Thủ tướng Nhật được lợi từ vùng phòng không Hoa Đông
Xem ra căng thẳng leo thang ở Hoa Đông sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng xác định phòng không lại là diễn biến hữu ích cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Abe. Ảnh: wordpress
Theo giới phân tích, động thái bị coi là gây hấn lấn lướt của Bắc Kinh đang làm tăng sự ủng hộ với ông Abe.
Video đang HOT
Vùng xác định phòng không mà Bắc Kinh mới tuyên bố bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo. Các nhà lãnh đạo Nhật gọi động thái mới của Trung Quốc là một nỗ lực nguy hiểm để thay đổi hiện trạng và thề sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm xảy ra đúng lúc ông Abe phải đối mặt với một danh sách dài các vấn đề chính sách phòng vệ nóng bỏng, gồm kế hoạch cải tổ hiến pháp hòa bình, mang lại vai trò lớn hơn cho quân đội, gia tăng chi tiêu quốc phòng…
“Nó tạo cảm giác rằng, Trung Quốc là kẻ gây hấn, vì thế Nhật Bản cần nỗ lực và tập trung cho vấn đề an ninh quốc gia”, Narushige Michishita, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách Tokyo cho biết. “Nó chứng minh rằng, ông Abe đang đi đúng đường”.
Động thái của Trung Quốc còn khiến một số nhà lập pháp Nhật thúc đẩy các bước đi cụ thể để gia tăng áp lực với giới lãnh đạo trong việc củng cố tuần tra, giám sát khu vực Hoa Đông, nhanh chóng đối phó với máy bay và tàu thuyền Trung Quốc. Những bước đi ấy cũng là lý do hợp lý để tăng ngân sách quốc phòng Nhật.
Năm nay, lần đầu tiên trong hơn một thập niên, ngân sách này đã tăng sau khi ông Abe lên nắm quyền tháng 12 năm ngoái. Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất tăng 3% chi tiêu bắt đầu từ tháng 4 tới. Quan chức Nhật chỉ ra rằng, con số này khá khiêm tốn so với mức tăng hai con số của Trung Quốc gần đây.
Tăng cường quyền lực
Các chuyên gia an ninh và nhà lập pháp Nhật cũng xem xét tăng cường các cơ sở không quân trên các đảo vòng ngoài Okinawa, thậm chí là chế tạo tàu sân bay đầu tiên của Nhật kể từ Thế chiến II, để rút gọn thời gian phản ứng với những tình huống khẩn cấp quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia an ninh Nhật cho rằng, chính quyền của ông Abe cần thận trọng để không phản ứng thái quá với Vùng xác định phòng không, mà thay vào đó là thực thi những chiến lược ngoại giao thông minh. “Điều quan trọng nhất với Nhật là giữ cộng đồng quốc tế về phía mình”, Ken Jimbo, giáo sư an ninh khu vực Đại học Keio nói. “Nếu Nhật đi chệch hướng và có thể tự điều động máy bay ném bom, lập tức quan điểm toàn cầu sẽ thay đổi”.
Từ khi nhậm chức, ông Abe đã đưa ra chương trình nghị sự an ninh với các chính sách cả về ngắn lẫn trung hạn.
Tokyo cũng vừa thành lập Hội đồng An ninh quốc gia mới theo mô hình Mỹ, trao nhiều quyền lực hơn cho thủ tướng để điều phối chính sách và thu thập thông tin.
Sau thỏa thuận ký kết tại cuộc họp của các quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu Mỹ – Nhật hồi tháng 10, hai nước đang bàn thảo cách thức mở rộng liên minh an ninh với mục tiêu đưa ra các chỉ dẫn hợp tác quốc phòng mới trong vòng một năm. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong liên minh an ninh, Mỹ đã chỉ trích động thái lập Vùng xác định phòng không của Trung Quốc và điều động hai máy bay ném bom B52 tới vùng tranh chấp.
“Trung Quốc muốn tìm cách chia rẽ Mỹ và Nhật”, Akihisa Nagashima, nhà lập pháp đối lập, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật nói. “Giờ đây, quan hệ hợp tác an ninh của chúng tôi sẽ chỉ lớn mạnh hơn. Đó là kết quả không may với Trung Quốc”. Ở cuộc họp tháng 10, quan chức Nhật đã nói với những người đồng cấp Mỹ về kế hoạch sửa đổi hiến pháp hòa bình tồn tại sáu thập niên qua, để quân đội Nhật có thể ứng cứu và đối phó nhanh nhất trong trường hợp bị tấn công.
Về phần mình, Washington coi đây là diễn biến đáng hoan nghênh nhưng nhiều người Nhật đã phản đối khi cho rằng, điều này sẽ thúc đẩy quá trình quân sự hóa của đất nước họ, cũng như với cả một số láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo Vietnamnet