Thừa Thiên – Huế: Cá chết trắng, nông dân lao đao
Gần tuần trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bồ tại 2 thôn Phước Yên và La Vân Thượng đang rất lo lắng trước tình trạng cá lồng bị chết một bất thường gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân nơi đây.
Thông tin trên do ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), xác nhận trong ngày hôm nay 20/5.
Những ngày qua bà con nông dân nuôi cá lồng trên địa bàn xã Quảng Thọ đang lo lắng trước tình trạng cá chết bất thường.
Ông Hồ Ngọc Thanh, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền), cho biết:”Tình trạng cá chết nổi trên sông xuất hiện rải rác từ ngày 14/5, ban đầu chỉ với số lượng 1 đến 2 con tại một số lồng kéo dài 2Km đoạn chảy qua thôn Phước Yên và La Vân Thượng. Tuy nhiên, từ sau ngày 14/5 đến nay cá chết xuất hiện với mật độ nhiều hơn. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 80/200 lồng cá xuất hiện tình trạng cá chết, với số lượng cá thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tạ. Cá chết chủ yếu là cá trắm cỏ, cá gáy vừa được bà con thả nuôi được vài tháng có cân nặng từ 0,5-1kg”.
“Rất có thể xuất phát từ nguyên nhân mấy ngày qua ở Huế xuất hiện thời tiết mưa dông bất thường khiến cho môi trường nước bị thay đổi đột ngột”, ông Thanh nhận định.
Trao đổi với chúng tôi, Hoàng Công Phong, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), cho biết thêm: “Hiện nay, chính quyền địa phương đã báo cáo với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền để tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết bất thường ngày qua. Qua đó, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân”.
Theo Dân Trí
Video đang HOT
Bồng dân chạy lũ!
Nước đổ về cuộn đỏ, xóa tan những cánh đồng hoa màu xanh mướt nằm ven sông. Người dân bồng bế nhau chạy lũ... Theo thống kê sơ bộ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã có gần 40 ngôi nhà bị sập, hư hỏng hàng trăm ngôi nhà khác.
Quốc lộ 1A qua Quảng Ngãi lại bị lũ chia cắt; miền Trung đã có tám người chết, một người bị thương vì mưa lũ. Sáng 16-11, nước sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) từ thượng nguồn chảy xối xả ra biển, huyện Bình Sơn lại tiếp tục chạy lũ.
Trước đó, nước lũ bắt đầu xuống, người dân chuẩn bị về nhà, dọn dẹp sau lũ. Thế nhưng, sáng 16-11, toàn huyện Bình Sơn lại bị nước lũ nhấn chìm.
Nước lên quá nhanh
Từ sáng sớm, nước đã tràn qua thị trấn Châu Ổ. Người dân dùng thuyền nan, thuyền bè chuối để vận chuyển người già, trẻ nhỏ, vận chuyển lương thực và gia súc đến nơi an toàn.
Ông Đỗ Thành Chơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Bình Sơn nói: "Chúng tôi phải huy động mọi lực lượng, phương tiện để di tản khẩn cấp 30 hộ dân tại các thôn Tây Thuận và Tiên Đào. Ngoài ra, hàng trăm người dân các vùng cô lập khác cũng được di chuyển lên cao. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập lũ trở lại".
Anh Huỳnh Ngọc Ảnh (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bế dân chạy lũ
Con đường độc đạo vào xã Bình Trung và Bình Dương hoàn toàn bị chia cắt. Nước vẫn liên tục đổ về, các thanh niên được bố trí di dời đồ đạc, kê tài sản và chèn chống nhà cửa...
Tại thôn Phú Lộc, cụ Đỗ Thị Thìn (72 tuổi) sống với đứa con trai bị tâm thần đưa tay cầu cứu: "Giúp tui ra khỏi đây với các chú. Nước ngập nhà rồi, tui không đi ra được nữa. Sợ lũ cuốn quá!". Anh Huỳnh Ngọc Ảnh, cán bộ tư pháp xã Bình Trung, đến bế cụ Thìn lên thuyền, đưa về nơi an toàn.
Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: "Các tuyến đường về các xã của huyện hoàn toàn bị tê liệt. Trong ngày, huyện đã di dời gần 5.000 dân và việc di dân vẫn được tiếp tục".
Nước đổ về cuộn đỏ, xóa tan những cánh đồng hoa màu xanh mướt nằm ven sông. Người dân bồng bế nhau chạy lũ... Theo thống kê sơ bộ, huyện Bình Sơn đã có gần 40 ngôi nhà bị sập, hư hỏng hàng trăm ngôi nhà khác.
Chiều 16-11, nước tràn quốc lộ 1A ở đoạn qua thị trấn Châu Ổ, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) khiến giao thông nơi đây hoàn toàn bị ngưng trệ. Nhiều điểm ngập sâu 1-1,5m, hàng ngàn xe ôtô phải nằm nối dài trên quốc lộ 1A. Công an Quảng Ngãi đã chốt tại dốc Sỏi (phía bắc) và ngã ba Võ Văn Kiệt (phía nam) cấm xe lưu thông.
Nhanh chóng làm lễ cưới rồi hối hả chạy lũ
Vùng hạ du Thừa Thiên-Huế ngập sâu
Đến tối 16-11, mực nước sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu đều vượt báo động 3, tràn bờ, nhấn các khu dân cư vùng hạ lưu ngập sâu từ 1 đến 2m. Trong nội thành TP Huế, nước lũ từ sông Hương tràn vào khiến nhiều tuyến đường lớn bị ngập sâu 0,5-0,7m.
Tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn tại địa phận các xã A Roằng, Hồng Vân, giao thông bị cắt đứt hoàn toàn; quốc lộ 49B từ Mỹ Chánh đi Vân Trình đã bị ngập sâu 1,5m, giao thông bị cắt đứt.
Huyện Hương Trà, nước sông Bồ tràn bờ, chảy xốc vào làm ngập 100% nhà dân, nhiều nơi ngập sâu đến gần 2m. Tỉnh lộ 8B nối từ quốc lộ 1A đi qua xã Hương Toàn về thị trấn Sịa (Quảng Điền) bị ngập sâu 1,5m.
Hơn 10m đường nhựa qua khu vực đèo Nước Nóng thuộc xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân bị biến mất
Lũ đã cuốn trôi cống Lao Thừa Phủ nối liền hai xã Hương Bình và Bình Điền (huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) làm một người bị thương.
Tối qua, tất cả hồ chứa thủy điện ở tỉnh này đều đã vượt cao trình đỉnh. Thủy điện Bình Điền, Hương Điền tiếp tục xả lũ lớn. vùng hạ du với hàng vạn người đang đối mặt với một trận lũ lớn và kéo dài nhất trong năm nay.
Hiện miền Trung tiếp tục bị lũ dữ đe dọa.
Mưa to từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ ngày 14 đến 16-11, các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Vùng Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi lượng mưa: 400-600mm. Một số nơi mưa lớn như Tà Lương (Thừa Thiên-Huế): 605mm, Trà My (Quảng Nam): 681mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi): 859mm. Lũ trên các sông tiếp tục lên cao. Hôm nay (17-11), nước sông Hương, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trà Bồng, sông Trà Khúc đều trên báo động 3.
Theo Pháp luật TP.HCM