Thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát
Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách ( VEPR) công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV và cả năm 2019, triển vọng 2020. Nếu như năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt qua dự báo của các tổ chức quốc tế (7,02% so với 6,5%), thì năm 2020 tình hình được đánh giá vẫn khả quan. Điểm sáng khác chính là lạm phát được duy trì ở mức thấp, khi mức tăng bình quân năm 2019 chỉ là 2,79%, thấp hơn mức tăng 3,54% của năm 2018.
Thịt lợn lên giá được cho là ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng quý I/2020.
Theo giới chuyên gia, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng thì vẫn phải hết sức chú ý tới kiềm chế lạm phát. Vì rằng, nếu “con ngựa giá” vẫn phi nước đại thì thành công của tăng trưởng cũng sẽ mất ý nghĩa.
Dấu hiệu tích cực nhưng không chủ quan
Theo các chuyên gia, những mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 là có thể đạt được, trong đó tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4%. Đây được coi là mục tiêu “không quá khó” khi mà 3 năm qua GDP luôn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt GDP 2019 là “cực kỳ ấn tượng”. Điều này không chỉ dựa vào những đánh giá trong nước, mà còn là đánh giá của nước ngoài.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh- Kinh tế trưởng VEPR, năm 2019, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều giảm tốc, riêng Việt Nam tăng trưởng đạt cao hơn mức dự báo của các tổ chức quốc tế (6,5%) khi đạt tốc độ 7,02%. “Đây là một con số rất tích cực, là điểm sáng trong khu vực và thế giới”-TS Anh nói.
Phân tích cụ thể hơn, đầu tầu kéo cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; khi các lĩnh vực này tiếp tục duy trì tăng trưởng, bù đắp cho nông nghiệp sụt giảm (do nguyên nhân khách quan là chính). Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt dự toán 3,26%, tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm xuống còn 56,1%; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP hay tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP hiện đều đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội…. Đây chính là nền móng để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong tương lai gần.
Tuy rằng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trên nền tảng phát triển của nhiều năm gần đây, nhất là đà tăng của năm 2019 thì năm 2020 này kinh tế của Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển. Nhưng, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, con số tăng trưởng 6,8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2020 là con số lạc quan, tham vọng và không dễ thực hiện. Đây cũng là ý kiến cần được xem xét kỹ lưỡng, để tránh những cú sốc kinh tế chúng ta đã từng gặp. Đặc biệt khi mà kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự sáng sủa.
Cũng liên quan tới vấn đề này, theo các chuyên gia của VEPR, tuy bức tranh ngân sách và nợ công đã có sự cải thiện những đó vẫn chưa phải là “đệm tài khóa” ổn định và an toàn để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài (nếu có). Khuyến nghị đưa ra là Chính phủ cần thận trọng với quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP sẽ được tính lại từ 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên xem xét việc đưa ra một trần nợ công trên con số tuyệt đối trong một giai đoạn nhất định, thay vì con số tương đối là phần trăm trên GDP như hiện nay, tránh hiện tượng “nước lên, thuyền lên”. Việc đưa ra con số tuyệt đối sẽ phản ánh được rõ con số nợ công giúp đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp hơn.
Bài toán kiềm chế lạm phát
Cùng với tăng trưởng thì bao giờ cũng phải tính tới lạm phát. Nếu không, cho dù tăng trưởng có cao đi chăng nữa nhưng lạm phát cũng gia tăng thì giá trị thực của nó không nhiều.Vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% trong năm 2020 liệu có đạt được (so với mức tăng trưởng đề ra là 6,8%)?
Video đang HOT
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nguy cơ lạm phát là có và đang ngày càng tăng lên. Lạm phát mặc dù được kiểm soát dưới ngưỡng 4% mà Quốc hội đề ra (năm 2019), tuy nhiên, việc CPI leo dốc trong tháng 12/2019 quá ngưỡng 5% do giá lương thực, thực phẩm tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Nói cách khác, quý I/2020 khó tránh khỏi lạm phát ở mức cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Tuy đây được coi là ‘thông lệ” hàng năm, nhưng năm nay Tết Nguyên đán đến sớm, nhiều mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong Tết tăng mạnh, ảnh hướng xấu tới chỉ số CPI. Có ý kiến lo ngại rằng, sự leo thang giá đó sẽ nguy hiểm hơn nếu nó tiếp tục “neo” lại ở những tháng tiếp theo.
Về vấn đề này, theo TS Võ Trí Thành, áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2020 dù là tính theo năm hay theo quý. Nguyên nhân là do biến động bên ngoài, do giá thực phẩm, giá của một số mặt hàng mà Nhà nước quản lý vẫn chưa “cởi” hết như điện, y tế, nước…
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, kiềm chế lạm phát cũng khó khăn không kém tìm cách tăng trưởng. Thực tế thì kiềm chế lạm phát cũng chính là để ổn định kinh tế vĩ mô. Khi “con ngựa giá” phi nước đại thì cũng có nghĩa kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, thu nhập thực tế cũng như cuộc sống của người làm công ăn lương sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực; từ đó dẫn đến những hệ lụy xã hội khó lường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với mấy năm gần đây. CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả mà còn là hệ quả của chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Còn ông Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế – Tài chính) lại đưa ra một số kịch bản lạm phát năm 2020 dựa trên giá thịt lợn.Theo ông Độ, mức kiềm chế lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Ông Độ đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản trước nhất là giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%. Kịch bản thứ hai là giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong quý I/2020, do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2019 thì lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%. Kịch bản thứ ba, tệ nhất là nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, dự báo CPI sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% ( /- 0,5%) trong năm 2020.
Theo dự báo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở mức 6,48% với cụ thể ở các quý là: Quý I: 6,33%; quý II: 6,27%; quý III: 6,58%; quý IV: 6,64%. Lạm phát bình quân được dự báo ở quý I là 4,88%; quý II: 4,49%; quý III: 4,13%; quý IV: 4,04%. Nếu như vậy, việc kiềm chế lạm phát ở mức 4% trong năm 2020 quả là bài toán khó, và cũng chưa có gì chắc chắn để khẳng định khi chưa hết quý I.
Quang Ngọc
Theo daidoanket.vn
Kỳ vọng gì về kinh tế, tỷ giá và lạm phát năm 2020?
Kinh tế năm sau nhiều khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề định hướng hướng đi cho tỷ giá cũng đứng trước nhiều thách thức...
ảnh minh họa
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Toàn quốc Khối kinh doanhh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát năm 2019 và những kỳ vọng trong năm 2020.
Kinh tế Việt Nam năm 2019 "tương đối thành công"
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm. Không như nhiều nền kinh tế châu Á khác vốn đang gặp nhiều thách thức để duy trì tăng trưởng và vượt qua rủi ro, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7% trong quý III.2019, quan trọng hơn, tăng trưởng được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ.
Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh là đầu tàu kéo thương mại phát triển. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2019 chứng kiến mức thăng dư thương mại kỷ lục với mức xuất siêu 11 tháng năm 2019 lên đến 9,1 tỷ USD, đặc biệt nhờ vào đóng góp từ lĩnh vực điện thoại và linh kiện. Xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù giảm nhẹ so với năm trước, vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kỳ, tính tới thời điểm tháng 11 năm nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang tạo ra những bất ổn trong kinh tế thế giới. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, bán lẻ được kỳ vọng vượt qua mức của năm 2018, tăng 12,6% so với cùng kỳ tính tới tháng 11. Cụ thể, vận tải, đồ uống và thực phẩm, quần áo đều đang phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ được duy trì một cách bền vững trong điều kiện vốn FDI đang và sẽ tiếp tục đổ vào nền kinh tế.
Về FDI, chúng ta đã thấy dòng vốn chuyển hướng qua Việt Nam, củng cố vị thế ngành sản xuất. Trong ba quý đầu năm, dòng vốn đăng ký mới đã đổ vào ngành sản xuất, cụ thể là điện tử. Trong khi đó, vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách tiền tệ thành công, VND ổn định hiếm có
Về điều hành chính sách tiền tệ, lãnh đạo HSBC Việt Nam nhận xét, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong năm, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.
Tiền Đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước. Cặp tỷ giá USD/VNĐ gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của 2019 và thậm chí VNĐ tăng giá so với đồng bạc xanh khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11. Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và dao động quanh tỷ giá mua vào của NHNN ở mức 23.200 và sau đó là 23.175 khi NHNN hạ giá mua USD. Từ đó NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng Nhân Dân Tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tiền Đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định. Xu hướng này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Lạm phát thấp hơn mục tiêu
Áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu "dưới 4%" mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh đó, nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc lục địa, Mỹ và EU. Các thị trường này chiếm tới một nửa tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam do đó xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu có sự suy giảm về cầu, từ đó tác động tới tăng trưởng chung của cả nước. Với lạm phát, mặc dù ở môi trường triển vọng về giá dầu giảm, lạm phát có thể được kiểm soát tuy nhiên, theo ông Ngô Đăng Khoa, trong những tháng cuối năm chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đây cũng là tín hiệu đáng quan sát cho năm sau.
Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay
Đại diện HSBC Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi. Trong lúc đó, chúng ta vẫn cần cân đối giữa quản lý để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế. Một yếu tố cần lưu ý nữa là Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và bất cứ một sự suy giảm về cầu cũng có tác động tới tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó phải xét tới thực tế là các nền kinh tế đối tác thương mại của Việt Nam sẽ giảm nhẹ tăng trưởng trong năm 2020. Và ông Khoa cho rằng, để có thể duy trì tăng trưởng trong năm sau, Việt Nam sẽ cần nhiều cải cách hơn nữa, đồng thời phát triển thị trường vốn nợ nội địa. Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam còn đi sau các nước trong khu vực khá xa, thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô nhỏ nhất Đông Nam Á, vẫn còn dư địa để phát triển nếu chúng ta có và thực hiện đúng những kế hoạch cho trung và dài hạn.
Những kỳ vọng trong năm 2020
Bước sang năm 2020, theo ông Ngô Đăng Khoa, Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, ...
Dẫu vậy, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay. Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều hành chính sách điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất. Và đại diện HSBC cho rằng kinh tế năm sau nhiều khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề định hướng hướng đi cho tỷ giá cũng đứng trước nhiều thách thức.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố XNK, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, theo ông Ngô Đăng Khoa, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, ... dể đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Tiêu dùng cá nhân của Việt Nam chiếm tới 75% trong tăng trưởng GDP năm năm gần đây nhất, chỉ đứng thứ hai sau Philippines về tỷ trọng trong GDP. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi lao động từ nông nghiệp qua các ngành đòi hỏi kỹ năng cao. Nền kinh tế của Việt Nam đang dần chuyển sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng thuộc hàng cao nhất trên thế giới do triển vọng tích cực về nghề nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tầng lớp trung lưu cũng đang gia tăng. Những điều này đang đem lại vị thế tích cực cho Việt Nam để có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình.
Tùng Lâm (ghi theo báo cáo)
Theo Trí thức trẻ
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế có khả năng vượt chỉ tiêu và đạt trên 7% Với mức tăng trưởng GDP 7,31% trong quý 3, VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% của năm do Quốc hội đề ra là khả thi và dự báo tăng trưởng còn có thể đạt 7,05%. Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3, do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện và công bố ngày 10/10. (Ảnh:...