Thực phẩm sau Tết: Siêu thị bình ổn, chợ truyền thống tăng giá bất thường
Ngày cuối nghỉ Tết Nguyên đán (29/1), nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội vắng bóng tiểu thương, trong khi người dân bắt đầu quay trở lại Hà Nội. Giá các loại thực phẩm tươi sống như rau xanh, hải sản, thịt, cá tăng giá gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Khách hàng mua sắm đầu năm tại siêu thị Hapro Thành Công
Rau xanh, hải sản tăng 4-5 lần
Ngày mùng 5 Tết Canh Tý (29/1), khảo sát của Tiền Phong tại các chợ truyền thống của Hà Nội như chợ Mễ Trì (Nam Từ Liêm), chợ Phúc Đồng (Long Biên), chợ trên phố Tôn Thất Tùng, chợ Cầu Giấy… giá các loại thực phẩm tươi sống tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường. Với mặt hàng rau xanh, rau muống, mùng tơi 15.000 đồng/bó, rau cần xanh 25.000 đồng/bó. Các loại rau thơm như mùi tài, mùi ta, thì là 10.000 đồng/bó. Hành lá 7.000 đồng/lạng. Su hào 15.000 đồng/củ loại nhỏ, loại to lên tới 20.000 – 25.000 đồng/củ. Cà chua 50.000 đồng/kg.
“Việc tăng giá chóng mặt các loại thực phẩm sau Tết chỉ là nhất thời. Khi người dân sản xuất trở lại và thời tiết thuận lợi, ấm dần lên, nguồn cung dồi dào sẽ khiến thị trường dần bình ổn. Giá bán thực phẩm sẽ trở lại mặt bằng chung”.
Video đang HOT
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Chị Nguyễn Hương, tiểu thương chợ Phúc Đồng (Long Biên) cho biết, các loại rau xanh tăng giá do đầu năm, người dân có thói quen đi du xuân, lễ chùa nên lượng hàng hóa về các chợ đầu mối giảm. Ngoài ra, số lượng quầy hàng mở bán chỉ bằng 30% so với ngày thường, nguồn cung giảm cũng là lí do khiến hàng hoá khan hiếm.
“Rau xanh đắt đỏ nhưng tiểu thương phải xếp hàng, thậm chí giành giật tại các chợ đầu mối mới có hàng để bán. Trời lạnh và mưa đá trong những ngày Tết khiến nhiều ruộng rau bị giập nát khiến nguồn cung rau giảm. Chỉ một số nơi trồng rau trong nhà lưới mới giữ được rau để bán ra thị trường”, chị Hương cho biết.
Mua rau về cả nhà làm lẩu, chị Thu Thùy (Đống Đa, Hà Nội) giật mình khi rau xanh “nhảy” giá chóng mặt. Theo chị Thuỳ, với số lượng rau cho một bữa ăn lẩu, ngày thường chỉ mua khoảng 50.000 đồng nhưng nay mua tới hơn 200.000 đồng.
Anh Lê Văn Đức (Vân Nội, Đông Anh) cho biết, trước tết, gia đình anh có 3 sào rau xanh để thu hoạch bán sau tết. Nhưng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, mưa to khiến ruộng rau của gia đình anh Đức giập nát, hư hỏng đến 80%.
“Phần lớn các hộ gia đình trồng rau tại khu ruộng nhà tôi đều thiệt hại do mưa lớn. Hơn nữa, mưa to trái mùa, người trồng rau không kịp trở tay, nhiều diện tích rau đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng”, anh Đức cho biết.
Cùng với giá rau xanh, hải sản cũng là mặt hàng đắt khách ngày đầu năm mới. Tại các chợ Thành Công, giá cá tươi tăng 20.000 – 30.000 đồng mỗi kg, tuỳ loại. Ví dụ, cá trắm tăng 30.000 đồng, lên 130.000 đồng/kg, cá chép lên 120.000 đồng, tăng 20.000-30.000 đồng một kg. Bên cạnh đó, tôm tươi cũng tăng giá mạnh trong ngày đầu năm, tôm sú loại to 550.000 đồng/kg, tăng 200.000 đồng; tôm sú loại nhỏ 400.000 đồng/kg…
Siêu thị bình ổn giá, hàng hóa đa dạng
Sáng 29/1 (mùng 5 Tết), hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội cũng đã hoạt động trở lại. Cụ thể, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ như Hapromart, Big C, Co.op Mart, Circle K… Siêu thị Co.opmart mở cửa từ sáng mùng 2 Tết nhưng từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, hệ thống siêu thị này chỉ mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Từ ngày 30/1 (mùng 6 Tết), toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart bán hàng bình thường.
Aeon Mall là siêu thị duy nhất không nghỉ Tết. Từ mùng 1 Tết, hệ thống thương mại Aeon Mall mở cửa đón khách từ 11h trưa và đóng cửa lúc 22h. Từ mùng 2 Tết đến mồng 5 Tết (tức từ 26-29/1/2020), khu vực siêu thị sẽ mở cửa lúc 8h sáng, còn khu vực tầng 1-2 mở lúc 9h sáng. Toàn khu Aeon Mall sẽ đóng cửa vào 22h tối trong thời gian này. Từ mùng 6 Tết (30/1/2020) trở lại hoạt động bình thường. Người tiêu dùng đến siêu thị vẫn chủ yếu mua thêm một ít rau củ, cá tươi bổ sung vào thực đơn những ngày sau Tết. Giá các mặt hàng tại siêu thị ổn định so với trước Tết.
Tại cửa hàng Bác Tôm, giá súp lơ hữu cơ là 40.000 đồng/kg; xà lách 65.000 đồng/kg; su hào 32.000 đồng/kg… nhân viên bán hàng cho biết, mức giá này được giữ nguyên từ trước Tết.
Ghi nhận tại siêu thị Hapro (Thành Công), giá các mặt hàng rau xanh vẫn được niêm yết ở mức giá cũ, các mặt hàng khác cũng không có biến động. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Hapro đã nỗ lực chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào về chủng loại, đảm bảo chất lượng và ổn định về giá cả. Đơn vị đăng ký chương trình bình ổn giá với Sở Tài chính, Sở Công Thương, đảm bảo giá cả không tăng trước, trong và sau dịp Tết. “Bình ổn giá cũng giúp các nơi khác bán cùng sản phẩm không tăng giá”, ông Vượng nói.
Được biết, Hapro tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn Hà Nội với 16 điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó có 11 nhóm mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường phục vụ nhân dân và đảm bảo để phục vụ đầy đủ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân. Năm nay, từ ngày mùng 1, 2 và 3 Tết, Hapro đã mở bán một số cửa hàng dịch vụ – ăn uống tại khu vực phố cổ. Từ ngày mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro đồng loạt mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân. Theo kế hoạch, Hapro phấn đấu Tổng doanh thu trong dịp Tết năm 2020 của toàn Tổng công ty tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2018.
Ngoài việc phục vụ người dân tại khoảng 40 điểm bán lẻ thuộc hệ thống Hapromart, Haprofood, các cửa hàng Gạo Hapro Đồng Tháp, hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; Hapro đã tổ chức thêm nhiều điểm kinh doanh theo mô hình “Gian hàng phục vụ Tết” trước một số trụ sở của đơn vị, tại hệ thống kinh doanh của Tổng công ty, các kênh bán hàng online để phục vụ nhu cầu mua sắm nhanh của người tiêu dùng.
NGỌC MAI – NGỌC LINH – TRẦN HOÀNG
Theo TPO