Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: ‘Việt Nam là điểm đến an toàn’
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn một cách tự nhiên nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp.
Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra hôm qua (17/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong lịch sử, năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam đã được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch. Ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế cả nước. Không chỉ phòng và chống rất tốt mà chúng ta không để một trường hợp nào nhiễm virus nào rơi vào tình trạng nguy hiểm; đã chữa khỏi, cho ra viện 7/16 trường hợp nhiễm Covid-19.
Theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công bố hết dịch đối với các tỉnh đã bảo đảm điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh).
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng với việc chúng ta sẽ tiếp tục công bố số người ra viện trong thời gian tới, nhiều tỉnh sẽ công bố hết dịch theo quy định, trong khi nhiều địa phương như Vĩnh Phúc có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, khoanh vùng. Nhiều giải pháp mạnh mẽ được triển khai với sự vào cuộc của ngành Y tế, Công an, Quốc phòng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn một cách tự nhiên nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước.
Thủ tướng cho biết, có những ngành, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do dịch bệnh mà còn chuyển nguy thành cơ và nhiều lĩnh vực đã xử lý tốt như việc giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản. Nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản bằng đường biển, đường bộ được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp đã có các cách làm sáng tạo để bảo đảm quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng, không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. “Như tôi đã nói, phòng chống virus Corona không khó bằng phòng chống loại virus của sự trì trệ còn lây nhiễm đâu đó trong hệ thống của chúng ta.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý này. Phải chống bằng được loại virus này. Điều rất đáng mừng mà Chính phủ ghi nhận thấy là, vừa qua không có bất kỳ nơi đâu có biểu hiệu trên nóng dưới lạnh, hay trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần thực hiện tích cực, hành động quyết liệt hơn nữa để năm 2020 hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã thông qua. Hướng tới mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương bằng hành động sáng tạo, quyết tâm của mình cùng với phòng chống dịch phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các cấp, các ngành phải nhanh chóng, khẩn trương vào cuộc và tăng tốc. Theo Thủ tướng, khó khăn cũng chính là cơ hội vượt lên chính mình, kiến tạo lại những nền tảng có tính bền vững hơn và đạt được thành quả to lớn hơn trong năm 2020.
Nhấn mạnh tinh thần phòng chống dịch Covid-19 là phải bình tĩnh đương đầu và vượt qua, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong cả nước và người dân phải có phương án thúc đẩy, giữ nhịp điệu sản xuất, kinh doanh.
“Chúng ta nói hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân nhưng Chính phủ cũng không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng việc đẩy lùi được dịch mới chỉ là thành công một nửa; yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế, kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra.
“Chúng ta thấy trong xã hội, có những người hoang mang, lo lắng quá không cần thiết, “án binh bất động”, không làm việc, không hoạt động nhưng cũng có một bộ phận chủ quan, coi thường, không thực hiện đúng yêu cầu của ngành Y tế trong phòng chống dịch”, Thủ tướng nói và mong muốn người dân yên tâm, tin tưởng, đặt niềm tin và ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Bởi, theo Thủ tướng, cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc, nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng hợp tác của người dân thì sẽ thất bại.
Thủ tướng cũng đề nghị người dân phát huy phẩm chất quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc khó khăn, xây dựng hình ảnh người Việt Nam mến khách, nghĩa hiệp.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bởi, Chính phủ bảo đảm không chỉ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất mà còn môi trường sống tốt nhất cho người dân, nhà đầu tư đến Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.
Theo thông tin của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch Covid-19, tính đến 17h ngày 17/2, cả nước phát hiện 16 ca mắc bệnh. Trong đó, 7 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. 9 bệnh nhân còn lại đang được cách ly và điều trị trong các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tuyến trung ương.
Hiện có thêm 6 bệnh nhân đã khỏi bệnh, với kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên đều âm tính với Covid-19, bao gồm 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh và 4 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến ngày 18/2, cả 6 bệnh nhân này ra viện, nâng tổng số người được điều trị khỏi Covid-19 tại Việt Nam lên 13/16 bệnh nhân.
Minh Ngọc
Theo PLVN
Phòng, chống dịch nCov: Quyết liệt nhưng không gây hoang mang
Chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành về phòng, chống dịch do virus Corona (nCov) gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Ảnh: Thống Nhất
7 - 10 ngày tới, dịch có thể đạt đỉnh điểm
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay từ đầu, giới chuyên môn và Bộ Y tế đã nhận định đây là căn bệnh dễ lây và khó phòng. Bệnh lây qua 3 đường là qua không khí, qua tiếp xúc với người bệnh và lây qua bề mặt. "Theo nhận định chung của các nhà khoa học, dịch có thể đạt đỉnh trong 7 - 10 ngày tới" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cung cấp thêm, ngày 3/2 có 194 người nhập cảnh vào Việt Nam nhưng đều là người Việt chứ không có người Trung Quốc. Về xuất cảnh, có hơn 1.000 trường hợp và đều là người Trung Quốc. "Chúng ta tạm yên tâm là toàn bộ đường biên vẫn ngăn chặn triệt để, không có chuyện người Trung Quốc vào Việt Nam" - ông Long khẳng định.
Ngoài ra, tất cả trường hợp vào Việt Nam, đều bị cách ly 14 ngày và được đảm bảo đủ điều kiện. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động cách ly được triển khai 3 vòng. Vòng 1: Tất cả người bệnh, nghi nhiễm bệnh, người đi và đến từ Hồ Bắc đều được coi là người bệnh, phải cách ly tuyệt đối tại bệnh viện. Vòng 2: Cách ly các trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc từ Trung Quốc về, cách ly tại chỗ 14 ngày, không cho họ đi quá phạm vi gia đình. Vòng 3: Những người tiếp xúc xung quanh với người nhiễm. "Phải coi mỗi người như vậy là một ổ dịch và triển khai cách ly ngay, để lây ra rất khó phòng" - ông Long nói.
Theo Bộ LĐTB&XH, có 29.000 lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, trong số này có trên 27.000 người về quê ăn Tết, số đã trở lại làm việc là trên 12.000 người, 64 người đã được cách ly khi trở lại. Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Bộ đề nghị dừng tiếp nhận người lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Việt Nam.
Có biện pháp quyết liệt, đồng bộ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra cho biết, đến nay phương pháp xét nghiệm đã tốt hơn nhưng thuốc đặc trị chính thức chưa có. Khẳng định Ban chỉ đạo đã họp và có những chỉ đạo hết sức cụ thể, Phó Thủ tướng cho hay, ngành y tế cộng với quân y và công an sẵn sàng triển khai đến từng cơ sở. Ngành y tế đã có phương án trong trường hợp có 1.000 người nhiễm virus Corona, thực tế có thể đáp ứng tới 3.000 ca.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét hiệu quả bước đầu của việc phòng, chống dịch nCoV là tốt, cơ sở vật chất đảm bảo, triển khai tốt hệ thống bệnh viện giữa các địa phương, các ngành và đơn vị quân đội. Tốc độ lây lan dịch vì thế thấp. "Chúng ta huy động được đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực này. Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thanh Hóa đã điều trị khỏi và cho xuất viện trường hợp người Trung Quốc và Việt Nam bị nhiễm virus Corona" - Thủ tướng thông tin.
Nhận định dịch Corona đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan. Bởi theo nhận định trong tuần này và tuần sau sẽ là thời điểm bùng phát của dịch. "Việc chúng ta có biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn là rất cần thiết" - Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý kiên quyết không đưa người trong vùng dịch về Việt Nam, về Việt Nam rồi thì cương quyết cách ly trong 14 ngày và giải quyết các mối quan hệ khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần chủ động giữ nhịp độ phát triển. Nông nghiệp, công thương, du lịch cần tái cơ cấu nguồn khách, các bộ có biện pháp cụ thể của bộ ngành mình, không chủ quan nhưng cũng không bi quan. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát cụ thể phương án ứng phó, nhưng không gây hoang mang, chủ động, tập trung phòng chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch nCoV tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chiều 4/2. Ảnh: Dương Ngọc
Hà Nội: Chủ động các phương án không để dịch lây lan
Ngày 4/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiểm tra công tác công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn như Đa khoa Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang và BV Bắc Thăng Long.
Theo đó, các BV đều đã xây dựng kế hoạch ứng phó với nCoV theo 3 tình huống, gồm: Chưa ghi nhận ca bệnh tại BV; BV bắt đầu tiếp nhận ca nhiễm nCoV và dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đối với mỗi tình huống, các BV đề ra các biện pháp triển khai cụ thể. Ngoài ra, các BV xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân cụ thể, tổ chức khu vực khám sàng lọc, khu vực cách ly, điều trị... với việc trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu, thuốc men, kiện toàn các tổ điều trị tại chỗ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12 giờ ngày 4/2, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc nCoV. Trong số 35 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV, hiện đã có 27 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV, 8 trường hợp tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Sở Y tế đã bố trí 5 bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân, gồm: BV Đa khoa Đức Giang, BV Đa khoa Hà Đông, BV Đa khoa Đống Đa, BV Bắc Thăng Long và BV Thanh Nhàn.
Đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh nCoV của các BV, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở y tế, từ đó cách ly, khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan là vấn đề vô cùng quan trọng.
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, lãnh đạo của các BV phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, nhất là tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP để có những phương án đối phó kịp thời. Mặt khác, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong công tác lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, chẩn đoán ca bệnh nCoV.
Theo Kinhtedothi
Không chấp nhận văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nguệch ngoạc, lai căng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam không chỉ cần phấn đấu là một cường quốc kinh tế mà còn phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới gọi là thành công. Cần giữ gìn văn hóa đất nước cho xứng đáng với truyền thống oai hùng 4.000 năm Chiều nay (8/11), sau khi kết thúc phần chất vấn...