Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Thấu hiểu sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu suốt 600 ngày qua…’
Chủ trì gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ Đảng, Chính phủ thấu hiểu sự hy sinh và những đóng góp to lớn của lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu trong suốt 600 ngày qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát – Ảnh: VGP
Cuộc gặp mặt mở đầu bằng đoạn phim xúc động khái quát về những ngày cả nước, đặc biệt lực lượng nhân viên y tế từ mọi nơi lên đường chi viện vào tâm dịch TP.HCM. Ở đó có cả sự bất lực, sự chia ly và có cả giọt nước mắt vui sướng khi bệnh nhân khỏi bệnh ra viện.
Nói như PGS.TS Lê Minh Khôi – phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) – chính tiếng “đồng bào” thúc đẩy anh và cả những đồng nghiệp trẻ bước tiếp, đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Và đó là cảm xúc có lẽ cả cuộc đời mỗi người hành nghề y không bao giờ có được lần thứ hai.
“Không chỉ là nghề, mà là trách nhiệm công dân”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ toàn ngành y tế đã trải qua thời gian hết sức khó khăn, thử thách; một lúc cùng làm nhiều nhiệm vụ để vừa phòng, chống dịch, vừa điều trị nhằm giảm thiểu tử vong, cứu mạng sống của bệnh nhân COVID-19.
Ngành y tế đã cùng toàn hệ thống chính trị chung sức đẩy lùi dịch bệnh, kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu xung phong vào các điểm nóng.
Đội ngũ nhân viên y tế sẵn sàng lên đường ngay khi có lời hiệu triệu để vào cùng các địa phương chống dịch. Có nhiều vợ chồng cùng xung phong lên đường, có những bác sĩ nghỉ hưu đã vượt hàng ngàn cây số và có người trải qua cảm giác mất người thân nhưng không thể về chịu tang…
Không chỉ thế, đội ngũ nhân viên y tế đã nỗ lực gấp hai, gấp ba lần so với bình thường. Không chỉ chịu áp lực bởi việc thiếu thốn trang thiết bị mà còn khó khăn khi số bệnh nhân có lúc tăng lên nhanh chóng, nhiều người trở nặng, nguy kịch.
Video đang HOT
Nhưng khó khăn không cản trở người thầy thuốc vượt gian khổ, cống hiến hết mình, đoàn kết, sáng tạo để chung tay cứu chữa cho bệnh nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá những công lao của đội ngũ y tế đã mang lại những kết quả, dịch bệnh cơ bản được khống chế trên quy mô toàn quốc.
Dù vậy đã có hàng nghìn người bao gồm y, bác sĩ, nhân viên y tế mắc COVID-19, có người vĩnh viễn ra đi.
Đến nay, đợt dịch dù từng bước kiểm soát, cuộc sống dần trở lại nhưng ngay lập tức bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai… lại tiếp tục lên đường, có mặt tại Cà Mau, Sóc Trăng và một số tỉnh miền Tây để hỗ trợ địa phương phòng, chống khi dịch diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự ghi nhận, biểu dương những cống hiến của các chiến sĩ áo trắng đã dũng cảm, hy sinh.
“Sự hy sinh của đội ngũ y tế không chỉ vì nhiệm vụ của nghề mà cao hơn đó là trách nhiệm công dân, nghĩa đồng bào của các y, bác sĩ, nhân viên y tế” – ông Long nhấn mạnh.
Trong đầu chỉ còn hai từ “chống dịch”
Buổi gặp mặt lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu được tổ chức trực tuyến kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành – Ảnh: H.L chụp lại
Chia sẻ về chuỗi ngày đối mặt với khó khăn khi tham gia chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Trần Thị Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, nói rằng đó là những chuỗi ngày xa gia đình, đối mặt với những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của dịch bệnh.
Nhưng với sự động viên từ đồng nghiệp, gia đình và nhà trường đã giúp các bạn có thêm sức mạnh, hứa không rời bỏ vị trí.
“Chúng em không sợ khó, không sợ khổ và bất cứ nơi nào cần, chúng em sẵn sàng tiếp tục lên đường cống hiến” – Ngọc chia sẻ.
Nhớ lại những ngày “chưa từng xảy ra trong cuộc đời mình”, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai Bạch Thái Bình xúc động chia sẻ với sự bùng phát nhanh của dịch bệnh, cá nhân ông đã có lúc “mất kiểm soát” bởi nhiều sự áp lực.
Áp lực không đến từ việc khó khăn gặp phải mà đến từ trăn trở liệu mình đã làm tốt vai trò hay chưa, rồi mình là giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật mà không kiểm soát được dịch…
“Những tháng ngày ấy trong suy nghĩ của tôi chỉ còn hai từ chống dịch, quên cả cha mẹ, vợ con để toàn tâm chống dịch. Và cho đến hôm nay với sự nỗ lực của địa phương, sự chi viện của Bộ Y tế, mọi khó khăn đã dần đi qua và Đồng Nai đang dần được kiểm soát dịch bệnh, người dân đã dần trở lại cuộc sống thường nhật” – ông nói.
Cả dân tộc đi qua dịch bệnh một cách kiên cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đảng, Chính phủ thấu hiểu sự hy sinh, đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch” – Ảnh: H.L chụp lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết suốt gần 2 năm qua, cả dân tộc dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường. Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc đồng bộ quyết liệt và đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Cả nước bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch.
Trong hành trình gần 600 ngày chống dịch đã chứng kiến nghĩa sống cao cả, đẹp đẽ, những hy sinh quả cảm, trái tim nhiệt huyết và tấm lòng nhân ái, tỏa sáng của lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ y tế.
Riêng đợt dịch thứ 4 có hàng chục ngàn cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên ngành y hăng hái, trực tiếp xung phong vào các điểm nóng, nguy hiểm nhất để tham gia tất cả công tác phòng chống dịch; từ việc lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám đến chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân…
Họ đã có những ngày tháng gác lại cuộc sống cá nhân, quên ăn, quên ngủ, quên những vất vả, mất mát để tham gia vào cuộc chiến cam go, chống dịch như chống giặc. Đổi lại là cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh. Và chính những con người kiên cường đó cũng rơi nước mắt khi có bệnh nhân tử vong.
“Trong hành trình gian nan đã chứng kiến nhiều anh chị em y, bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm bệnh, có người đã ra đi mãi mãi. Chúng ta không thể kể và ghi lại hết những gian nan, vất vả, khốc liệt, hy sinh của đội ngũ y tế, đặc biệt các y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong quá trình điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân”, Thủ tướng xúc động chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, ghi nhận và tri ân những hy sinh cao cả của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt đội ngũ y tế. Đồng thời thấu hiểu, chia sẻ những mất mát của lực lượng tuyến đầu.
Mặt khác, ông đánh giá qua đợt dịch, ngành y tế đã khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò khi có tình huống dịch bệnh bất ngờ đe dọa tính mạng người dân; đồng thời mong muốn các nhà chuyên môn ngành y tế bám sát, dự báo tốt tình hình để báo cáo các cấp đưa ra giải pháp phòng, chống dịch khoa học, kịp thời.
Dịp này, 138 cá nhân được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng tặng bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong chống dịch – H.L chụp lại
Chỉ đạo xây dựng đề án ngành COVID-19
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương hoàn thành chính sách hỗ trợ, chăm sóc lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế. Đặc biệt chỉ đạo Bộ Y tế có đề án xây dựng ngành COVID học để có những dự báo chủ động, kế hoạch phòng, chống dịch bài bản, không bị bất ngờ.
Thủ tướng chỉ đạo chăm lo người nghèo bị tác động bởi thiên tai, đại dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn vừa ký công điện gửi tới các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cả nước truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững nhân Ngày vì người nghèo Việt Nam.
Công điện nêu rõ, nhân Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10), Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xóa đói giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19 (Ảnh: Chínhphu.vn).
Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các Bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trên tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc, tổ chức thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức các phong trào, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả vì người nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Thủ tướng: 'Dứt khoát không để lỡ nhịp, không để nước ta tụt hậu' Thủ tướng lưu ý việc cấp bách, trọng tâm trong giai đoạn này là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân. Đây là những nhiệm vụ cấp bách được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại hội nghị về quan hệ...