Thư tuyển dụng ‘đánh đố’ nhân viên IT của Jeff Bezos
Thư tuyển nhân viên lập trình viên máy tính của Jeff Bezos cho Amazon cách đây 27 năm yêu cầu ứng viên phải hoàn thành công việc cực nhanh.
Trong bức thư tuyển dụng đăng ngày 23/8/1994, Jeff Bezos yêu cầu ứng viên có khả năng xây dựng và duy trì các hệ thống phức tạp “trong một phần ba thời gian mà những người có năng lực nhất nghĩ là có thể”. Bức thư được ông chủ Amazon chia sẻ trên Instagram năm 2019, nhưng gần đây “gây sốt” trở lại. Bức thư đã nhận được hơn 97.000 lượt thích và gần 3.000 bình luận.
Bức thư tuyển dụng mà Jeff Bezos đăng tải năm 2019.
Tốc độ và sự hết mình vì công việc là yếu tố “ám ảnh” Jeff Bezos nhất trong thời gian ông điều hành Amazon. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố giúp Amazon trở thành thế lực trên thị trường thương mại điện tử, đưa Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh.
“Bạn có thể làm việc lâu dài, hoặc chăm chỉ, hoặc thông minh. Nhưng tại Amazon, bạn phải có cả ba yếu tố đó”, Jeff Bezos từng nói với các nhân sự mới cách đây hơn 20 năm. Còn trong bức thư đầu tiên gửi các cổ đông năm 1997, tỷ phú này nhấn mạnh việc tuyển dụng có chủ đích là yếu tố thành công nhất cho Amazon.
Từ khi mới thành lập Amazon, Jeff Bezos cũng ưu tiên tốc độ giao hàng. Ông đã xây dựng cho công ty bản sắc thương hiệu khác biệt so với các đối thủ, trong đó cố gắng đưa bưu kiện đến tay khách hàng càng nhanh càng tốt.
Việc bị đẩy nhanh tốc độ khiến không ít nhân viên Amazon bị ám ảnh. Theo một số báo cáo về điều kiện làm việc tại Amazon trước đây, nhiều cựu nhân viên kể lại rằng họ rất áp lực đối với cái gọi là “stay on rate” – thuật ngữ chỉ số lượng mặt hàng dự kiến sẽ xử lý mỗi giờ.
Sau gần ba thập kỷ, việc duy trì tốc độ vẫn được Amazon giữ cho đến ngày nay. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra tại Mỹ, quy mô lực lượng lao động của Amazon đã bùng nổ. Công ty đã tuyển thêm 427.300 nhân viên trong 10 tháng đầu năm 2020, nhưng tốc độ công việc của mỗi người vẫn không hề được giảm xuống. Công ty thậm chí còn bị chỉ trích vì khiến nhân viên làm việc quá sức trong điều kiện tồi tệ.
Video đang HOT
Andy Jassy, CEO mới của Amazon.
Jeff Bezos đã chính thức rời ghế CEO của Amazon vào 5/7. Andy Jassy là người được chọn sẽ tiếp tục di sản Bezos để lại. Một số dự đoán cho rằng CEO mới sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ người lao động. Một khảo sát hồi tháng 1 của Business Insider cho thấy hơn 40% nhân viên Amazon ước được tham gia một công đoàn.
“Tín hiệu không tích cực của người lao động cùng với sự giám sát chặt chẽ bằng các quy định nghiêm ngặt có thể là những trở ngại lớn nhất Jassy phải đối mặt”, Nicholas McQuire, chuyên gia phân tích của CCS Insight, nhận xét. “Bezos đã tạo ra kế hoạch chi tiết cho doanh nghiệp lớn nhất hành tinh này. Do đó, người tiếp quản nó sẽ đối mặt với sức ép rất lớn”.
Vài ngày nữa, Amazon bổ nhiệm người thay thế Jeff Bezos
Ngày 5/7 tới, Amazon sẽ chính thức bổ nhiệm Andy Jassy làm giám đốc điều hành thay cho tỷ phú Jeff Bezos, tiếp tục công việc xây dựng đế chế thương mại điện tử.
Tỷ phú Jeff Bezos sẽ từ chức CEO Amazon từ ngày 5/7. Thay thế ông là Andy Jassy, người đang quản lý Amazon Web Services (AWS). Theo NYTimes , CEO mới của Amazon sẽ là nhà lãnh đạo được giới công nghệ chú ý nhiều nhất trong năm nay.
Trong hơn 18 tháng qua, hàng chục giám đốc điều hành cấp cao của Amazon đã từ chức, khiến giới công nghệ đặt ra nghi vấn liệu đây có phải là giai đoạn bất thường của công ty. Tuy vậy, việc Jeff Bezos rời đi có thể sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ của hãng.
Cũng trong phiên họp thường niên ngày 26/5, Amazon đã đưa thêm 2 mục vào bộ 14 nguyên tắc lãnh đạo. Điều này được cho là để hiện thực hóa những gì Jeff Bezos viết trong bức thư cuối gửi các cổ đông, thừa nhận việc Amazon phải cải thiện và thay đổi nhằm tránh gây quá tải cho nhân viên.
Phong cách lãnh đạo trái ngược với Jeff Bezos
Ông Jassy, 53 tuổi, gia nhập Amazon từ năm 1997 và đã phát triển nền tảng đám mây Amazon Web Services (AWS) từ con số 0. Những người từng làm việc thân cận với ông Jassy trong nhiều năm qua mô tả ông là kiểu người ăn nói nhẹ nhàng và dễ gần, trái ngược hoàn toàn với chủ tịch Jeff Bezos.
Ông Andy Jassy, người đã xây dựng nền tảng đám mây AWS từ con số 0.
Jassy cũng được biết đến là một người đam mê thể thao và âm nhạc, thích mặc quần jean đến văn phòng và thỉnh thoảng có thể bị bắt gặp ở các nhà hàng xung quanh khuôn viên Seattle của Amazon.
"Ông ấy tập trung vào các chi tiết đến mức phi thường. Điều duy nhất tôi thấy chỉ là sự tập trung không ngừng vào các chi tiết để cải thiện sản phẩm", James Hamilton, phó chủ tịch Amazon, người đã làm việc với ông Jassy trong hơn 10 năm chia sẻ với WSJ .
Những đặc điểm đó đã giúp ông Jassy xây dựng nên nền tảng Amazon Web Services (AWS), công ty tiên phong của cuộc cách mạng điện toán đám mây. Nền tảng này hiện có hàng chục nghìn nhân viên và với doanh thu hơn 45 tỷ USD trong năm 2020, đứng thứ 69 trong bảng xếp hạng Fortune 500, chỉ kém Best Buy vài bậc về doanh thu.
Lọc lõi trong cách vận hành của Amazon
Jassy gia nhập Amazon với tư cách là giám đốc tiếp thị vào năm 1997, sau khi hoàn thành chương trình MBA tại Đại học Harvard. Ông cũng từng đảm nhận một số vai trò cấp cao khác, bao gồm cả tư cách cố vấn kỹ thuật của người sáng lập, một vai trò gần như toàn thời gian.
Ông Jassy được cho là rất phù hợp với phong cách làm việc của chủ tịch Jeff Bezos.
Do vậy, không phải ngẫu nhiên Jassy được coi là "cánh tay phải" đắc lực của Jeff Bezos khi từng được nhà sáng lập Amazon gọi là "lãnh đạo nổi bật" và thường xuyên xuất hiện trong các phiên họp cấp cao.
Bill Carr, người đã làm việc tại Amazon hơn 15 năm và quản lý các hoạt động giải trí của công ty, chia sẻ Jassy luôn nổi bật trong nhiều năm qua vì đơn giản ông rất hợp phong cách làm việc của Jeff Bezos.
"Jassy luôn được coi là người hiểu Amazon nhất trong tất cả các bài phát biểu của Jeff trước hội đồng quản trị", ông Carr nói với WSJ .
Jassy cũng đang là cổ đông cá nhân lớn thứ ba của Amazon sau nhà sáng lập Jeff Bezos và vợ cũ của ông, MacKenzie Scott. Hôm 1/7, Amazon cho biết ông Jassy sẽ được cấp 61.000 cổ phiếu vào ngày 5/7 tới, có giá trị trong vòng 10 năm và trị giá khoảng 214 triệu USD. Điều này như thể chứng minh sự tin tưởng hoàn toàn của chủ tịch Jeff Bezos vào vị CEO mới của công ty.
Nhận được sự ủng hộ của nhiều các lãnh đạo cấp cao Amazon
Ông Jassy là người khá nhẹ nhàng và dè dặt hơn Jeff Bezos. Nhiều nhân viên làm việc cùng Jassy cho biết ông luôn cố tình đợi đến khi mọi người trong phòng nói chuyện rồi mới bắt đầu đặt câu hỏi.
Ông Jassy được nhân viên Amazon ủng hộ nhờ phong cách làm việc điềm tĩnh.
Trái ngược với sự gay gắt của Jeff Bezos, nhiều giám đốc điều hành chia sẻ họ luôn cảm thấy thoải mái vì Jassy luôn thận trọng đưa ra ý kiến ngay cả khi bày tỏ sự không hài lòng trong công việc. "Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy nổi giận", ông Carr trả lời WSJ .
Khi Jassy không hài lòng với nhân viên, ông có thể để lại phản hồi rất rõ ràng và thường gửi lại email hòa giải ngay sau đó. Nhiều nhân viên cho biết ông không bao giờ la hét trong các cuộc họp, nhưng sẽ chỉ trích thẳng thắn trong các bài phê bình nếu ai đó không xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Bản thân Jassy cũng từng được cân nhắc cho vị trí CEO tại Microsoft nhưng công việc đó cuối cùng lại thuộc về Satya Nadella vào năm 2014. Không lâu sau, Jeff Bezos đã bổ nhiệm Jassy vào vị trí Giám đốc điều hành của AWS vào năm 2016 và nền tảng này đã tăng gần gấp bốn lần doanh thu trong những năm tiếp theo.
Những điều chưa biết về người thay chỗ Jeff Bezos ở Amazon Jeff Bezos - người sáng lập Amazon sẽ chuyển vai trò từ giám đốc điều hành (CEO) sang ghế chủ tịch và chuyển giao quyền lực cho Andy Jassy, một nhân sự kỳ cựu với 24 năm làm việc ở Amazon, vào cuối năm nay. Andy Jassy được kỳ vọng sẽ đưa Amazon tiếp tục bay cao sau thời đại của Jeff Bezos...