặt tủ quần áo từ thiện.
“Có nhiều trường hợp, người ta vội vàng bốc rất nhiều quần áo mà chẳng cần biết có dùng hết được hay không. Cũng có những tốp 4-5 người tranh giành, cãi vã thậm chí chửi bới nhau rất ảnh hưởng đến người xung quanh.
Đôi khi đông người tranh giành quần áo khiến giao thông ở khu vực này bị tắc nghẽn”.
Chị Nguyễn Thị Phượng bức xúc với 1 số người gây mất trật tự quanh khu vực đặt tủ quần áo từ thiện.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thu Hiền (Tây Sơn – Đống Đa – Hà Nội) đã chia sẻ với về trường hợp 1 số đối tượng nghiện ngập, bất hảo đã có hành vi đứng chặn trước tủ quần áo, không cho người dân vào lấy đồ.
“Các đối tượng nghiện ngập cũng tụ tập tại đây, gây khó dễ cho người dân đến lấy đồ từ thiện, thậm chí ai cho tiền thì mới đồng ý cho người ta vào lấy đồ”.
Nhóm đối tượng tranh giành đồ đẹp để đem bán, trục lợi cá nhân
Không chỉ vậy, theo phản ánh của người dân sống gần khu vực này, có 1 nhóm người được cho là ở Sơn La, thường xuyên ra tủ quần áo từ thiện để xin đồ. Số quần áo này họ sẽ mang về bán lại.
Xuất hiện 1 nhóm người thường xuyên đến lấy quần áo với số lượng lớn với mục đích trục lợi cá nhân.
Cũng theo chị Nguyễn Thu Hiền, hằng ngày sẽ có những tốp từ 5 đến 7 người đến lấy quần áo với số lượng rất lớn.
Họ sẽ cắm chốt tại các tủ quần áo và đón đầu khi những nhà từ thiện mang quần áo đến ủng hộ. Sau đó những người này sẽ chọn lọc và lấy hết những đồ đẹp, bỏ lại đồ xấu trong tủ từ thiện.
Điều này khiến nhiều người thật sự có nhu cầu cần quần áo lại không thể nhận được đồ tốt. Bởi lẽ những đồ nhóm người kia để lại đa phần là quần áo rách rưới, không thể sử dụng được nữa.
Chị Hiền chia sẻ về thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại các tủ quần áo từ thiện.
“Họ lấy thường xuyên và ngày nào cũng là những ‘gương mặt thân quen’ này đến lấy đồ. Một ngày thậm chí họ còn đến lấy 3 đến 4 lần. Những người này chỉ chọn đồ đẹp để mang về bán cho hàng thùng còn đồ xấu thì vứt lại”.
Đây không phải là lần đầu tiên, các tủ quần áo từ thiện bị nhóm người lợi dụng lòng tốt để trục lợi cho bản thân mình. Cách đây không lâu, hiện tượng này đã từng diễn ra.
Câu chuyện buồn đó liên quan đến tủ quần áo từ thiện tại thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã khiến cho chúng ta giật mình e ngại, liệu rằng lòng tốt của chúng ta đã đặt đúng chỗ chưa và đang bị lợi dụng đến đâu?
Theo phản ánh, có một số bộ phận người núp bóng đi xin quần áo từ thiện, nhưng cuối cùng lại chọn ra đồ đẹp để đem bán, số quần áo cũ thì… ném đi.
Cụ thể, một nhóm người ở Mường Bám, Thuận Châu – Sơn La thường xuyên sang tủ quần áo từ thiện Tuần Giáo xin đồ. Nhóm người này khá đông, khoảng 10 đến 20 người, có lần ít thì cũng 4 đến 5 người. Sau khi chọn được rất nhiều quần áo thì họ ngay lập tức rời đi, được khoảng 4km thì dừng lại bắt đầu công việc “lọc hàng”, đồ đẹp thì giữ lại, đồ cũ thì dúi vào bụi cây hoặc ném xuống suối.
Trước đây, đã từng xuất hiện nhóm người chọn đồ đẹp để bán và ném bỏ những đồ xấu giữa đường.
Vậy là bên cạnh câu chuyện nhân văn và ý nghĩa “lá lành đùm lá rách” của những tủ quần áo từ thiện lại có không thiếu những câu chuyện gây phản cảm, bức xúc cho người dân.
Nhiều cư dân trong khu vực đặt những tủ quần áo từ thiện cũng đã góp ý kiến, nên có người quản lý hoặc các biển báo yêu cầu ý thức từ người dân.
Hành động thiếu ý thức của những người này không chỉ trực tiếp khiến những người nghèo, những người thực sự thiếu thốn không có cơ hội nhận được những tấm lòng của các mạnh thường quân, mà còn khiến những người làm từ thiện mất lòng tin khi lòng tốt của họ không được đặt đúng chỗ.
Sẽ ra sao khi xã hội của chúng ta đầy rẫy sự nghi ngờ, e dè lẫn nhau, không dám dang tay với người khác vì sợ lòng tốt không đặt đúng chỗ? Mà điều đó lại bắt nguồn từ những hành động vô ý thức, thậm chí là vô lương tâm của một số bộ phận không ít người…
Theo Helino
Đàm Vĩnh "Xăng" người nặng lòng với những cảnh đời khốn khó
Người nghèo ở Huế đã không còn ai xa lạ với cái tên Nguyễn Xuân Hiệp, một doanh nhân trẻ mà nhiều người vẫn gọi với biệt danh trìu mến - Đàm Vĩnh "Xăng".
Trong không khí tang thương của một gia đình nghèo khó có người vừa khuất, người viết bắt gặp người đàn ông ấy với đôi mắt ngấn lệ đang cầm trên tay nén hương cúi đầu trước di ảnh.
Anh là Nguyễn Xuân Hiệp (41 tuổi), trú ở phường An Đông, TP.Huế - một gương mặt đã không còn xa lạ với những cảnh đời khốn khó, những hoạt động thiện nguyện ở mảnh đất Cố đô trầm mặc này.
Anh Nguyễn Xuân Hiệp (người cầm tấm bảng) trong một lần trao số tiền mình quyên góp được cho một hoàn cảnh khốn khó.
Người ta vẫn gọi Hiệp với biệt danh trìu mến là Đàm Vĩnh "Xăng". Bởi ngoài các hoạt động thiện tâm, người đàn ông kinh doanh xăng dầu này còn rất thích nghe những bài hát của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Mười năm trước, Nguyễn Xuân Hiệp lúc đấy là một chàng doanh nhân trẻ đã thích giúp đỡ người khác. Xuất phát từ tâm thiện nguyện, lúc ấy, anh thường tổ chức quyên góp những vật dụng như: Chăn mền, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho bà con ở các xã miền núi thuộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế ).
Về sau, thấy nhiều người nghèo khổ không có đủ tiền để an táng cho người thân, anh đã mạnh dạn đứng ra tổ chức quyên góp tiền mua quan tài và xây mộ cho những người nghèo khổ đó.
"Tất cả những người quyên góp, mình đều công khai dù không tên hay có tên tuổi địa chỉ. Và sau khi trao tiền cho gia đình cần được giúp đỡ mình đều đăng bài cảm ơn và công khai danh sách những nhà hảo tâm cộng với số tiền họ ủng hộ", Hiệp nói.
Đã có hàng chục trường hợp khốn khổ với hàng trăm triệu đồng được Hiệp kêu gọi để có những lễ an táng, nấm mồ an nghỉ nơi chín suối vàng.
"Nhiều khi số tiền quyên góp lớn quá, nhiều người góp ý kiến với tôi là san sẻ cho những trường hợp khác nhưng theo quan điểm của tôi đây là cái duyên của mỗi người thì khi kêu gọi ủng hộ dù nhiều, dù ít tôi đều sẽ trao trọn vẹn số tiền quyên góp được cho gia đình đó", anh Hiệp tâm sự.
Dù bận nhiều công việc nhưng sau mỗi lần kêu gọi, anh Hiệp đều trực tiếp trao đến tận tay số tiền mình quyên góp được.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh xăng dầu hiện tại nhưng Nguyễn Xuân Hiệp luôn sắp xếp thời gian để trực tiếp đến nhà người mình kêu gọi giúp đỡ để trao tặng số tiền quyên góp được.
Người đàn ông nặng lòng với những người nghèo đã khuất này chia sẻ, có người ủng hộ lên tới vài triệu, cũng có người ít chục ngàn nhưng với anh số tiền ít hay nhiều không quan trọng, cái quý là họ có lòng hướng thiện và cảm thấy rất vui vì người nghèo có thêm tiền, bản thân mình được người cho tin tưởng tin số tiền đó chắc chắn sẽ tới tận tay các hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi lần có người gọi điện thoại tới nhờ giúp đỡ, trước khi kêu gọi quyên góp, anh đều lặn lội về tận gia đình xem xét hoàn cảnh, tìm hiểu thật kĩ rồi mới cùng những người trong nhóm đăng bài lên Facebook quyên góp, kêu gọi ủng hộ.
Hiệp trong một lần phát quà cho người già neo đơn dịp Vu Lan.
Kể về một trường hợp khiến anh nhớ nhất trong hành trình kêu gọi mua quan tài cho người nghèo đã khuất, Hiệp kể, hơn một năm trước, lúc đó là 2h sáng, anh nhận được cuộc gọi của một người quen, có một cô gái gặp tai nạn đã tử vong. Đáng thương, nạn nhân ở trọ nên không có nơi để đưa xác về làm lễ mai táng.
Ngay khi nắm bắt được tình hình, Hiệp đã xin phép một ngôi chùa gần đó để làm nơi cúng viếng cho cô gái. Sau khi đăng bài lên Facebook kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, tổng số tiền quyên góp lên đến hơn 700 triệu đồng. Mai táng cho cô gái xong xuôi, do số tiền dư quá nhiều nên Hiệp đã họp tất cả mọi người trong nhóm từ thiện lại, lấy ý kiến của cộng đồng mạng và đưa ra quyết định là dùng tiền đó để mua một căn hộ giúp đỡ cho gia đình cô gái đã mất.
Ngoài những việc thiện nguyện giúp đỡ những gia đình khó khăn, ở Huế, người ta còn nhớ đến Hiệp là người đứng ta quyên góp xây dựng nghĩa trang dành cho các thai nhi không tên.
Hiện tại anh và nhóm từ thiện của mình đã nhận chôn cất hơn 300 thai nhi trong khu vực nghĩa trang này.
"Đây đã trở thành nơi chôn cất các thai nhi đã mất nên giờ nhiều người đưa hài nhi lên nghĩa trang rồi bỏ lại. Khi đó, mình cùng những người trong nhóm sẽ an táng và cúng viếng cẩn thận. Mỗi tháng vào ngày 14 và 30 sẽ tổ chức thắp hương cho các ngôi mộ nhỏ", Hiệp cho biết.
Với hơn 1000 mộ phần, nghĩa trang này là nơi tiếp nhận chôn cất miễn phí cho các thai nhi chưa kịp chào đời đã mất.
Anh Huỳnh Tấn Lộc (37 tuổi), thành viên trong nhóm thiện nguyện với Hiệp tâm sự: "Mình đã làm thiện nguyện với anh Hiệp gần cả chục năm nay, rất cảm mến tấm lòng hướng thiện của anh, khó khăn đến đâu nhóm của anh cũng cố gắng hết sức giúp đỡ bằng được. Dù mệt nhưng khi thấy mình giúp được nhiều người nghèo, việc làm của mình có ích với xã hội thì lúc đó mọi cực nhọc cũng trôi tuột hết khỏi người".
Trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến Nguyễn Xuân Hiệp, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế từng tâm sự với người viết, Hiệp là người làm thiện nguyện có tâm, ở Huế ai cũng biết, cũng công nhận. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, đó là Hiệp cũng là người rất tâm huyết với những phong trào xã hội của tỉnh.
"Món quà những chiếc giỏ nhựa mà lãnh đạo tỉnh thường mang theo để tặng người dân thời gian gần đây nhằm kêu gọi không sử dụng các sản phẩm từ túi nilon là xuất phát sự ủng hộ của doanh nghiệp Hiệp. Nghĩa cử đó dù Hiệp không phô trương nhưng ai cũng ghi nhận", lãnh đạo này nói.
Lê Kông -Trọng Tùng
Theo Nguoiduatin
Thăm giáo viên những lớp học tình thương Ngày 18-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến những lớp học tình thương để thăm hỏi, động viên, tặng hoa cho những giáo viên ngày đêm mang con chữ đến cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đến thăm 1 lớp học tình thương ở P. Kim Long, TP...