Thủ tướng: Xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chiều 18/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội. Thủ tướng đồng ý để Bắc Ninh có đề án khoa học về xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thường trực Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP
Các ý kiến phát biểu đều ấn tượng trước sự phát triển của Bắc Ninh, là một trong 3 tỉnh động lực của Vùng Thủ đô, là một cực tăng trưởng của cả Vùng; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc và cả nước. Đầu tư của các doanh nghiệp vào Bắc Ninh tăng cao, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục chọn Bắc Ninh, trong đó nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Năm 2016, Quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh chiếm 2,8%, sản xuất công nghiệp chiếm 12,3%, xuất khẩu chiếm 13% trên tổng giá trị của cả nước. Các ý kiến cơ bản đồng tình với kiến nghị của tỉnh và mong muốn tỉnh có thêm các điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cũng nhìn nhận các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh khá ấn tượng. GRDP đứng thứ 3, xuất khẩu đạt thứ hạng cao, thu hút FDI đứng thứ 6, thu ngân sách đứng thứ 10; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới xếp thứ 9… Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt việc phát triển hướng vào công nghiệp công nghệ cao.
“Bắc Ninh quyết tâm thực hiện chủ trương này hết sức quyết liệt. Tất nhiên có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng các đồng chí biết chọn thu hút đầu tư phát triển. Tại sao cùng có cơ chế giống nhau nhưng có tỉnh phát triển công nghiệp cao có tỉnh lại không?”, Thủ tướng nói. Cùng với đó, lĩnh vực xã hội của tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực như tỉ lệ kiên cố hóa phòng học, phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, giáo viên đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia xếp thứ nhất.
Biểu dương nỗ lực của Bắc Ninh, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn đối diện nhiều thử thách như môi trường sống sẽ bị đe dọa trước mật độ dân cư cao, nhiều làng nghề phát triển, thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giữ gìn văn hoá truyền thống… Với số lượng công nhân rất đông thì vấn đề xã hội, an toàn thực phẩm cũng cần đặt ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Về định hướng phát triển của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và phát triển Bắc Ninh thành một thành phố văn minh, hiện đại, giữ gìn văn hoá truyền thống. Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, có chính sách tận dụng số lao động sau khi kết thúc làm việc ở các khu công nghiệp. Tổ chức xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch kể cả đô thị, làng nghề.
Video đang HOT
Giải quyết tốt các vấn đề tệ nạn xã hội, an ninh an toàn. “Một khẩu hiệu đưa ra là Bắc Ninh có tỉ lệ ma túy thấp nhất nước được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề. “Các đồng chí trong tốp đầu về PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thì sắp tới đây các đồng chí có giữ được môi trường đó không?”. Thủ tướng lưu ý tỉnh tránh tư tưởng chủ quan, “thỏa mãn non”.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của Bắc Ninh.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Samsung trong đầu tư công nghệ cao, sản xuất, xuất khẩu với quy mô lớn, phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trên tinh thần bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là về nghĩa vụ thuế; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, báo cáo lại Thủ tướng xem xét.
Thủ tướng đồng ý để Bắc Ninh có đề án khoa học về xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trên cơ sở đó xem xét, báo cáo Bộ Chính trị đưa vào chương trình công tác năm 2018 của Bộ Chính trị. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản đáp ứng 3/5 tiêu chuẩn trơ thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Thủ tướng nhất trí với kiến nghị cho phép tỉnh thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm, tinh thần là không tăng biên chế, để có biện pháp mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm, sao cho “đến Bắc Ninh là ăn thực phẩm sạch”.
Bày tỏ tâm đắc với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là xóa bỏ “lợn hai chuồng, rau hai luống” (một chuồng, một luống để ăn, một để bán), Thủ tướng yêu cầu các địa phương cả nước, không chỉ là Bắc Ninh, phải đẩy mạnh một bước nữa việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với các dự án phát triển khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn, Thủ tướng lưu ý tỉnh bảo đảm tuân thủ quy hoạch, quy định, chú ý bảo đảm môi trường.
P.T
Theo Dantri
Cùng Thủ tướng nhắn tin ủng hộ người nghèo
"Trong giờ phút này, tôi kêu gọi tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng", Thủ tướng kêu gọi.
Thủ tướng kêu gọi tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tối 15.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cầu truyền hình trực tiếp "Chung tay vì người nghèo" năm 2017 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với 2 điểm cầu truyền hình là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).
Cùng dự tại 2 đầu cầu còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Chương trình với thông điệp "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17.10 - 18.11).
Hoan nghênh Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức Chương trình rất có ý nghĩa đối với người nghèo và vùng nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".
Thủ tướng: Chúng ta cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương, chia sẻ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nêu rõ, trong suốt 72 năm qua, xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 1992 đến nay, mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cùng dành sự ủng hộ rất to lớn đối với công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2011-2015, riêng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" trên 5.000 tỷ đồng. Xây dựng hàng nghìn căn nhà "Đại đoàn kết", giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, của toàn xã hội được nhân lên, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo. Tiếp tục vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái mang giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cùng với thành tựu phát triển chung, to lớn của đất nước, công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước vẫn còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đăc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước ta đã đề ra phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhìn nhận đây là việc làm rất khó khăn, nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực và nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng nói: Hôm nay chúng ta đang ở đây, trong khi hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt tàn phá. Nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà do bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Đó là đồng bào của chúng ta, một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương, chia sẻ. Nghĩ về đồng bào với những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
"Trong giờ phút này đây, tôi kêu gọi tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng", Thủ tướng kêu gọi.
Được biết, tại chương trình, các nhà hảo tâm đã cam kết ủng hộ số tiền hơn 264 tỷ đồng dành cho người nghèo, kể cả các nguồn hỗ trợ đầu tư các dự án vì người nghèo.
Theo Danviet
Thủ tướng nhắn nhủ Đà Nẵng phải sớm sửa sai để ổn định "Gần đây Đà Nẵng có nhiều thăng trầm, tôi không nói ra ở đây nhưng mọi người đã biết rõ. Tôi mong muốn may mắn và niềm vui trở lại với Đà Nẵng..." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 diễn ra sáng nay (15.10). Sáng 15.10. tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng...