Thủ tướng: Năm 2013 quyết giữ lạm phát 6 – 6,5%
“Kiềm chế được lạm phát như năm qua là mừng nhưng chưa vững chắc, chủ yếu do… được mùa. Sức ép cho năm 2013 còn rất lớn. Mục tiêu năm tới không chế lạm phát thấp hơn năm nay (6,78%), nghĩa là chỉ khoảng 6-6,5%” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Kết thúc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao báo cáo kiểm điểm nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm trong công tác điều hành đất nước năm 2012.
Thủ tướng phân tích, kết quả kiềm chế lạm phát đạt được đến thời điểm này (6,78%) là đáng mừng nhưng chưa vững chắc, như các chuyên gia tư vấn chỉ ra, chủ yếu do… được mùa. Sức ép lạm phát tăng cao trở lại trong năm 2013 còn rất lớn. Việc duy trì được mức tăng trưởng 5-5,2% là một nỗ lực lớn nhưng nếu làm tốt có thể đạt cao hơn. Việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn với 3 khâu đột phá chiến lược (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng) được triển khai nhưng còn chậm.
Thủ tướng: “Tôi đã nhận lỗi vì công tác điều hành còn nhiều hạn chế, khuyết điểm”.
Thủ tướng chỉ rõ, việc tái cơ cấu đầu tư công phải làm sao chống được tình trạng dàn trải để nâng cao hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu hiện tượng, dư luận, người dân đã phê bình nhiều về việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả lâu nay nhưng không chuyển biến. Thủ tướng chỉ đạo tới đây nhất quyết phải khắc phục tình trạng này.
Tái cơ cấu ngân hàng có chuyển biến bước đầu nhưng so với yêu cầu gắn với xử lý nợ xấu, hàng tồn kho nhiều mặt còn lúng túng. Đề án tái cơ cấu ngân hàng sẽ được Chính phủ tiếp tục bàn bạc chiều nay để báo cáo Bộ Chính trị.
Video đang HOT
Về vấn đề sắp xếp lại DNNN, Thủ tướng đề nghị rà soát lại nhân sự lãnh đạo cũng như phương án quản trị DN. Vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu, theo ông Dũng, có ý nghĩa quyết định thành công của các tập đoàn, TCty.
Thủ tướng dẫn chứng cụ thể, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang bị các tổ chức, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế lên tiếng “ca thán” về thủ tục, về nạn nhũng nhiễu, về chính sách kém ưu đãi.
Thủ tướng kể chuyện trao đổi với Đại sứ Nhật Bản, đối tác đầu tư lớn nhất hiện tại chỉ ra, thể chế chính sách tại Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều nước khác; hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường bộ…) không đầy đủ; nguồn nhân lực chất lượng cao quá thiếu.
Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội bức xúc trong năm vẫn chưa giải quyết được đáng kể. Thủ tướng cho rằng, năm tới cần tập giải quyết nhanh, bền vững chỉ tiêu giảm nghèo. Có những vùng, khu vực tỷ lệ hộ nghèo tới 40-50% là việc “không chấp nhận được”, phải quyết tâm xử lý.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề nguy hiểm hiện nay là tội phạm lợi dụng Internet. “Vừa qua chúng ta gần như buông lỏng, không có phản ứng hiệu quả để đối phó với tình hình này. Nhất định không để nhen nhóm các hoạt động tổ chức chống chế độ ở bất cứ địa bàn nào” – Thủ tướng nói.
“Thay mặt Chính phủ, tôi đã nhận lỗi vì điều hành còn nhiều hạn chế khuyết điểm. Kiểm điểm công tác điều hành không phải để phê phán, khẳng định thành tích không phải để ca ngợi lẫn nhau mà để làm tốt hơn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua 2 ngày thảo luận, các Bộ ngành, địa phương cơ bản đồng tình với những mục tiêu tổng quát Chính phủ đề ra trong năm 2013 với 9 nhóm giải pháp, 28 giải pháp cụ thể. Người đứng đầu Chính phủ nhắc, các mục tiêu đặt ra không hề dễ dàng, đòi hỏi cơ quan điều hành phải quán triệt, thực hiện quyết liệt.
Năm 2013 cần chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn 2012 (6,78%), nghĩa là ở khoảng 6-6,5%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá của năm ngay trong quý I – thời điểm mức tiêu dùng tăng cao vì có tháng tết. Đồng thời cùng nhấn mạnh giải pháp bình ổn giá, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng gây sốt giá.
Về các cân đối lớn của vĩ mô, Thủ tướng nhắc Thống đốc NHNN phải chịu trách nhiệm điều hành cung ứng tiền, giữ cho được mức lãi suất phù hợp. Biểu dương NHNN đã điều hành tỷ giá tốt, giúp ổn định tỷ giá ngoại tệ trong 2 năm qua, Thủ tướng ghi nhận, nhờ việc này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ 10 tỷ USD lên 23-24 tỷ USD chỉ trong 10 tháng.
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, đóng băng BĐS, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục phiên thảo luận về đề án lập công ty xử lý nợ xấu, gắn với xử lý hàng tồn kho, bất động sản ế đọng… vào ngày mai.
Theo Dantri
Chủ tịch TP HCM nhận trách nhiệm về yếu kém trong điều hành
"Thay mặt UBND TP và cá nhân, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những yếu kém, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành", Chủ tịch UBND TPHCM đã thẳng thắn nhận lỗi trong phiên bế mạc kỳ họp lần 7, HĐND TP khóa VIII.
Sau 4 ngày làm việc, sáng 7/12, kỳ họp HĐND TPHCM đã tiến hành phiên bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng bên cạnh những thành tựu đã đạt được của TP, vẫn còn bộc lộ những hạn chế yếu kém và một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt kết quả như đã đề ra. Trong đó, tình trạng mất an ninh trật tự, tội phạm cướp giật, tệ nạn ngày càng gia tăng, đời sống của một bộ phận lao động còn nhiều khó khăn.
Lý giải về những mặt chưa đạt được, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình thế giới có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng đến Việt Nam..., nguyên nhân chủ quan là do năng lực tham mưu của một số Sở, Ngành còn hạn chế...
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình vì những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành. "Thay mặt UBND thành phố và cá nhân, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những yếu kém, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành đã được các vị đại biểu góp ý, nghiêm túc rút kinh nghiệm để có giải pháp tích cực", Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, trong thời gian tời, TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục những vấn đề bất cập, yếu kém, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Bảy giải pháp mà Chủ tịch Lê Hoàng Quân đưa ra gồm: tập trung giải quyết khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giám sát thị trường tín dụng, cải thiện môi trường, tăng cường quản lý đô thị, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạng phòng chống tham nhũng... Đặc biệt là TP phải tập trung đảm bảo trật tự an ninh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội kết hợp đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tấn công truy quét các loại tội phạm, chuyển hóa địa bàn...
Năm 2013, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của thành phố trong thời kỳ hội nhập, phát triển...
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013. Có 26 chỉ tiêu thành phố sẽ phải hoàn thành trong năm 2013 như tăng trưởng GDP trên địa bàn tăng từ 9,5% trở lên, GDP bình quân theo đầu người đạt khoảng 4.000 USD, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 248.500 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng cả nước (8%)...
Theo Dantri
Nhiệm vụ "sát sườn" cho 4 Bộ trưởng vừa đăng đàn Bộ trưởng Công thương cần báo cáo về an toàn thủy điện vào kỳ họp cuối năm tới. Bộ trưởng Xây dựng phải giải quyết được tình trạng đóng băng bất động sản. Thống đốc NHNN phải lành mạnh hóa được hệ thống ngân hàng vào năm 2015... Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn...