‘Thực đơn khó nhằn’ trên bàn làm việc Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tham dự bữa tối làm việc kéo dài tới 3 giờ đồng hồ tại Brussels, Bỉ, trong nỗ lực gần như là cuối cùng nhằm giải quyết ba trở ngại chính đang cản trở hai bên đi đến một thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi thời gian quá độ của tiến trình Brexit kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cả “ba món” trong bữa tối 9/12 này dường như đều “khó nuốt”.
“Món khai vị” trên thực đơn của bữa tối này là vấn đề đánh bắt cá trên vùng biển của Anh. Mỗi năm ngư dân Anh thu về khoảng 800 triệu bảng và ngư dân các nước EU có được khoảng 600 triệu bảng từ việc đánh bắt hải sản trong các vùng biển của Anh. Đây là một con số quá nhỏ so với quy mô nền kinh tế của cả hai bên, nhưng quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trở thành vấn đề đặc biệt gai góc do tầm quan trọng mang tính biểu tượng cả hai bên đã đặt vào đó.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 9/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Đối với EU, ngành công nghiệp đánh bắt cá của một số nước thành viên ven biển đang dựa vào các vùng biển của Anh làm ngư trường chính và do đó, Brussels không muốn quyền tiếp cận các vùng biển này bị thu hẹp. Trong số các nước này có Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo sẽ phủ quyết bất cứ thỏa thuận hậu Brexit nào không đáp ứng được yêu cầu của liên minh về thương mại công bằng và quyền tiếp cận ngư trường của Anh.
Đối với Anh, ngành công nghiệp đánh bắt cá suy giảm khi thực hiện theo Chính sách Ngư nghiệp chung của EU là một trong những yếu tố thúc đẩy cử tri Anh lựa chọn “dứt áo ra đi” vào năm 2016. Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là vấn đề chủ quyền, như Thủ tướng Johnson phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 9/12, trước khi ông lên đường sang Brussels gặp bà Ursula von der Leyen, rằng theo như các yêu cầu của EU thì “Anh sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới không có quyền kiểm soát chủ quyền đối với các vùng biển đánh bắt cá của mình”.
Video đang HOT
Sau “món khai vị”, tới “món chính” là vấn đề sân chơi bình đẳng, chủ đề hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn nhất và sẽ quyết định việc nước Anh có thể ra đi với một thỏa thuận thương mại phi thuế quan hay không.
EU yêu cầu Anh chấp nhận một bộ tiêu chuẩn chung về trợ cấp nhà nước, các quyền của người lao động, môi trường và thuế quan… để đảm bảo một sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp EU trước các doanh nghiệp Anh. Trong khi đó, Anh ban đầu chỉ đưa ra những đảm bảo lỏng lẻo hơn, muốn có những điều kiện tương tự như những điều khoản EU đã dành cho Canada. Do đó, EU không chấp nhận, yêu cầu những cam kết có tính bắt buộc hơn do Anh có quy mô nền kinh tế lớn và gần với thị trường chung EU hơn rất nhiều so với Canada.
Để đáp ứng một phần yêu cầu của EU, các nhà đàm phán Anh đã bắn tín hiệu rằng họ có thể chấp nhận những điều khoản không cho phép London hạ các tiêu chuẩn xuống dưới mức cơ sở hiện nay của Brussels. Tuy nhiên, các bộ trưởng của Anh đã nhiều lần ám chỉ rằng họ không có ý định làm như vậy khi Chánh Văn phòng nội các Michael Gove lập luận rằng khả năng cao nhất là Anh sẽ tìm cách nâng cao các tiêu chuẩn của mình trong một số lĩnh vực như môi trường.
Ngoài ra, nhiều thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ Brexit cho rằng các điều khoản kiểu như trên cũng làm nước Anh mất đi một phần chủ quyền, trói tay nước Anh và làm cho nước này không thể nắm bắt được những cơ hội của việc ra khỏi EU khi không thể cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế bằng việc cắt giảm các thủ tục quan liêu, rườm rà của EU.
Sau các “món khai vị” và “món chính” sẽ là “món tráng miệng” với vấn đề thực thi thỏa thuận. Dù Anh đã tuyên bố xóa bỏ một số điều khoản trong dự luật Thị trường nội địa được cho là vi phạm Thỏa thuận rút lui mà Anh đã ký với EU tháng 10/2019, nhưng để đảm bảo việc Anh tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa hai bên, EU muốn một cơ chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ, theo đó liên minh này có thể đình chỉ một phần của thỏa thuận, chẳng hạn như thương mại, nếu Anh có hành vi vi phạm. EU cũng muốn có quyền trả đũa Anh ở lĩnh vực này khi xảy ra tranh chấp ở lĩnh vực khác, chẳng hạn như áp thuế đối với lương thực, thực phẩm xuất khẩu của Anh khi có tranh chấp trong lĩnh vực hải sản.
Tất nhiên, phía Anh cho rằng những yêu cầu này là không thể chấp nhận được. Trả lời chất vấn các nghị sỹ tại Hạ viện Anh ngày 9/12, Thủ tướng Johnson đã nói rằng: “Những người bạn của chúng ta ở EU hiện đang khăng khăng rằng nếu trong tương lai họ thông qua một bộ luật mới mà chúng ta, ở đất nước này, không tuân thủ hoặc không làm theo, thì họ muốn có quyền tự động trừng phạt và trả đũa chúng ta”. Ông tuyên bố bất kỳ một vị thủ tướng nào cũng không thể chấp nhận những yêu cầu đó.
Với những “món ăn’ khó nhằn trên, sau khi kết thúc bữa tối, Chủ tịch Ủy ban châu Âu chỉ ra một tuyên bố ngắn gọn rằng: “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận sôi nổi và thú vị về các vấn đề nổi bật. Chúng tôi đạt được sự hiểu biết rõ ràng về các quan điểm của nhau. Các quan điểm này vẫn cách xa nhau. Chúng tôi đã đồng ý rằng các nhóm sẽ lập tức tập trung lại để cố gắng giải quyết những vấn đề thiết yếu này. Chúng tôi sẽ đi đến quyết định vào cuối tuần”.
Trong khi đó, một nguồn tin cấp cao từ số 10 Phố Downing (Văn phòng thủ tướng Anh) cũng cho biết sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, “giữa hai bên vẫn tồn tại những khoảng cách rất lớn và vẫn chưa rõ là liệu có thể lấp đầy những khoảng cách này hay không”.
Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng Thủ tướng Johnson không muốn bỏ qua bất kỳ con đường nào có thể đưa đến một thỏa thuận và rằng ông Johnson và bà Von der Leyen đã đồng ý rằng để đến Chủ nhật (13/12 tới) mới đưa ra quyết định về tương lai của các cuộc đàm phán.
Với 3 tuần ngắn ngủi còn lại trước thời hạn kết thúc thời gian quá độ của tiến trình Brexit vào ngày 31/12, thật khó để trả lời liệu Anh và EU có kịp lấp đầy những khoảng cách giữa hai bên trong các vấn đề gai góc để ký kết và thông qua được một thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên từ ngày 1/1/2021, hay cũng chính từ ngày đó, nước Anh sẽ giao dịch với EU theo “giải pháp Australia” – cách Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi một Brexit không thỏa thuận. Việc không đạt được thỏa thuận trước “thời hạn chót” 31/12 sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, song rõ ràng bữa tối kéo dài 3 giờ ở Brussels chưa thể giúp hai bên “tiêu hóa” nổi “thực đơn khó nhằn” của những vấn đề bất đồng cốt yếu.
Vấn đề Brexit: Anh khẳng định chỉ đàm phán với EU trong năm nay
Ngày 7/12, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này phản đối việc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit hay tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào năm 2021.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Brussels giữa các quan chức Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đình trệ do hai bên chưa thể hóa giải những mâu thuẫn lớn còn tồn đọng.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn trên cho biết Anh sẵn sàng đàm phán chừng nào có thời gian và London hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Anh một lần nữa bác bỏ việc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp mà theo kế hoạch là kết thúc vào ngày 31/12 tới. Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán có thể tiếp tục vào năm tới, người phát ngôn này nêu rõ: "Tôi có thể loại trừ điều đó."
Dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào lúc 16h GMT (tức 23h - giờ Việt Nam) ngày 7/12 để thảo luận về các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn hậu Brexit.
Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung chính gồm tạo sân chơi bình đẳng, trợ cấp của nhà nước và đánh bắt cá vẫn chưa được thu hẹp. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất chấp quỹ thời gian hạn hẹp còn lại để Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận trước ngày 31/12 tới.
Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 năm nay, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 tới để thảo luận với EU về thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm này. Việc không đạt được thỏa thuận và phê chuẩn trước "thời hạn chót" 31/12 có thể gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, mà Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất lớn hơn.
Anh, EU nối lại đàm phán trực tiếp về thỏa thuận thương mại hậu Brexit Ngày 28/11, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động cuộc đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong bối cảnh chỉ còn 5 tuần nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh đã chính thức rời EU ngày 31/1 năm...