Thủ tướng: Việt Nam sẽ chặn đứng đại dịch COVID-19
Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch COVID-19.
Sáng 17-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức lễ phát động kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Tại đây, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước… tích cực tham gia ủng hộ để phòng, chống dịch COVID-19.
Kịp thời chuyển ủng hộ đến những nơi cần
Theo ông Mẫn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.
Tuy vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân, kinh tế- xã hội của đất nước. “Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị” – ông Mẫn nói.
Để tiếp tục có thêm nguồn lực phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, ông Mẫn kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Ông Mẫn cũng cho hay mọi sự ủng hộ bằng tiền, hiện vật sẽ kịp thời được chuyển tới những đơn vị, cá nhân đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, những khu cách ly và những trường hợp đang được điều trị bệnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đang đứng trước thời khắc hết sức quan trọng và dịch COVID-19 đang gây ra những xáo trộn về tâm lý, nhịp sống, việc làm, suy giảm về kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Theo Thủ tướng, kể từ khi ca nhiễm 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. “Chúng ta đã có ca nhiễm 61 (đến chiều cùng ngày, số ca nhiễm là 66 – PV), đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân tử vong. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị” – Thủ tướng khẳng định, đồng thời ghi nhận sự góp sức thiết thực của người dân, của MTTQ Việt Nam và các cấp, các ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: CL
Video đang HOT
Chống dịch là nỗ lực, cố gắng của toàn dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. “Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu lãnh đạo quản lý kinh tế-xã hội của đất nước” – Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đồng thời cám ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với những quyết sách phòng, chống đại dịch COVID-19. “Nhiều người đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang phát miễn phí. Đặc biệt có cháu bé lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Hiếm có bài học giáo dục nào có tác động lan tỏa tinh thần cộng đồng như thế” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng biểu dương những nhà khoa học sáng chế dung dịch sát khuẩn tặng người dân, cảm động vì những người dân tham gia giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân mà không hề toan tính.
Bên cạnh đó, có nhiều mạnh thường quân, văn nghệ sĩ đứng ra quyên góp, chia sẻ với cộng đồng, đó cũng là cách thể hiện lòng tri ân với khán giả, người hâm mộ. Sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với người lao động là hành động cũng đáng biểu dương. “Những ví dụ trên đây cho thấy những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả xuất phát từ trái tim mình” – Thủ tướng nói và bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ đẩy lùi, chặn đứng đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Thủ tướng còn kêu gọi thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch. “Mỗi phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài phòng chống dịch” – Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn 236 tỉ đồng ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19
Thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay đến cuối giờ chiều 17-3, tổng số tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 236 tỉ đồng.
Thời gian Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày (từ 17-3 đến 30-4). Thời gian phân phối tiền, hiện vật kết thúc trước ngày 20-5.
Các khoản ủng hộ tiền và hiện vật tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ được chuyển trực tiếp về Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Các khoản ủng hộ tiền và hiện vật thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành cũng được chuyển thẳng về Bộ Y tế và báo cáo cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thông tin tiếp nhận ủng hộ của các cá nhân, đơn vị:
Qua tài khoản tại ngân hàng: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số tài khoản: 1483201009159, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Thủ đô (nội dung chuyển tiền ủng hộ: Ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19).
Ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch – Tài chính (109, 111), Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 46 Tràng Thi, Hà Nội. Điện thoại: 0243 8256326, 02438256536. Bà Đinh Thị Thúy Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính: 0904.321.618.
CHÂN LUẬN ( PLO )
Các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống COVID-19
Ngày 3/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn số 603/MTTW-BTT gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19).
Khu cách ly đặc biệt tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "chống dịch như chống giặc"; phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo" và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, nhân dân, thời gian qua các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam như Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, các hội thánh Cao Đài, Tin Lành, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha'i Việt Nam, các ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Ban Trị sự Minh Lý đạo - Tam Tông miếu, Minh Sư đạo, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo hội Tứ ân Hiếu nghĩa... đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra với nhiều hoạt động thiết thực ở các cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần quan trọng cùng cả nước bước đầu kiểm soát hiệu quả, chống sự lây lan của dịch bệnh tại Việt Nam.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, đóng góp tích cực, thiết thực của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.
Hiện nay, dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia, với số lượng người nhiễm và tử vong do dịch bệnh tiếp tục tăng. Ngày 28/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cấp cảnh báo toàn cầu về nguy cơ dịch COVID-19 lên mức "rất cao", cho đây là "mối quan ngại rõ ràng", không thể chủ quan.
Để tiếp tục cùng toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo đó, các tổ chức tôn giáo cần tăng cường các biện pháp phù hợp để thông tin, tuyên truyền đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng để mọi người nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền; phổ biến, nâng cao ý thức tự dự phòng của quần chúng tín đồ, người dân trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe; có biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tối đa tiếp xúc đông người; không đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch.
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tích cực tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân không theo dõi, bàn luận, phát tán những thông tin sai lệch về dịch bệnh; có thái độ, biện pháp phù hợp phê phán đối với các tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng tôn giáo, nhân dân.
Các tổ chức tôn giáo vận động tín đồ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; công văn số 514/MTTW-BTT ngày 31/1/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra; công văn số 391/BVHTTVDL-VHCS ngày 31/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích và công văn số 48/TGCP-VP ngày 1/2/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường... phát huy tốt vai trò trong việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận và cơ sở y tế ở địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; vận động nguồn lực từ quần chúng tín đồ tham gia hỗ trợ cộng đồng, nhân dân về các thiết bị, vật dụng y tế để phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ chức tôn giáo phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan chức năng có liên quan tổ chức giám sát, nắm chắc tình hình triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 79-CT/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Đồng thời, các tổ chức tôn giáo thông tin kịp thời các việc làm tốt, tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đến các cấp Mặt trận Tổ quốc, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương để biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Các tổ chức tôn giáo tuyên truyền tới chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân, khi phát hiện những biểu hiện bất thường do virus SARS-CoV-2 gây ra trong cộng đồng, cần thông tin kịp thời cho cơ quan y tế ở địa phương. Kết quả tham gia phòng, chống dịch bệnh của các tôn giáo cần thông tin sớm về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 phố Tràng Thi, Hà Nội. Điện thoại: 024. 39287.400 hoặc 080.46149. Địa chỉ email: bantongiaomttq@gmail.com để tổng hợp chung.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của...