Thủ tướng yêu cầu đưa ngay người lao động tại Guinea Xích Đạo về nước
Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19 vào chiều 10/7, tại Trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện đang có 219 người lao động Việt Nam làm việc tại Guinea Xích Đạo, trong đó Công ty Lilama 10 là 49 người; Công ty CM Vietnam 164 người; Công ty Trác nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Tân Đại Lợi 6 người. Người lao động đang làm việc tại công trình Nhà máy Thủy điện Sendje, tỉnh Littorial, nước Cộng hòa Guinea Xích đạo theo hợp đồng giữa ba công ty với Công ty tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh).
Theo đó, cuối tháng 6/2020, sau khi có biểu hiện ho, sốt, một số người lao động cơ quan y tế xét nghiệm COVID-19. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 nêu rõ có 16 lao động người Việt Nam dương tính với virus SARS-CoV-2 và 20 người nghi nhiễm. Những người này được đưa đi chữa trị và cách ly theo quy định của cơ quan y tế sở tại. Qua theo dõi và điều trị, đến nay, sức khoẻ một số người lao động đã tạm thời ổn định.
Đến ngày 1-2/7, nhóm lao động tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến ngày 9/7, Công ty CM Việt Nam báo cáo có thêm 74 người nhiễm bệnh, nâng số tổng số người Việt Nam tại công trường lên đến 90 người. Công ty Lilama 10 và Công ty Tân Đại Lợi có 23 người mắc COVID-19. Như vậy, tổng số có 112/219 người lao động mắc COVID-19. Hiện tất cả các trường hợp mắc bệnh đã được đưa đi chữa trị theo quy định của Guinea Xích Đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 3/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã gửi văn bản lên Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích Đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động.
Video đang HOT
Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo 3 công ty làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu chính tạm dừng công việc tại công trường; hướng dẫn biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh ăn ở đầy đủ dinh dưỡng; xây dựng phương án đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Hiện nay, các công ty đã trao đổi với chủ đầu tư, nhà thầu chính để dừng việc tại công trường; có phương án chuyển toàn bộ người lao động để tránh dịch bệnh theo nguyện vọng của người lao động.
Liên quan đến một số thông tin trên mạng xã hội phản ánh người lao động bị mắc bệnh, không được ăn uống, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, một số lao động đang làm việc tại công trường hoạt động bình thường. Một số lao động cách ly tại bệnh viện trong ngày đầu tiên được cung cấp khẩu phần ăn của nước sở tại, không có rau và cơm Việt Nam. Ngay sau đó, công ty đã yêu cầu bổ sung khẩu phần ăn do chính công ty cung cấp, phù hợp với người lao động Việt Nam.
Nhận thấy diễn biến dịch COVID-19 nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao, cần điều trị kịp thời, trong khi đó vụ việc xảy ra ở ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân để đưa toàn bộ số lao động trên về nước, đồng thời đảm bảo cách ly y tế và điều trị theo quy định. Chi phí chuyến bay do doanh nghiệp và nhà thầu chi trả.
Theo đó, thủ đô Malabo của Guinea Xích Đạo nằm ở giữa đảo, trong khi lao động Việt Nam đang làm việc ở đất liền, gần sân bay Quốc tế Bata hơn, việc di chuyển dễ dàng hơn. Nếu đỗ ở thủ đô Malabo phải thêm một chuyến bay nội địa bay ra giữa đảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, khảo sát bay thẳng .
Bộ GTVT: Mở lại các đường bay quốc tế cần thận trọng
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc mở lại các đường bay quốc tế phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người dân trong nước bởi vì chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội.
Chuyến bay chở 150 chuyên gia từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN
Liên quan đến đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam trong việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 29/6, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước những diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp tại nhiều nước; trong đó đã có nước bùng phát lại dịch, vì vậy theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, phòng chống dịch COVID-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây thì việc mở lại đường bay quốc tế cần hết sức thận trọng và cân nhắc.
"Bộ Giao thông Vận tải có thể sẽ xem xét cho mở đường bay quốc tế đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Trong đó, ưu tiên Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (lục địa) và Đài Loan (Trung Quốc) cùng một số nước Đông Nam Á có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc mở lại các đường bay quốc tế phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người dân trong nước bởi vì chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc nghiên cứu cho mở lại các đường bay quốc tế nhằm mục đích phục vụ các nhà đầu tư, lực lượng lao động kỹ thuật, các thợ lành nghề vào Việt Nam làm việc. Đặc biệt là tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện về nước nhưng vẫn phải thực hiện quy trình kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Vị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, hiện tại Vietnam Airlines vẫn thực hiện những chuyến bay sang Hàn Quốc để đưa bà con Việt Nam sang đó học tập, lao động. Tuy nhiên, để khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế là rất khó khăn.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã đề cập đến mô hình "Di chuyển nội khối" trên thế giới.
Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì ý tưởng về "Travel bubble" - "di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển" đang trở nên hấp dẫn.
Theo đó, Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công COVID-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.
Những người sống trong khối có thể đi lại tự do bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.
Hiện tại, Estonia, Latvia và Litva đã mở cửa biên giới với nhau thành khối Baltic, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Những du khách đến từ bên ngoài khối vẫn phải tự cách ly trong 14 ngày.
Australia và New Zealand có điều kiện tự nhiên phù hợp cũng đề xuất để chia sẻ nội khối Trans-Tasman. Theo đó, công dân của nước này có thể làm việc ở nước kia mà không cần thị thực.
Trong khi đó, Trung Quốc đang xem xét mở rộng "di chuyển nội khối" của họ trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao (Trung Quốc) cũng như Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.
Đề xuất hàng loạt điều kiện cần xem xét để mở lại đường bay quốc tế, song ông Đinh Việt Thắng cũng cho rằng, để duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh. Theo đó, khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.
"Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay", Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.
Để triển khai kế hoạch trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể để kết nối đường bay.
Trước đó, TTXVN đưa tin, chiều 24/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, trong việc thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ mặc dù đã chấp thuận mở cửa cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Đi liền với đó là quản lý, giám sát chặt chẽ, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam, đây là quan điểm nhất quán. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác để đảm bảo sức khỏe của nhân dân, tránh nôn nóng dẫn đến xóa đi những thành quả quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Về khả năng mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo cần cân nhắc kỹ về thời điểm với điều kiện đảm bảo không để dịch lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam. Thủ tướng lưu ý, tại các vùng có dịch phức tạp, ngành hàng không Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải cần chuẩn bị phòng dịch kỹ lưỡng các chuyến bay thương mại đi và đến một số nơi đáp ứng yêu cầu trong Thông báo 203/TB-VPCP ngày 10/6. Nếu dịch diễn biến phức tạp, phải báo cáo kịp thời để dừng các chuyến bay.
Thủ tướng Chính phủ tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc Trên tinh thần tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN FDI đầu tư tại Việt Nam nói riêng, chiều 12-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số DN Trung Quốc đang đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, sợi cao cấp, linh kiện động cơ, lốp...