Thủ tướng Pháp thừa nhận sai lầm trong việc ứng phó với phong trào “Áo vàng”
Trong bối cảnh phong trào biểu tình “Áo vàng” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, Thủ tướng Pháp thừa nhận chính phủ đã sai khi không lắng nghe nguyện vọng của người dân.
“Chúng tôi đã phạm phải những sai lầm. Chúng tôi đã không lắng nghe hết tâm tư nguyện vọng của người dân Pháp. Tôi vẫn cho rằng họ muốn đất nước phải có sự chuyển mình”, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết với báo Les Echoes hôm qua 16/12.
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh phong trào biểu tình “Áo vàng” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại sau 5 tuần liên tiếp. Hồi cuối tuần qua, khoảng 66.000 người đã đổ xuống các đường phố trên khắp nước Pháp để phản đối tăng thuế nhiên liệu cũng như những chính sách mà Tổng thống Emmanuel Macron theo đuổi.
Những cuộc biểu tình nổ ra từ giữa tháng 11. Ngày 17/11, khi phong trào “Áo vàng” nổ ra, có tới 282.000 người xuống đường biểu tình. Ngày 1/12, bạo loạn đã xảy ra trên khắp nước Pháp khiến 1 người chết, hàng trăm người bị thương và bị giam giữ, đánh dấu cuộc bạo động tồi tệ nhất trong lịch sử Pháp trong 50 năm.
Ngoài 66.000 người biểu tình mặc áo vàng, người dân thủ đô Paris ngày 15/12 còn chứng kiến một cuộc biểu tình quy mô nhỏ khác với những phụ nữ mặc áo khoác đỏ, xịt màu xám bạc lên người và để ngực trần. Những phụ nữ này đang hóa thân thành Marianne đứng trước đám đông bạo động trên đại lộ Champs-Elysees.
Marianne là biểu tượng của nước Pháp. Nó xuất hiện từ thế kỷ 18, là đại diện cho những giá trị tốt đẹp mà người Pháp hướng tới như tự do, bình đẳng và hữu nghị.
Video đang HOT
Nhóm biểu tình ngực trần ở Paris. Ảnh: Sputnik
Không dừng lại ở đó, phong trào “Áo vàng” tại Pháp nhanh chóng lan rộng sang hàng loạt nước châu Âu. Hàng nghìn người hôm 15/12 tuần hành ở thủ đô Rome của Italy để phản đối luật chống nhập cư mới của chính phủ. Tại Áo, khoảng 17.000 người ở thủ đô Vienna đổ xuống đường để phản đối chính sách di cư, đồng thời yêu cầu giảm ngày làm việc và bãi bỏ các biện pháp khắc khổ.
Ở Anh, hôm 14/12, những nhà hoạt động ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong trang phục áo vàng tuần hành trên cầu Westminster, khiến giao thông ách tắc. Hơn 400 người tại Brussels, Bỉ, bị bắt trong một cuộc bạo loạn tương tự ở Paris, khi người biểu tình ném gạch đá, đốt phá xe cộ và cửa hàng. Phong trào biểu tình phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, đồng thời yêu cầu giải tán chính phủ liên minh trung hữu.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)
Theo Doisong&phapluat
Pháp tăng cường an ninh đối phó với làn sóng biểu tình "Áo vàng" mới
Bầu không khí căng thẳng bao trùm toàn nước Pháp trong bối cảnh 1 làn sóng biểu tình mới dự kiến sẽ diễn ra hôm 8/12 ở thủ đô Paris và nhiều nơi khác.
Lo ngại bạo loạn có thể tái diễn như hôm 1/12 vừa qua, các biện pháp an ninh đã được triển khai và tăng cường trên khắp cả nước, trong khi lực lượng an ninh cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo công dân thận trọng khi đến Pháp.
Cảnh sát Pháp. Ảnh: Daily Star.
Ngay từ sáng sớm, an ninh tại thủ đô Paris đã được siết chặt với hàng nghìn nhân viên an ninh được triển khai trên các đường phố. Lực lượng chức năng đã đóng cửa Tháp Eiffel và các điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô, dỡ bỏ các thanh kim loại trên đường phố có thể dùng làm vũ khí tấn công.
Khoảng 8.000 cảnh sát đã được triển khai ở Paris nhằm tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn như hôm 1/12, khi những người biểu tình quá khích đốt xe, cướp phá các cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees.
Bên cạnh đó, các lực lượng an ninh cũng đã huy động xe bọc thép, phong tỏa các đại lộ lớn ở Paris.
An ninh không chỉ được thắt chặt tại Paris, khoảng 89.000 cảnh sát đã được triển khai trên cả nước, tăng 24.000 người so với hồi tuần trước.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết: "Đây là một sự huy động chưa từng có kể từ năm 2005. Bởi chúng ta đang phải đối mặt không phải là những người biểu tình, mà những kẻ lợi dụng biểu tình để phá hoại. Chúng tôi đã huy động một lượng lực lượng đáng kể: 8.000 ở Paris, nhiều hơn so với cuối tuần trước và tổng cộng là 89.000 người trên khắp nước Pháp, chứ không phải là 65.000 như đã thông báo trước đó. Vì vậy, đây thực sự là một sự huy động đặc biệt."
Những người biểu tình dùng mạng xã hội gọi cuộc biểu tình trong ngày 8/12 là "hành động thứ 4" nhằm thể hiện thái độ đối với Tổng thống Emmanuel Macron và các chính sách của ông. Theo một quan chức của Điện Elysee, một số người biểu tình đã kêu gọi sẽ tấn công vào Phủ Tổng thống. Các thông tin tình báo cũng cho thấy một số phần tử chống đối và quá khích cũng sẽ tới thủ đô để tham gia các cuộc biểu tình nhằm phá hoại.
Bầu không khí lo ngại bao trùm toàn nước Pháp. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu đã đóng cửa do lo ngại biểu tình biến thành bạo loạn. Anh Patrich Delmas, chủ một nhà hàng ở thủ đô Paris chia sẻ: "Nhà hàng của chúng tôi đã mở lại hồi tuần trước song nay lại phải đóng cửa do lo ngại những người biểu tình quá khích hay những kẻ côn đồ lợi dụng biểu tình để phá hoại. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai ngay ở phía trước nhưng họ vẫn yêu cầu chúng tôi đóng cửa để phòng ngữa. Trên đại lộ Champs Elysees, mọi thứ đều đóng cửa nên không có khách du lịch hay bất cứ thứ gì, vì vậy chúng tôi cũng đóng cửa."
Trong một tín hiệu "trấn an", các đại diện của nhóm "Áo vàng" hôm qua (7/12) đã cuộc thảo luận với Thủ tướng Edouart Philippe tại Điện Matignon. Sau buổi thảo luận kéo dài một tiếng rưỡi với Thủ tướng Edouard Philippe, các đại diện của nhóm "áo vàng" đã phát biểu trước báo chí, kêu gọi các thành viên của phong trào giữ bình tĩnh trong cuộc biểu tình ngày 8/12. Họ đánh giá cuộc gặp là "mang tính xây dựng", khi Thủ tướng đã "lắng nghe" và "nhận thức được vấn đề". Họ cho biết đang chờ đợi lời phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron, và nhấn mạnh mong muốn về một sự phát triển xã hội đúng hướng.
Làn sóng biểu tình và bạo loạn những ngày qua ở Pháp cũng khiến nhiều nước châu Âu lo ngại, nhất là khi nó đã có dấu hiệu vượt biên giới. Theo trào lưu từ Pháp, phong trào biểu tình của những người mặc "áo vàng" ban đầu chỉ diễn ra ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie của Bỉ hiện đã lan đến thủ đô Brussels để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao. Những người mặc "áo vàng" cũng dự kiến tổ chức biểu tình vào ngày hôm nay tại thủ đô Brussels.
Dù hiện nay chính phủ Pháp vẫn duy trì "mã xanh", tức là "không có rủi ro đặc biệt đối với an toàn của công dân", song chính phủ một loạt nước như Mỹ, Anh, Đức, Bỉ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc UAE Thống nhất, Bahrain, ... đã cảnh báo công dân của mình nâng cao cảnh giác, không tham gia các cuộc tranh luận hay thảo luận các vấn đề gây kích động, cũng như không dừng lại để chụp ảnh hay ghi hình./.
Thu Hoài/VOV1
Pháp có thể triển khai 89.000 cảnh sát, xe thiết giáp đối phó bạo động Lo ngại một cuộc biểu tình bạo động thậm chí lớn hơn nữa có thể diễn ra ở Paris vào cuối tuần này, giới chức Pháp đã sẵn sàng triển khai thêm 8.000 cảnh sát ở Paris và 89.000 trên khắp cả nước. Ngoài ra, các xe thiết giáp cũng có thể được triển khai. Pháp lo ngại các cuộc biểu tình bạo...