Thủ tướng trao cờ Tổ quốc cho ngư dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc thuộc chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”
Chiều 29-7, tại Hội trường Tỉnh ủy Kiên Giang đã diễn ra lễ trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Kiên Giang trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao Động tổ chức. Đây là hoạt động kết nối diễn ra trong chuỗi sự kiện của hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2. 28/63 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ Tổ quốc trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho ngư dân Ảnh: QUANG LIÊM
Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam không chỉ đơn thuần là những hành trình khai thác đánh bắt hải sản. Hình ảnh mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Chương trình này có ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển; để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Đồng thời, chương trình còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Báo Người Lao Động sẽ phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương; huy động sự đóng góp của các tập đoàn, doanh nghiệp, đoàn – hội, các cá nhân trong và ngoài nước… tặng 1 triệu lá cờ Tổ quốc cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân tại khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Bên cạnh đó, chương trình sẽ phối hợp tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân các chính sách pháp luật của nhà nước, về Luật Biển quốc tế, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền khi ra khơi.
“Thực hiện chương trình rất ý nghĩa này tại Kiên Giang trong những ngày cuối tháng 7, Ban Tổ chức chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” bày tỏ sự tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, những gia đình đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ban Biên tập Báo Người Lao Động tin tưởng rằng từ sự chung tay của toàn xã hội, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” sẽ góp phần tạo động lực giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà ông cha đã dựng xây và gìn giữ suốt hàng ngàn năm qua” – ông Tô Đình Tuân phát biểu.
Video đang HOT
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã trao tặng cờ Tổ quốc cùng thuốc và vật dụng y tế thiết yếu cho ngư dân tỉnh Kiên Giang. Tính đến nay, chương trình đã trao 25.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ngãi, Kiên Giang.
Có mặt tại buổi lễ, đại tá Nguyễn Đình Khương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, rất ấn tượng với chương trình. “Thời gian qua, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã làm rất nhiều chương trình tương tự và chúng tôi hy vọng Báo Người Lao Động sẽ phối hợp cùng chúng tôi làm thật nhiều chương trình ý nghĩa như thế này trong thời gian tới” – đại tá Nguyễn Đình Khương nói.
Ngư dân TRẦN KHÉO (ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang):
Ngày đặc biệt
Hôm nay là một ngày rất đặc biệt trong đời ngư dân của tôi. Giờ tuổi tác đã không cho phép tôi ra khơi nhưng tôi vẫn thấy tự hào vì các con cháu tôi vẫn tiếp nối và giữ lửa nghề đánh bắt truyền thống của gia đình. Chương trình này thật sự rất ý nghĩa và là động lực để tôi và con cháu mình tiếp tục vươn khơi bám biển.
Ngư dân NGUYỄN THANH HÙNG (ngụ phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá):
Vững chí ra khơi
Hơn 20 năm đánh bắt xa bờ, nhờ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” mà hôm nay tôi có cơ hội tham dự một sự kiện trọng đại và được đích thân Thủ tướng Chính phủ trao cờ. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là động lực rất lớn để tôi quyết tâm bám biển.
Ngư trường bây giờ đầy bất trắc. Ngư dân cố gắng ra khơi mưu sinh và thường gặp phải những chuyến biển thất bát. Từng có đôi chút nản lòng nhưng giờ tôi cảm thấy tự hào là ngư dân và sẽ vững chí hơn để ra khơi cùng với lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Ngư dân LƯU VĂN TIẾP (ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá):
Bảo vệ ngư dân trên biển
Tôi có đội tàu hơn 10 chiếc, thời gian qua gặp nhiều bất ổn trên ngư trường nên giờ chỉ còn lại 8 chiếc. Trong suốt quá trình đánh bắt mấy chục năm, điều đáng sợ nhất là bị tàu nước ngoài đụng chìm, bị bão chìm và nhiều ngư phủ gặp nạn, mất tích… Tôi mong chương trình cùng ngành chức năng cố gắng phối hợp tạo hành lang pháp lý bảo vệ ngư dân, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm trên biển.
Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đã nhận được sự tài trợ, đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Ban Biên tập Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn các đơn vị: Tập đoàn TH, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Công ty CP Sản xuất và Thương mại PP, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân, Tổ chức Tài chính Vi mô CEP.
Mọi đóng góp cho chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” xin gửi về: Chủ tài khoản: Báo Người Lao Động; số tài khoản: 0100.1000.3215.7008 tại Ngân hàng OCB-SGD TP HCM. Nội dung: Đóng góp cho chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”.
DUY NHÂN
Theo Nguoilaodong
Cầu nối vững chắc giữa công nhân với Đảng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và là cầu nối giữa công nhân với Đảng và Nhà nước
Sáng 28-7, tại TP Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba. Tham dự có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng... cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ - ngành, đoàn thể trung ương và địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Xứng đáng là lực lượng tiên phong
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - điểm lại cách đây 90 năm, ngày 28-7-1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, TP Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân (CN) và hoạt động CĐ cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào CN Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận CĐ cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho CĐ Việt Nam. "Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, CĐ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, luôn đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ; đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba cho Tổng LĐLĐ Việt Nam Ảnh: QUANG HIẾU
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trải qua 90 năm hình thành và phát triển, CĐ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp CN, người lao động (NLĐ) và đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước. CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa CN, NLĐ với Đảng và Nhà nước. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. "Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn CN và NLĐ cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc" - Thủ tướng nhấn mạnh.
5 gợi mở của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng, to lớn của giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam. Cụ thể, CĐ đã có nhiều đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động CĐ và phong trào CN luôn bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống. CĐ các cấp đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như "Tết Sum vầy", "Tháng CN"; xây dựng các thiết chế CĐ, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe... tại các KCN. "Tổ chức CĐ ngày càng được củng cố và phát triển, mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, uy tín trong hệ thống chính trị. Và ngày hôm nay, CĐ Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng" - Thủ tướng bày tỏ.
Bối cảnh hiện nay đặt ra cho đất nước và tổ chức CĐ những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi CĐ Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời, phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào CN cả nước trong tình hình mới. Từ thực tế ấy, Thủ tướng gợi mở 5 vấn đề để tổ chức CĐ nghiên cứu, thực hiện. Thứ nhất, các cấp CĐ phải tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 "Về tiếp tục xây dựng giai cấp CN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và cán bộ CĐ để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát với thực tế và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng đoàn viên CĐ, chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; động viên, khích lệ NLĐ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình, vì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp (DN) và góp phần vào sự phồn vinh của đất nước.
Thứ ba, tổ chức CĐ cần thực hiện tốt chức năng cơ bản là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN; quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; huy động các nguồn lực chăm lo cho NLĐ, nhất là lao động thu nhập thấp gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, các cấp CĐ cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động CĐ. Trong đó, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, NLĐ quan tâm, đồng thời mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho NLĐ, người sử dụng lao động và đất nước. Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị tổ chức CĐ hoàn thiện mô hình tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ ngang tầm nhiệm vụ. Bộ máy cần được thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở trong các thành phần kinh tế, nhất là ở các DN ngoài khu vực nhà nước, có đông CN.
Theo Nguoilaodong
Thủ tướng: Bối cảnh mới đòi hỏi Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, toàn diện Trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động và đã có...