Thực hư gói vốn ưu đãi 300 – 400 ngàn tỷ cho bất động sản!
Thông tin về một gói tín dụng mới lên tới 300.000 – 400.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đang gây xôn xao thị trường bất động sản.
Xuất phát điểm của nó có lẽ bắt nguồn từ phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam trong một cuộc hội thảo gần đây. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank phải dành tối thiểu 3% dư nợ để dành cho khách hàng vay mua nhà ở xã hội.
Từ 3% dư nợ của nhóm ngân hàng này, ông Nam ước tính ra con số tuyệt đối trên và cho biết, sở dĩ chưa triển khai là vì các ngân hàng còn đang “bận” cho vay gói 30.000 tỷ đồng!
Tuy nhiên, con số có đúng như vậy không và bao giờ gói này mới triển khai thực sự còn rất nhiều ẩn số.
Mặc dù vậy, là một phân khúc có nhu cầu thực nhiều nhất, chiếm tới khoảng 80% số khách hàng muốn mua nhà ở vào thời điểm hiện tại, hiển nhiên, đây là một thông tin rất đáng mừng với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Đặc biệt là khi gói tín dụng hỗ trợ tín dụng bất động sản cho người thu nhập thấp đầu tiên đã chính thức khép lại.
Hồi cuối tháng 3 năm nay, khi gói này tăng tốc để về đích cũng là lúc một số ngân hàng thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016. Lúc này, nhiều khách hàng mới hoảng hốt, vì cứ tưởng lãi suất ưu đãi sẽ được hưởng trong suốt thời gian vay.
Dù sau đó, chấp nhận đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã đồng ý gia hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho đến khi hết, thay vì phải xong trước ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, về cơ bản, niềm vui này chỉ dành cho những khách hàng được các ngân hàng chấp nhận hồ sơ vay vốn gói này trước thời điểm 31/3/2016, còn những người khác vì một lý do nào đó mà bị “chậm chân” đành phải ngậm ngùi gác lại kế hoạch mua nhà.
Đây có thể coi là một phần nguyên nhân đầu tiên khiến cho gói tín dụng mới nhận được sự quan tâm nhiều đến thế của các thành viên thị trường. Ngay người viết cũng nhận được hàng loạt cú điện thoại từ người thân, bạn bè, đến các độc giả tìm hiểu thông tin cụ thể và chi tiết về gói tín dụng này.
Sự chờ đợi gói tín dụng mới dành cho nhà ở xã hội không chỉ từ phía người mua nhà, mà bản thân khá nhiều chủ đầu tư cũng khá sốt sắng. Bởi lẽ, thực tế vào thời điểm thông tin mập mờ về việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vào hồi tháng 3, nhiều dự án đã bất ngờ phải dừng kế hoạch mở bán do lo sợ khả năng thành công không cao, khi đối tượng khách hàng chủ yếu thuộc nhóm đối tượng có nhu cầu vay vốn ưu đãi.
Chẳng hạn như trường hợp của CTCP Bất động sản AZ (AZ Land) đã truyền thông khá rầm rộ việc sẽ mở bán công khai dự án nhà giá rẻ và nhà ở xã hội Bright City, Hà Nội vào ngày 12/3/2016. Thế nhưng, trước thời điểm đã định đúng 1 ngày, AZLand bất ngờ hủy sự kiện này.
Video đang HOT
Tương tự là trường hợp của Chung cư Tứ Hiệp Plaza, khi kế hoạch mở bán ra vào tháng 3/2016 đã phải dừng lại phút chót, vì thông tin từ nhiều khách hàng cho biết họ sẽ không tham gia khi chưa biết thông tin cụ thể liệu có phải trả lãi theo lãi suất thương mại hay không?
Ngoài hai trường hợp nêu trên, có khá nhiều dự án chung cư giá rẻ khác cũng đã phải thay đổi kế hoạch phút chót vì sự dừng lại của gói tín dụng hỗ trợ người thu nhập thấp.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, trong suốt gần 3 năm vừa qua, dù còn những ý kiến này kia, nhưng đa phần các chuyên gia đều đồng thuận, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp là một trong những cú huých ra tạo ta sự hứng khởi của thị trường nhà đất. Và trong số đó, có khá nhiều dự án nhờ “ăn theo” gói tín dụng này mà đã “sống dậy”. Điển hình có thể nhắc lại chính Bright City của AZLand nêu trên.
Cho tới thời điểm này, nhiều người cho rằng, thông tin về gói vốn cực lớn nêu trêu là những trích dẫn không đầy đủ và chính xác phát biểu của vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản. Chẳng hạn như những thông tin về con số 3% dư nợ mà các ngân hàng thương mại nhà nước phải dành ra để cho vay, hay thời hạn không xác định của gói tín dụng này không hề có trong Thông tư 25/2015/TT-NHNN hay Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Do đó, con số tuyệt đối 300 – 400 ngàn tỷ có lẽ mới chỉ là đoán định!?
Tuy nhiên, một gói vốn với điều kiện và cách thức triển khai tương tự gói 30.000 tỷ đang được Bộ Xây dựng và các bên liên quan hoàn thiện trình Chính phủ. Việc sớm có chương trình tín dụng bất động sản ưu đãi này là mong mỏi của rất nhiều người nghèo để giấc mơ có một mái ấm không còn dang dở.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Cuộc chạy đua gói 30.000 tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính đến ngày 10/3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng, vượt hạn mức của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Sự giải ngân "dồn dập" vốn rẻ trong vài tháng ngắn ngủi vừa qua như "chạy" thời hạn đóng gói này khiến NHNN phải "phanh" gấp!
Động thái "phanh gấp" gói 30.000 tỷ đồng của NHNN sớm hơn 3 tháng, đã gây bất ngờ cho thị trường. Chỉ một tuần trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đến ngày 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng thì xin cho gia hạn giải ngân tái cấp vốn.
"Hết cửa" vay mua nhà giá rẻ
Ngày 28/3, NHNN có công văn hoả tốc số 1953/NHNN-TD yêu cầu 19 ngân hàng thương mại dừng cho vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng. Theo đó, từ ngày 31/3/2016, ngân hàng sẽ dừng ký hợp đồng tín dụng mới với khách hàng muốn vay vốn ưu đãi, mà tập trung xử lý giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký kết theo đúng cam kết.
NHNH cho biết, tính đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay hơn 46.246 khách hàng với tổng số tiền lên tới 30.122 tỷ đồng, tức vượt hạn mức của của gói hỗ trợ.
Các ngân hàng tham gia chương trình này gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, PVcomBank, Eximbank SHB, TPBank, SCB, Nam Á, SeaBank, LienVietPostBank, VIB, ACB...
Được biết, năm 2013, khi chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản ra đời thì chỉ có nhóm 4 ngân hàng gốc quốc doanh tham gia. Sau đó, trước tiến độ giải ngân ì ạch của gói hỗ trợ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại khác cùng "xắn tay" tham gia, tạo cung vốn dồi dào hơn cho thị trường cùng với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, giá rẻ...
Trong gần ba năm qua, nguồn vốn ưu đãi này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và cơ cấu thêm sản phẩm căn hộ thương mại giá dưới 1,05 tỷ đồng...
Nhìn nhận khách quan, gói 30.000 tỷ đồng đã tạo nên "cú hích" giúp cho thị trường hồi phục ở phân khúc nhà ở bình dân và trung cấp. Hàng chục nghìn gia đình, đối tượng chính sách đã tiếp cận được vốn rẻ, mua được nhà, góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội.
Song vẫn còn ở đâu đó hiện tượng trục lợi gói 30.000 tỷ đồng khi cho vay không đúng đối tượng, dự án chưa đủ điều kiện... Khách hàng vay vốn cũng khổ sở vì các thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà, phức tạp khiến họ bỏ cuộc, không vay được gói 30.000 tỷ đồng.
Mới đây, dư luận cũng "dậy sóng" khi NHNN chính thức thông báo gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/6/2016 như kế hoạch ban đầu. Tất cả khách hàng kí hợp đồng vay vốn, nhưng được giải ngân sau thời điểm 1/6 sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5% và phải chịu lãi suất thả nổi.
Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, các chủ đầu tư dự án và người mua nhà... đều lên tiếng bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục gia hạn gói hỗ trợ, ít nhất là kéo dài thời gian giải ngân vì chưa hết 30.000 tỷ đồng (còn khoảng gần 7.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 3/2016).
Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc vào ngày 1/6/2016 và chỉ hai ngày nữa, các ngân hàng sẽ không cho vay mới nữa khiến cơ hội vay mua nhà giá rẻ cũng hẹp hơn.
Khách hàng kí hợp đồng vay vốn, nhưng giải ngân sau thời điểm 1/6, sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5% và phải chịu lãi suất thả nổi.
Chạy đua "giải ngân"
Khảo sát của PV tại nhiều dự án chung cư giá rẻ ở Hà Nội cho thấy, thời điểm này, các dự án đang ở giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhà có lượng giao dịch tăng đáng kể. Đơn cử như: dự án Victoria Văn Phú (Hà Đông), Kim Văn Kim Lũ Vinaconex 2 (Hoàng Mai), CT Nghĩa Đô (Từ Liêm), Hateco Hoàng Mai, Tân Tây Đô, Golden An Khánh, Bamboo...
Tại đây, hiện có nhiều căn hộ loại nhỏ, giá thấp và tiến độ đóng tiền tới 70-100%. Do đó, người mua có thể xin được ngân hàng phê duyệt giải ngân tối đa, từ đó vẫn hưởng ưu đãi lãi suất 5%/năm từ gói 30.000 tỷ đồng, giúp giảm bớt chi phí vay vốn.
Anh Mạnh Tuấn, nhân viên môi giới chia sẻ, trong hai tháng gần đây, cả phòng kinh doanh của sàn này đều tập trung bán "chạy" căn hộ dự án đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Nhu cầu mua nhà tăng cao, tâm lý lo sợ lãi suất tăng, cùng với chính sách kích cầu bán hàng, nên lượng giao dịch tăng vọt.
"Họ - khách hàng - cũng cuống cuồng tìm mua nhà, rồi gấp rút làm hồ sơ vay vốn ngân hàng cho kịp giải ngân trước khi hết gói 30.000 tỷ đồng. Song phía ngân hàng cũng từ chối nhiều hồ sơ vay với lý do gói này sắp hết hạn"Anh Tuấn nói và cho biết thêm là khách hàng nào vay được gói 30.000 tỷ đồng thì lại "tự nguyện" nộp tiền trước cho công ty...
Số liệu của Bộ Xây dựng cho hay, hết tháng 11/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay trên 24.100 tỷ đồng (đạt 80%), trong đó giải ngân được gần 15.500 tỷ đồng, đạt 52%. Nhưng đến tháng 3/2016, số tiền cam kết cho vay từ gói tín dụng ưu đãi tăng rất nhanh, lên tới hơn 29.500 tỷ đồng (đạt 98%) và đã giải ngân được 20.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70%.
Tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng tăng đột biến cho thấy sức hấp thụ vốn tốt hơn, sự hỗ trợ của Nhà nước đã đến được với nhiều người dân hơn.
Song, cũng đặt ra lo ngại là khi ngân hàng tăng cho vay vốn rẻ quá nhanh, thời gian vay dài hạn, thì cũng rất cần thẩm định, đánh giá khoản vay kỹ lưỡng để kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Khánh An
Theo_VnMedia
Cảnh giác với nhiều chiêu "lách luật" vay gói 30.000 tỷ đồng Người mua nhà cân cảnh giác và thân trọng trước những lời tư vấn "lách luât" nhằm vay tiên từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hà Nội đang lợi dụng thông tin về việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp hết thời hạn (theo Thông tư 11 của...