Thủ tướng ủng hộ mô hình Quan hệ đối tác thương mại liên Chính phủ với New Zealand
Trong cuộc hội đàm cấp cao giữa 2 Chính phủ Việt Nam – New Zealand hôm nay (19/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand John Key bày tỏ hài lòng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng New Zealand John Key sau lễ đón chính thức tại thành phố Auckland (ảnh: Chinhphu.vn).
Sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ với nghi thức truyền thống chào đón thượng khách của dân tộc Mao-ri và 19 loạt đại bác, Thủ tướng New Zealand John Key hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tin cậy và xây dựng.
Theo báo điện tử Chính phủ, Thủ tướng John Key nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên thăm chính thức New Zealand, coi đây là sự kiện quan trọng diễn ra vào thời điểm đầy ý nghĩa, đánh dấu 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).
Hai bên cùng đánh giá lại 40 năm quan hệ hợp tác, đặc biệt từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, đồng thời nhất trí về một tầm nhìn chung nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước hiện nay, hướng tới nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, đầu tư, an ninh- quốc phòng, giáo dục và văn hóa…
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, đạt gần hơn 800 triệu USD năm 2014, tương đương với mức tăng trưởng 120% trong vòng 5 năm kể từ khi lập quan hệ đối tác toàn diện và phấn đấu đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Nhiều dự án đầu tư của New Zealand ở Việt Nam có hiệu quả cao. Việt Nam đứng thứ 9 trong số các nước có sinh viên theo học tại New Zealand.
Tại cuộc hội đàm, hai bên cam kết cùng tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của hai nước tiếp cận thị trường của nhau. New Zealand cam kết sớm xem xét nhập khẩu các loại trái cây của Việt Nam, trước mắt là đối với chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi.
New Zealand đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và khẳng định tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực New Zealand có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, năng lượng, giáo dục đào tạo.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand khẳng định tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đồng thời nhất trí đa dạng hóa các hoạt động tiếp xúc với nhiều hình thức phong phú như điện đàm, gặp gỡ bên lề các Hội nghị cấp cao, cử đặc phái viên; phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có nhằm triển khai tốt các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao trên các lĩnh vực; thực hiện đúng thời hạn các mục tiêu đề ra trong Chương trình Hành động giai đoạn hai 2013-2016.
Hai bên cũng dành nhiều thời gian trao đổi ý kiến về các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân và lao động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hỗ trợ phát triển của Chính phủ New Zealand đối với Việt Nam; đề nghị New Zealand tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên lĩnh vực New Zealand có thế mạnh và là ưu tiên của Việt Nam như nông nghiệp và nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thủ tướng John Key khẳng định New Zealand sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực của Việt Nam và đề xuất sáng kiến mô hình hợp tác mới giữa hai nước có tên “Quan hệ đối tác thương mại liên Chính phủ”, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận sở hữu trí tuệ đẳng cấp quốc tế của Chính phủ New Zealand.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật và du lịch nhằm tăng cường hiểu biết, thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt trong năm 2015, năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-New Zealand. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm tăng cường quan hệ thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng John Key đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt với sở tại và khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt tại New Zealand ổn định cuộc sống, hòa nhập và tham gia mạnh mẽ vào đời sống chính trị, kinh tế- xã hội sở tại, trở thành cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Bên cạnh các vấn đề song phương, hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn, phối hợp chính sách, ủng hộ lẫn nhau nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy các lĩnh vực cùng quan tâm và phát huy hiệu quả của các cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO, EAS/ARF/ADMM , APEC, ASEM…; tái cam kết nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại chất lượng cao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng John Key một lần nữa cảm ơn Việt Nam đã tích cực ủng hộ New Zealan ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2015- 2016, đồng thời cam kết ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định tại khu vực, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng John Key thăm chính thức Việt Nam trong năm nay. Thủ tướng John Key vui vẻ nhận lời và khẳng định sẽ thăm Việt Nam ngay trong năm 2015.
Hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng John Key đã chứng kiến Lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không và Thỏa thuận về An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật.
P.Thảo
Theo Dantri
Trung Quốc và toan tính thoát sự kìm kẹp của Mỹ - Nhật
Không ai nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực khi mà nền kinh tế thứ hai thế giới này đang bị đánh giá là chưa có được tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế tương xứng với vị thế kinh tế ở thời điểm hiện tại của mình.
Chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh gồm hai mũi tên chủ đạo là ảnh hưởng về chính trị và ảnh hưởng về kinh tế thì một mũi đang có dấu hiệu cho thấy nó bị vô hiệu hóa: đó là ảnh hưởng về chính trị. Vì thế Bắc Kinh đang đặt hết kỳ vọng vào việc mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua lĩnh vực kinh tế tài chính, nhưng nó cũng đang được cho là sẽ không dễ dàng cho Trung Quốc, khi mà kẽ hở trong nền tài chính châu Á ở thời điểm hiện tại để Trung Quốc có thể chen chân vào không khác gì một khe cửa quá hẹp.
Thách thức lớn nhất cho các thế lực mới trỗi dậy trên thế giới để mở rộng ảnh hưởng của mình trong lịch sử vẫn luôn là vấn đề tìm cách phá vỡ thế cân bằng đã tồn tại trước đó. Với Trung Quốc hiện nay cũng vậy, thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh hiện nay về chính trị là tìm cách phá vỡ trật tự ở khu vực châu Á Thái Bình Dương vốn đang được bao phủ bởi một vành đai gồm nước Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.
Cũng tương tự như vậy là trong lĩnh vực kinh tế tài chính, khi mà những định chế tài chính có tầm ảnh hưởng bao phủ trên khắp châu Á hiện nay phần lớn lại đang nằm trong tay người Nhật với sự hậu thuẫn của Mỹ. Trung Quốc đã phải nếm trải thất bại cay đắng khi cố gắng tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình trong khu vực khi mà các ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo tại các quốc gia láng giềng có xu hướng thân Trung Quốc đều đã thất bại trong các cuộc bầu cử, mà điển hình gần nhất là ở Sri Lanka. Myanmar sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc cũng đang trong quá trình mở cửa và hội nhập vốn là một điều đi ngược lại với mong muốn của Bắc Kinh.
Vì thế gần như mọi hy vọng của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đều được dồn về mũi tên thứ hai là mở rộng ảnh hưởng về kinh tế tài chính trong khu vực. Ý định ấy được cụ thể hóa vào cuối tháng 10.2014 khi ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc hậu thuẫn và là cổ đông lớn nhất đã được thành lập với số thành viên ban đầu là 21 quốc gia. Đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh để thách thức trật tự quyền lực về tài chính ở khu vực châu Á vốn từ trước đến nay vẫn nằm trong tay Ngân hàng phát triển châu Á ADB với cổ đông lớn nhất là Nhật Bản.
Với vai trò là cổ đông lớn nhất ADB, Nhật Bản gần như nắm vai trò chủ đạo trong những vấn đề kinh tế tài chính trong các dự án tài trợ cho các nước châu Á, điều này giúp ảnh hưởng của kinh tế và các tập đoàn Nhật Bản ở các nước châu Á tăng lên thông qua các dự án đầu tư.
Bản thân Trung Quốc cũng từng tính đến chuyện thâu tóm quyền lực ở ADB nhưng không thành khi Bắc Kinh chỉ nắm được trên 5% cổ phần trong khi đó Nhật và Mỹ chiếm tới 26% cổ phần tại ADB. Sở dĩ Trung Quốc muốn thâu tóm quyền lực ở ADB là vì Ngân hàng phát triển châu Á đã trở thành một định chế tài chính quan trọng nhất trong toàn bộ khu vực châu Á, nó đóng vai trò tương tự như Ngân hàng thế giới WB đối với nền kinh tế toàn cầu. ADB kiểm soát và chi phối các dự án đầu tư quy mô và chi phí lớn nhất ở các quốc gia châu Á thông qua nguồn lực tài chính đến từ các quốc gia cổ đông lớn nhất, mà chủ yếu là Nhật Bản.
Nói cách khác, nếu một quốc gia nào muốn mở rộng ảnh hưởng kinh tế tài chính của mình ở khu vực châu Á, thì quốc gia đó phải nắm được ADB hoặc là đạt được ảnh hưởng tương tự như quốc gia đang nắm ADB là Nhật Bản.
Bắc Kinh đã chọn cách thứ hai, đó là lập nên một ngân hàng cạnh tranh với ADB, đó là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB. Bằng cách thành lập một tổ chức tài chính thứ hai có thể cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư trong khu vực châu Á, Trung Quốc muốn tìm cách giành giật ảnh hưởng kinh tế tài chính ở châu Á bằng cách thách thức vị thế độc tôn của ADB trong lĩnh vực này vốn nằm trong tay người Nhật trong suốt hơn 50 năm qua.
Với việc nắm giữ vị trí chủ chốt trong việc quyết định cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư tại các nước, Bắc Kinh muốn nhắm đến việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế tài chính của mình trong chính các nước thành viên, đó cũng là bước đệm cho việc tạo thuận lợi cho các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập vào các nước này thông qua các dự án được AIIB tài trợ.
Tuy vậy, các chuyên gia đang cho rằng AIIB sẽ còn rất nhiều việc phải làm mới có thể nghĩ đến việc hạ bệ được uy tín và tầm ảnh hưởng tuyệt đối của ADB trong khu vực châu Á. Bởi vì AIIB non trẻ đang yếu thế hơn so với một ADB dày dạn về mọi mặt. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng thành viên của AIIB mới chỉ ở con số 26 nước chủ yếu là ở khu vực châu Á trong khi hầu hết các nước lớn ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia lại vắng mặt.
Dù trong động thái gần nhất 4 nước EU là Anh, Pháp, Đức, Ý tỏ ý muốn gia nhập AIIB nhưng quy mô của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á vẫn còn kém rất xa so với ADB với 67 nước và vùng lãnh thổ là thành viên trong đó quy tự hầu như tất cả các quốc gia và nền kinh tế lớn nhất không chỉ ở khu vực châu Á mà còn của cả thế giới.
Với lượng thành viên đông đảo quy tụ tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng sự dày dạn về vận hành và cách mở rộng và duy trì ảnh hưởng trong hơn 50 năm qua của ADB, không có nhiều kẽ hở trong nền tài chính hiện tại ở châu Á, sẽ rất khó để AIIB có thể chen chân vào hệ thống đầu tư tài chính ở khu vực châu Á một cách hiệu quả.
Đó là chưa kể, khác với các dự án thuộc nguồn vốn tài trợ song phương như ODA, các dự án đầu tư được thông qua bởi các tổ chức tài chính quốc tế như AIIB sẽ được đem ra đấu thầu một cách tự do mà các doanh nghiệp của cổ đông lớn nhất cũng không nhận được sự ưu đãi. Đó là lý do chủ yếu các nước EU tham gia vào ADB và giờ đây là AIIB khi họ muốn dựa vào ưu thế công nghệ và quản lý để giành được các dự án đầu tư lớn. Đó sẽ là một bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc vốn không thể sánh với các tập đoàn EU hay Nhật Bản về trình độ công nghệ, và khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp này trong các cuộc đấu thầu sòng phẳng.
Nhàn Đàm (theo Reuters)
Theo Một Thế giới
Báo chí Úc đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Các báo lớn của Úc như AAP, SMH, SBS... đã đưa tin và nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đến Sydney chiều tối qua, 16/3. Theo AAP, Thủ tướng sẽ có mặt tại thủ đô Canberra của Úc vào ngày thứ Ba 18/3, sau đó sẽ được tiếp đón...