Thúc đẩy tiêu dùng trong nước: Động lực từ tài chính tiêu dùng
Để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, một trong 5 “mũi đột phá” được Thủ tướng Chính phủ nêu ra là đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, khi cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó sau thời gian chống chọi với đại dịch, thì liệu tín dụng tiêu dùng có là “cứu cánh” để thúc đẩy khả năng chi tiêu?
Hậu Covid-19, tín dụng tiêu dùng vẫn có nhiều thời cơ để phát triển. Ảnh minh họa
Lợi thế phát triển
Thị trường nội địa nước ta luôn được đánh giá là lớn và tiềm năng do dân số đông và dân số trẻ. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong khi đó, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Nên đây là dư địa rất lớn để các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục phát triển, mở rộng đối tượng cho vay.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là khoảng thời gian chịu giãn cách xã hội, tăng trưởng tín dụng đã ở mức rất thấp so với mọi năm, trong đó có cả tín dụng tiêu dùng. Hơn nữa, hiện tình hình nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính có xu hướng tăng lên, nên việc kích thích tài chính tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn rất lớn và sáng hơn nhiều so với các nước, nên dư địa cho tài chính tiêu dùng còn lớn. PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn” chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết, nhất là thời kỳ hậu Covid-19. Hơn nữa, hiện nay, cho vay tiêu dùng thường tập trung vào 2 sản phẩm phổ biến là cho vay mua nhà (đầu tư bất động sản), sửa nhà với gần 50% dư nợ tín dụng tiêu dùng và vay để mua ô tô khoảng 10% tổng dư nợ. Trong khi 2 sản phẩm khác là thẻ tín dụng và cho vay sinh viên lại chưa phổ biến. Ngoài ra, một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng mục đích khác có tỷ trọng khá khiêm tốn, do những khó khăn trong việc phát triển quan hệ với nhà cung cấp, tiếp cận khách hàng và xử lý thủ tục vay…
Tìm sản phẩm phù hợp
Video đang HOT
Dưới những tác động của dịch bệnh, không chỉ suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, nên để đáp ứng các nhu cầu vay “dưới chuẩn”, các công ty tài chính phải có những sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp, giúp người dân tránh xa “tín dụng đen”.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện về hành lang pháp lý, quản lý từ cơ quan chức năng, các công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp.
Hơn nữa, cũng theo vị chuyên gia này, các công ty tài chính cần quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên. Các công ty tài chính cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay, đưa về mức hợp lý để thu hút người dân tăng vay tiêu dùng và giảm rủi ro không trả được nợ, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững…
Ngoài ra, cùng với phương thức cho vay truyền thống, các công ty tài chính và ngân hàng thương mại nên triển khai thí điểm các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ tài chính (fintech), cũng như tạo ra một nền tảng số giống như các công ty cho vay ngang hàng. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích, nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trước hết là việc nghiên cứu và công bố một chương trình cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Ngoài ra, số lượng tổ chức cho vay tiêu dùng chính thức chưa nhiều, dẫn đến ít cạnh tranh, tạo thành đất sống cho “tín dụng đen”, nên phải có giải pháp phát triển thêm các tổ chức tín dụng cả về số lượng và mô hình.
Đặc biệt, để tăng chi tiêu nội địa, không chỉ kích thích vào tín dụng tiêu dùng, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, các cơ quan chức năng cần khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để DN vay vốn trả lương cho công nhân viên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng… Không những thế, việc giáo dục tài chính cá nhân, thay đổi thói quen người tiêu dùng cũng phải được chú trọng để phát triển một cách toàn diện, theo đúng chiến lược về phổ cập tài chính vi mô mà Chính phủ đã ban hành.
Mcredit khiến "gánh nặng" nợ xấu MBBank ngày càng tăng
VDSC dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi của MCredit sẽ chậm lại, trong khi chi phí hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn khi công ty tập trung mở rộng mạng lưới điểm bán và cho vay có mục đích. Điều này sẽ ảnh hưởng đến MBBbank.
Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh năm 2019 của MBBank với nhận định tăng trưởng cho vay của ngân hàng chủ yếu là nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng.
Theo VDSC, cơ cấu cho vay hợp nhất năm 2019 của MBBank tiếp tục chuyển sang cho vay bán lẻ với mức tăng trưởng cho vay bán lẻ lên đến 32,8% so với cùng kì, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng 16,6% của tổng danh mục cho vay. Tính đến cuối năm 2019, tỉ trọng cho vay bán lẻ chiếm 40,5% (tăng 2,7 điểm % so với cùng kì).
Trong các khoản vay bán lẻ, cho vay mua nhà chiếm khoảng 50% còn lại là vay mua ô tô, kinh doanh hộ gia đình và cho vay tiêu dùng.
Mặc dù cơ cấu cho vay dịch chuyển sang bán lẻ nhưng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng mẹ không thay đổi so với năm 2018, do lãi suất huy động và trả lãi giấy tờ có giá bình quân tăng lên làm triệt tiêu phần cải thiện trong lợi tức tài sản.
Trong khi đó, NIM hợp nhất lại tăng đáng kể từ 4,6% trong năm 2018 lên 4,9%, cho thấy mảng tài chính tiêu dùng đang có vai trò dẫn dắt tăng trưởng của thu nhập lãi ròng.
VDSC cho rằng điều này là nhờ dư nợ cho vay tại MCredit tăng trưởng khá mạnh tới 57%, giúp đẩy tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất lên 16,6% so với mức 14,5% của riêng ngân hàng mẹ. Theo MBBank, MCredit đang duy trì lãi suất cho vay trung bình ở mức khoảng 40% - 45%/năm, cho ra biên lãi ròng trên 20%.
Khoản vay tiền mặt chiếm tỉ trọng hơn 70% trong danh mục cho vay của MCredit. Với việc Thông tư 18/2019 có hiệu lực, MCredit đặt ra kế hoạch tái cơ cấu danh mục cho vay. Trong đó, để giảm dần tỉ trọng cho vay tiền mặt, các khoản cho vay mua xe máy và điện thoại điện máy dự kiến sẽ được đẩy mạnh, cùng với việc ra mắt thẻ tín dụng dự kiến vào tháng 3/2020.
Trên cơ sở này, VDSC dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi của MCredit sẽ chậm lại, trong khi chi phí hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn khi công ty tập trung mở rộng mạng lưới điểm bán và cho vay có mục đích.
Mặt khác, trong năm 2019, dự phòng hợp nhất của MBBank tăng trưởng khá mạnh tới 61% so với cùng kì so với mức tăng 20% tại ngân hàng mẹ.
VDSC cho rằng việc chi phí dự phòng hợp nhất tăng mạnh chủ yếu là do MCredit, khi dư nợ tài chính tiêu dùng đang chiếm tỉ trọng 3,9% tổng cho vay và tỉ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 7%.
Như vậy, nếu như FECredit mang lại "trứng vàng" cho VPBank thì Mcredit lại "nặng gánh" với nợ xấu. Tại ngày 30/9, nợ xấu của MBBank hợp nhất là 3.703 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 40% lên 1.348 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9 là 3.112 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 590 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 9 của MBBank hợp nhất là 240.211 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ là 230.143 tỷ, 2.564 tỷ cho vay tại MBS. Như vậy, ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 7.504 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 590 tỷ đồng, chiếm đến 7,9% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%.
Minh Quân
Theo vietq.vn
Cho vay tiêu dùng không chính thức khoảng 1,55 triệu tỷ đồng Tại buổi tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" vừa được tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Ngành tài chính tiêu dùng...