Thủ tướng Nhật Kishida chuyển đến dinh thự ‘ma ám’, nơi hai người tiền nhiệm tránh xa
Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, một thủ tướng Nhật Bản quyết định sống tại dinh thự chính thức dành cho người đứng đầu nội các – một công trình kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời cả thế kỷ nhưng bị phủ bóng bởi một lịch sử đáng ngại.
Ông Fumio Kishida là thủ tướng Nhật đầu tiên trong một thập kỷ qua quyết định sống trong dinh Thủ tướng, nơi bị ám ảnh bởi những biến cố lịch sử. Ảnh: Bloomberg
Vào chiều 11/12, Thủ tướng Fumio Kishida đã chuyển đến ngôi biệt thự hai tầng rộng 5.183 mét vuông, được khánh thành từ năm 1929.
“Đã lâu rồi kể từ lần cuối đến đây, và tôi cảm thấy thật tươi mới”, ông Kishida nói với các phóng viên. Vị Thủ tướng bổ sung thêm rằng chính ông đã đưa ra quyết định tới sống tại dinh thự này để tập trung cho các nhiệm vụ chính thức.
Dinh Thủ tướng Nhật Bản đã trải qua một cuộc cải tạo, hoàn tất vào năm 2005. Khi đó toà nhà được cho là đã được một thầy tu Thần đạo làm lễ trừ tà để xua đuổi những hồn ma mà một số người trong giới chính trị lo ngại đã ám ảnh nơi này trong nhiều thập kỷ.
Nhậm chức khoảng hai tháng trước, ông Kishida đã quyết định chuyển đến dinh thự cổ để gần văn phòng Thủ tướng hơn. Đây là một công trình bằng kính và thép được khai trương vào năm 2002, chỉ cách đó vài mét, cho phép Thủ tướng Kishida có thể nhanh chóng có mặt trong trường hợp khẩn cấp.
Hãng Jiji Press đưa tin, sau khi nhậm chức ông Kishida đã ở tạm tại một toà nhà dành cho các nhà lập pháp và sẽ là thủ tướng đầu tiên tới ở dinh Thủ tướng chính thức kể từ thời ông Yoshihiko Noda vào năm 2012.
Hai vị thủ tướng tiền nhiệm đã lựa chọn tránh xa nơi này. Người tiền nhiệm của ông Kishida là Yoshihide Suga lựa chọn sống trong khu nhà ở cho các thành viên quốc hội. Vị trí có thể đã giúp ông xoay sở với các nhà lập pháp mà không bị giới truyền thông nhòm ngó.
Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe sống tại tư gia ở quận Shibuya của Tokyo, cách Văn phòng khoảng 15 phút đi ô tô.
Video đang HOT
Theo báo chí Nhật, ngay cả khi nơi ở chính thức của Thủ tướng không có người ở, người đóng thuế Nhật Bản vẫn phải trả khoảng 160 triệu yên (1,4 triệu USD) mỗi năm để duy trì ngôi nhà.
Trên thực tế, cựu Thủ tướng Abe đã sống trong dinh Thủ tướng trong khoảng 10 tháng của nhiệm kỳ đầu tiên, vào năm 2006-2007. Sau thời kỳ đó, dinh thự này trở thành nơi ở của sáu thủ tướng có thời gian phục vụ ngắn ngủi, trung bình chỉ hơn một năm và được coi là nơi “không lành” cho một nhà lãnh đạo mới.
Ông Abe đã không quay trở lại dinh thự nói trên khi đảm nhiệm lại ghế Thủ tướng vào năm 2012 và trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.
Văn phòng làm việc của Thủ tướng Nhật Bản là một toà nhà hiện đại, nằm ngay cạnh Dinh Thủ tướng.
Nơi ở và văn phòng Thủ tướng ban đầu được xây dựng khi Tokyo tái thiết sau trận động đất kinh hoàng năm 1923 và được lấy cảm hứng từ Khách sạn Imperial do kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright thiết kế. Khách sạn này chính thức khai trương cùng ngày trận động đất tấn công Tokyo và nó vẫn sống sót sau trận đại địa chấn san bằng nhiều khu vực của thủ đô, giết chết hàng chục nghìn người.
Ba năm sau khi dinh Thủ tướng mở cửa, một số sĩ quan hải quân trẻ đã xông vào sát hại Thủ tướng Tsuyoshi Inukai vào năm 1932. Bốn năm sau, toà nhà này lại là nơi diễn ra một cuộc bạo loạn quân sự khác, nhưng khi đó Thủ tướng Keisuke Okada trốn trong tủ quần áo và sống sót. Năm người đã bị bắn chết và sau này một lỗ đạn vẫn được để lại phía trên cửa ra vào như lời nhắc nhở về cuộc nổi loạn xảy ra khi đất nước chìm trong chế độ quân phiệt.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori (ảnh) từng nói với ông Shinzo Abe rằng ông đã nhìn thấy ma trong Dinh Thủ tướng. Ảnh: DPA
Khi Nhật Bản hồi phục sau Thế chiến thứ hai và trong nhiều thập kỷ sau đó, không có cuộc tu sửa lớn nào tại Dinh Thủ tướng, toà nhà trở nên lỗi thời và bị nhiều nhân viên văn phòng nội các coi là một nơi ảm đạm. Theo tờ Sankei, cựu Thủ tướng Yoshiro Mori từng nói với ông Shinzo Abe rằng ông đã nhìn thấy những hồn ma ở đó.
Các hội trường lớn của toà nhà vẫn được sử dụng để tiếp đón các vị khách nước ngoài, chẳng hạn như Tổng thống George H.W. Bush. Tuy nhiên, ông Bush đã bất ngờ bị ốm và nôn thốc tháo trong bữa tiệc chiêu đãi năm 1992 ở đó.
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 8,6 tỷ yên (75,8 triệu USD) để biến dinh Thủ tướng thành một nơi có không gian như ở nhà. Các tác phẩm chạm khắc phức tạp và những căn phòng trang trí công phu của nó được phục hồi cẩn thận. Những đồ trang trí mang phong cách riêng vẫn được bảo tồn, bao gồm cả những bức chạm khắc hình con cú đá đứng canh bên ngoài.
Bây giờ tất cả những gì toà nhà này cần là phục vụ một cư dân mới.
Tân Thủ tướng Nhật Bản quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải
Tân Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ làm hết sức mình để đưa Nhật Bản thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, đồng thời quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải trong môi trường an ninh phức tạp hiện nay.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội ngày 8/10 (Ảnh: Reuters).
Sau khi nhậm chức vào ngày 4/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có những chính sách và định hướng cụ thể cho tương lai đất nước trong thời gian tới. Cụ thể, ông Kishida cho biết sẽ làm hết sức mình để đưa Nhật Bản thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, đồng thời bảo vệ lãnh thổ và người dân trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp hiện nay.
Quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19
"Tôi quyết tâm cống hiến hết sức mình để cùng người dân vượt qua cuộc khủng hoảng quốc gia, tạo ra một kỷ nguyên mới và truyền lại cho thế hệ tiếp theo một đất nước giàu mạnh", Thủ tướng Kishida nói trong bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Quốc hội với cương vị mới ngày 9/10.
Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ sẽ nhanh chóng đưa ra gói kích thích để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và thực hiện các bước lập pháp để đảm bảo nguồn lực y tế.
Ông Kishida không nêu rõ quy mô của gói kích thích trong bài phát biểu, nhưng vào tháng trước, ông đã đề xuất một khoản tiền trị giá 30 nghìn tỷ yên (tương đương 268 tỷ USD) nhằm hỗ trợ an sinh xã hội.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ những người có nhu cầu, đồng thời ông kêu gọi chi tiền mặt cho các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhằm khôi phục sản xuất.
Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ người lao động không thường xuyên, các gia đình có trẻ em và những người mất việc vì đại dịch.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki cho biết ông hy vọng sẽ có thêm một khoản ngân sách để tài trợ cho việc kích thích kinh tế ngay sau cuộc bầu cử và sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.
Tân Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại quyết tâm vượt qua lạm phát và cho biết ông sẽ thúc đẩy bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ, chi tiêu tài khóa và một chiến lược tăng trưởng trọng tâm. "Chúng tôi sẽ tiến hành chi tiêu tài khóa mà không do dự để ứng phó với các cuộc khủng hoảng và đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp có thể", ông nói.
Bảo vệ hòa bình và ổn định của Nhật Bản
Về an ninh quốc gia và đối ngoại, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ bảo vệ hòa bình và ổn định của Nhật Bản.
"Với môi trường an ninh xung quanh đất nước ngày càng trở nên khó khăn hơn, tôi sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, không gian trên không và tính mạng, tài sản của người dân", ông nói trước Quốc hội.
Trước tình hình Nhật Bản phải đối mặt với sự tăng cường quân sự nhanh chóng và sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, cũng như các mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Thủ tướng Kishida cho biết ông đã lên kế hoạch chiến lược an ninh quốc gia và nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển và phòng thủ tên lửa.
Về quan hệ với nước láng giềng như Trung Quốc, ông Kishida cho hay việc xây dựng quan hệ ổn định và duy trì đối thoại là quan trọng, nhưng Nhật Bản sẽ không ngại thẳng thắn chỉ trích khi cần thiết.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nơi nước này đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền một quần đảo do Nhật Bản quản lý ở biển Hoa Đông.
"Trong khi làm việc với các quốc gia mà chúng tôi chia sẻ các giá trị chung, chúng tôi nói những gì cần phải nói với Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu nước này hành xử có trách nhiệm. Chúng tôi cũng duy trì đối thoại và tiếp tục hợp tác với họ trong việc giải quyết các vấn đề chung", ông nói.
Ông Kishida gọi liên minh an ninh của Nhật Bản với Mỹ là "nền tảng của hòa bình và thịnh vượng thế giới". Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông có ý định xây dựng và củng cố hệ thống an ninh quốc phòng dựa trên liên minh đó.
Lộ diện 4 ứng viên thủ tướng Nhật 2 ứng viên nam và 2 nữ bắt đầu vận động tranh cử ghế chủ tịch đảng LDP cầm quyền để trở thành thủ tướng Nhật tiếp theo. Cuộc đua vào ghế đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền khởi động từ hôm nay, khi 4 ứng viên gồm Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, cựu ngoại trưởng Fumio Kishida,...