Thủ tướng: “Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại”
Tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Sự hi sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Truông Bồn là tấm gương sáng ngời của các thế hệ tuổi trẻ. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một mảnh đất thiêng liêng thấm đẫm máu đào của các anh hùng lịch sử…”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Tối ngày 1/11, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An – Báo Nhân Dân phối hợp UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Truông Bồn – Miền đất huyền thoại” nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn.
Dự chương trình có các ông: Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các vị Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Phước, Quảng Ninh, Hải Phòng….
Thủ tướng Chính phủ dâng hương hoa lên anh linh 13 Anh hùng Liệt sĩ TNXP Truông Bồn.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ôn lại truyền thống vẻ vang của “Tọa độ lửa anh hùng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là hậu phương lớn trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là tiền tuyến lớn của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trên vùng tuyến lửa khu IV, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng trên cung đường 15A, là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam. Cách đây tròn 50 năm về trước, trên cung đường Truông Bồn đầy hy sinh, gian khổ, quân và dân Nghệ An đã góp 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m3 đất đá; đưa hơn 94.000 lượt xe cơ giới qua lại an toàn; vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng.
1.240 người con ưu tú thuộc các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Máu đào của họ đã góp phần tô thắm lá cờ vẻ vang của Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Ông Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã ôn lại truyền thống vẻ vang của “Tọa độ lửa anh hùng”.
Trong số những tập thể, cá nhân tiêu biểu đó, 13 thanh niên xung phong Tiểu đội 2 – “Tiểu đội Thép” thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An đã trở thành những tấm gương bất tử của chủ nghĩa yêu nước và cách mạng. Các chị, các anh đã không kịp bước chân về ngày thanh bình đầu tiên của tháng 11/1968, nhưng chính các chị, các anh đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân, toàn dân ta đi đến ngày toàn thắng và viêt nên môt huyền thoại Truông Bồn.
Video đang HOT
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Những trận chiến đấu, những hy sinh, gian khổ ở Truông Bồn của quân và dân ta là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu ước, của ý chí quyết chiến, quyết thắng chống ngoại xâm; của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình; là bài học về sự lãnh đạo chiến tranh nhân dân sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Nửa thế kỷ trôi qua, bài ca Truông Bồn vẫn vang vọng, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Máu, mồ hôi và nước mắt hòa quyện nơi đất thiêng Truông Bồn, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cách đây đúng nửa thế kỷ, rạng sáng ngày 31/10/1968, nơi đây – Truông Bồn thiêng liêng huyền thoại, 13 chiến sỹ TNXP đại đội cảm tử 371 đã anh dũng hi sinh. Sự hi sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Truông Bồn là tấm gương sáng ngời của các thế hệ tuổi trẻ. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại như một mảnh đất thiêng liêng thấm đẫm máu đào của các anh hùng lịch sử.
Là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là dấu son của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là niềm tự hào của tất cả chúng ta và các thế hệ con cháu mai sau về một thời chiến tranh ác liệt. Truông Bồn mãi mãi là địa chỉ đỏ, giáo dục các thế hệ con cháu chúng ta về truyền thống anh hùng của dân tộc, về truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần làm cho dân tộc ta, đất nước ta mãi mãi trường tồn và phát triển rực rỡ.
Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với sự hi sinh to lớn của hàng triệu anh hùng thương binh, bệnh binh trong cả nước, những người đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước.
Mảnh đất Truông Bồn mưa bom đạn lửa năm xưa đã vươn lên mạnh mẽ, được sự quan tâm của Đảng Nhà nước, cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ và sự chung tay của đồng chí đồng bào trong cả nước, đã tôn tạo xây dựng phát huy giá trị lịch sử của khu di tích Truông Bồn thành khu di tích Quốc gia, để ghi công các lực lượng TNXP.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao những thành tựu toàn diện về kinh tế xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực đạt được trong những năm qua. Đặc biệt là công tác chăm sóc người có công, quan tâm xây dựng địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ như khu di tích Truông Bồn… Những thành tựu rất đáng tự hào này đang tạo đà vững chắc cho Nghệ An có bước phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, các ngành và các địa phương, các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của các gia đình liệt sỹ thương binh, bệnh binh, CCB, cựu TNXP và người có công với cách mạng. Thủ tướng nhấn mạnh đây là trách nhiệm thường xuyên lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn với tất cả trách nhiệm và tấm lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã hi sinh vì độc lập, các cấp ủy chính quyền và người dân tỉnh Nghệ An cùng chung sức đồng lòng đoàn kết phấn đấu xây dựng tỉnh Nghệ An thành tỉnh khá nhất miền Bắc, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Báo Nhân Dân đã trao 25 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng) tặng thân nhân 13 Anh hùng liệt sĩ TNXP Truông Bồn, nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông, nguyên hai Đại đội phó Đại đội TNXP 317 anh hùng và 9 đại diện gia đình chính sách TNXP đã từng chiến đấu tại Truông Bồn; trao 200 triệu đồng cho BQL Khu di tích lịch sử Truông Bồn và Quỹ khuyến học Nghệ An. Đồng thời, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hiện sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Trên 857 tỷ đồng ủng hộ người nghèo
Tại Chương trình, đã có hơn 100 đơn vị, tổ chức ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" với tổng số tiền trên 857 tỷ đồng.
Trong đó, một số địa phương đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ người nghèo trong Tháng cao điểm vì người nghèo đến nay là: Thành phố Hà Nội 77 tỷ; Thành phố Hồ Chí Minh 38 tỷ; tỉnh Bắc Giang 47 tỷ...
Tối ngày 17/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau". Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Quang cảnh chương trình
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Chủ tịch nước; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể ở Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương.
Phát biểu khai mạc tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. 18 năm qua, ngày 17 tháng 10 được lấy là "Ngày vì người nghèo" và Tháng cao điểm vì người nghèo được MTTQ Việt Nam tổ chức hằng năm.
Chỉ tính từ tháng 10/2017 đến nay, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội gần 3 ngàn tỷ đồng, trong đó Quỹ vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 900 tỷ; ủng hộ an sinh xã hội hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Từ những nguồn lực trên, cùng với ngân sách nhà nước đã kịp thời xây dựng, sửa chữa hơn 28.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ hàng trăm công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...); hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...
Cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo có thêm điều kiện để thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Ý nghĩa hơn là đã góp phần khơi dậy, phát huy lòng nhân ái, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Nguồn lực vận động được đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu như: Nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại chương trình
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo với tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Đồng thời mong muốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo bằng nỗ lực của bản thân, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, hãy quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chương trình gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện giản dị, mộc mạc của cậu bé mồ côi Hồ Minh Hiếu, lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Thành (Quảng Nam) tự lập từ năm 12 tuổi, nuôi lợn để được đến trường với ước mơ được ở bên dì; Cậu sinh viên Dương Hữu Phúc, quê Lạng Sơn, dù bị cụt hai tay nhưng vẫn trúng tuyển khoa Kiến trúc Đại học Công nghệ - Kinh doanh Hà Nội; Lắng nghe câu chuyện gia đình ông Ngân Văn Yếu cũng như nhiều người dân dân tộc Thái ở bản Poong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã mất trắng tài sản, mất người thân trong trận lũ quét lịch sử vừa qua... Những mảnh đời, những số phận mang tới khán giả thông điệp: Đừng để người nghèo bị bỏ lại phía sau. Hãy chung tay vì người nghèo bằng những hành động nhỏ nhất để xã hội ngày một phát triển.
Ngoài ra, trong chương trình còn có phần giao lưu giữa các địa phương thực hiện tốt mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả, những tấm lòng hảo tâm của cá nhân, tập thể chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn như: Cặp vợ chồng nghèo ở Gia Lai đưa cả trăm người tâm thần về nuôi; Dự án "Cơm có thịt"; Dự án "Nuôi em - Ánh sáng núi rừng"...
Thông qua các phóng sự và giao lưu trực tiếp, khán giả được giới thiệu các chương trình ứng dụng "Cứu trợ từ thiện" và "Người bạn tốt" của các tác giả: Phan Bá Mạnh, Nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa - dịch vụ trên Internet Dobody và Hoàng Đức Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wakeitup. Đây là các ứng dụng góp phần hỗ trợ các nhóm, tổ chức, cá nhân có thể phối hợp với nhau để công tác thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả hơn...
Phát động cả nước hưởng ứng chung tay vì người nghèo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết, trong đó Người đã nhiều lần nhấn mạnh: Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Theo Người, đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) mà chúng ta phải phòng chống, diệt trừ.
Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Chúng ta rất vui mừng trước những kết quả to lớn mà công tác giảm nghèo đã đạt được. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế đã chung tay, đồng hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình nhân ái, như: "Cặp lá yêu thương", "Lục lạc vàng", "Quỹ tấm lòng Việt", 'Trái tim cho em", "Ngôi nhà ước mơ",...; ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" hàng chục nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà "Đại đoàn kết", giúp hàng trăm nghìn người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với nguồn lực lớn và hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại chương trình
"Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa" - Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo", nhân Ngày quốc tế Phòng chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu đã thể hiện sự chung tay vì người nghèo và cam kết sẽ hỗ trợ người nghèo, đảm bảo phát triển bền vững; nhắn tin hưởng ứng đợt vận động nhắn tin ủng hộ Vì người nghèo Việt Nam 2018, trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 theo phương thức soạn VNN và gửi vào số 1409, mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng.
Tại Chương trình, đã có hơn 100 đơn vị, tổ chức ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" với tổng số tiền 857 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ người nghèo trong Tháng cao điểm vì người nghèo đến nay là: Thành phố Hà Nội 77 tỷ; Thành phố Hồ Chí Minh 38 tỷ; tỉnh Bắc Giang 47 tỷ; tỉnh Bắc Ninh 11 tỷ; tỉnh Quảng Bình 21 tỷ, tỉnh Thái Nguyên 6,8 tỷ đồng... Đồng thời, đã có hơn 2.000 tin nhắn qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.../.
Tin, ảnh: Thu Hà
Theo cpv.org.vn
Lợi dụng tập thể để hợp thức hóa ý kiến cá nhân là rất nguy hiểm! Ông Phan Xuân Xiểm khẳng định: "Việc kiểm soát quyền lực sẽ ngăn chặn cá nhân lạm dụng sự lãnh đạo của tập thể để lồng ý kiến của mình vào nghị quyết chi bộ". Cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện trong công tác cán bộ còn không ít hạn...