Thủ tướng Nhật đau đầu vì hàng loạt cố vấn “lỡ miệng”
Những bình luận gần đây từ các cố vấn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về quan hệ Nhật-Mỹ và quá khứ thời chiến đang khiến nhà lãnh đạo Nhật đau đầu, trong bối cảnh ông muốn giảm bớt các căng thẳng với đồng minh Washington giữa lúc căng thẳng khu vực gia tăng.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra lo lắng rằng ông Abe, người nhậm chức hồi tháng 12/2012 với cam kết vực dậy nề kinh tế, đang chuyển hướng nhiều hơn sang chương trình nghị sự mang tính bảo thủ để thúc đẩy quân đội Nhật và viết lại lịch sử với giọng điệu ít ăn năn hơn.
Quan hệ Mỹ-Nhật đã gặp “sóng gió” khi Thủ tướng Abe tới thăm đền chiến tranh Yasukuni hồi tháng 12 năm ngoái, làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc vốn xem ngôi đền là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật.
Chuyến thăm của ông Abe đã vấp phải tuyên bố “thất vọng” hiếm thấy từ phía Mỹ. Các nhà ngoại giao hi vọng rằng một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4 tới sẽ giúp giảm căng thẳng quan hệ song phương và thắt chặt liên minh, vốn là điểm mấu chốt trong chính sách an ninh của Tokyo.
Trả lời các câu hỏi trước quốc hội ngày 20/2, Thủ tướng Abe cho hay Nhật Bản đã gây ra nỗi đau lớn tại châu Á và những nơi khác trong quá khứ. Chính phủ của ông giữ nguyên những lời xin lỗi trong quá khứ và cánh cửa đối thoại vẫn mở với Bắc Kinh và Seoul.
“Như tôi đã nói trước đây, trong quá khứ nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, đã chịu nhiều tổn thất và đau đớn vì Nhật Bản. Chính phủ của tôi thừa nhận điều này, cũng giống như các chính phủ trước đây, và sẽ tiếp tục giữ lập trường này”, ông Abe nói.
“Trong thời kỳ hậu chiến tranh, chúng ta đã cho thấy điều đó và đã xây dựng một đất nước tự do và dân chủ dựa trên các quyền cơ bản của con người. Sẽ không có gì thay đổi trong đường hướng này”, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nhiều trong số các cố vấn của ông Abe ủng hộ chương trình nghị sự bảo thủ, bao gồm việc thúc đẩy một vị thế ít phụ thuộc hơn vào Mỹ và phản đối điều mà họ xem là quá ăn năn về những việc làm thời chiến của Nhật.
Những quan điểm trên được biết đến từ lâu, nhưng những bình luận công khai về chúng đang ngày càng thu hút sự chú ý trong năm đầu tại vị của Thủ tướng Abe, khi ưu tiên của ông là vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bằng chính sách tiền tệ và chi tiêu linh hoạt hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Hôm nay, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã ngày thứ 2 liên tiếp phải trả lời câu hỏi về các bình luận từ một cố vấn của ông Abe, lần này là cố vấn kinh tế Etsuro Honda.
Trong một cuộc phỏng ấn với tờ Wall Street Journal gần đây, ông Honda đã lên tiếng bảo vệ chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới đền Yasukuni và nói rằng Nhật Bản cần một nền kinh tế mạnh để có thể xây dựng một nền quân đội mạnh hơn và sánh ngang với Trung Quốc.
Tờ báo còn cho biết, ông Honda muốn “một đất nước không phải chịu ơn Mỹ như một người bảo trợ và không phải kiềm chế bởi sự nhạy cảm của các quốc gia láng giềng”.
Chánh văn phòng nội các Suga cho rằng những bình luận của ông Honda đã bị bóp méo.
“Điều tôi muốn nói đã không được truyền tải đúng. Tôi không bao giờ nói rằng chính sách kinh tế của ông Abe, được gọi là Abenomics, có mục đích quân sự”, ông Suga nhắc lại lời ông Honda.
Trước đó, hhôm 19/2, Chánh văn phòng Suga đã yêu cầu ông Seiichi Eto, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe, gỡ một đoạn video trên trang Youtube trong đó ông nói rằng ông thất vọng trước tuyên bố của Mỹ về chuyến thăm đền Yasukuni.
Ông Suga nói, các bình luận của ông Eto là quan điểm cá nhân và không phù hợp với lập trường của chính phủ Nhật.
Cũng trong ngày hôm nay, tân Giám đốc đài truyền hình NHK Katsuto Momii đã tiếp tục bị các nghị sĩ chỉ trích vì các bình luận gây tranh cãi của ông.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 1, ông Momii dường như muốn thanh minh cho các nhà thổ quân sự thời chiến của Nhật khi nói rằng tất cả các quốc gia thời chiến đều có các nhà thổ tương tự.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
Sự hồi sinh của ngoại giao Nga tại Đông Á
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những hoạt động ngoại giao bận rộn tại Sochi, nơi diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông hồi tuần trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sochi ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Putin đã có các cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 6/2) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngày 8/2). Các nhà phân tích cho rằng ông Putin đã "tận dụng" cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Á.
Từ trước đến nay, ông Putin tỏ ra ít quan tâm đến khu vực Đông Á mà thường dành tâm sức cho các vấn đề ở bên kia biên giới phía Tây và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã "mở cánh cửa" để ông Putin (với một đòn bẩy trên tay) bước vào khu vực Đông Á. Theo nhà nghiên cứu Liang Yunxiang tại Đại học Bắc Kinh, thì "cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều chú trọng đến mối quan hệ với nước Nga, vì họ hy vọng rằng ông Putin sẽ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh của khu vực và họ muốn có được sự ủng hộ của ông trong bối cảnh diễn ra tranh chấp trên quần đảo không có người ở này".
"Quần đảo không có người ở" này bao gồm 8 hòn đảo cằn cỗi. Nhật Bản hiện đang kiểm soát những gì mà họ gọi là quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông trong khi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đối với những hòn đảo mà họ gọi là Điếu Ngư. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Abe mới đây đều đã có mặt tại khu nghỉ mát nổi tiếng ở Biển Đen để gặp gỡ nhà lãnh đạo của Liên bang Nga.
Nước Nhật của ông Abe và nước Nga của ông Putin về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa giải quyết được vấn đề quần đảo Kuril. Trong nhiều thập kỷ, cả Tokyo lẫn Moskva đều kiên quyết không chịu nhượng bộ. Thời điểm hiện tại, một số người lại tin rằng ông Abe sẽ sẵn sàng giải quyết vấn đề đó. Phát biểu vào ngày 8/2 vừa qua, ông Abe cho rằng các cuộc đàm phán về quần đảo này sẽ diễn ra "rất nhanh". Bên cạnh đó, ông Putin được cho là sẽ thăm Nhật Bản vào mùa thu này.
Cách đây chưa lâu, người ta khó có thể hình dung rằng Nhật Bản và Nga có thể ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt tình trạng đối đầu từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai để có thể chuyển sang đàm phán về các hiệp định thương mại. Dù thành công hay không thành công, các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa hai ông Putin và Abe cho thấy một "sự hồi sinh" của ngoại giao Nga ở vùng Viễn Đông. Trong hai thập kỷ trước, đã có rất ít điều mà điện Kremlin có thể làm được ở Đông Á.
Bắc Kinh và Tokyo, xét cho cùng từng là những người bạn thân thiết của nhau. Nhật Bản trước đây đã hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế Trung Quốc thông qua viện trợ, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại người Nhật lại đang cắt dần các mối quan hệ kinh tế với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Chẳng hạn, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2013 đã giảm 5,1% so với năm 2012 (năm ghi nhận một sự suy giảm ở mức 3,9% so với năm 2011). Trong năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 4,3% và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản cũng giảm 23,5%.
Cho dù kết cục sẽ như thế nào thì cuộc tranh chấp hiện nay giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng đã "mở cửa" để ông Putin bước vào khu vực Đông Á với vai trò như "một trung gian mới đầy quyền lực". Ông Putin rõ ràng sẽ không để tuột mất cơ hội hiếm hoi này.
Theo Minh Đức
Baotintuc.vn/World Affairs
Trung, Nhật cùng "ve vãn" Nga Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong), các chuyên gia phân tích nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng các cuộc gặp của nhà lãnh đạo này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản bên lề Thế vận hội mùa Đông Sochi sẽ thúc đẩy sự tham gia sâu hơn nữa của Nga vào khu...