Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản
Trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới…
Tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Chính phủ, Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Nhật Bản, đã đón tiếp trọng thị Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản vừa qua, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh: TTXVN)
Hai Thủ tướng nhất trí hai bên cần tăng cường phối hợp đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, triển khai tốt các thỏa thuận, Tuyên bố chung hai bên đã nhất trí trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai Thủ tướng cũng nhất trí hai nước cần tập trung nỗ lực sớm phê chuẩn và đi vào triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm mang lại lợi ích cho hai quốc gia và cả khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Hai Nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN-Nhật nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Sin-dô A-bê tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) – ASEAN vào tháng 9/2018 tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về bước phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, trong đó chuyến thăm Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đi vào chiều sâu. Quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước tiếp tục có nhiều tiến triển tích cực. Hiện Pháp là đối tác kinh tế quan trọng của hàng đầu Việt Nam ở châu Âu.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược, an ninh-quốc phòng, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mac-rông nhất trí mở rộng tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời của lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Pháp và mời Thủ tướng Pháp sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019 và sẽ chuyển lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Thủ tướng Pháp.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ảnh: TTXVN)
Ngay sau phiên họp Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagard và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng ý kiến tư vấn của các tổ chức WB và IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp. Tổng Giám đốc WB và IMF bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, nhiều rủi ro.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ngân hàng thế giới tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi IDA.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF phối hợp theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam; tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quản lý ngân sách bền vững, tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng, thống kê kinh tế vĩ mô…
Tổng Giám đốc WB Kristalina Georgieva khẳng định WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định IMF và cá nhân Bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Lãnh đạo WB và IMF dự WEF – ASEAN tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres (ảnh: TTXVN)
Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ủng hộ các nỗ lực và đóng góp của cá nhân Tổng Thư ký đối với việc tăng cường vai trò của ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các công việc chung của Liên hợp quốc.
Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ cá nhân ông mong muốn được thấy Việt Nam trở thành thành viên tích cực của Hội đồng Bản an Liên hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) – ASEAN và thăm Việt Nam. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.
Tại các cuộc gặp, tiếp xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng cùng quan tâm.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Thủ tướng đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada
Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, chiều 8/6, theo giờ địa phương, tức sáng sớm 9/6 theo giờ Việt Nam, tại bang Québec, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự sự kiện Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Canada.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc toạ đàm. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Việt Nam đến với Québec, Thị trưởng Québec, bang Québec, ông Régis Labeaume đã thông tin về sự năng động của doanh nghiệp và thành phố, mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Ngài Thị trưởng nhấn mạnh đến những lĩnh vực mà Québec có thế mạnh như công nghiệp điện tử, năng lượng, môi trường, vật liệu, dịch vụ tài chính, khoa học đời sống, khởi nghiệp...
Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada, ông Vincent Joli-Coeur đánh giá cao những cải cách, đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua, đồng thời đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Vincent Joli-Coeur cho biết, trong số những quốc gia mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện thì Việt Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng hoàn thiện các tiêu chuẩn không chỉ về cơ sở hạ tầng mà cả đạo đức kinh doanh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Canada về một nền kinh tế Việt Nam năng động, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện và luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có những con số ấn tượng như tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017, thu nhập bình quân theo ngang giá sức mua là 6.800 USD.
Thủ tướng thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá cao về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, nhất là về độ mở nền kinh tế với việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Gần đây là tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada là một trong số các quốc gia thành viên đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế và như vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế...
Đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada, Thủ tướng thông tin Việt Nam đang tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kể cả những lĩnh quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada nói chung, thành phố Quebec nói riêng tham gia mua cổ phần, trở thành đối tác cổ đông chiến lược.
Dẫn ví dụ cụ thể để minh chứng về tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến Dự án liên doanh đa quốc gia: Nhà máy điện năng lượng mặt trời có quy mô 168MW với số vốn 150 triệu USD vừa được khởi công mới đây tại tỉnh Ninh Thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến kiến trao bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 nước. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN.
Gợi mở những tiềm năng hợp tác cấp quốc gia giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên tinh thần Tuyên bố chung giữa hai nước, Việt Nam xác định Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Nền kinh tế hai nước có tiềm năng to lớn, có tính bổ trợ cho nhau cao hơn là tính cạnh tranh. Đặc biệt Việt Nam có một nền nông nghiệp nhiệt đới phong phú, bổ dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều thế mạnh trong các sản phẩm công nghiệp khác.
Với tiềm năng đó, Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được mong đợi và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam. Hai bên cần tích cực nỗ lực để phấn đấu tăng cao hơn nữa các chỉ số này trong thời gian tới.
Ngay tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Canada. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Việt Nam tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ là số lượng mà còn coi trọng cả chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường cho người dân và xã hội tốt nhất. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao...
Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hàng năm hàng trăm nghìn lao động và đều qua đào tạo ngoại ngữ. Là quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bên cạnh Tiếng Anh, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp và một số ngôn ngữ quốc tế khác nhằm mục tiêu tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
TTXVN
Thủ tướng: Biển Đông phải là vùng biển hòa bình, an toàn, không quân sự hóa... Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khu vực Biển Đông - Đông Nam Á, nơi hàng năm lưu thông 50% lượng hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu, phải là vùng biển hòa bình, an toàn. Việt Nam hoan nghênh G7 ủng hộ lập trường chung...