Thủ tướng nhận búa Chủ tịch ASEAN từ lãnh đạo Thái Lan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha, chuẩn bị cho năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Tối 4/11, tại Bangkok, trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.
Thủ tướng cho biết, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha.
Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.
Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân, Thủ tướng nói.
Video đang HOT
“Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”, Thủ tướng khẳng định.
Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra.
Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
“Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn ‘Gắn kết và Chủ động thích ứng’ là Chủ đề của năm ASEAN 2020″, Thủ tướng nêu rõ. Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau.
Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020, Thủ tướng bày tỏ.
“Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Zing.vn
ASEAN đoàn kết nắm lấy "Vòng cung vàng của những cơ hội"
Đoàn kết, thống nhất để vượt qua thách thức, đi tới thành công vẫn là khẩu hiệu được nhắc tới nhiều tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, vừa chính thức khai mạc tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35
Quan hệ đối tác và tình hữu nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh: "Chúng tôi tập hợp tại đây trong quan hệ đối tác và tình hữu nghị với thế giới để biến khu vực thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người". Theo ông Prayut Chan-o-cha, Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai.
Vượt qua chặng đường dài kể từ khi được thành lập vào năm 1967, từ một khu vực hỗn loạn, tranh cãi và bạo lực, từ một nơi được ví như "con tốt" trong Chiến tranh Lạnh, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành mảnh đất hòa bình, hợp tác và thịnh vượng, một khu vực đứng ở vị trí trung tâm cấu trúc kinh tế và an ninh chính trị của cả châu Á - Thái Bình Dương. Người dân Đông Nam Á, từng tách biệt và thiếu gắn kết, đang dần trở thành một cộng đồng văn hóa-xã hội mạnh mẽ.
Với dân số hơn 649 triệu người, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP lên tới 2.900 tỷ USD vào năm 2018 và là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 5,5%/năm, ASEAN có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, dù đang có nhiều thuận lợi, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa ở phần lớn các nước phát triển đang phủ đám mây đen lên nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh đến ASEAN. Bằng chứng là trong quý 2-2019, ngoại trừ Malaysia, hầu hết các nền kinh tế lớn khác của khu vực đều suy giảm. "Cuộc chiến" thương mại Mỹ-Trung cũng khiến thương mại và đầu tư của khu vực bị đe dọa.
ASEAN sẽ nắm bắt được cơ hội để vượt lên
Thêm vào đó, sự nổi lên của tình hình bất ổn trong khu vực khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. Phát biểu trong Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các cấp cao liên quan vào chiều 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: "Vừa qua có những sự việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN". Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng bày tỏ sự quan ngại về sự xuất hiện của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của nước này.
Thực tế đó đòi hỏi ASEAN phải đặc biệt quan tâm đến đoàn kết và thống nhất, yếu tố quyết định đưa đến thành công của khu vực trong hơn nửa thế kỷ qua. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chủ đề năm 2019 của ASEAN là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững" với mục tiêu gia tăng tính bền vững trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, gắn kết các mục tiêu phát triển của ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trên cơ sở đó, ASEAN sẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng của ASEAN trước các biến động của tình hình, tranh thủ thời cơ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư...
Khu vực cũng phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thị trường ASEAN chung và một cơ sở sản xuất tích hợp, kết nối và thống nhất. Hội nhập ASEAN sâu rộng hơn đồng nghĩa với việc thực hiện đầy đủ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hệ thống lưu trữ thương mại quốc gia, hệ thống lưu trữ thương mại ASEAN, hệ thống giao dịch hải quan ASEAN và các chương trình tự chứng nhận ASEAN.
Hai thập kỷ sắp tới sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc của tầng lớp trung lưu và trên trung lưu tại hành lang kinh tế Ấn Độ - ASEAN - Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "vòng cung vàng của những cơ hội". Nếu có tầm nhìn và năng lực vạch kế hoạch tốt, ASEAN sẽ nắm bắt được cơ hội này để vượt lên trong cuộc cạnh tranh gay gắt, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Theo ANTD
Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN ngay đầu tháng 11 Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 01/01/2020, nhưng việc tiếp nhận vai trò này từ Thái Lan sẽ diễn ra ngay trong đầu tháng 11/2019. Chiều 18/10 tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia ASEAN 2020 họp Phiên thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ...