Thực phẩm giúp đẩy lùi khó chịu khi “đến tháng”
Gần đến kỳ đèn đỏ, các cảm giác khó chịu bủa vây chị em và gây nhiều phiền toái. Để đối phó, việc sử dụng thực phẩm khôn ngoan sẽ giúp chị em đẩy lùi các khó chịu này.
Các triệu chứng như đau bụng dưới, nhức mỏi eo, mệt mỏi toàn thân, ngủ không ngon giấc… đều là các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt. Lúc này nên uống 1 ly sữa ấm pha mật ong vào mỗi tối trước khi ngủ có thể làm giảm, thậm chí tiêu trừ các cảm giác khó chịu kể trên. Do kali trong sữa giúp xoa dịu cảm xúc, đồng thời còn giúp chống viêm nhiễm, giảm đau nhức, giảm lượng máu kinh. Magiê trong mật ong giúp trấn tĩnh trung khu thần kinh, đánh tan cảm giác căng thẳng của chị em trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, làm giảm áp lực tâm lý.
Do kinh nguyệt, sinh nở…, khoảng 1/3 chị em phụ nữ có hiện tượng thiếu máu nhẹ do thiếu sắt. Việc thiếu máu trong thời gian dài dễ làm suy giảm chức năng buồng trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Các thực phẩm như: gan động vật, thịt nạc, rau chân vịt… không chỉ chứa hàm lượng sắt cao mà còn dễ hấp thụ. Trong kỳ kinh, không nên uống trà và cà phê đặc, để tránh gây ảnh hưởng cho việc hấp thụ sắt vào cơ thể.
Khi đến tháng, nhiều chị em bị đau nửa đầu. Khi cơn đau đầu khởi phát, bạn nên ăn những loại hạt mà bạn yêu thích như hạnh nhân, hạt điều… Bằng chứng cho thấy những người bị nhức đầu và đau nửa đầu có lượng magiê thấp hơn so với những người không bị đau đầu. Các loại hạt như hạnh nhân, hạt mè, hạt điều, quả hạch Brazil, hạt hướng dương, đậu phộng và quả óc chó là những loại hạt giàu magiê và rất thích hợp cho một bữa ăn nhẹ có tác dụng giảm cơn đau đầu. Khi bị đau nửa đầu, nên ăn thịt bò vì loại thịt đỏ này có thể là giải pháp cho cơn đau đầu của bạn. Thịt đỏ rất giàu CoQ10, một hợp chất tự nhiên trong cơ thể và vitamin B2 như là những “chiến binh” chống lại chứng đau nửa đầu. Các loại rau như chân vịt, cải xoăn, rau dền, rau arugula, rau củ cải, rau diếp chỉ là một vài ví dụ về rau xanh rất có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính, trong đó có đau nửa đầu.
Nhiều chị em khổ sở vì bị chứng đau bụng kinh hành hạ. Để đối phó chứng đau bụng kinh, nên ăn các loại quả như: Chuối tiêu có hàm lượng vitamin B6 phong phú, có tác dụng xoa dịu thần kinh. Do đó không chỉ giúp làm dịu cảm xúc trong thời kỳ nhạy cảm mà còn cải thiện giấc ngủ, làm giảm cảm giác đau bụng kinh. Bạn có thể kết hợp chuối với dứa và kiwi để tăng hiệu quả, do dứa chứa bromelain – một enzyme giúp chống viêm, còn kiwi rất giàu actinidin – giúp tiêu hóa đạm tốt hơn.
Nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là một loạt các triệu chứng về những thay đổi, rối loạn tâm sinh lý, hành vi của nữ giới trong khoảng thời gian trước chu kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không chú ý theo dõi, điều trị thì bệnh lý có thể diễn biến phức tạp, gây khó chịu về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng cảm xúc, cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình cũng như sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40 dễ có các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn ở những người từ 40 tuổi trở lên.
Nguyên nhân chính gây hội chứng tiền kinh nguyệt hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các yếu tố chính có thể góp phần gây ra tình trạng này là: Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trước kỳ kinh (estrogen, progesterone). Do những thay đổi về hóa chất trong não (serotonin). Không đủ lượng serotonin gây trầm cảm tiền kinh nguyệt, cùng với đó là triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi... Chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất; sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, chứa caffein cũng có thể là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. Vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm: di truyền (có người thân trong gia đình đã từng gặp hội chứng này). Những người có vấn đề về tâm thần như lo lắng, bất an, trầm cảm; ít tập thể dục.
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể dẫn đến một số rối loạn như: thay đổi khẩu vị, thèm ăn: căng tức vùng ngực; đau đầu; sưng phù tay hoặc chân và tăng cân; đau nhức toàn thân (đặc biệt vùng bụng và thắt lưng); trướng bụng; uể oải, mệt mỏi trước kỳ kinh; xuất hiện các vấn đề về da (mụn, trứng cá..); rối loạn tiêu hóa; đau bụng tiền kinh nguyệt; Thay đổi ham muốn tình dục...
Chị em cũng có thể gặp một số rối loạn về cảm xúc, hành vi như: phiền muộn; các cơn giận bộc phát, dễ cáu gắt, giận dữ; cảm thấy lo âu, bị xa lánh, nhạy cảm; dễ bị kích thích, dễ khóc; thiếu tập trung, hay quên; mất ngủ, chợp mắt giấc ngắn...
Đa phần các dấu hiệu trên thường kéo dài trong khoảng từ 1-2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt và sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc kỳ kinh.
Nếu cảm thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt làm cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc, bạn nên đến gặp và trao đổi thêm với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Tưởng đau ruột thừa, người phụ nữ không ngờ phải cắt buồng trứng vì bỏ qua dấu hiệu này Phụ nữ khi bị đau bụng dưới trong thời gian dài tốt nhất nên đi khám sớm để phát hiện ra vấn đề và kịp thời điều trị. Nếu không hậu quả sẽ khó lường. Bác sĩ phẫu thuật Chen Rongjian - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phẫu thuật Nội soi Đài Loan chia sẻ với chương trình y tế Doctor is...