Thủ tướng muốn nâng gói tài khóa từ 30.000 tỷ lên 150.000 tỷ, thậm chí cao hơn
Bên cạnh đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tính toán đồng thời giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, có gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu để chống lại tác động từ dịch Covid-19, bao gồm: nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ.
Chính phủ Việt Nam cũng có động thái tương tự thể hiện qua việc ban hành Chỉ thị 11, với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khoá 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dừng lại ở con số 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa. Với gói tài khoá cũng như vậy, không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.
Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, xác định rõ lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông nhấn mạnh không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19.
Đề cập tới việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nói việc hỗ trợ này cần thực hiện với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.
Thủ tướng cũng nêu rõ nhất quán tinh thần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo đó, Chính phủ chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, sớm có kịch bản điều hành không để bị động; bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp;
Kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu; đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19.
Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, vấn đề an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu.
Việc xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.
Về công nghiệp và xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”; xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm.
T.Công
Video đang HOT
Các gói hỗ trợ doanh nghiệp: Phải đến đúng chỗ
Thiếu nguyên liệu đầu vào và tắc đầu ra là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay.
Để "cứu" doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế nói chung, Chính phủ vừa quyết định sẽ tung gói tín dụng 250.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi và 30.000 tỉ đồng miễn giảm thuế cho DN khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19.
Các chuyên gia, DN cho rằng đây là giải pháp kịp thời và cần thiết. Song song với gói trên, cần nhiều giải pháp đi kèm thì mới phát huy hiệu quả tốt.
Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM:
Mong được giãn nợ hơn là đưa tiền mặt
Thiếu nguyên liệu và tắc đầu ra là khó khăn nặng nhất đối với các DN sản xuất. Do đó, điều mà các DN sản xuất cần hỗ trợ cấp bách lúc này từ phía Chính phủ và các ngân hàng (NH) là giãn nợ, giảm lãi suất giúp họ vượt khó khăn hơn là đưa tiền mặt. Đưa tiền mặt cho DN sản xuất lúc này thì họ cũng phải trả nợ, phải đáo hạn cho NH.
Hiện nay, các DN sản xuất gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn. Ví dụ, một số công ty Việt Nam sản xuất lốp xe, ống cao su nhưng các nhà máy sản xuất ô tô ở các nước như Hàn Quốc đang ngưng trệ thì công ty Việt cũng không thể bán được hàng. Khi không bán được hàng thì không có tiền trả tiền vay nợ NH trong khi áp lực trả nợ và lãi suất phải trả hằng tháng lại rất lớn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nắm tình hình khó khăn của DN từng ngành hàng để có sự hỗ trợ hợp lý, chính xác. Bởi đối với một số ngành thì gói tín dụng hỗ trợ lúc này là cần thiết nhưng đối với các ngành như nhựa, cao su thì dù được bơm tiền mà vẫn tắc đầu ra thì không giải quyết được gì. Do đó, cái họ cần là kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra. Nói cách khác, gói vay hỗ trợ này sẽ có tác dụng khi thị trường hồi phục, còn hiện tại NH nên tập trung hạ lãi suất vay, khoanh nợ cho DN sẽ thiết thực hơn.
Ông TRẦN VĂN LĨNH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước:
Tránh để tiền hỗ trợ bị trục lợi
Tổng cả hai gói tín dụng và tài khóa lên đến trên 280.000 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Hai gói này sẽ giúp DN ổn định sản xuất, ổn định nền kinh tế nhưng rủi ro lớn có thể xảy ra là lạm phát và trục lợi chính sách.
Hiện tại, chưa rõ các điều kiện để DN có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ này nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là phải xác định đúng DN thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và đúng địa chỉ. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể dẫn đến nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững. Từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói này. Xin dẫn chứng trong ngành thủy sản, có thời điểm ngành nuôi cá tra xuất khẩu được hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi để tiếp tục nuôi trồng nhưng thực tế lại rất ít người nuôi nhận được.
Vì vậy, Chính phủ, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ phân bổ, đúng DN, đúng ngành và phải hợp lý. Có như vậy mới tránh được tình trạng nguồn vốn hỗ trợ này chảy vào túi nhóm lợi ích, trục lợi chính sách, khi đó lợi bất cập hại.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Ảnh: QH
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU:
Tiền nhiều chưa giải quyết được vấn đề
Trung Quốc là một công xưởng của thế giới nhưng hiện nay, do dịch họ không thể cung cấp hàng hóa đầu vào cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào đòn bẩy ngoại thương, phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu.
Thành ra khi nhập khẩu bị ảnh hưởng thì xuất khẩu cũng ảnh hưởng và nó ảnh hưởng rất mạnh đến nền kinh tế. Sản xuất hàng hóa bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt đoạn, Việt Nam cũng chịu chung số phận.
Hiện có rất nhiều DN đang đứng trên bờ vực của sự mất và thiếu thanh khoản, tức là không đủ tiền, đang gặp khó khăn tài chính. Bởi thế gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng rất cần thiết, nó như phao cứu sinh cho những DN này. Bên cạnh đó, đối với những đơn vị đang vay NH mà gặp khó khăn thì cần phải khoanh nợ, giãn nợ cho họ.
Thế nhưng đó chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài không thể chỉ giải quyết khó khăn bằng tiền. Vì nếu có bơm bao nhiêu tiền vào nền kinh tế thì với tình cảnh khó đầu vào lẫn đầu ra, DN có tiền cũng không thể sản xuất hàng hóa được.
Hơn nữa, gói tín dụng hỗ trợ lại dựa vào các NH thương mại. Nếu các NH thương mại không có đủ vốn thì liệu họ có lấy ra hỗ trợ cho DN vay ưu đãi, lãi suất thấp... hay không lại là chuyện khác nữa. Ngoài ra, còn yếu tố nợ xấu, vì hiện tại các DN đang đói vốn nhưng cho vay không cẩn thận thì vòng nợ xấu có thể lại quay trở lại.
Vì vậy, tôi cho rằng bên cạnh giải pháp tiền tệ thì Chính phủ, cơ quan quản lý cần phải có giải pháp xúc tiến thương mại để đa dạng hóa đầu vào, đầu ra, làm sao để DN có hàng để sản xuất và có khách hàng để bán ra
Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt:
Tiền phải tới doanh nghiệp càng nhanh càng tốt
Tình hình ngành du lịch đang rất tồi tệ, u ám, DN không tính toán trước được kế hoạch kinh doanh vì dịch COVID-19 chưa được khống chế. Vì thế, DN phải cắt giảm nhân sự, chỉ giữ lại bộ khung để hoạt động.
Gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng cần phải triển khai càng nhanh càng tốt. Cần liều thuốc tiếp sức nhanh trước khi DN "chết" hàng loạt vì từ khi có gói hỗ trợ đến lúc triển khai rồi tới DN là rất lâu.
Bên cạnh việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đối với những công ty du lịch rất cần Chính phủ xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN vì tình hình kinh doanh từ nay đến cuối năm, thậm chí sau khi khống chế được dịch thì vẫn rất khó khăn. Hiện DN đang đóng mức thuế thu nhập DN 20%/năm, đề nghị Chính phủ xem xét, giảm xuống 10%/năm.
Cần phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, cho rằng cần phải thấy gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng đến từ cam kết cho vay tín dụng từ các NH thương mại, không phải lấy từ ngân sách. Gói này dùng để hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp và ưu đãi so với thông thường.
Với gói 30.000 tỉ đồng, chủ yếu là các biện pháp chính sách tài khóa như miễn giảm thuế. Ví dụ như miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị y tế; giảm thuế VAT, thuế thu nhập; giảm tiền thuê đất; miễn giảm phí, lệ phí như phí cầu đường, phí tham quan... Đây là gói hỗ trợ rất quan trọng và thể hiện thái độ chia sẻ khó khăn của Nhà nước với cộng đồng DN.
Tuy nhiên, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
"Bên cạnh đó, song hành với hai gói hỗ trợ này thì cần dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và DN yên tâm làm ăn hơn" - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa công bố kết quả khảo sát trên 1.200 DN về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh. Theo đó, 74% DN nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài sáu tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay NH, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20%-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Qua khảo sát, những DN có doanh thu tăng là những DN sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước.
Đối tượng được gia hạn, hoãn, giãn thuế
Ngày 10-3, Bộ Tài chính công bố dự thảo, lấy ý kiến công khai nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ví dụ, với thuế giá trị gia tăng, sẽ gia hạn số thuế phát sinh phải nộp thêm năm tháng.
Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Các đối tượng trên sẽ nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 15-12-2020.
QUANG HUY - PHƯƠNG MINH
Theo PLO.vn
Cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng Trước nỗi lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, nhiều ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng nhằm rà soát mức độ thiệt hại, lên phương án giảm lãi suất. ồng thời, nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng được...