Thực hư chuyện làm thịt “cá thần” ở Hà Nội
Những con cá thuộc giống “cá thần” ở suối “cá thần” Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) được làm thịt, phục vụ rất nhiều những người sành ăn ở Hà Nội.
Kinh doanh “cá thần”
Gần đây, trên địa bàn thủ đô lan truyền câu chuyện nhậu thịt “cá thần”, giống cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương (Thanh Hóa) ngay giữa Hà Nội. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Hình ảnh suối “cá thần” ở Thanh Hóa. (Ảnh: Duy Tuyên)
Theo chỉ dẫn của một tay sành nhậu, chúng tôi tìm đến một quán ăn ở Hà Đông. Tại bể cá của nhà hàng, rất nhiều cá có hình thức giống hệt cá tại suối “cá thần” Cẩm Lương. Anh Đỗ Hoàng Việt, chủ quán, cho biết, đây là cá bỗng được đưa về từ vùng Tây Bắc. Loài cá này cũng chính là loài cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương.
“Qua tìm hiểu tôi được biết đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, chậm lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong rêu, lá cây nên thịt của loài cá này dai, thơm, ngọt thịt và đặc biệt không có vị tanh như những loại cá khác, rất được ưa chuộng. Về tên gọi của loài cá này thì mỗi nơi một kiểu, ở Thanh hóa người dân gọi là “cá thần”, vùng Mai Châu (Hòa Bình) thì gọi là cá dầm xanh, vùng núi phía bắc thì gọi là cá bỗng” – anh Việt cho hay.
Những chú cá cùng giống với “cá thần” Thanh Hóa trong 1 bể cá ở Hà Nội.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kiêm Sơn – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – cá sống ở suối “cá thần” Thanh Hóa là cá bỗng miền núi, hoàn toàn có thể ăn được và không gây độc. Tuy nhiên, do yếu tố tâm linh tác động nên người ta không ăn loại cá này. Điều đó khiến cho đàn cá được bảo vệ và ngày càng nhiều lên, như suối cá Cẩm Lương đến giờ đã phát triển thành 2 suối cá song song. Loài cá này sống ở vùng nước chảy, thức ăn chính của chúng là rêu bám, bã thực vật hữu cơ, tảo.
Video đang HOT
Thạc sĩ Kim Văn Vạn – Trưởng bộ môn Môi trường và bệnh thủy sản (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) – cho biết: “Cá bỗng là loài cá cùng họ với cá trắm cỏ và chép, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nhân giống thành công gần chục năm rồi nhưng không được áp dụng và phát triển vì loài cá này chậm lớn. Ưu điểm của nó là sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon”.
“Cá thần” ở Thanh Hóa với cá bỗng miền núi phía Bắc là một.
Cũng theo Thạc sỹ Kim Văn Vạn, “cá thần” ở Thanh Hóa với loài cá bỗng là một. Do những quan niệm của người dân ở Cẩm Thủy mà cá bỗng ở đó mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt, người dân không được ăn thịt. Ở Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang…, cá bỗng được nuôi nhiều và khá đại trà, những con nhỏ họ dùng để ăn, những con to được bán với giá rất đắt. Trên vùng Tây Bắc, cá bỗng là loài cá quý, đặc sản, người dân nơi đây chỉ mổ thịt cá khi có sự kiện trọng đại như cưới hỏi, giỗ chạp.
Người ăn, kẻ sợ
Chủ quán Đỗ Hoàng Việt tâm sự, khi quyết định đưa cá bỗng – “cá thần” – về quán để kinh doanh, anh cũng rất lo tới yếu tố tâm linh. Thậm chí, người nhà anh Việt còn cho rằng anh… bị hâm khi đưa loại cá này về làm thịt bán. Khi mới đưa cá về quán, người nhà một số nhân viên trong quán lo lắng, bắt con em mình nghỉ việc vì sợ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, lượng cá anh Việt đưa về đã được tiêu thụ nhanh chóng. Đến nay, nhiều lúc cung không đủ cầu do việc mua bán cá từ trên Tây Bắc về rất khó khăn, khách muốn thưởng thức thịt “cá thần” đều phải liên hệ trước.
Một chú cá bỗng khi được vớt lên.
Anh Phạm Ngọc Đức (SN 1976, trú tại Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lúc đầu nghe thông tin có chỗ bán thịt “cá thần” ở Hà Nội, anh bán tín bán nghi. Song vốn sành ăn lại ham nhậu, anh Đức đã tìm hiểu về loại cá này và quyết định ăn thử.
“Qua tìm hiểu trên báo chí, tôi thấy các chuyên gia nói thịt cá này hoàn toàn có thể ăn được, chỉ những người ở gần khu vực suối “cá thần” không dám ăn vì vấn đề tâm linh. Tôi ăn thịt cá bỗng mấy lần rồi, có bị làm sao đâu. Thịt cá bỗng rất ngon nên gần đây, mỗi lần tiếp khách, tôi đều đãi món này” – anh Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hà (65 tuổi, trú tại xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy), kiểm lâm viên về hưu từng nhiều năm sống và công tác gần khu vực có suối “cá thần” cho biết: “Tôi không đồng tình với việc thêu dệt nhiều câu chuyện kì bí, ma quái xung quanh suối “cá thần” này. Trước kia, thời bao cấp khó khăn lắm, lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Trong đơn vị tôi có người bị sốt rét, không còn cách nào khác chúng tôi đành phải bắt “cá thần” ở suối để nấu ăn. Đói có cá mà ăn là tốt lắm rồi, có bị sao đâu”.
Từng đi công tác nhiều tỉnh thành trong cả nước, anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1984, quê Yên Bái; hiện trú tại phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, “cá thần” ở suối cá trong Thanh Hóa và cá bỗng giống hệt nhau. Cá bỗng là đặc sản ở các vùng núi phía Bắc, được bán với giá rất đắt. Tôi may mắn được mời thưởng thức món cá này ở Hà Giang rồi nhưng nghe chủ quán trên đó nói rất khó kiếm được nguồn hàng”.
Tiến Nguyên
Theo dantri
Rùa vàng xuất hiện ở suối cá thần ngày đầu năm
Những ngày qua dư luận đang rất xôn xao khi ở suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) xuất hiện một con rùa vàng.
Ngày 11/2, ở suối cá thần Cẩm Lương từng đoàn người vẫn đổ xô về ngắm cá, ngắm chú rùa vàng tự nhiên xuất hiện dưới chân núi Trường Sinh. Theo Ban quản lý suối cá thần Cẩm Lương, rùa vàng là một loại rùa quý nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Nhìn kỹ chân rùa có vẩy xếp như xếp ngói, một chân sau của rùa bị cụt
Rùa vàng xuất hiện vào ngày 2/12/2013, do một du khách phát hiện. Ban đầu người ta thấy con rùa ở dưới chân núi Trường Sinh. Sau đó người dân và du khách quan sát thì thấy con rùa đi vào đền thờ Thủy Long, rồi đền thờ thần rắn, thần cá nằm bên bờ suối cá thần.
Được biết, con rùa vàng có trọng lượng 680g, mai rùa có màu vàng, hai chân trước và chân phải sau có vảy nhỏ mọc xép lớp (kiểu lợp mái ngói). Riêng chân sau bị cụt mất hết phần móng, vảy.
Từ khi rùa vàng xuất hiện ở suối cá thần, du khách thập phương hiếu kỳ đã đến xem ngày một đông. Nhiều người làm ăn buôn bán quan niệm phải đến thắp hương nơi rùa xuất hiện để một năm làm ăn phát tài phát lộc.
Ban ngày rùa được đưa ra cho du khách ngắm, đêm lại đưa vào.
Từ khi rùa xuất hiện, đã không ít người tới hỏi mua, có người trả giá 300 triệu đồng, rồi 400 triệu đồng, kịch điểm nhất là 500 triệu đồng nhưng Ban quản lý khu du lịch suối cá thần không ai bán.
"Chúng tôi sợ kẻ xấu có thể bắt trộm rùa vì rùa nhỏ, hiền, chỉ cần họ nhặt lên bỏ vào túi là mất. Do đó, hàng ngày tôi đưa rùa ra hốc đá để du khách chiêm ngưỡng, tối lại đưa vào đền", ông Phạm Đình Thưởng, người trông coi ở đây cho biết.
Những ngày này, người dân khắp nơi đổ về suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Các du khách đến tham quan thường nói với nhau rằng, nếu sờ được vào cá thần thì sẽ gặp may.
Rất đông người về xem suối cá thần.
Ông Thuấn, một nhân viên bảo vệ trật tự cho biết: "Chúng tôi có đến 4 - 5 người giữ trật tự quanh hồ cá nhưng vẫn không theo dõi hết được, người tham quan quá đông. Thậm chí lúc nào cũng phải có một người ở cửa hang cá ra vào để nhắc nhở".
Lê Anh - Khánh Hòa
Theo_VietNamNet
Nô nức đi dự lễ khai hạ suối cá thần Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mùng 8 Tết Nguyên đán, hàng ngàn du khách thập phương lại kéo nhau về suối cá thần ở xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa dự lễ khai hạ - lễ hội thờ cá thần, rắn thần chỉ có duy nhất ở Thanh Hóa. Lễ hội khai hạ, là một lễ hội độc đáo mới...