Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa
“Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no…”.
Thủ tướng chủ trì buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam – Ảnh: VGP
Chiều 19-11, cô giáo Phạm Thị Tâm đến từ Phú Yên đã có chia sẻ đầy xúc động trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng lập nghiệp tại Phú Yên với nghề giáo, cô Phạm Thị Tâm (giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng – Trường mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, đường sá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp.
Câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Tâm nỗ lực làm công tác thiện nguyện bên cạnh việc mang cái chữ đến cho các em ở bản xa – Ảnh: VGP
Những việc làm của cô thực sự có ý nghĩa, không chỉ kết nối giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật, mà còn giúp người khỏe mạnh “cần câu” để tự câu con cá, chi tiêu tiết kiệm.
Như năm nay, cô đã gom hơn 300 bao đồ chở đi trên con đường gập ghềnh, xói lở cho bà con; hướng dẫn người dân nấu ăn, dạy phụ huynh nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, làm bánh, bày cách chữa bệnh bằng thuốc thay vì cúng bái.
Cô cũng mở được hai thư viện tự quản với hơn 1.000 đầu sách, xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo, trao tặng rất nhiều đồ dùng, sách vở, giày dép, học bổng, trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, kết nối hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ núi xa xuống bản…
“Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no…”, cô Tâm bộc bạch.
Video đang HOT
Trong khi đó, cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), trăn trở làm sao để giúp kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Vì vậy, trường đã đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, định hướng xuất khẩu lao động, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã thổ cẩm Yên Bình…
Các thầy giáo quản lý trường đại học trăn trở với bài toán tự chủ – Ảnh: VGP
Với các trường đại học đứng trước bài toán tự chủ, thầy giáo Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế, đề xuất Chính phủ có những nghị quyết, quyết sách lớn thúc đẩy, tự chủ đại học, bởi hiện nay vẫn còn những điểm cần được thống nhất, hài hòa trong các văn bản pháp quy.
Lắng nghe chia sẻ chân tình của các thầy cô, Thủ tướng bày tỏ sự tri ân sâu sắc, cũng như thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Thủ tướng, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực.
Khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo, các thầy cô nói riêng, Thủ tướng cho rằng vai trò của thầy cô rất lớn trong phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mọi ý kiến của các thầy cô sẽ được ghi nhận, tổng hợp để tháo gỡ – Ảnh: VGP
Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung, “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, Thủ tướng đặt ra những câu hỏi để cùng suy nghĩ: Phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh? Phải làm gì để giáo dục – đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống?…
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, đặc biệt là cơ sở vật chất trường học. Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng và chính sách cho đội ngũ nhà giáo, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại…
Thủ tướng mong các thầy cô tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, kề vai sát cánh để đưa ngành giáo dục và đào tạo trong điều kiện khó khăn, trong nền kinh tế đang chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Những 'người lái đò' tận tụy
Gắn bó với sự nghiệp giáo dục hàng chục năm qua, bằng tình yêu nghề, yêu học trò và tinh thần trách nhiệm của mình, Nhà giáo Ưu tú Phan Công Hùng, nhà giáo Nguyễn Thị Bích Nga như những "người lái đò" tận tụy, "chở" biết bao thế hệ học sinh tới "bến bờ tri thức".
Các thầy, cô vinh dự được lựa chọn là những nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 của tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà giáo Phan Công Hùng được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vinh danh nhà giáo ưu tú.
Tấm gương "tự học và sáng tạo"
Thầy Phan Công Hùng (sinh năm 1980, tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học Cơ sở Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà) luôn được đồng nghiệp và học trò yêu quý, coi là tấm gương đạo đức "tự học và sáng tạo" để noi theo.
14 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Hùng đã có 8 năm công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn như Trường Trung học Cơ sở Phương Mỹ ở xã miền núi thường xuyên ngập lụt của huyện Hương Khê; hay trường Trung học Cơ sở Thạch Hội - ngôi trường thuộc xã biển ngang khó khăn của huyện Thạch Hà. Ở môi trường nào, thầy Phan Công Hùng cũng nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thầy Hùng chia sẻ: "Càng ở những ngôi trường vùng khó, mình càng thấu hiểu và thương học trò hơn. Mong muốn truyền tải cho các em những kiến thức bổ ích nhất của mình để sau này các em trưởng thành, thành công hơn".
Từ tháng 9/2010 đến nay, thầy Hùng chuyển công tác về tại Trường Trung học Cơ sở Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà. Về đây, thuận lợi hơn là được công tác gần nhà, thầy Hùng chuyên tâm và dành hết thời gian cho công tác chuyên môn. Thầy Hùng luôn tích cực, đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy; được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh ghi nhận.
Là thành viên trong tổ nghiệp vụ của Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo, thầy Hùng luôn tích cực tham gia, tư vấn góp ý và bồi dưỡng nhiều giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều giáo viên được thầy bồi dưỡng trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Với 20 năm trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, các đôi tuyên do thầy Phan Công Hùng làm chủ nhiệm luôn đứng thứ nhất ở huyện Thạch Hà và tốp đầu ở tỉnh, có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, nhiều em đạt thủ khoa học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em thủ khoa thi vào Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh.
Bên cạnh công tác giảng dạy, Nhà giáo ưu tú Phan Công Hùng còn đảm nhận vai trò cấp ủy trong chi bộ nhà trường, là Tổ trưởng tổ Toán - Lý - Tin. Thầy luôn tham gia tích cực các phong trào, các hoạt động đoàn thể, hưởng ứng nhiệt tình, tích cực các cuộc vận động do các cấp, ngành kêu gọi. Dù ở cương vị nào, thầy Hùng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương "đạo đức tự học và sáng tạo" theo gương Bác cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.
Với những thành tích đã đạt được, nhà giáo Phan Công Hùng nhiều năm được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được tặng thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý như Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thầy Hùng là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của ngành giáo dục Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Ghi nhận công lao đối với sự nghiệp trồng người, năm 2020, Thầy Phan Công Hùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Cô Tổng phụ trách Đội tâm huyết, sáng tạo
Đó là nhà giáo Nguyễn Thị Bích Nga, tổ Phó chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đảm nhiệm công việc dẫn dắt các phong trào đoàn, đội của trường, cô Nga là tấm gương vượt khó, luôn giữ nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc, mang tới cho học sinh nhiều hoạt động bổ ích.
Năm 1990 tốt nghiệp ra trường, cô Nga có 5 năm công tác tại ngôi trường miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Anh là trường Trung học Cơ sở Kỳ Lâm. Năm 1995, cô Nga chuyển công tác về trường Trung học Cơ sở Kỳ Tân cho đến nay.
Cô được giao trọng trách làm Tổng phụ trách Đội. Với năng khiếu sẵn có, cô Nguyễn Thị Bích Nga đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới có hiệu quả công tác giảng dạy và các hoạt động đội của trường, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo, internet... để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội.
Chia sẻ về công tác Đội, cô Nga cho biết: Để thực hiện tốt vai trò của một Tổng phụ trách Đội, điều cần thiết là phải có sự nhiệt tình, đam mê với công việc và đặc biệt phải dành tình yêu lớn đối với học sinh. Đồng thời, cần nắm bắt tâm lý đội viên và tìm ra cái mới, điểm nổi bật để thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động thường niên gắn với kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, nhằm tăng sự hào hứng cho các em khi tham gia.
Nhiều học sinh có năng khiếu đã được cô Nguyễn Thị Bích Nga phát hiện, bồi dưỡng đi thi và đạt thành tích cao tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều năm liên tục đảm nhiệm công tác kiêm nhiệm, cô Nga luôn hoàn thành tốt và được đồng nghiệp đánh giá cao, phụ huynh, học sinh hết lòng yêu quý.
Đặc biệt, với tấm lòng yêu thương, trắc ẩn với những trẻ kém may mắn như trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, cô Nguyễn Thị Bích Nga đã tìm hiểu về tâm sinh lý của nhóm trẻ này, gần gũi yêu thương, dẫn dắt các em vượt qua khó khăn để hòa nhập cùng bạn bè. Nhiều năm được phân công giảng dạy các lớp có trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật cô Nga đã giúp đỡ các em hoàn thành chương trình vượt mong đợi của phụ huynh.
Với những đóng góp của mình trong quá trình công tác, nhà giáo Bích Nga đã đạt được những thành tích của bản thân như: danh hiệu "Viên phấn hồng" cấp tỉnh, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi, có 21 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, một sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Bích Nga là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của ngành Giáo dục Hà Tĩnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh Nhà giáo Tiêu biểu giai đoạn 1982-2022, được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen, hai lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen cùng với nhiều bằng khen của các cấp, ngành khác. Đặc biệt, năm học 2020 -2021, cô Nga được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen đã triển khai thực hiện tốt Chương trình Giáo dục Phổ thông đối với lớp 1 và đoạt giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi Tìm hiểu 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà giáo Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chia sẻ: Thầy Phan Công Hùng, cô Nguyễn Thị Bích Nga là một trong những tấm gương nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu, có tài năng sư phạm, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Hà Tĩnh, được học trò, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt nam Ngày 16/11 tại TP Hồ Chí Minh, thầy trò trường Đại học Cảnh sát Nhân dân (CSND) đã long trọng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt nam (20/11/1982-20/11/2022). Trong diễn văn khai mạc, Thiếu tướng, GS.TS Trần Thành Hưng- Hiệu trưởng nhà trường thay mặt Đảng ủy, Ban giáo hiệu nhà trường đã gửi những lời chúc mừng và cảm ơn...