Thực hư xung quanh việc “Bụi đời Chợ Lớn” có tên tiếng Anh là “Chinatown”
Đạo diễn Charlie Nguyễn đã trả lời về việc “ Bụi đời Chợ Lớn” có tên tiếng Anh là “ Chinatown” đang gây hoang mang dư luận.
Gặp rắc rối trong khâu kiểm duyệt, nhưng Bụi đời Chợ Lớn vẫn được khán giả và dư luận ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên mới đây, một bức ảnh chụp bìa kịch bản Bụi đời Chợ Lớn đã bị rò rỉ, trên đó viết tựa tiếng Anh của phim là Chinatown. Theo thông tin kèm theo ảnh thì đây là kịch bản ban đầu phía đoàn phim nộp lên cho Hội đồng thẩm định Cục Điện ảnh duyệt nội dung.
Sự việc này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và không khỏi hoang mang. Thậm chí có người còn cho rằng đây là một cú chơi khăm của đối thủ nhằm hạ bệ bộ phim. Tuy nhiên, một bộ phận khán giả đã tỏ ra bức xúc, quay lưng lại với Bụi đời Chợ Lớn vì tựa đề này.
Mới đây, đạo diễn Charlie Nguyễn đã chính thức lên tiếng về sự việc này. Theo đó, anh thừa nhận đúng là trong kịch bản ban đầu nộp cho Cục, Bụi đời Chợ Lớn có tên tiếng Anh là Chinatown.
Giải thích lý do, Charlie cho biết khi đó bắt buộc phải có cả tên Việt lẫn tên Anh, nhưng đoàn phim chưa nghĩ ra tên tiếng Anh nên dùng tạm cái tên Chinatown – vốn là cách mọi người trong đoàn thường dùng để gọi dự án này. (Nhiều người trong ekip Bụi đời Chợ Lớn là Việt Kiều nên quen cách gọi nơi tập trung nhiều người gốc Hoa làm ăn, sinh sống như khu Chợ Lớn ở Sài Gòn là “Chinatown”.)
Tuy nhiên, Charlie cũng khẳng định: Sau khi nhận phản hồi từ Cục yêu cầu đổi tên Chinatown vì tính chất nhạy cảm, đoàn làm phim đã đổi tên tiếng Anh của phim thành Cho Lon và chỉ dùng tên mới này trên các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Nam diễn viên chính Johnny Trí Nguyễn cũng không kìm được bức xúc, bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Từ Chinatown trong tiếng Anh có nghĩa là khu phố có nhiều người gốc Hoa làm kinh doanh. Trên thế giới gần như thành phố lớn nào cũng có. Những nơi đấy cũng là điểm du lịch đa văn hóa cho khách tới tham quan thành phố. Chinatown không có nghĩa là “làng của Trung Quốc – Chinese Town”. Còn nếu ghi là “China Town” thì cũng sai ngữ pháp hoàn toàn. Tóm lại, người nước ngoài cũng thường gọi khu Chợ Lớn của thành phố mình là Chinatown.
Có thể khi anh Charlie Nguyễn (tác giả, đạo diễn – PV) bàn về đề cương phim này với anh Vincent Ngô (nhà biên kịch của phim Hancock – PV) thì anh Vincent thường dùng từ “Chinatown” khi nói đến dự án, anh Vincent không sõi tiếng Việt. Vì lúc đó còn chưa có kịch bản cũng như chưa có tựa đề chính thức. Và có thể vì vậy mà khi kịch bản được viết xong thì một em nào đó trong hãng phim gắn cái mạc “Chinatown” là tựa đề tiếng Anh cho Bụi đời Chợ Lớn khi đi in ra kịch bản để gửi trình lên Cục Điện ảnh xin góp ý kiến…
Mình chắc 10 cô chú bác và tiến sĩ ở trên đó đọc qua kịch bản này kỹ lưỡng rồi bảo quản nó tốt lắm vì thấy hình “chứng cớ” trong bài báo này thì cái bìa còn mới toanh trong khi những kịch bản dù được in ra sau này của anh em trong đoàn phim thì tanh banh rách rưới nhiều rồi. Ý quên, chắc là hình kịch bản trong bài báo này phải là hình photoshop để mô tả thôi, vì cục điện ảnh thì có trách nhiệm bảo mật kịch bản cho đoàn phim chứ ai mà xoắn tới nỗi đưa cho nhà báo trước khi phim ra rạp! Haizz, lần thứ 3.
Video đang HOT
Hơn nữa, đã có phim kinh điển Chinatown thắng giải Oscar 1974, khờ sao mà đi lấy lại tựa này?”
Johnny cũng đưa ra rất nhiều bằng chứng chứng minh đoàn phim luôn sử dụng tên tiếng Anh Cho Loncho bộ phim khi đăng thông tin, hình ảnh về phim trên báo nước ngoài.
Theo TTVN
Johnny Trí Nguyễn - chàng 'Lý Liên Kiệt của Việt Nam'
Con đường võ học và điện ảnh của Johnny Trí Nguyễn có nhiều điểm làm người ta liên tưởng đến ngôi sao võ thuật Trung Quốc.
Nếu được hỏi ai là diễn viên nam ấn tượng và thành công nhất của showbiz Việt hiện nay, nhiều người sẵn sàng trả lời: Johnny Trí Nguyễn. Không thể phủ nhận một vị trí vững chắc của chàng trai sinh năm 1974 trong nền điện ảnh nước nhà những năm gần đây. Sở hữu ngoại hình chuẩn với chiều cao tốt và cơ bắp cuồn cuộn, cùng với khả năng "võ thuật chuyên nghiệp", Johnny Trí Nguyễn thực sự là một trong số những diễn viên nam ấn tượng và đắt khách nhất nhì màn ảnh Việt trong thời điểm hiện tại.
Johnny Trí Nguyễn có một điểm mạnh mà ít diễn viên nam nào của Vbiz hiện nay có được: võ thuật. Với sự phát triển của dòng phim hành động thời gian gần đây thì điểm mạnh này chính là một lợi thế quá lớn của Johnny Trí Nguyễn so với những đồng nghiệp cùng thời. Thậm chí anh còn là một trong số ít nam diễn viên có lượng fan hùng hậu.
Nhìn lại con đường đến với điện ảnh chuyên nghiệp của Johnny, không quá khó để nhận ra ảnh hưởng và vai trò của võ thuật trong sự nghiệp và cuộc đời anh. Nhiều người đã ví von hình ảnh vào thời điểm hiện tại của anh như một "Lý Liên Kiệt của Việt Nam". Xem ra đó cũng không phải là so sánh hay nhận xét quá khập khiễng.
Tạo hình của "Lý Liên Kiệt Việt Nam" trong phim Bẫy rồng.
Cái duyên với điện ảnh
Nếu như Lý Liên Kiệt tập và làm quen với môn võ wushu từ khi mới 8 tuổi thì Johnny Trí Nguyễn cũng có một cái duyên khá tương đồng với môn võ này. Sau khi sang Mỹ định cư cùng gia đình, Trí Nguyễn nhanh chóng nhận ra sự yêu thích với võ thuật. Anh đã tập luyện khá nhiều môn võ cổ truyền nhưng chỉ đến khi gặp và bén duyên với wushu, anh mới thực sự thấy đây là niềm đam mê lớn nhất đời mình. Miệt mài tập luyện wushu, cộng với lòng đam mê và kiên trì, Johnny có tên trong đội tuyển wushu quốc gia Mỹ và đi dự giải thế giới. Anh đã đoạt được 1 huy chương vàng tại giải vô địch Panamerican Wushu kỳ 2 tại Toronto.
Sau khi có được thành tích nhất định trong đội tuyển wushu Mỹ và một nền tảng võ thuật cơ bản, Johnny Trí Nguyễn bắt đầu bén duyên với nghiệp diễn. Vai diễn đầu tiên của Trí Nguyễn chính là đóng thế trong loạt phim truyền hình Mortal kombat conquest và ngay sau đó là một vai nhỏ trong Martial law. Với thành công đầu tay trong hai bộ phim này, anh đã xây dựng được những cơ sở ban đầu để "dấn thân" vào Hollywood. Sau đó, anh lần lượt đóng thế các pha hành động trong nhiều bộ phim: Từ những vai nhỏ cho đến những vai lớn trong các phim We were soldiers, Ella enchanted, Starship troopers 2, Spider-man 2 (đóng thế cho Spider-man), Collateral, Jarhead...
Do tính chất nguy hiểm, những người đóng thế ở Hollywood không nhiều nên cơ hội nổi tiếng không phải là ít. Chính vì thế nên Trí Nguyễn nhanh chóng được chú ý và nhận thêm nhiều vai diễn. Năm 2005, một bước ngoặt đến với Johnny khi anh nhận được một vai phụ trong bộ phim hành động Thái Lan Tom Yum Goong.Trong phim này, Trí Nguyễn vào vai kẻ thù người Việt của nhân vật chính Tony Jaa. Những pha đánh đấm của Johnny đã khiến khán giả ấn tượng và tên tuổi anh thêm phần vững chắc sau bộ phim này.
Thành danh trên quê hương
Không muốn mãi dập khuôn trong những vai hành động đơn thuần đánh đấm hay nghiệp diễn viên đóng thế nhiều nguy hiểm, Johnny Trí Nguyễn trở về Việt Nam và ấp ủ những dự định điện ảnh hoành tráng cho bản thân vào năm 2006. Khi đang loay hoay tìm hiểu lịch sử để thực hiện dự án Dòng máu anh hùng, Johnny Trí Nguyễn được quay phim Trinh Hoan và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mời đóng vai chính trong bộ phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Sau khi công chiếu, bộ phim đã nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường. Đồng thời, diễn xuất của Johnny cũng được đánh giá cao mặc dù đây mới là vai diễn hài chính thức đầu tiên của anh.
Ngay sau khi kết thúc Hồn Trương Ba da hàng thịt, Trí Nguyễn bắt tay ngay cùng với anh ruột của mình, đạo diễn Charlie Nguyễn, để thực hiện dự án phim hành động đầu tiên sau khi về Việt Nam: Dòng máu anh hùng ( The rebel). Với bối cảnh hoành tráng, nội dung sinh động và đặc biệt là những cảnh hành động mang đậm tính võ thuật dân tộc, bộ phim này được đánh giá là phim hành động Việt Nam hay nhất từ trước đến thời điểm đó. Đây cũng là bộ phim tư nhân có kinh phí thực hiện lớn nhất từ trước đến nay với tổng chi phí cho các cảnh quay và hậu kỳ lên tới hơn 1,5 triệu USD.
Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn trong Dòng máu anh hùng.
Sản phẩm hợp tác đầu tay của 2 anh em họ Nguyễn cũng nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín khu vực và quốc tế. Đây cũng là một trong những phim điện ảnh đầu tiên có doanh thu trong nước đạt cao kỉ lục: hơn 4 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu. Ở thị trường quốc tế, Dòng máu anh hùng là bộ phim Việt Nam đầu tiên được một hãng phim Hollywood mua bản quyền để phát hành tại khu vực Bắc Mỹ, Úc và Anh... Tên tuổi của Trí Nguyễn nhanh chóng tạo được ấn tượng với khán giả Việt với hình tượng một ngôi sao võ thuật mới nổi của nền điện ảnh trong nước.
Từ khi về Việt Nam, Trí Nguyễn đã dần chuyển mình từ một diễn viên võ thuật với những cảnh đánh đấm đơn thuần sang một diễn viên điện ảnh với nhiều vai diễn có nhiều đất diễn ở các thể loại khác nhau. Năm 2008, Trí Nguyễn tham gia Nụ hôn thần chết, một bộ phim hài, lãng mạn của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Trong phim, Johnny Trí Nguyễn vào vai thần chết Du, vô tình phải lòng cô nàng xinh đẹp An do Thanh Hằng đóng. Bộ phim này tiếp tục là một thành công nữa của Johnny khi thoát khỏi những cảnh đánh đấm và hóa thân rất thành công vào nhân vật đòi hỏi những diễn biến nội tâm phức tạp và có nhiều đất diễn.
Năm 2009, Johnny Trí Nguyễn trở lại với dòng phim hành động đã làm nên tên tuổi của mình khi tham gia vào Bẫy rồng - một bộ phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn. Cũng giống như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng được đánh giá cao về mặt kỹ xảo, hành động cũng như diễn xuất của các diễn viên. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được chiếu trên kênh Star Movies.
Tạm rời xa những cảnh đánh đấm sau Bẫy rồng, Johnny tiếp tục tham gia một vai đồng tính nhỏ trong phim điện ảnh thành công nhất năm 2010 - Để Mai tính. Năm 2012, Johnny vào vai nhiếp ảnh gia, đóng cùng Đinh Ngọc Diệp trong Cưới ngay kẻo lỡ. Cả hai bộ phim này giúp anh dần thoát ra hình ảnh một diễn viên "chỉ biết đến tay chân".
Năm 2013, Johnny trở lại với những pha hành động quen thuộc khi bắt tay cùng anh trai Charlie Nguyễn trong dự án phim hành động lấy bối cảnh Sài Gòn: Bụi đời Chợ Lớn. Tuy phải lùi ngày ra rạp do phải quay lại một số cảnh để phù hợp với văn hóa phương Đông song Bụi đời Chợ Lớn vẫn là dự án phim được chờ đợi nhất năm nay. Nhiều người tin tưởng rằng nó sẽ tiếp tục là một thành công vang dội nữa của Johnny Trí Nguyễn sau Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Nụ hồn thần chết... cả về mặt doanh thu lẫn chuyên môn.
Johnny Trí Nguyễn trong một cảnh đâm chém của Bụi đời Chợ Lớn.
Hình tượng một diễn viên đa tài
Johnny Trí Nguyễn đến với điện ảnh qua con đường võ học nhưng anh ngày càng thành công và chứng tỏ sự đa tài của mình. Khi còn ở Mỹ, anh chủ yếu đóng thế hoặc những vai diễn võ thuật. Tuy vậy, từ khi về Việt Nam, anh ngày càng chứng tỏ sự tiến bộ trong những vai diễn đa chiều khác nhau, từ anh hùng nghĩa hiệp, đến cảnh sát rồi vai đồng tính... Tất cả đều để lại những ấn tượng khá lớn cho khán giả. Không chỉ thành công trong vai trò diễn viên, Johnny còn gặt hái được khá nhiều thành tích trong lĩnh vực sản xuất và biên kịch.
Sự tiếp xúc với Hollywood đã giúp anh đem sự sắc sảo, tiết tấu nhanh và yếu tố hành động hấp dẫn vào những kịch bản do mình tự tay chắp bút. Đây chính là những nét mới mà Johnny Trí Nguyễn đã đem đến cho nền điện ảnh Việt từ khi anh về nước vào năm 2006. Khi khán giả Việt đã quá ngao ngán những kịch bản tình cảm sến sẩm, ướt át hay dòng phim xã hội nhàm chán, những dự án phim hành động của Johnny Trí Nguyễn thực sự là món ăn mới mẻ "made in Vietnam" của khán giả trong nước.
Nhìn lại sự nghiệp của Johnny Trí Nguyễn, không khó để nhận ra anh có nhiều điểm tương đồng với Lý Liên Kiệt: cùng đến với đam mê võ thuật qua môn võ wushu, đều từng giành được những thành tích cao trong thể thao với môn võ này, đều nhờ võ thuật mà bén duyên điện ảnh, đặt chân đến Hollwood nhờ những vai diễn đánh đấm bắt mắt. Và quan trọng nhất, cả hai người đã tạo dựng nên một hình mẫu đáng ngưỡng mộ trong dòng phim hành động ở hai quốc gia khác nhau. Nếu nhắc tới Trung Quốc, người ta sẽ nhắc tới Lý Liên Kiệt, còn khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người sẽ không ngần ngại vinh danh Johnny Trí Nguyễn.
Tạm kết
Johnny Trí Nguyễn là diễn viên hội tụ được cả tài và sắc. Không những thế, anh còn sở hữu những kĩ năng vượt trội về võ thuật, thể thao... mà hiếm có diễn viên trong nước nào ở thời điểm hiện tại có được. Về Việt Nam sau nhiều năm tiếp xúc với điện ảnh Hollywood, anh đã thổi một luồng gió mới vào nền điện ảnh nước nhà đang trong giai đoạn "ngập ngừng tìm lối đi". Có thể nói, anh chính là một trong những người đã tạo ra một bước nhảy vọt cho điện ảnh võ thuật Việt Nam, khơi dậy trào lưu phim võ thuật hoàng tráng từng rất được hâm mộ vào thập niên 90.
Những dấu ấn trong điện ảnh nước nhà những năm gần đây khiến cho nhiều người coi Johnny Trí Nguyễn là "Lý Liên Kiệt của Việt Nam". Nhìn lại những đóng góp của anh trong thời gian qua, có thể thấy sự so sánh đó không hề phóng đại.
Theo Tiin
Phim "Bụi đời Chợ Lớn" vi phạm Luật Điện ảnh "Bụi Đời Chợ Lớn" sẽ không được cấp phép phổ biến nếu nhà sản xuất không cắt sửa theo yêu cầu. Những ồn ào quanh việc bộ phim Bụi đời Chợ Lớn không được cấp phép phổ biến và ra rạp vào 19-4 như kế hoạch đã khiến Cục Điện ảnh tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 11-4. Chém...