Thực trạng 7 đá Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa qua ảnh vệ tinh
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp.
Đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.
Đá Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục.
Trong ảnh là đá Châu Viên vào thời điểm tháng 1 và tháng 9/2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Diện tích phần đất nhân tạo trên đá Châu Viên được mở rộng tới 119.711 m2, tính đến ngày 14/3. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Đá Chữ Thập nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cũng bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Hoạt động cải tạo đất tại đây bắt đầu từ tháng 8/2014. Phần đất rộng dành cho xây dựng được hoàn thành vào tháng 1/2015 và Trung Quốc đang xây một đường băng ước tính dài 3.110 m và một cơ sở cảng biển. Ảnh: CSIS/AMTI
Đá Chữ Thập có diện tích 960.000 m2, tính đến ngày 21/10/2014. Ngoài đường băng, trên hòn đảo nhân tạo này còn có cảng biển đủ lớn để đón tàu tiếp tế, tàu chiến đấu cỡ lớn, nhiều nhà máy xi măng, cơ sở hỗ trợ, cầu cảng, súng phòng không, hệ thống chống người nhái, trang thiết bị liên lạc, nhà kính, bãi đáp trực thăng. Ảnh: CSIS/AMTI.
Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003.
Hoạt động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá bắt đầu từ khoảng sau ngày 30/3/2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Video đang HOT
Phần mở rộng có diện tích 114.000 m2, tính đến ngày 19/3. Theo CSIS, bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, sau đó Bắc Kinh xây dựng nhiều công trình kiên cố để quân lính đồn trú tại đây. Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng quy mô lớn từ hè 2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Bằng hoạt động hút bùn và cải tạo, Trung Quốc mở rộng phần nền bê tông từ 380 m2 lên đến 62.710 m2, tính đến ngày 18/2. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, những công trình ở đây cũng giống như trên đá Gaven, gồm kênh tiếp cận, công sự ven biển, 4 tháp phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đến đầu năm 2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400 m. Một số đồn đoán cho rằng Bắc Kinh có thể xây một đường băng tại đây nhưng giới chuyên gia nhận định công trình này quá nhỏ để có ảnh hưởng chiến lược.
Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Đá Vành Khăn nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, là một rạn san hô hình bầu dục, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995. Bãi đá bị cải tạo quy mô lớn dọc theo rìa phía tây kể từ đầu năm 2015. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Tổng diện tích đá Vành Khăn đã bị cải tạo là 960.000 m2. Tại đây có kênh tiếp cận, đê chắn sóng gia cố, cơ sở quân sự và nơi trú ấn cho ngư dân. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5 km, rộng 3,7 km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000 m. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Vị trí 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo đất. Đồ họa: The Diplomat.
Như Tâm
Theo CSIS
Bài toán thử thách với Trung Quốc trước căng thẳng Biển Đông
Hành động cải tạo đảo phi pháp, thể hiện ý đồ chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ phải đối mặt với những thách sức ép càng gia tăng đến từ Mỹ, theo tạp chí Yazhou Zhoukan của Hong Kong.
Căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gia tăng sau khi Trung Quốc tăng cường xây đắp đảo, đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam - PV) đã được Trung Quốc ngang nhiên cải tạo, mở rộng để trở thành hòn đảo lớn nhất trong nhóm. Với đường băng cũng như các cơ sở quân sự, truyền thông Mỹ nói rằng Đá Chữ Thập được ví như "tàu sân bay không thể đánh chìm của Trung Quốc".
Hồi đầu tháng 5 này, tàu chỉ huy USS Blue Ridge của hải quân Mỹ đã đụng độ với hai tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Tuần trước, máy bay trinh sát P-8A Poseidon đã bay tuần tra trên các hòn đảo tranh chấp và bị phía Trung Quốc cảnh báo rời khỏi khu vực 8 lần. Phía Mỹ luôn khẳng định đang thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế.
Ngày 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh về các hoạt động xây dựng (trái phép -PV) trên Biển Đông trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh.
Trung Quốc những năm qua đang ngày càng tập trung triển khai các trang thiết bị vũ khí cho Hạm đội Hải quân Nam Hải, tờ Yazhou Zhoukan nhận định., 19 tàu chiến đã bổ sung cho hạm đội này trong giai đoạn 2010-2013.
Hạm đội Nam Hải cũng sở hữu 7 chiến hạm Type 054A so với 4 chiến hạm loại này thuộc biên chế hạm đội Đông hải và Bắc Hải. Đây là hạm đội duy nhất của Trung Quốc được trang bị tàu đổ bộ tấn công Type 071.
Tuy vậy, Hải quân Mỹ trong khu vực vẫn đang nắm ưu thế vượt trội. Hạm đội 7 của hải quân Mỹ có khoảng 50-60 tàu chiến, 350 máy bay và 60.000 người, trong đó có 38.000 sĩ quan hải quân và 22.000 lính thủy đánh bộ
Hải quân Trung Quốc cũng không có các chiến hạm tương đương với tàu sân bay hạt nhân Geogre Washington của Mỹ hay tàu chỉ huy USS Blue Ridge.
Tạp chí Yazhou Zhoukan nhận định, mặc dù Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở quân sự trên Biển Đông trong thời gian qua nhưng nhìn chung khả năng tác chiến của Bắc Kinh vẫn còn khá hạn chế bởi Đá Chữ Thập cách đất liền Trung Quốc tới 1.400 km
Một khi việc cải tạo đảo và xây dựng cơ sở quân sự hoàn tất, quân Trung Quốccó thể sử dụng Đá Chữ Thập như một căn cứ hải quân lớn, ngăn chặn các quốc gia trong khu vực. Nếu như triển khai các máy bay ném bom chiến lược H-6, PLA cũng có thể đe dọa các căn cứ hải quân Mỹ ở Australia và hạn chế tối đa khả năng Mỹ có thể can thiệp vào Biển Đông.
Yazhou Zhoukan cho rằng nhiều khả năng Washington sẽ không thực hiện chiến lược toàn diện ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông do còn nhiều những điểm nóng xung đột khác trên thế giới như Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông và khủng hoảng Ukraine cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật trên biển Hoa Đông.
Đối với Trung quốc, sự lép vế về mặt quân sự của PLA trước quân đội Mỹ càng khiến cho Bắc Kinh tăng cường chiến lược cải tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Hoàn thiện việc cải tạo Đá Chữ Thập chỉ là bước đầu tiên của Trung Quốc trong việc "cân bằng" chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và Bắc Kinh muốn theo đuổi đến cùng nhiệm vụ này, theo Yazhou Zhoukan.
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Trung Quốc lộ ảnh quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn Các diễn đàn quân sự của Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh được cho là bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Đồ họa mô phỏng quy hoạch trái phép bãi Vành Khăn Theo bản đồ quy hoạch trái phép này, bãi Vành Khăn...