Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn huyện Đông Sơn: Động lực nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Xác định việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020 là điều kiện để giúp cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, triển khai tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế, tăng cường phòng, chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành y tế huyện Đông Sơn đã huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện.
Vì thế, năm 2016, huyện Đông Sơn đã hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã với 15/15 xã, thị trấn được công nhận. Từ đó đến nay, huyện Đông Sơn luôn nỗ lực để duy trì giữ vững kết quả đạt được, góp phần đưa các dịch vụ y tế đến gần dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của nhân dân trên địa bàn.
Trạm Y tế xã Đông Khê được đầu tư xây dựng khang trang góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Sau khi Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, huyện Đông Sơn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện. Trước hết từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ tiêu chí; trung tâm y tế huyện đã tiến hành rà soát những xã có đủ khả năng xây dựng chuẩn để tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã và trực tiếp gặp lãnh đạo địa phương bàn về công tác xây dựng bộ tiêu chí. Hàng tháng, các cán bộ trung tâm y tế huyện xuống tận các xã giám sát kiểm tra theo bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, kêu gọi các nguồn lực chung tay để đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở.
Để được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là chuyện không dễ, phải nhiều tiêu chí, như: Công tác chỉ đạo, điều hành; nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng của trạm y tế; trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác; kế hoạch – tài chính, tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế tại cơ sở, khu vườn thuốc nam; y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; KCB, phục hồi chức năng và y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; dân số – kế hoạch hóa gia đình… Trong khi đó, trên địa bàn huyện hệ thống cơ sở vật chất ở các trạm y tế hầu hết được xây dựng từ lâu, một số xuống cấp nên không còn phù hợp với tiêu chí mới ban hành. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến xã chưa thực sự đồng đều… Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các địa phương luôn quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn thông qua công tác tăng cường cải tạo hệ thống cơ sở vật chất. Từ ngân sách các địa phương và các nguồn huy động đến nay 100% trạm y tế được tu sửa, nâng cấp và xây mới. Ngoài ra, hàng năm các trạm y tế được bổ sung gói trang thiết bị khoảng 100 triệu đồng, có 4 trạm y tế được đầu tư máy siêu âm trong gói trang thiết bị y tế cơ bản, 3 trạm y tế (xã Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh) được đầu tư máy xét nghiệm nước tiểu, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hóa máu bán tự động, máy siêu âm do tham gia đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho 134 trạm y tế xã, phường, thị trấn theo hình thức xã hội hóa của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư y tế Nhật Quang tài trợ.
Video đang HOT
Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, ngành y tế huyện còn chú trọng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng KCB. Theo đó, trung tâm y tế huyện đã chủ trì phối hợp với phòng y tế, bệnh viện đa khoa, đề xuất, tham mưu với Sở Y tế, UBND huyện đưa cán bộ đi đào tạo trình độ bác sĩ, các chuyên khoa, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế xã, thị trấn, nhân viên y tế bảo đảm đủ số lượng, đủ cơ cấu và chất lượng ngày một nâng cao. Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế xã, thị trấn và trình độ quản lý cho trưởng trạm y tế, kỹ năng truyền thông cho nhân viên y tế… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế xã, thu hút được đông đảo người dân đến KCB, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Trạm Y tế xã Đông Khê là một trong những trạm y tế xã được đầu tư xây mới hoàn toàn trong năm 2016 với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng, quy mô 2 tầng, 14 phòng chức năng, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác KCB ban đầu.
Bác sĩ Lê Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Khê, cho biết: Đông Khê được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế từ năm 2016, từ đó đến nay, được sự quan tâm của địa phương, trạm không ngừng được đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trên địa bàn. Để duy trì giữ vững các tiêu chí, những năm gần đây, trạm luôn chú trọng thực hiện có hiệu quả các tiêu chí, đồng thời không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Số lượng người dân đến trạm y tế xã ngày càng tăng. Hiện trung bình mỗi tháng, trạm KCB cho trên 350 lượt bệnh nhân.
Được công nhận đạt bộ tiêu chí đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn. Do đó, hàng năm, huyện đều tiến hành rà soát, thực hiện tốt các tiêu chí; chủ động phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, hoạt động y tế. 15/15 xã được công nhận đều được phúc tra, kiểm tra theo quy định và được đánh giá cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của trung tâm y tế huyện trong việc tham mưu, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ tiêu chí; quan tâm đầu tư các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở, giảm áp lực cho các đơn vị y tế tuyến trên.
Bài và ảnh: Hà Bắc
Theo Baothanhhoa
70 năm Bác Hồ viết tác phẩm Dân vận - ý nghĩa và thực tiễn
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận (CTDV) được hình thành và phát triển từ thực tiễn hoạt động cách mạng.
Sinh thời Người khẳng định, công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành, bại của cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào. Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sinh động, sâu sắc trong tác phẩm Dân vận đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z. Đã 70 năm trôi qua, tác phẩm Dân vận của Người vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Lãnh đạo xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) gặp gỡ nắm bắt tình hình sản xuất của nhân dân.
Mở đầu, Người nêu lý do viết tác phẩm Dân vận: "Vấn đề dân vận đã nói nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, chưa làm đúng cho nên cần phải nhắc lại". Trên cơ sở kế thừa truyền thống của dân tộc và Chủ nghĩa Mác - Lê nin về tư tưởng "trọng dân", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân là gốc của nước, là lực lượng chủ yếu của cách mạng, vì "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực đoàn kết toàn dân". Bởi vậy, theo Người: "Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể đã giao". Để thực hiện CTDV không chỉ dùng sách báo, khẩu hiệu, truyền đơn, mà mỗi người cán bộ, đảng viên phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" và phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân, hiểu dân. Có như vậy, mới vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. Đây chính là cơ sở, tiền đề quyết định thành công trong CTDV của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị. Kết luận tác phẩm, Người viết: "Lực lượng của dân rất to. Việc của dân rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Thực hiện lời dạy của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định CTDV là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhận thức vai trò quan trọng của CTDV trong từng giai đoạn cách mạng, tại Thanh Hóa các cấp ủy, chính quyền và hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới CTDV trong thời kỳ mới"; Kết luận số 114-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Nâng cao hiệu quả CTDV của các cơ quan Nhà nước các cấp"; Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường và đổi mới CTDV trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới". Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, chủ động nắm tình hình nhân dân, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đáng chú ý, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, ngay tại Rừng Thông (Đông Sơn), nói chuyện với các nhân sĩ, trí thức, phú hào trong tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Ý thức sâu sắc lời căn dặn của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nói chung, Đảng bộ, chính quyền huyện Đông Sơn nói riêng luôn trăn trở phấn đấu để trở thành một tỉnh kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đông Sơn đã ban hành Đề án "Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020". Để đạt mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn có 70% công dân, gia đình, thôn, tổ dân kiểu mẫu; 5 xã, thị trấn và 22 cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Đông Sơn luôn lấy CTDV quần chúng nhân dân làm trọng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện còn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, kiểu mẫu để mọi người dân học tập và tích cực tham gia. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 243 mô hình, phong trào, việc làm kiểu mẫu được đăng ký và thực hiện. Điển hình như các phong trào: "Hội cựu chiến binh tham gia xây dựng tường rào mẫu", "Chi hội phụ nữ kiểu mẫu, 5 không - 3 sạch, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu", "Hội viên nông dân cải tạo vườn tạp và xây dựng vườn mẫu". Với cách làm đó, huyện Đông Sơn đã đạt kết quả bước đầu trong xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu. Đến nay, trong huyện đã có 76,1% công dân kiểu mẫu; 74,1% gia đình kiểu mẫu; 46,8% thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong quá trình đưa Đông Sơn trở thành huyện nông thôn mới.
Huyện Tĩnh Gia xác định công tác giải phóng mặt bằng là công việc khó, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, do đó, CTDV phải đi trước một bước. Những năm qua, bằng việc thực hành "Dân vận khéo", huyện đã tháo gỡ những "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp cụm, đơn vị, khu dân cư để nắm bắt tâm tư, tình cảm nguyện vọng của nhân dân, cũng như những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở kịp thời đề xuất với cấp trên các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, huyện thành lập tổ vận động giải quyết tồn đọng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, với sự tham gia của Ban Dân vận Huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị và các phòng, ban chuyên môn. Thông qua công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống dân vận ở cơ sở, các tổ vận động trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền, giải thích các chế độ, chính sách, quyền lợi của nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong huyện thường xuyên đối thoại trực tiếp với nhân dân, trên tinh thần "gần dân, trọng dân". Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, trong đó, lấy "Dân vận khéo" làm phương thức, công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã thu được những kết quả quan trọng, nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đến đầu năm 2019, toàn huyện đã thu hồi được hơn 3.894 ha đất phục vụ cho 195 dự án và chi trả 4.549 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; thực hiện tái định cư cho 2.500 hộ dân.
Có thể khẳng định rằng, CTDV đã được các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về CTDV đã được kịp thời cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Việc xây dựng những mô hình về "Dận vận chính quyền" được chú trọng thực hiện, gắn với phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở. Sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó, có sự đóng góp to lớn của CTDV trong hệ thống chính trị đã giúp kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây có bước phát triển mạnh, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng năm 2019 đạt 20,25%, gấp 1,64 lần tăng trưởng của 9 tháng năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước. Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới và theo hướng thiết thực, hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 152 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp trong nước là 19.485 tỷ đồng; vốn đăng ký của các dự án FDI là 175,4 triệu USD. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, là một trong những điểm sáng của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 huyện, 332 xã, 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Song song với đó, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và có nhiều mặt chuyển biến tốt.
Từ lý luận đến thực tiễn, CTDV Thanh Hóa không chỉ góp phần quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, mà còn củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Hơn hết là sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Bài và ảnh: Hòa Bình
Theo Baothanhhoa
Xe hổ vồ và xe ô tô 16 chỗ tông nhau, 2 tài xế nguy kịch Đi với tốc độ lớn không làm chủ được tay lái, xe hổ vồ và xe 16 chỗ tông nhau khiến 2 tài xế bị thương nặng, nguy kịch. Vào khoảng 16h ngày 7/10, tại km 25 800, QL47 (đoạn qua thôn 4, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), xe ô tô khách mang BKS: 30X-5505 do Nguyễn Đình L. (SN...