Thủ tướng: Phải nghĩ sâu xa, không được tham bát bỏ mâm
“Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị phát triển ngành tôm.
Ngày 6/2, tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến bày tỏ phấn khởi khi người đứng đầu Chính phủ chủ trì một hội nghị chuyên đề về con tôm Việt Nam; đồng thời nêu rõ quyết tâm và trình bày nhiều giải pháp để kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước. Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm đến mốc đạt khoảng 10% GDP cả nước.
Về tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, những thương hiệu toàn cầu về tôm sẽ đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển.
Khẳng định “nuôi tôm chính là nuôi nước”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước cần mạnh dạn áp dụng, đưa tiến bộ KHCN vào xử lý nguồn nước cấp, nước nuôi và nước thải.
Thủ tướng bày tỏ, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương hiểu rõ sự lo ngại sự phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn của ngành tôm vào các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm.
Kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ.
Video đang HOT
Thủ tướng đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với loại tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại. Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này. Xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của địa phương.
Thủ tướng thăm khu vực trưng bày tôm giống tại một cơ sở sản xuất.
Các cơ quan Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống. Cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam, theo Thủ tướng, ngành cần phải cải thiện được năng suất trên cơ sở giảm được chi phí trung gian. Muốn vậy cần phải liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp, các nhà chế biến, cung ứng…
Về các vụ kiện bán phá giá, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam chân chính. “Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc nhở: “Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu”.
Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm Việt Nam. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản.
Bổ sung “tôm giống” vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá (theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.
Bộ Công Thương, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát lưu thông con giống, vật tư hóa chất, thuốc thú y, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất… trong ngành sản xuất tôm. Đặc biệt, trước mắt triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Theo Dantri
Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm việc dùng xe công đi lễ hội
Thủ tướng chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, cán bộ sử dụng xe công đi lễ hội sau Tết...
"Bất cứ một cán bộ công chức nào mà trong giờ hành chính đi lễ hội; bất cứ cơ quan nào dùng xe công đi lễ hội đều phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm tra, giám sát; đề nghị báo chí giám sát mạnh mẽ việc này".
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2017 của Chính phủ, ngày 3/2.
Tình trạng xe công được trưng dụng phục vụ cán bộ, công chức đi du xuân, lễ hội sau Tết khiến dư luận bức xúc.
Theo Thủ tướng, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 dài ngày đã kết thúc, do đó các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tồn tại tinh thần "Tháng Giêng là tháng ăn chơi".
Trước đó, trong phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2017, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, ngay từ những ngày đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung và triển khai giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch.
Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp điều hòa cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đi đôi với việc kiểm tra an toàn thực phẩm, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Tết. Sản xuất nông nghiệp ổn định và không có dịch bệnh xảy ra. Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt trên 1 triệu lượt, dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết. Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ.
An sinh xã hội được bảo đảm; đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, thăm hỏi, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật,... trong dịp Tết Nguyên đán; công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua nhân dân đón Tết an bình, đầm ấm, vui tươi, lành mạnh; an ninh; an toàn, trật tự xã hội được bảo đảm; hàng hóa phục vụ Tết đầy đủ, giá cả không biến động; các chương trình văn hóa trong dịp Tết phong phú, đa dạng, tạo ra các "món ăn" tinh thần tốt cho nhân dân; công tác chăm lo y tế cho nhân dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong đó nổi lên là vi phạm quy định an toàn giao thông còn diễn ra nhiều, số người chết vì tai nạn giao thông còn cao; nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương... Các cơ quan cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục để tập trung chỉ đạo trong các dịp lễ Tết tiếp theo, bảo đảm cho nhân dân đón Tết ấm cúng hơn, an toàn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2017, Thủ tướng đánh giá, các mặt kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai, chỉ đạo thực hiện; thu ngân sách nhà nước tháng 1 đạt kết quả đáng mừng; trong 15 ngày đầu tháng 1/2017, thu NSNN ước đạt 18,41 nghìn tỷ đồng, bằng 1,5% dự toán năm;...
Thủ tướng cũng yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc và thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Phải chấn chỉnh ngay các hoạt động làm ảnh hưởng đến đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; những biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội; tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội, du xuân.
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, cân đối thu-chi, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm. Quan tâm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, bảo đảm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao hơn năm 2016.
(Theo VNECONOMY)
Thủ tướng cấm công chức bỏ việc đi lễ hội sau Tết Cán bộ, công chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công đi hội, không liên hoan ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi các bộ ngành, địa phương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ông yêu cầu cán bộ,...