Thua lỗ tiếp tục ‘nhấn chìm’ ngành vận tải biển
Bán trụ sở, bán tàu nhưng nhiều công ty vẫn chưa đủ để trả hết khoản nợ tồn đọng.
Nhiều hãng tàu triền miên thua lỗ CTV
Gần 10 năm thua lỗ
Công ty cổ phần Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỉ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỉ đồng. Đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỉ đồng. Vì vậy công ty kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VSG. Đáng chú ý, đây là năm thứ 9 liên tục VSG chìm trong thua lỗ. Hội đồng quản trị VSG nhận định, do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung của thế giới và Việt Nam, giá cước vận tải biển thấp, hầu hết công ty vận tải biển của Việt Nam và các hãng vận tải lớn của nước ngoài năm vừa qua đều thua lỗ. Đó là tình trạng chung và VSG không nằm ngoài. Mặc dù Ban điều hành đã tìm mọi biện pháp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh kho bãi, cho thuê văn phòng… vẫn không đủ bù cho khoản lỗ quá lớn của vận tải biển. Và đây vẫn là bài toán khó đối với Ban điều hành công ty trong năm tới. Cổ phiếu VSG đang niêm yết trên UPCoM với giá 1.400 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch.
Trong khi đó, mức lỗ lũy kế ở mức “khủng” thuộc về Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) khi năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỉ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên 1.780,7 tỉ đồng trong khi nguồn vốn của công ty chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng. Kiểm toán viên cũng cho biết nợ ngắn hạn với gần 1.900 tỉ đồng cũng đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, trong đó có các khoản vay đã quá hạn thanh toán. Vì vậy kiểm toán viên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VST. Giá cổ phiếu VST đang giao dịch trên UPCoM ở mức 800 đồng/cổ phiếu và hầu như bị mất thanh khoản.
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG) năm vừa qua đạt lợi nhuận sau thuế 35,7 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty có lãi sau 6 năm thua lỗ liên tiếp nhờ bán trụ sở cũ, xử lý xong khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Việt Á. Tuy nhiên sau khi trừ đi mức lỗ của các năm trước thì đến hết 2018, SSG vẫn còn bị lỗ lũy kế trên 45 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty kiểm toán cũng nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 36,5 tỉ đồng. Phía SSG cũng nhận định hiện nay giá dầu lại tăng, chi phí nhiên liệu, dầu nhớt chiếm trên 40% doanh thu. Việc giá dầu tăng khiến chi phí dịch vụ hàng hải tăng trong khi hàng hóa khan hiếm, tàu chạy rỗng nhiều mà giá cước vận tải giảm khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy công ty này cũng không có chủ trương đóng tàu mới hay mua tàu đã qua sử dụng trong năm 2019.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) năm 2018 có lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty vẫn còn hơn 792,3 tỉ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 là 654,4 tỉ đồng. Công ty kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS khi nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Giá cổ phiếu VOS đang giao dịch trên sàn TP.HCM mức 1.570 đồng/cổ phiếu…
Hoàn toàn bế tắc?
Video đang HOT
Các hãng tàu Việt Nam chỉ đảm đương 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước NG.NGA
Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) nhận định thị trường bị trượt dốc liên tục sau những khoảng thời gian ngắn tăng điểm. Đến nay vẫn chưa có yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng thật sự bền vững và ổn định. Lượng tàu nằm chờ vẫn khá nhiều do nhu cầu vận chuyển chịu ảnh hưởng xấu bởi nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng giảm bất ổn, nhu cầu nhập khẩu than giảm… Điển hình là mặt hàng đậu nành, bắp nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc ngưng trệ từ đầu tháng 7.2018 đã làm giảm nhu cầu hàng trăm tàu Pamanax/Supramax mỗi tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vận tải biển quốc tế. Trước đó trong 10 tháng đầu năm 2018, giá dầu thế giới tăng khoảng 30% và tăng lên mức cao 86,74 USD/thùng. Đến gần cuối năm, giá dầu bất ngờ giảm gần 40%, xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng. Giá dầu biến động mạnh và thất thường làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Container phía Nam cũng dự đoán tình hình vẫn chưa hồi phục nhiều trong năm nay nên kế hoạch đề ra là tiếp tục thua lỗ hơn 39,8 tỉ đồng. Với tình hình kinh doanh lỗ nhiều năm, không đủ điều kiện phát hành tăng vốn ra công chúng, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành riêng lẻ. Trước đó, VSG đề ra mục tiêu chuyển hướng kinh doanh bất động sản nhưng với việc thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm, việc triển khai hoạt động này cũng rất khó khăn.
Nhìn chung, đánh giá của các công ty vận tải biển về triển vọng kinh doanh trong năm nay đều khá tiêu cực. Có vẻ rất khó có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, Bộ Công thương nhận định do hạn chế về năng lực cạnh tranh nên phạm vi hoạt động của tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á và hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân cho hạn chế này, trong đó nổi bật là sự liên kết lỏng lẻo giữa các chủ tàu với nhau và chủ tàu với chủ hàng cũng như tập quán của chủ hàng Việt Nam mua CIF bán FOB còn phổ biến. Một số doanh nghiệp nhà nước được xác định là nòng cốt trong đó có Vinalines, thì hiệu quả khai thác đội tàu thấp và khó cạnh tranh được với các đội tàu nước ngoài.
Theo thanhnien.vn
Đất nền Quảng Ninh sẽ diễn biến ra sao trong 2019?
Sự hoàn thiện của hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm cùng tăng trưởng du lịch mạnh mẽ cả về du khách và doanh thu đã đẩy giá bất động sản tại Quảng Ninh tăng mạnh và khó có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới.
Tăng trưởng tích cực
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá đất tăng là một trong những biến động lớn nhất tại thị trường bất động sản (BĐS) Quảng Ninh trong suốt năm 2018 và đang tiếp tục lan sang 2019. Trong đó, đất nền là phân khúc có tiềm năng tăng giá tốt nhất, mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, diễn biến tăng giá tại các khu vực và các phân khúc tương đối không đồng đều.
Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Quảng Ninh cho biết, giá đất Hạ Long đã tăng mạnh trong vài năm qua. Những vị trí đắc địa như khu vực ven biển dọc đường Trần Quốc Nghiễn, năm 2014 giá đất nền khoảng 33 triệu đồng/m2 thì đến 2018 đã tăng lên trên 66 triệu đồng/m2; Khu vực Cột 5 - 8 mở rộng, khu Đường Sông 3 chỉ mấy năm trước giá khoảng 11 triệu đồng/m2 đã tăng vọt trên 35 triệu đồng/m2 năm 2018 nếu vị trí đẹp.
Kết quả khảo sát của một đơn vị môi giới BĐS cho hay, tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, giá đất nền ở thị trường thứ cấp tăng gấp 2 - 3 lần, từ 20 - 25 triệu đồng/m2 năm 2015 tăng lên đến 40 - 60 triệu đồng/m2 năm 2018. Thậm chí, có những địa điểm gần trung tâm thương mại và khu du lịch, vui chơi giải trí, giá đất còn lên tới 100 triệu đồng/m2 và vẫn đang tiếp tục tăng trong năm 2019.
Cách trung tâm Hạ Long khoảng 6 km về phía vùng ven Cao Xanh - Hà Khánh, nơi có tốc độ phát triển kinh tế sôi động, giá đất nền, liền kề, shophouse đã tăng 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2018 (quanh bán kính 1,5 - 2 km từ dự án FLC Tropical City Halong). Cụ thể, khu A Hà Khánh hiện có mức giá cao nhất khu vực, dao động từ 11 - 25 triệu đồng/m2. Khu B Hà Khánh giá thấp nhất từ 7 - 8 triệu đồng/m2 và có thời điểm lên tới 18 - 22 triệu đồng/m2. Khu C có mức giá "mềm" nhất từ 5 - 11 triệu đồng/m2 tùy từng lô.
Xa hơn chút về phía Hoành Bồ như dự án khu đô thị Trới, khu đô thị Cầu Bang, giá đất cũng bắt đầu tăng nhẹ, từ 2 - 3 triệu đồng/m2 cách đây vài năm nay lên đến 4 - 7 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, các địa bàn khác như Móng Cái, Cẩm Phả... cũng có nhiều triển vọng tăng giá khi tuyến đường bao biển từ Hạ Long tới Cẩm Phả và nhiều dự án đô thị, nghỉ dưỡng siêu khủng được hình thành. Dự báo Uông Bí sẽ chứng kiến đợt tăng giá đón sóng thị trường khi nhiều công trình hạ tầng đô thị trọng điểm được triển khai năm 2019 và cụm di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng, hồ Yên Trung đang thu hút đông đảo du khách tới thăm, với lượng khách đầu năm 2019 tăng 14% so với cùng kỳ.
Tiếp đó là Vân Đồn cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng ngay sau khi thị trường mở lại lệnh giao dịch từ tháng 1/2019, giá đất nền nhiều khu vực tăng cao nhất ở ngưỡng 30 - 50%.
Nếu như những năm trước, thị trường BĐS Quảng Ninh thường chỉ giao dịch mạnh vào cuối năm thì từ nửa cuối 2018 đến nay, tất cả các tháng đều tăng trưởng cao. Sàn giao dịch BĐS Đất Xanh miền Bắc chi nhánh Quảng Ninh ghi nhận, trung bình mỗi ngày có từ 20 - 30 giao dịch. Thực tế, những khu đất "nóng" như khu vực Hà Khánh còn có thể lên đến vài chục giao dịch/ngày.
Bệ phóng lớn
Theo ghi nhận của thị trường, giá BĐS Quảng Ninh tăng rõ rệt nhất kể vào nửa cuối 2018, nhất là sau khi tỉnh liên tiếp khai trương, đưa vào vận hành nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, thông xe cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và thông tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...
Cùng với đó, công trình thế kỷ Hầm Cửa Lục - hầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam tiếp tục được Quảng Ninh tiên phong triển khai với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, công trình này sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế của Hạ Long thông qua việc gia tăng kết nối giữa 2 vùng kinh tế lớn là Bãi Cháy và Hòn Gai.
Diện mạo ngày càng hiện đại của Quảng Ninh
Giúp cho diện mạo đô thị tại Quảng Ninh thay đổi không chỉ có hạ tầng mà còn nhờ sự xuất hiện của các dự án BĐS. Hầu hết các đại gia địa ốc hàng đầu Việt Nam đều đặt chân đến vùng đất này cùng với những dự án đô thị nhà ở, nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, tổng số dự án BĐS đã và đang triển khai tại Quảng Ninh lên tới hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD. Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của nhiều dự án đã khiến cho BĐS nơi đây gia tăng giá trị. Đơn cử như dự án FLC Hạ Long được xây dựng trên đồi than hoang hóa hầu như không có giá trị kinh tế thì giờ đã trở thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, là điểm đến đắt giá cho những nhà đầu tư lớn.
Thêm một yếu tố quan trọng làm bệ phóng cho BĐS Quảng Ninh đó là sự tăng vọt của lượng khách du lịch. Thống kê năm 2018, Quảng Ninh đã đón lượng khách kỷ lục 12,2 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt trên 2,7 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng này, Quảng Ninh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 14 triệu lượt khách cả năm 2019.
Từ những đổi mới không ngừng, Quảng Ninh đã và đang thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư của các nhà phát triển BĐS trong và ngoài nước đổ về. Trong bối cảnh này, BĐS nơi đây được nhiều chuyên gia dự báo sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2019 với mức tăng giá có thể từ 20 - 100% tùy khu vực.
Hải An
Theo Trí thức trẻ
Căn hộ mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt: cơ hội sinh lời hấp dẫn So với các khu vực khác, những dự án nằm dọc hai bên đại lộ Võ Văn Kiệt được đánh giá cao bởi triển vọng phát triển kinh tế, kết nối nhanh chóng vào khu vực trung tâm. Đa phần các dự án tại khu vực này đều sinh lời hấp dẫn ngay sau khi tung ra thị trường. "Đô thị phát triển...